Hành xử độc ác trên mạng xã hội bằng… bàn phím

Thứ Năm, 01/06/2017, 18:27
Đa số chúng ta khi tham gia mạng xã hội đều tin rằng nó sẽ mang đến nhiều niềm vui và cả những sẻ chia lẽ sống đẹp đẽ với bạn bè, giữa con người với con người, Facebook là một ví dụ rất điển hình bởi sự phổ biến của nó.

Với hơn 20 triệu người sử dụng tại Việt Nam theo số liệu khảo sát cuối năm ngoái, đó là một phần thu nhỏ của xã hội đan xen giữa thực và ảo. Và hiển nhiên, chúng ta chắc chắn đã nhiều hơn một lần được chứng kiến sự đối xử độc ác, tàn nhẫn đủ để tin rằng hành xử điều ác với đồng loại hoàn toàn có thể thực thi bằng bàn phím. 

Thi thoảng lướt qua tin tức trên mạng xã hội Facebook, thật khó có thể hình dung nổi tại sao người ta đang dễ dãi lan truyền các đoạn clip đâu đó khắp mọi miền, tường tận tròn vành rõ chữ chửi bậy, cãi tay đôi, hỗn hào, làm nhục và cả bạo lực của một bộ phận đang là học trò với thầy cô giáo. Điều mà vài thập niên trước đây trong nhà trường không hề xảy ra.

Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng quả thực thời trước thì mọi hành động bất nhã ấy hình như không có cơ hội nhen nhóm xuất hiện.

Giờ đây khi các cô cậu học trò tân thời tiếp cận và biết rõ sức mạnh của truyền thông xã hội, khi trên tay lăm lăm "vũ khí" là những chiếc điện thoại di động để rình rập, cào bằng khoảng cách, ứng xử giữa thầy và trò thì dễ dẫn đến hành động vô cảm và tàn nhẫn

Mạng xã hội từng bước "đầu độc" tư duy để đám trẻ ấy dám làm tất cả những việc đó. Sức mạnh lan tỏa thông tin "lố" thời đại Internet vượt trội và cổ súy  vô hình trung tạo ra một góc xấu xí không câu chữ nào miêu tả nổi trong môi trường giáo dục. Đau xót lắm chứ.

Đáng tiếc hơn, những vết dơ học đường đó nhếch nhác tràn lan trên mạng, trên không ít trang thông tin, báo điện tử vô hình trung tạo thành một quán tính nhàm chán vô cảm với thứ văn hóa vô lễ đó, cũng chả mấy ai buồn lên án nó nữa. À cũng có đấy nhưng vô cùng yếu ớt, tôi luôn cố gắng ngoảnh nhìn về quá khứ để vớt vát tin rằng những điều tử tế chưa tuyệt chủng.

Mạng xã hội có khả năng phân chia khu vực an toàn thông tin thông qua sàng lọc việc chúng ta đang kết bạn với ai. Nếu như đám đông "bạn" ấy có một lớp lọc tốt thì nguy cơ tiếp cận những thông tin xấu giảm thiểu đáng kể, bạn sẽ không phải chứng kiến nhiều những bi kịch hoặc vô số câu chuyện độc ác trên mạng.

Tất nhiên điều đó không hoàn toàn tuyệt đối, những thứ "rác" vẫn đập vào mắt người dùng bởi nếu một câu chuyện nào đó được cho là đang vô cùng thu hút cộng đồng mạng, thuật toán cao siêu bên kia đại dương sẽ đưa điều đó đến "tận cửa", bạn sẽ phải đọc nó thụ động.

Có một cô gái mang biệt danh "Bella" luôn bị cộng đồng mạng Việt săn đuổi vài năm nay, không ai biết cô ta tên thật là gì, quê quán ở đâu. Bằng cảm quan có thể nhận thấy cô gái trẻ này đầu óc hoàn toàn không bình thường, mang thứ giọng the thé và có thói quen xấu ăn quỵt chuyên nghiệp từ taxi, nhà nghỉ cho đến cốc trà đá vỉa hè.

"Bella" là một thú vui, trò chơi đuổi bắt "thú vị" cho một đám đông cư dân mạng. Người ta đeo bám, truy đuổi, bạt tai cho vài cái, mạt sát, cà khịa… để "Bella" chửi lại bằng được - xong, đây rồi, quay clip có đầu có cuối và đẩy lên mạng xã hội. Cho đến nay số đoạn clip hạ nhục lên đến con số vài trăm, hàng vạn share (chia sẻ).

"Bella" không thể thoát dù đang đứng xin ăn bên lề đường quốc lộ xa xôi hoặc lững thững tay xách nách mang trong siêu thị tại Hà Nội. Chuyện cô ta đang mang thai cũng không khiến đám đông đó chùn tay, bởi chủ đề "Bella" luôn được tán thưởng.

Những cách cư xử tàn nhẫn trên thế giới mạng có giết được người không, câu trả lời là có. Đã có ít nhất 4 trường hợp tự sát, đều là những nạn nhân vô cùng trẻ, có thể chính vì quá trẻ đã khiến các nạn nhân tuổi đời chưa đến đôi mươi ấy đủ cứng cáp vượt qua được những màn tra tấn tinh thần bởi vô số chiến dịch làm nhục tập thể trên mạng xã hội. 

Câu chuyện gây chấn động và đau lòng về cái chết tức tưởi của một nữ sinh vừa tốt nghiệp lớp 12 ở Thạch Thất (Hà Nội) vì bị ghép "ảnh nóng" trên facebook vẫn còn chưa nguôi ngoai thì tiếp diễn một nạn nhân khác là nữ sinh sống tại thành phố Đà Nẵng suýt bỏ mạng do uống thuốc ngủ tự vẫn vì bị bôi nhọ trên Facebook.

Sự việc đã khiến phụ huynh của nữ sinh này phải gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng và truyền thông yêu cầu làm rõ sự việc đồng thời yêu cầu ngăn chặn trang Facebook bôi nhọ vì đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của một số nữ sinh.

Trong lá đơn của bà N.T.Ch. là phụ huynh của nữ sinh P.U.N. (cựu học sinh trường THPT T.P. - Đà Nẵng) gửi đến các phương tiện truyền thông phản ánh: Gia đình rất mong phương tiện truyền thông và các cơ quan chức năng mau chóng vào cuộc, tìm ra người lập ra trang facebook bôi nhọ, làm nhục các nữ sinh là những ai để xử lý theo pháp luật.

Bởi vì, không chỉ riêng con gái họ là nữ sinh U.N. lo sợ, thậm chí suýt mất đi tính mạng mà hiện còn rất nhiều các nữ sinh khác cũng bị trang facebook này gây ảnh hưởng đến tâm lý do bị nói xấu, lăng mạ. Việc những trang mạng công cộng mang tính tiêu cực xuất hiện làm ảnh hưởng đến tâm sinh lý các cháu mới lớn chưa ổn định, khiến các em hoang mang, ngại đến trường vì bị bạn bè trêu chọc, bàn tán...

“Một góc nào đó mạng xã hội nó thúc đẩy người ta dám làm việc ác, tàn nhẫn bởi tính ẩn danh, nó cũng là một đặc tính tồi tệ của một số người là thích vui trên nỗi đau kẻ khác. Hình thức làm nhục xưa cũ đã thay đổi bằng trận "ném đá" trên mạng, vết sẹo thương tích được thay thế bằng vết nhơ online, nhưng có một điểm không thay đổi, chúng tồn tại như một lời mời cho kỳ thị và định kiến”. Trích đoạn trong quyển sách "Thiện, ác và smart-phone" của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, một nạn nhân bị xỉ nhục tập thể vì một câu phỏng vấn đã bị cắt cúp.

Nhưng có một sự thật khác, chúng ta đã và đang sống với phần thế giới thực để luôn tỉnh táo rạch ròi giữa ảo và thật, người có tội phải chịu trách nhiệm với hành vi gây ra.  Những điều tốt đẹp của con người dành cho con người luôn hiện hữu như một bản năng thiện vốn có. Chắc chắn là vậy.

Trí Minh
.
.