Guinea-Bissau và cocaine

Thứ Ba, 09/06/2020, 20:27
Lo ngại đang gia tăng khi người ta cho rằng những nỗ lực của Guinea-Bissau để ngăn chặn dòng ma túy đến châu Âu và Mỹ đã phải chịu thất bại sau khi Tổng thống được quân đội hậu thuẫn nhậm chức.

Bên cạnh các nỗ lực

Các tài liệu của tòa án cho thấy chiến dịch trấn áp tội phạm buôn lậu ma túy lớn nhất từ trước đến nay của Guinea -Bissau hồi tháng 9/2019 dẫn đến việc bắt giữ hơn 20 ôtô, trong đó có một chiếc Mercedes Benz “màu quế”, 3 triệu USD được cất trong tài khoản ngân hàng, số chai rượu vang trị giá 90.000 USD được tìm thấy trong một nhà kho, và dĩ nhiên, 1,8 tấn cocaine giấu trong bao tải gạo.

Trong chiến dịch có tên mã là “Chiến dịch Navara”, tổng cộng có đến 12 người - mang quốc tịch Bissau-Guinean, Colombia, Mexico và Bồ Đào Nha - bị kết án từ  4 đến 16 năm tù vào tháng 4/2020. 

Mặc dù hai kẻ cầm đầu đã bị kết án vắng mặt do trốn thoát được trong cuộc vây bắt, chiến dịch vẫn được ca ngợi là một thành công pháp lý cho nhà nước Tây Phi trong nỗ lực xóa bỏ tiếng xấu là một trung tâm trung chuyển lớn cocaine bằng đường hàng không hoặc tàu biển từ Mỹ Latinh đến châu Âu và Bắc Mỹ.

Tân Tổng thống Umaro Sissoko Embalo.

Antonio Mazzatelli, người đứng đầu khu vực của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), báo cáo: “Đối với chúng tôi, đây là kết quả của hơn 8 năm đầu tư, vì vậy chúng tôi mong muốn đảm bảo rằng tương lai của Guinea-Bissau có thể an toàn hơn trước sự xâm nhập của bọn buôn lậu ma túy và mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia”. 

Hơn 10 năm trước, chính phủ Mỹ cùng với Liên Hợp Quốc mô tả Guinea-Bissau (thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha nằm dọc Đại Tây Dương) là “nhà nước ma túy” - lần đầu tiên một tên gọi như vậy gán cho một quốc gia châu Phi.

Mark Shaw, đồng tác giả báo cáo mới có tên “Phá vỡ vòng luẩn quẩn: nền chính trị cocaine ở Guinea-Bissau”, nói: “Trong trường hợp Guinea-Bissau, chắc chắn có những mạng lưới bảo vệ hoạt động buôn lậu ma túy, nhưng cũng có những nhân tố khá can đảm trong hệ thống cảnh sát tư pháp và chính trị luôn cố gắng ngăn chặn tội phạm buôn ma túy”. 

Báo cáo được công bố bởi tổ chức “Sáng kiến toàn cầu chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia” (GITOC) đặt trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), cảnh báo hoạt động buôn lậu cocaine có thể gia tăng sau cuộc bầu cử tranh chấp vào tháng 12/2019.

Sự trở lại của trùm ma túy

Quân đội có ảnh hưởng ở Guinea-Bissau kể từ khi độc lập khỏi Bồ Đào Nha vào năm 1974 và đã tổ chức ít nhất 9 cuộc đảo chính làm suy yếu nhà nước Tây Phi. Một số người nói rằng điều này đã làm cho đất nước trở thành mảnh đất màu mỡ cho các trùm ma túy. Mazzitelli nhận định: “Tham nhũng tạo ra lợi ích lớn cho một số ít, nhưng giá của nó được trả bởi phần còn lại của dân chúng”.

Cocaine bị thu giữ gần thủ đô vào tháng 9/2019.

Cựu chỉ huy lực lượng Hải quân Bubo Na Tchuto là một trong những quan chức cao cấp nhất bị kết án buôn lậu ma túy. Tham gia vào một số nỗ lực đảo chính thất bại, ông bị Mỹ định danh là “trùm ma túy” và bị quân đội nước này bắt giữ trong một chiến dịch tấn công ngoài khơi bờ biển Tây Phi năm 2013. Năm sau đó, Bubo Na Tchuto nhận tội âm mưu nhập khẩu ma túy vào Mỹ, nhưng chỉ bị kết án 4 năm tù vì “hành vi tốt” và hợp tác với các nhà điều tra.

Hiện thời, Bubo Na Tchuto đã trở lại Guinea-Bissau. Báo cáo của Shaw cũng cho biết tướng Indjai là mục tiêu chính của chiến dịch năm 2013. 

Tuy nhiên, “vị tướng già lõi đời” này cảm thấy có gì đó đáng nghi ngờ nên biệt phái Na Tchuto ra biển để gặp bọn buôn ma túy… hóa ra là đặc vụ Mỹ giả trang. Những tên tội phạm ma túy bị kết án trong “Chiến dịch Navara” hiện đang bị giam giữ trong một nhà tù được bảo vệ yếu kém ở thủ đô Bissau. “Ngay cả những người bảo vệ, họ cũng không có công cụ để ngăn ai đó trốn thoát khỏi nhà tù”, cựu Bộ trưởng Tư pháp Ruth Monteiro nói.

Phiên tòa xét xử dự định diễn ra tại thị trấn trung tâm Bissora, nơi bọn chúng bị bắt giữ. Nhóm tội phạm này đã kháng cáo tất cả các bản án của mình, nhưng tòa phúc thẩm chưa bao giờ được thành lập trong 45 năm kể từ khi Guinea-Bissau giành được độc lập từ Bồ Đào Nha. Vì vậy, đơn kháng cáo sẽ được đưa ra tòa án tối cao, nơi có lịch sử không xét xử các vụ án ma túy. Tất cả điều này đã làm dấy lên lo ngại rằng vụ án sẽ lặng lẽ biến mất, và bọn tội phạm sẽ tự do đi lại.

“Guinea-Bissau hiện đang là thiên đường cho những kẻ buôn bán ma túy”, Monteiro, người từng là Bộ trưởng Tư pháp khi bọn tội phạm ma túy bị bắt giữa hồi tháng 9/2019, nói. Theo Monteiro, điều quan trọng là phải chiến đấu với các trùm ma túy vì một số hoạt động của chúng cũng tài trợ cho cuộc chiến của phiến quân Hồi giáo trong khu vực. 

Vụ bắt giữ vào tháng 3/2019 với gần 800kg ma túy giấu dưới đáy giả của một chiếc xe tải đăng ký ở Senegal chứa đầy cá đông lạnh ở thị trấn Safim, cách thủ đô Guinea-Bissau khoảng 15km, là một trường hợp điển hình. “Sau khi điều tra, chúng tôi đã tin rằng các loại ma túy đang trên đường đến giao cho al-Qaeda ở Islamic Maghreb(AQIM)”, Monteiro nói.

Tội phạm ma túy len lỏi khắp nơi

Các chuyên gia cho rằng bọn buôn lậu ma túy đang cố thủ tốt trong khu vực, và đề cập đến thực tế là Braima Seidi Ba - một trong những kẻ cầm đầu đang chạy trốn, mang quốc tịch của cả Guinea-Bissau và Bồ Đào Nha – có lẽ đang lẩn trốn trong khu vực giữa Gambia, Guinea và Mali. 

Thủ lĩnh khác - Ricardo Ariza Monje, quốc tịch của cả Mexico và Colombia - được cho là đã trở lại Mỹ Latinh. Lô hàng ma túy bị bắt giữ năm 2019 được cho là có liên quan đến việc quyên tiền cho một hoạt động chính trị ở Guinea-Bissau, báo cáo của Shaw cho biết.

Quân đội có ảnh hưởng to lớn ở Guinea-Bissau.

“Người ta nói rằng ma túy được vận chuyển qua biên giới Sénégal, sau đó đến Mali, Mauritania và đi lên phía bắc bờ biển, trước khi được đưa lên thuyền đi đến các thị trường châu Âu”, báo cáo cho biết thêm. Lực lượng cảnh sát tư pháp Guinea-Bissau, được coi là cơ quan thực thi pháp luật hiệu quả nhất của đất nước, lãnh đạo cuộc chiến chống lại các băng đảng ma túy, với sự giúp đỡ của các nhà điều tra từ Liên Hợp Quốc, Anh và Bồ Đào Nha. Shaw nhận định ma túy là một “mũi tiêm độc hại” vào môi trường chính trị Guinea-Bissau, và điều quan trọng là phải chấm dứt nạn buôn bán “cái chết trắng” này. 

Shaw bình luận: “Ma túy phá hoại hệ thống chính trị, sự phát triển và nền dân chủ. Và trừ khi các vấn đề được giải quyết, ma túy sẽ tiếp tục gây ra xung đột ở quốc gia nhỏ bé như Bissau-Guineans”.

Di An (tổng hợp)
.
.