Gã trùm mafia từng gây ám ảnh nước Ý

Chủ Nhật, 13/06/2021, 10:31
Đầu tháng 6-2021, Giovanni Brusca, một trong những thành viên chủ chốt của mafia Sicilia, Ý, được ân xá sau 25 năm ngồi tù. Giovanni Brusca được biết tới là một tên sát thủ tàn bạo, từ thập niên 1970 đến 1990, Giovanni đã hạ sát tất cả những người ngáng đường mafia, từ thẩm phán, quan chức chính phủ tới những đứa trẻ vô tội… mà không hề cảm thấy hối hận.


Hắn được biết đến sau khi ám sát thẩm phán đi đầu trong công tác chống tội phạm có tổ chức Giovanni Falcone cùng vợ, và bắt cóc rồi giết hại con trai của một ông trùm dám phản bội mafia Ý. 

Brusca bị bắt năm 1996 và lĩnh án tù chung thân. Trong thời gian thụ án, hắn khai với cảnh sát Ý tất cả những thông tin hắn nắm giữ về mafia Cosa Nostra. Nhờ hợp tác với cơ quan chức năng, Brusca đã được giảm án từ chung thân xuống 25 năm. Việc hắn được ân xá khiến nước Ý phẫn nộ.

Sát thủ mafia Giovanni Brusca khi còn trẻ.

Tên xã hội đen “nhà nòi” 

Giovanni Brusca sinh năm 1957 tại tỉnh San Giuseppe, Sicily và xuất thân từ một gia đình xã hội đen khét tiếng: cha của hắn là sát thủ Bernado Brusca, còn ông cố nội và ông nội của hắn đều là những ông trùm.

Brusca sớm quen với nếp sống giang hồ từ khi rất nhỏ. Hắn bắt đầu thường xuyên lui tới nhà tù để thăm cha từ khi mới 5 tuổi, và khi lớn hơn một chút, Brusca sẵn sàng bao che cho những tên tội phạm trốn truy nã. Hắn còn được gia đình giao cho nhiệm vụ lau chùi và sắp xếp kho vũ khí của người cha sát thủ.

Năm 18 tuổi, Giovanni Brusca đã tước đi sinh mạng đầu tiên trong đời và chỉ 1 năm sau, hắn lại bắn chết một nạn nhân ngay trước rạp chiếu phim đông đúc. “Thành tích” của gã khiến “ông trùm của mọi ông trùm” Salvatore Riina để mắt đến hắn và Brusca sớm trở thành lái xe cho tên mafia Bernardo Provenzano.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Brusca bắt đầu “sự nghiệp” vấy máu của mình. Đầu tiên, hắn được giao nhiệm vụ tra tấn để ép nạn nhân khai ra những gì mafia muốn biết, tuy nhiên chẳng nạn nhân nào chịu hé ra nửa lời do họ hiểu rằng dù gì họ cũng sẽ bỏ mạng. Cuối cùng, Brusca và đồng bọn sát hại nạn nhân để bịt đầu mối, rồi phi tang thi thể những người xấu số. 

Trong cuốn hồi kí của mình, Brusca khẳng định hắn chưa bao giờ thấy hối hận. Brusca thậm chí còn không quen biết bất kì người nào hắn từng lấy mạng, và hắn không có bất kì động cơ nào để giết hại họ. Có một lần, Giovanni nhận lệnh hạ gục một mục tiêu, nhưng hắn không rõ mặt nạn nhân mà chỉ biết người này lái xe kéo. Có 3 người lái xe kéo đi qua, và hắn giết luôn cả ba.

Giovanni Brusca đã bắt cóc em Giuseppe di Matteo để ngăn cha của em là ông trùm Santino di Matteo hợp tác với cảnh sát.

Ám sát thẩm phán danh tiếng Giovanni Falcone

Giovanni Brusca đã khởi đầu một cuộc chiến ác liệt giữa mafia và Chính phủ Ý. Vào thập niên 1980, Brusca là thành viên trong “đội xử tử” của ông trùm Salvatore Riina và hắn được giao nhiệm vụ ám sát các thẩm phán cùng cảnh sát đang công khai đối đầu với xã hội đen. 

Tháng 7-1983, mục tiêu đầu tiên của Brusca và đồng bọn là ông Rocco Chinnici -  thẩm phán vùng Palermo. Tên “đồ tể mafia” đã cài bom dưới xe ô tô của thẩm phán. Cú nổ mạnh đến mức xe ô tô của ông Chinnici đã bị thổi tung lên 3 tầng nhà, lấy mạng thẩm phán cùng 2 vệ sĩ, làm bị thương 20 người qua đường.

Sau khi ông Chinnici thiệt mạng, thẩm phán Giovanni Falcone đã trở thành gương mặt mới của phong trào tiêu diệt xã hội đen tại Ý. Ông Giovanni Falcone đã sớm nhận ra sự hoành hành của mafia tại Ý từ khi còn nhỏ.

Sau khi tốt nghiệp khoa Luật trường Đại học Palermo, Falcone theo học Học viện Hải quân Ý nhưng cha của ông cho rằng tính cách Falcone không hợp với quân đội nên đã khuyên con tiếp tục học Luật. Năm 1964, ông trở thành nhân viên tòa án, Falcone dần quan tâm các vụ án hình sự. Tuy vậy, ông lại được bổ nhiệm thẩm phán ở Tòa án Trapani và Marsala năm 1978, và chỉ được xử những vụ phá sản.

Ông Falcone bắt đầu làm thẩm phán ở Tòa án Palermo năm 1980, sau khi cấp trên của ông là thẩm phán Cesare Terranova và Cảnh sát trưởng Boris Giuliano bị giết hại năm 1979. Thẩm phán Rocco Chinnici, người thay thế ông Terranova lãnh đạo đội điều tra, cũng chỉ trụ được 4 năm và qua đời do bị mafia hạ sát năm 1983.

Đầu tháng 5-1980, người kế nhiệm ông Boris Giuliano để điều tra mạng lưới buôn ma tuý của mafia là tướng Emanuelle Basile cũng bị mafia lấy mạng. Chỉ 1 ngày sau đó, thẩm phán Gaetano Costa kí 55 lệnh bắt những tên buôn ma tuý thuộc 3 gia tộc mafia Spatola, Inzerillo và Gambino trong khi tất cả các thẩm phán khác đều không dám kí. 

Đồng thời, ông Costa cũng chỉ định Flacone bắt đầu chuyên án Spatola, hợp tác với cảnh sát New York để điều tra gia tộc Inzerillos, và đây là nỗ lực chống xã hội đen có quy mô lớn nhất nước Ý trong một thập kỉ. Tuy nhiên, những hành động dũng cảm của ông Costa đã bị lộ và ông bị nhà Inzerillo giết hại ngày 6-8-1980. Ngay ngày hôm sau, ông Falcon bắt đầu được một đội cảnh vệ bảo vệ.

Thẩm phán Giovanni Falcone - nạn nhân bị Giovanni Brusca giết hại sau khi kết án hàng trăm tên mafia.

Dù phải chịu đựng áp lực tinh thần khủng khiếp, thẩm phán Falcone đã khởi xướng một kĩ thuật điều tra mới rất có hiệu quả: sử dụng kĩ năng ông thu thập được khi xử các vụ phá sản của doanh nghiệp, ông theo dấu mafia dựa trên những khoản thu chi của chúng. Falcone cũng là thẩm phán đầu tiên ở Ý hợp tác với cảnh sát nước ngoài, từ đó phát hiện ra thị trường ma tuý quốc tế.

Năm 1981, chỉ 1 năm sau khi bắt đầu chuyên án Spatola, Falcone đã kết tội thành công 74 tên mafia. Sau đó, ông cùng người bạn thân Paolo Borsellino tham gia vào một nhóm chuyên trách chống mafia bao gồm nhiều thẩm phán chung chí hướng và được thẩm phán Rocco Chinnici dẫn đầu.

Với sự giúp đỡ cũng đồng nghiệp, Falcone bắt đầu một chiến dịch bắt giữ mafia lớn chưa từng thấy ở Ý. Từ tháng 2-1986 đến tháng 1-1992, Falcone và đồng nghiệp đã kết án tới 300 tên mafia, bao gồm “ông trùm của những ông trùm” Salvatore Riina.

Vào năm 1990, công việc của ông Falcone bị cản trở khi nhiều tên mafia được trắng án dựa vào một số lỗ hổng pháp luật, còn Chính phủ Ý thì quyết định điều đình với các ông trùm, yêu cầu các thẩm phán ngừng xử án nhằm tránh đổ máu. Dù vậy, ông Falcone và ông Paolo vẫn tiếp tục kết án thêm một số mafia, kể cả những tên vừa thoát tội. 

Đến lúc này, hai người bạn chính thức trở thành mục tiêu lớn nhất của xã hội đen và cả 2 đều bị ám sát bằng bom đặt trên xe ô tô năm 1992. Sát thủ Giovanni Brusca chính là kẻ đứng đằng sau cái chết của vợ chồng thẩm phán Falcone và 2 đặc vụ chống khủng bố.

Sau khi ám sát 2 thẩm phán, ông trùm Riina liên tục ra lệnh cho Brusca và đàn em ám sát cảnh sát, gài bom vào các cơ quan nhà nước thế nhưng cơ quan chức năng Ý đã đi trước một bước bằng cách bắt giữ tên mafia Santino Di Matteo và Santino đã khai tất cả. Những lời khai của Santino đã dẫn đến vụ bắt giữ “ông vua mafia” Riina đầu năm 1993 và Riina phải nhận án chung thân trong cùng năm.

Vụ bắt cóc và giết người tàn bạo của ông trùm nhằm bịt miệng kẻ phản bội

Sau khi Riina vào tù, sát thủ Brusca đã leo lên hàng đại ca. Mệnh lệnh đầu tiên của Brusca là bịt miệng kẻ phản bội Santino. Thế nhưng lúc đó Santino đang được cảnh sát bảo vệ trong tù, vậy nên Brusca đã bắt cóc cậu con trai mới 12 tuổi của Santino là Giuseppe di Matteo.

Đàn em của Brusca đã giả danh cảnh sát, dụ dỗ Giuseppe bằng cách nói rằng chúng có thể đưa em đi gặp bố, lúc đó đang ngồi tù. Brusca lúc này không có ý định giết nạn nhân, mà chỉ muốn gây sự ép để Santino ngừng khai báo với cảnh sát.

Cậu bé tội nghiệp bị giam giữ, đánh đập và bỏ đói, thậm chí tên sát thủ máu lạnh Brusca còn chụp ảnh Giuseppe, gửi cho gia đình em. Ông trùm Santino lúc đó đã rất nỗ lực đàm phán với lũ mafia nhằm cứu con, nhưng cũng vô ích. 

Cuối cùng, sau khi giam giữ cậu bé Giuseppe suốt 779 ngày mà Santino vẫn không ngừng hợp tác với cảnh sát, Brusca đã giết chết cậu bé bằng cách siết cổ. Sau đó, hắn cùng đồng bọn phi tang thi thể nạn nhân bằng cách dìm xác Giuseppe trong bể axit. 

Nghi thức phi tang truyền thống của mafia Ý mang tên “lupara bianca” này có 2 mục đích; che giấu các bằng chứng của tội ác, và khiến cho thân nhân nạn nhân không thể cử hành được tang lễ trọn vẹn.

Nhờ hợp tác với cảnh sát, cựu mafia Santino được ân xá tháng 3-2002. Cho dù bị nhiều người cảnh báo cũng như đe dọa vì tội phản bội đồng bọn, ông Santino nhất quyết không bỏ xứ mà vẫn quay về quê hương và chung sống cùng vợ. 

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Santino cho biết mình sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân vì cái chết của con trai: “Tôi vẫn nghĩ về chuyện đó hàng ngày, và băn khoăn tại sao những kẻ thủ ác có thể tàn độc đến mức đó với một đứa trẻ. Trước đấy, tôi luôn nghĩ rằng con trai tôi sẽ không gia nhập băng đảng khi trưởng thành và thay vào đó, sẽ trở thành một bác sĩ thú y”.    

Tháng 7-2018, gần 2 thập kỉ sau cái chết thương tâm của Giuseppe, gia đình Santino đã được chính phủ đền bù 2,2 triệu euro và khoản tiền này được trích từ quỹ hỗ trợ nạn nhân mafia do nhà nước thành lập.

Brusca Giovanni bị bắt giữ ngày 20/5/1996.

Sát thủ mafia sa lưới

Ngày 20-5-1996, Giovanni Brusca bị bắt khi đang lẩn trốn ở vùng thôn quê Sicilian. 400 cảnh sát bao vây căn nhà của Brusca và khi bị bắt, hắn đang xem một bộ phim tài liệu về thẩm phán Falcone - nạn nhân bị hắn giết hại 4 năm trước. Cả 2 anh em Brusca đã đầu hàng do không thể chống trả hàng trăm cảnh sát thiện chiến.

Khi Brusca bị giải vào đồn cảnh sát Palermo, tất cả các cảnh sát ở đó đã ăn mừng, hò reo và ôm chầm lấy nhau trong niềm hân hoan, thậm chí một cảnh sát đã qua mặt bảo vệ, xông vào đấm gục tên mafia khét tiếng. Một số đặc tình còn quyết định gỡ bỏ lớp cải trang vì đối với họ, chỉ cần tên “đồ tể” này bị bắt giữ thì họ sẽ không còn phải sợ hãi gì nữa.

Giờ đây, khi được ân xá, nhiều người đặt câu hỏi liệu gã có quay trở lại con đường cũ hay không.

Huyền Thi
.
.