Giãy giụa ở "chân tường"

Thứ Năm, 13/07/2017, 10:33
Phát biểu trên truyền hình quốc gia vào rạng sáng ngày 11-7 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã chính thức tuyên bố chiến thắng trước nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại thành phố Mosul, đánh dấu thất bại lớn nhất của IS kể từ khi nhóm này tuyên bố thành lập 3 năm trước.

Cùng với chiến thắng ở Iraq, những chiến thắng quan trọng của quân đội Syria trên hầu hết các chiến trường đã dồn IS vào đường cùng. IS sẽ như thế nào sau 2 cuộc chiến ở Iraq và Syria đang được cả thế giới quan tâm?

Mới chỉ là xóa sổ "thủ đô" của "Vương quốc Hồi giáo"

Mosul, thủ phủ của tỉnh Nineveh và là thành phố lớn thứ hai của Iraq, đã bị IS kiểm soát kể từ tháng 6-2014, nay được hoàn toàn giải phóng, sau 266 ngày giao tranh ác liệt. Giải phóng Mosul có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố nói chung và với IS nói riêng, bởi Mosul từng là thủ đô trên thực tế của IS.

Tại đây vào năm 2014, thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đã tuyên bố thành lập cái gọi là "Vương quốc hồi giáo", bao trùm các vùng lãnh thổ rộng lớn của Iraq và Syria. Do vậy, sự thất thủ của Mosul là biểu trưng cho sự sụp đổ hoàn toàn của IS ở Iraq.

Thủ tướng Iraq tới Mosul chúc mừng chiến thắng của lực lượng an ninh và người dân trước IS. Ảnh: Al-Masdar News.

Thủ tướng Iraq Abadi nêu rõ: "Tại đây, tôi tuyên bố về sự kết thúc và thất bại cũng như sự sụp đổ của nhà nước khủng bố lừa dối và chủ nghĩa khủng bố mà những phần tử IS đã tuyên bố từ Mosul".

Có thể thấy rõ, việc quân đội Iraq và các lực lượng ủng hộ Chính phủ Iraq giải phóng hoàn toàn thành phố Mosul đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố.

Nỗi lo hậu chiến

Các chuyên gia cảnh báo các lực lượng an ninh Iraq và liên quân không được phép "ngủ quên trên chiến thắng" và đây chưa thể coi là ngày tàn của IS khi có quá nhiều thách thức phía trước. Cuộc chiến tiêu diệt hoàn toàn khủng bố IS chỉ là sự khởi đầu của việc giải quyết hàng chuỗi các xung đột, mâu thuẫn sắc tộc khác trong khu vực.

Khủng bố IS đang bị đánh bật khỏi 2 thành trì quan trọng là Mosul ở miền bắc Iraq và Raqqa tại miền đông Syria. Tuy nhiên, ngay cả khi khủng bố IS thua trận thì cuộc chiến thực sự mới bắt đầu. Giải quyết mâu thuẫn tồn tại hơn 80 năm qua ở khu vực này sẽ là bài toán khó nhất mà chính người dân Iraq hay Syria phải tìm ra lời giải. Trước tiên, đó là thách thức về khủng hoảng nhân đạo và tái thiết thành phố.

Người dân Mosul vui mừng với chiến thắng. Ảnh: WBUR.

Chiến thắng đi cùng một cái giá không hề nhỏ: Thành phố lớn thứ hai Iraq đã bị tàn phá gần như hoàn toàn, hàng nghìn người thương vong, trong khi hàng triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa. Ngoài ra, nhiều chuyên gia lo ngại về tiến trình hòa giải hậu chiến. Tình hình tại Mosul và nhiều khu vực khác ở Iraq rất phức tạp bởi nhiều phe phái và cộng đồng sắc tộc sẽ nhanh chóng tìm cách tranh giành quyền lực. Thù hận và mâu thuẫn đã bị khoét sâu từ khi IS kiểm soát Mosul, và việc IS bị đánh bại có thể sẽ dẫn đến bạo loạn cũng như các vụ giết chóc, đẩy thành phố lại rơi vào vũng lầy xung đột.

Một thách thức nữa là phải đối phó với sự hiện diện của IS ở khắp mọi nơi. Theo nhà phân tích Patrick Martin thuộc Viện Nghiên cứu chiến tranh, giải phóng Mosul không đồng nghĩa với việc xóa sổ IS. Trên thực tế, tổ chức khủng bố này “vẫn đang kiểm soát những vùng thành thị rộng lớn”, nhất là ở Syria và cả ngay tại Iraq. Nếu các lực lượng an ninh không có những biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu, IS vẫn có thể sẽ lại trỗi dậy.

IS hiện vẫn đang kiểm soát các thị trấn ở phía bắc Iraq như Tal Afar và Hawijah, cũng như phần phía tây tỉnh Anbar của Iraq. Để cố giữ tàn dư của “Vương quốc Hồi giáo”, tổ chức khủng bố này nhiều khả năng sẽ tập trung vào một chiến lược mà chúng đang theo đuổi là các cuộc tấn công nhỏ lẻ và đánh bom khắp nơi, thay vì tìm cách đánh chiếm các vùng lãnh thổ như đã làm trước đây. Mục tiêu của chúng là phủ nhận tuyên bố của Chính phủ Iraq về sự sụp đổ của “Vương quốc Hồi giáo” và Iraq có thể tiếp tục chìm trong bạo loạn.

Mối đe dọa IS chưa thể kết thúc trong một sớm một chiều, bởi chúng có thể sẽ tìm cách tái tập hợp lực lượng và tiến hành các vụ tấn công trả thù trên khắp thế giới. Thất bại tại Mosul có thể sẽ buộc IS phải tìm một mảnh đất khác để tiếp tục “giấc mơ thánh chiến” của chúng. Các phiến quân IS có thể sẽ chạy trốn tới một số vùng lãnh thổ xa xôi và biệt lập tại Iraq, lợi dụng những phần tử đang lẩn trốn, trà trộn trong dân ở các vùng thành thị để tấn công trong tương lai.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng thất bại trên các chiến trường Trung Đông sẽ trở thành động lực để IS tiến hành các cuộc tấn công trả thù, nhất là ở các nước phương Tây. Giáo sư chuyên ngành Quan hệ quốc tế Itler Turan, thuộc Đại học Istanbul Bilgi (Thổ Nhĩ Kỳ) cho rằng IS, cũng giống như các tổ chức khủng bố đang bị suy yếu khác, sẽ có những hành động để thể hiện rằng “chúng vẫn tồn tại và hoạt động tốt”.

Một loạt tay súng từng được đào tạo và chiến đấu sát cánh với IS ở Iraq và Syria đã trở lại châu Âu, và hiện có khả năng đào tạo lại cũng như tuyên truyền tư tưởng cực đoan cho những đối tượng khác. Như vậy, bằng cách dựa vào các cuộc tấn công của những "con sói đơn độc", IS có thể vươn tầm với rộng hơn để tiếp tục gieo rắc nỗi sợ hãi.

“Giấc mơ thánh chiến” và những chiến lược mới từ "bóng tối"

Sau các chiến thắng quan trọng tại Iraq và Syria, các lực lượng an ninh ở khắp nơi trên thế giới đã đưa ra dự báo về làn sóng hồi hương ồ ạt của các chiến binh khắp châu Phi, châu Á, châu Âu, châu Mỹ... Nhiều chuyên gia lo ngại, những thành phấn sót lại của IS sẽ hoạt động theo cách thức bí mật, tấn công hoang dại sẽ khiến thế giới ngày càng trở nên nguy hiểm.

Việc IS bị mất lãnh thổ chỉ là tạm thời và sẽ chỉ khiến chúng chuyển sang hoạt động bí mật hơn trong thời gian tới, như giáo sư Craig Whiteside của Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ và các nhà phân tích đã không ít lần cảnh báo. Người ta quan ngại rằng, một cuộc tấn công khủng bố được thực hiện thành công trên đất Mỹ sẽ tạo thêm cảm hứng cho IS và những kẻ ủng hộ, khiến chúng có vẻ mạnh hơn nhiều so với thực tế.

Cuộc tấn công gần đây tại thành phố Manchester của Anh đã cho thấy “vòi bạch tuộc” của IS vươn xa thế nào. IS có khả năng đáng nể trong việc truyền cảm hứng hay chỉ đạo các cuộc tấn công ở nước ngoài, trong đó có các nước phương Tây. IS cũng đã chứng tỏ được khả năng lợi dụng những căng thẳng giáo phái trong thế giới Hồi giáo để "tô vẽ" nên hình ảnh của chúng như là “vị thần hộ mệnh” đối với những người Hồi giáo. Đây chính là một phần trong chiến lược của chúng tại nhiều quốc gia.

Các chuyên gia phân tích, IS là một tổ chức có khả năng thích ứng cao. Vì IS liên tiếp phải hứng chịu thất bại tại Iraq và Syria, cho nên chúng có thể đang chuyển sang không gian mạng - một địa bàn hoạt động tương đối mới mẻ. Chắc chắn, IS sẽ gia tăng nỗ lực hiện diện trong không gian mạng, trong những năm qua là nơi ẩn náu tương đối an toàn để chúng thực hiện các hoạt động tấn công và hỗ trợ. Việc IS tiếp tục thử sức trong không gian mạng cho thấy chúng là một tổ chức tinh vi hơn các nhóm khủng bố khác trong lịch sử gần đây.

Các nhà phân tích quan ngại rằng, IS có thể chuyển sang sử dụng tiền ảo để tài trợ cho các cuộc tấn công trong tương lai. Tiền ảo có thể được IS sử dụng như là một phần nỗ lực nhằm che giấu các giao dịch bất hợp pháp, đồng thời còn giúp IS tài trợ cho các cuộc tấn công tại những khu vực nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng. IS lâu nay đã được biết đến khả năng sử dụng công nghệ và không gian mạng rất sáng tạo.

Theo Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol), IS đang tìm cách phát triển mạng lưới truyền thông xã hội của riêng chúng nhằm giúp các thành viên tránh bị lần ra dấu vết khi trao đổi liên lạc, hoặc đăng tải các nội dung truyền bá tư tưởng. Tăng cường sự hiện diện trên mạng xã hội cũng giúp IS tiếp tục truyền cảm hứng cho các cuộc tấn công ở nước ngoài với tần suất lớn hơn.

Cuộc chiến trên mặt trận ý thức hệ

Những kẻ khủng bố ngay trong lòng châu Âu, châu Á... hay những "kẻ khủng bố nội địa", đã không cần phải tới tận Syria để chiến đấu và được đào tạo. Nhìn bề ngoài, chúng không có vẻ gì là thực sự nguy hiểm, do vậy vô cùng khó khăn để có thể nhận diện được chúng. Các vụ khủng bố xảy ra trong những tuần qua khẳng định một điều là dù IS đang bị đẩy lùi trên mặt trận quân sự tại Raqqa (Syria) hay Mosul (Iraq), song điều này không có nghĩa là thế giới đã chặn đứng được chủ nghĩa khủng bố.

Giáo sư Michael Dantinne, chuyên nghiên cứu về tội phạm học thuộc trường Đại học Liège của Bỉ, cho biết vào thời gian đầu, hiện tượng ra đi và trở về từ Iraq hay Syria của các phần tử theo IS hầu như rất gây chú ý. Hiện nay, những kẻ không đến Syria hay Iraq vẫn có thể gây ra những vụ tấn công nghiêm trọng. Giáo sư Michael Dantinne cho rằng cần phải ý thức rõ ràng về mức độ ảnh hưởng của ý thức hệ IS cùng với tác động cộng hưởng của nó. Hiện tượng này không thể được giải quyết chỉ với chiến thắng trong các chiến dịch quân sự chống IS.

Theo chuyên gia về khủng bố Michel Liégois thuộc trường Đại học Công giáo Louvain của Bỉ, các lực lượng quốc tế hoàn toàn có thể tiêu diệt IS trên phương diện quân sự, nhưng việc nhanh chóng xóa bỏ chúng với một tư cách là một tổ chức khủng bố được coi là gần như bất khả thi. Khả năng của chúng trong việc gây ra những vụ tấn công khủng bố vẫn luôn hiện hữu ở Iraq hay Syria, nơi hầu như hàng ngày đều có người thiệt mạng, đồng thời ở những nơi khác cũng đang phải chứng kiến các hành động khủng bố ngày càng gia tăng.

Sau chiến thắng, Mosul chìm trong đổ nát. Ảnh: Star Tribune.

Nhà Hồi giáo học Alain Grignard cho rằng, IS có thể sẽ bị loại bỏ về mặt quân sự, nhưng tổ chức khủng bố này sẽ không dễ dàng biến mất. Theo ý kiến của Alain Grignard, việc IS nổi lên dưới một hình thức khác, có thể là tương tự như mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Al-Qaeda bị truy đuổi khắp nơi, nhưng ảnh hưởng của chúng vẫn lan rộng đến bán đảo Arập và cả Bắc Phi. Điều đó là minh chứng cho thấy thế giới không thể dễ dàng ngăn chặn và tiêu diệt hoàn toàn các tổ chức khủng bố.

Cực đoan hóa, tự thân nó đã biến đổi và trở thành một quá trình tại chỗ: những kẻ cực đoan giờ đây không cần phải đến tận sào huyệt của IS mà tổ chức này chỉ cần "dán nhãn" của chúng lên các vụ tấn công khủng bố được tiến hành bởi các cá nhân đơn độc được chúng tuyển mộ và đào tạo.

Nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Tự do Brussels và Đại học Quân đội Hoàng gia Bỉ Didier Leroy tiết lộ rằng thậm chí hiện nay IS không cần đề nghị những kẻ trung thành đi đến thánh địa của chúng để chiến đấu như trước kia. Thay vào đó, IS yêu cầu các chiến binh của chúng tự tiến hành theo cách thức đơn giản nhất có thể, cạo sạch râu để hòa vào đám đông và thực hiện hành động tấn công ở bất kỳ đâu, theo bất kỳ cách thức nào có thể, với vũ khí hoặc thậm chí không cần vũ khí. Những kẻ khủng bố dạng này đã tạo ra một một bầu không khí lo ngại. Việc gieo rắc nỗi khiếp sợ trở thành một thứ vũ khí thực sự đáng sợ.

Ông Grignard cho rằng các vụ tấn công đã tạo ra một hiệu ứng "gây sốt", kéo theo những phản ứng cảm xúc và nỗi sợ hãi ngày càng lan rộng. Sau nhiều vụ khủng bố liên tiếp vừa qua, câu hỏi lại một lần nữa được đặt ra là liệu có thể đo đếm được mức độ cực đoan hóa của các sát thủ, hay có thể xác định thời gian và địa điểm nơi chúng sẽ hành động hay không?

Chuyên gia Myriam Benraad của Ireland cho rằng điều cần được quan tâm hiện nay chính là mức độ phân tán của các hành động thánh chiến đã giúp chúng trở nên cực kỳ linh hoạt, và vấn đề cấp bách được đặt ra để ngăn ngừa các hành động này chính là cuộc chiến trên mặt trận ý thức hệ.

Nguyễn Hòa
.
.