Gia tăng lừa đảo nhà đất bằng giấy tờ giả
Theo ước tính của Công an TP Hà Nội thì thời gian vừa qua, có tới 50% số vụ lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản đều liên quan đến giấy tờ giả. Giấy tờ giả - từ hồ sơ dự án (đối với các dự án sắp hoặc đang triển khai) đến sổ đỏ (đối với các khu nhà đã ở ổn định) - đều được tội phạm sử dụng làm phương tiện để người dân tin, tự rút hầu bao đưa tiền cho chúng.
Trong những phi vụ mua bán "dự án ma" bằng tiền thật với số tiền bị mất trắng nhiều tỉ đồng - thậm chí lên tới cả trăm tỉ đồng - đang diễn ra mỗi ngày một nhiều, ngoài nguyên nhân là những bất cẩn của người bị hại, còn có một nguyên nhân khác. Đó là, khi khách hàng mua nhà đất trong các dự án sắp hoặc đang triển khai, muốn kiểm tra thông tin về tính xác thực của nó, họ không biết hỏi ai…
Mua "biệt thự ma" bằng tiền thật
Nguyễn Hồng Minh, 41 tuổi, trú tại Nơ 6B, Bán đảo Linh Đàm giờ đã bị tạm giam. Nhưng tháng 3/2010, khi Minh đến giao dịch tại tiệm cầm đồ và môi giới bất động sản ở số 517 đường Nguyễn Trãi, Hà Nội thì Minh còn đang là Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng DELTA. Minh đề nghị ông Vũ Ngọc Khanh, chủ tiệm, cho Minh vay tiền và tài sản thế chấp chính là ngôi biệt thự liền kề ô số 1, dãy B, lô BT07, Khu đô thị mới Việt Hưng, Long Biên.
Bộ hồ sơ của ngôi biệt thự Minh trưng ra gồm 3 loại giấy tờ. Thứ nhất là Bản hợp đồng số 18/HUD-KD ngày 5/8/2008 của Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Xây dựng về việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở và đất ở của ngôi biệt thự trên cho Nguyễn Hồng Minh. Thứ hai là hai phiếu thu số 08 và số 16 của Tổng Công ty thu số tiền 4,6 tỉ đồng của Nguyễn Hồng Minh đặt mua căn biệt thự nói trên. Thứ ba là Biên bản nghiệm thu hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng công trình xây dựng số 68 của Tổng Công ty cho Nguyễn Hồng Minh.
Nhận thấy, đây là bộ hồ sơ hoàn chỉnh chứng minh Nguyễn Hồng Minh là chủ sở hữu của ngôi biệt thự liền kề, ông Trương Tuấn Nghĩa, trú tại phố Triều Khúc, quận Thanh Xuân, người có mặt tại nhà ông Khanh khi Minh đến giao dịch vay tiền, ngã giá mua đứt căn biệt thự này với giá 6 tỉ đồng và Minh chấp thuận.
Ngay ngày hôm sau Minh cùng vợ là Phạm Thị Hà đến Văn phòng Công chứng Hà Đông hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng ngôi biệt thự nói trên cho ông Nghĩa. Cùng ngày hôm đó, ông Nghĩa trả cho vợ chồng Minh số tiền 1 tỉ 950 triệu đồng. Trong các ngày 6 và 9/4/2010, ông Nghĩa tiếp tục chuyển tiền cho vợ chồng Minh và tổng số tiền của 3 lần là 5.116.600.000 đồng. Số tiền còn lại hai bên thỏa thuận sẽ chuyển trước tháng 5/2010.
Tuy nhiên, vào ngày 25/4, trước khi chuyển nốt số tiền còn lại, ông Nghĩa đến Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị để làm thủ tục sang tên căn biệt thự đã mua của Minh thì mới biết một sự thật khiến ông bàng hoàng: Chủ sở hữu căn biệt thự đó không phải là Minh.
Nhưng ông Nghĩa không phải là nạn nhân duy nhất. Cùng chung cảnh ngộ với ông Nghĩa là ông Nguyễn Thanh Tùng ở ngõ 629/18 Kim Mã. Cũng vẫn với bộ hồ sơ tương tự như đã giao cho ông Nghĩa, cũng vẫn ngôi biệt thự liền kề ô số 1, dãy B, lô BT07, Khu đô thị mới Việt Hưng, Nguyễn Hồng Minh còn bán cho ông Tùng với giá 7,5 tỉ đồng, đặt cọc trước 2,6 tỉ đồng.
Khi Cơ quan điều tra xác minh tại Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị thì được biết: căn biệt thự đó đã được bán hợp pháp cho ông Phạm Tuấn A. ở phố Bà Triệu theo Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà và sử dụng đất ở số 365 ngày 5/5/2008 chứ không phải là Hợp đồng số 18/HUD-KD ngày 5/8/2008 như trong bộ hồ sơ mà Nguyễn Hồng Minh đã giao cho cho các ông Nghĩa và Tùng.
Hai bộ hồ sơ nói trên, theo kết quả giám định của Viện Khoa học Hình sự (Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm ) đều là giả. Sau này, khi bị bắt tạm giam, Minh thừa nhận đã thuê một thanh niên tên là Hùng ở bến xe Hà Đông chế tạo ra 2 bộ hồ sơ nói trên với giá 185 triệu đồng. Hai bộ hồ sơ giả đó, sau này Minh đã chuyển cho các ông Nghĩa, Tùng để chiếm đoạt của họ số tiền gần 8 tỉ đồng.
Nhưng không chỉ có vậy. Cùng thời điểm bán biệt thự “ma” cho các ông Nghĩa, Tùng, Minh còn mua rất nhiều tờ phiếu thu có dấu của Tổng Công ty Phát triển nhà và đô thị do Hùng làm giả. Bằng các tờ phiếu thu giả này, Minh tiếp tục lừa bán rất nhiều các suất đất liền kề thuộc Dự án khu đô thị Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội và các căn hộ chung cư thuộc Khu đô thị Văn Quán, Hà Đông. Tổng cộng Minh đã bán đất, nhà cho 14 người và chiếm đoạt trên 8 tỉ đồng.
Nguyễn Hồng Minh trong phiên tòa mới nhất cuối tháng 3/2012. |
Thủ đoạn dùng giấy tờ nhà đất giả để lừa đảo ngày càng phổ biến
Theo Công an TP Hà Nội, thời gian vừa qua, có tới 50% số vụ lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản đều liên quan đến giấy tờ giả. Các hành vi làm giả giấy tờ nhà đất ngày một gia tăng. Thượng tá Phan Cao Thu, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) cho biết, đơn vị này đã phát hiện, bắt giữ khá nhiều vụ án lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản, trong đó bọn tội phạm sử dụng giấy tờ giả làm công cụ, phương tiện phạm tội.
Cuối năm 2001, Phòng PC46 đã bắt giữ Hà Anh Tuấn, một đối tượng không nghề nghiệp đã làm giả giấy tờ nhà đất, chiếm đoạt của 9 nạn nhân số tiền trên 16 tỉ đồng. Sau khi tìm hiểu một số thông tin về Khu đô thị mới Vân Canh, Hà Anh Tuấn đã tự chế ra hàng loạt các văn bản giả để lấy đó làm bùa phép lừa đảo.
Tuấn nói dối rằng mình là “con ông cháu cha" nên có trong tay một số suất đất ngoại giao ở Dự án Vân Canh nên bán với giá hời hơn so với giá thị trường. Để chứng minh, Tuấn trưng ra cho người mua 2 loại giấy tờ gồm: Công văn số 2224/HUD ngày 20/1/2010 của Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng HUD1 thông báo về việc bán suất đối ngoại. Cuối văn bản có con dấu và chữ ký của ông Dương Tất Khiêm, Giám đốc Công ty HUD1.
Kèm theo thông báo này là Biên bản thỏa thuận được ký giữa bên bán (bên A) là Công ty HUD1 với bên mua (bên B) là Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam, có nội dung bên A đã nhận của bên B số tiền 4 tỉ đồng để đặt cọc mua các căn hộ liền kề gồm liền kề 36 có 27 lô, liền kề 37 có 4 lô, liền kề 40 có 15 lô, diện tích trung bình mỗi lô đất là 100m2, giá gốc 7,5 triệu đồng/m2.
Tin vào các giấy tờ này, những người có nhu cầu mua nhà tại Dự án Vân Canh đã giao tiền cho Hà Anh Tuấn mà không hề biết rằng, tất cả đều là giả. Sau này, khi bị bắt, Hà Anh Tuấn đã khai nhận toàn bộ quy trình chế tạo các giấy tờ giả nói trên như sau: Do vợ Tuấn làm việc tại Tổng Công ty Đảm bảo hoạt động bay nên y đã lấy trộm những giấy tờ, văn bản có chữ ký, con dấu thật của Tổng công ty mà vợ Tuấn lưu giữ, sau đó phô tô hình dấu và chữ ký của các vị lãnh đạo để ghép vào những văn bản giả mạo mà Tuấn tự soạn thảo nội dung. Hình dấu và chữ ký của lãnh đạo Công ty HUD1, Tổng Công ty HUD cũng được Tuấn photocopy lại từ những văn bản có thật khác rồi ghép vào văn bản giả.
Cũng với thủ đoạn tương tự, Lê Hồng Bàng (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sàn bất động sản Việt Nam) cùng đồng bọn tự tạo dựng và mạo nhận là chủ đầu tư 4 dự án gồm: Dự án 683, Lộc Hòa, Cửu Long và Phương Đông tại các địa điểm thuộc xã Minh Khai (huyện Từ Liêm, Hà Nội) để thu tiền chiếm đoạt hơn 340 tỉ đồng của 271 người mua nhà.
Tại phiên tòa xét xử Lê Hồng Bàng vào cuối năm 2011, nhiều bị hại đã thừa nhận, họ tin rằng đó là dự án có thật vì khi tới công ty của Bàng họ đã tận mắt nhìn thấy toàn bộ sơ đồ của dự án được Bàng treo khắp nơi. Quá trình điều tra, Bàng mới chỉ khắc phục được tiền cho 131 người, còn hơn 202 tỉ đồng chưa có khả năng thanh toán.
Công an TP Hà Nội khám xét trụ sở Công ty Cổ phần sàn bất động sản Việt Nam. |
Sẽ còn diễn biến phức tạp
Trong vụ án Nguyễn Hồng Minh cũng vậy. Dù đã xảy ra đã gần 2 năm, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử 4 lần mà vẫn chưa kết thúc vì nhiều lý do khác nhau. Hôm 27/3 vừa qua, phiên tòa được mở lại lần thứ 4 sau 3 lần hoãn trước đó nhưng rồi cuối cùng lại hoãn để điều tra bổ sung. Trong số 16 người bị hại, chỉ có duy nhất một người được bồi thường 670 triệu đồng, còn tất cả đều mất trắng. Gặp họ tại phiên xử lần thứ 4, tất cả đều ngao ngán bởi họ hầu như hết hy vọng vào chuyện được bồi thường. Trả lời câu hỏi của PV Chuyên đề ANTG: "Vì sao không xác minh tính hợp pháp của những bộ hồ sơ nhà đất đó trước khi đặt cọc số tiền lên tới nhiều tỉ đồng để mua nhà?", những người bị hại cho biết: "Bởi vì việc xác minh không hề đơn giản".
Khi mua nhà dự án, để tránh bẫy lừa đảo của bọn tội phạm, Thượng tá Phan Cao Thu khuyến cáo, người dân trước khi giao tiền hãy xác minh xem toàn bộ hồ sơ, giấy tờ của dự án là thật hay giả. Bằng các giám định khoa học, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hà Nội hoàn toàn có khả năng đưa ra câu trả lời chính xác. Về thủ tục, Đại tá Nguyễn Văn Quyền, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hà Nội, cho biết, công dân, tổ chức có nhu cầu thẩm định giấy tờ trong giao dịch mua bán nhà đất cần làm đơn đề nghị, có xác nhận của chính quyền địa phương sau đó chuyển đến Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hà Nội, địa chỉ 40 Hàng Bài để xem xét giải quyết. |
Thượng tá Phan Cao Thu cũng cho rằng, việc những người mua nhà trong các dự án bất động sản tự tìm đến chủ đầu tư để xác minh về tính hợp pháp của căn hộ chung cư, lô đất liền kề hay căn biệt thự mà họ định mua không hề dễ dàng. Khi bán nhà, doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng bán cho một người duy nhất và bản hợp đồng đó là duy nhất. Tuy nhiên, căn hộ, lô đất, ngôi biệt thự đó sau này đã được mua đi bán lại nhiều lần, qua nhiều người thì doanh nghiệp không thể biết được.
Tìm hiểu tại một số doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng, đã và đang là chủ của nhiều dự án bất động sản trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi cũng được biết, hiện chưa có một quy định nào bắt buộc chủ đầu tư phải công khai danh sách người mua. Đồng thời, cũng chưa có bất kỳ một quy định nào buộc chủ đầu tư phải có nghĩa vụ trả lời người dân khi họ yêu cầu cung cấp thông tin về khách hàng mua nhà trong các dự án. Hơn nữa, thông thường trong mỗi dự án đều có một hoặc nhiều nhà đầu tư thứ cấp nên chủ dự án không thể nắm hết được chi tiết từng khách hàng.
Một điều tra viên thuộc Công an TP Hà Nội từng điều tra nhiều vụ án lừa đảo bất động sản còn cho biết, bọn tội phạm đã đánh vào tâm lý kín đáo của những người kinh doanh bất động sản. Việc mua bán nhà nhiều khi được giữ kín, không ồn ào và việc không tìm hiểu, xác minh về tính xác thực của dự án cũng một phần vì lý do đó. Chỉ đến khi biết mình là nạn nhân của vụ lừa đảo, họ mới làm đơn tố cáo tới các cơ quan bảo vệ pháp luật thì khi ấy các đối tượng đã cao chạy xa bay hoặc số tiền chiếm đoạt đã bị chúng tiêu xài hết, không còn khả năng khắc phục, bồi thường.