Vụ học viên cai nghiện trốn trại ở Đồng Nai: Hồi chuông cảnh báo!

Thứ Bảy, 29/10/2016, 15:45
Khoảng 20 giờ, ngày 23-10, hàng trăm học viên tại Trung tâm cai nghiện Đồng Nai đã rủ nhau bỏ trốn gây mất an ninh trật tự và hoang mang dư luận. Đây là một hồi chuông cảnh báo tới công tác bảo đảm an ninh tại các trung tâm cai nghiện.

Một… bãi chiến trường

Trung tâm cai nghiện Đồng Nai nằm trên địa bàn xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, trực thuộc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Đồng Nai. Trung tâm hiện đang điều trị cho gần 1.500 bệnh nhân, có hơn 100 cán bộ, nhân viên quản lý học viên.

Tối 23-10 hàng trăm học viên đã hò hét, đập phá trốn ra ngoài khiến người dân quanh khu vực bị một phen hoảng loạn. Sáng hôm sau, sự việc đã tạm lắng, nhiều học viên đã được đưa trở lại trung tâm, nhưng nơi xảy ra vụ việc không khác gì một bãi chiến trường.

Sự việc xảy ra vào khoảng 20 giờ, bắt nguồn từ phòng số 2 thuộc khu xã hội của Trung tâm (Khu E1- Quản lý đối tượng không nơi cư trú ổn định).

Lực lượng chức năng đưa học viên bỏ trốn về lại trung tâm.

Nhóm đối tượng được cho là cầm đầu có Trần Ngọc Dũng (26 tuổi), Võ Đình Huân (31 tuổi), Đậu Đức Nghĩa (31 tuổi). Trần Ngọc Dũng đã dùng mảnh bóng đèn tự cứa vào thân thể mình, sau đó cùng các đối tượng khác la hét, kích động, chửi bới, ép các đối tượng trong phòng phá cửa chính phòng trốn ra ngoài. Ra khỏi phòng, chúng kéo qua từng phòng của dãy Xã hội và cắt cơn, dùng các vật dụng như cửa, cây, gạch đá, tuýp sắt… đập phá lôi kéo học viên trong các phòng trên bỏ trốn. 

Thoát khỏi phòng, các học viên này đi vòng qua khu nhà A, khu E rồi kéo sang cả khu G (dành cho học viên nữ), tiếp tục phá cửa các buồng nữ kêu gọi, lôi kéo, kích động ép học viên nữ cùng bỏ trốn. Lợi dụng lúc náo loạn, Huân và Nghĩa (hai trong ba đối tượng được cho là cầm đầu) đã trộm một xe môtô của cán bộ trung tâm để làm phương tiện tẩu thoát. Trần Ngọc Dũng đang bị thương đã bị bắt lại ngay sau khi vừa bỏ trốn được một đoạn.

Sau một hồi đập phá, lôi kéo, kích động và ép buộc đoàn học viên hung hăng kéo nhau ra cổng dùng gậy gộc, bình cứu hỏa đập phá cổng rồi cùng hò hét kéo nhau ra ngoài. Có trên 30 phòng bị đập phá, 562 học viên, trong đó có 58 học viên nữ cùng nhau bỏ trốn. Một nhân viên bảo vệ của Trung tâm cho biết: "Sự việc lúc đó rất hỗn loạn, chúng tôi cố gắng ngăn cản nhưng lực lượng quá mỏng không thể kiểm soát được. Họ hung hăng lắm".

Anh Tiến - nhân chứng vụ việc.

Nhận được tin báo, Công an xã Xuân Phú, Công an huyện Xuân Lộc, Công an thị xã Long Khánh, Công an huyện Cẩm Mỹ và khoảng 100 cảnh sát cơ động của tỉnh đã có mặt kịp thời để giải quyết vụ việc và giữ gìn an ninh trật tự. Đối tượng tràn ra quá đông, lại đang bị kích động nên rất liều lĩnh, manh động, sẵn sàng chống đối lực lượng bảo vệ. Lực lượng giữ gìn trật tự phải dãn ra nhằm đảm bảo an toàn và giảm sự kích động của học viên tránh gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau khi thoát được ra ngoài, các học viên kéo ra QL 1A đi về hướng Long Khánh, đến cây xăng Long Hoàng thuộc xã Bảo Hòa, mới dừng lại. Lúc này một số học viên lại tiếp tục hô hào kích động nằm ra đường nhằm chặn xe, số khác dùng gậy gộc và các vật dụng kiếm được làm hung khí chặn xe người đi đường, đập kính xe để xin tiền, điện thoại. Trên đường đi các học viên cũng tràn vào nhà dân đập phá, lấy đồ đạc. Giao thông trên QL1A bị ách tắc, gián đoạn. Lợi dụng trời tối, một số học viên đã bỏ chạy vào các con hẻm, cống thoát nước và lẩn trốn vào nhà dân.

Để đảm bảo giao thông được an toàn và thông suốt, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai được tăng cường. Chính quyền địa phương huyện Xuân Lộc đã yêu cầu người dân tắt điện, đóng cửa, không ra ngoài tránh trường hợp các học viên có thể manh động gây rối, hay bắt người dân làm con tin. Lãnh đạo Công an và Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Nai đã có mặt để chỉ đạo xử lý vụ việc.

Các lực lượng chức năng chia thành nhiều mũi phối hợp cùng dân quân, dân phòng, thanh niên địa phương tỏa đi các hướng truy tìm học viên bỏ trốn. Nhiều tuyến giao thông về thị xã Long Khánh, Cẩm Mỹ, Bình Thuận... được cảnh sát cơ động chốt chặn, kiểm tra xe khi có dấu hiệu nghi ngờ. Ngoài các lực lượng chức năng, người dân địa phương cũng tích cực hỗ trợ, thông báo khi phát hiện học viên lẩn trốn. Tuy nhiên, do trời tối nhiều học viên vẫn cố tình chạy luồn lách núp ở các bụi cây, vườn rẫy, cánh đồng khiến công tác tìm kiếm gặp rất không ít khó khăn.

Ông Hồ Văn Lộc, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, đến trưa ngày 24-10, các cơ quan chức năng đã truy tìm và đưa được trên 300 học viên trở lại trung tâm, số còn lại các lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục truy bắt, đồng thời thông báo đến các địa phương thuộc địa bàn huyện Xuân Lộc và các địa bàn lân cận, như TX Long Khánh, Cẩm Mỹ, Thống Nhất để người dân biết phòng ngừa các đối tượng manh động, đồng thời khi biết và gặp các đối tượng cai nghiện bỏ trốn, liền báo cho cơ quan chức năng để tiến hành bắt giữ. Hiện chưa thống kê được mức độ thiệt hại của trung tâm do học viên gây ra.

Học viên trở lại trại sau khi bỏ trốn.

Vẫn theo ông Lộc, nguyên nhân ban đầu được xác định do một số học viên mới vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cảm thấy bị gò bó, từ đó đã kích động các học viên khác cùng đập phá trại để bỏ trốn. Sau khi phá được phòng ra ngoài, nhóm học viên này tiếp tục kéo qua 3 khu, trại khác của cơ sở để "hỗ trợ" các học viên khác, trong đó có phân khu nữ.

"Các học viên được đưa trở lại trại cho biết, họ buộc phải đi theo vì sợ bị đánh", ông Lộc nói. Ông cũng phủ nhận thông tin cho rằng cơ sở cai nghiện bị quá tải, mức sinh hoạt ăn uống kém nên dẫn đến việc hơn 500 trại viên bỏ trốn.

"Nếu so với các cơ sở khác thì Đồng Nai là tỉnh có mức ăn bình quân cao, đồng thời chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho các học viên. Tùy vào phòng lớn nhỏ mà cơ sở bố trí các em ở chung, để cải thiện không gian sinh hoạt. Chúng tôi đang sửa chữa và xây mới nhiều phòng để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh", ông Lộc giải thích.

Hầu hết số học viên bỏ trốn đều dùng ma túy đá. Do vậy các học viên hay bị hoang tưởng và dễ bị kích động, khó kiểm soát hành vi. Sự việc xảy ra, do lực lượng quản lý mỏng lại vào ngày nghỉ nên cho dù đã tính sẵn các tình huống nhưng việc xử lý vẫn chưa hiệu quả.

Những người dân sống gần khu vực Trung tâm cai nghiện đều có chung cảm giác bàng hoàng, lo sợ. Dựng chiếc tủ lạnh bị đập vỡ mặt kính, anh Nguyễn Văn Tiến (chủ quán nước giải khát gần cổng Trung tâm cai nghiện) kể lại, đêm trước hàng trăm người kéo thành một đoàn dài gần cả trăm mét đi rầm rầm trên đường. Khi qua quán của anh, nhóm người này ùn ùn kéo vào khiến mọi người trong quán bỏ chạy toán loạn.

"Chúng lao vào dùng khúc gỗ lớn đập vỡ kính tủ lạnh rồi lấy mấy chai nước trong tủ lạnh để uống. Cả nhà tôi sợ quá chạy hết vào nhà đóng cửa kín mít không dám ló đầu ra nhìn. Mẹ tôi sợ quá nằm im trên giường giờ thì phát bệnh luôn. Không biết trong đó người ta quản lý sao mà học viên cai nghiện trốn ra liên tục, gây hoang mang cho người dân", anh Tiến nói. Một số người dân khác cho biết học viên cai nghiện phá trung tâm đi ra hàng đoàn dài, vừa đi vừa la hét, đập phá.

Thấy vậy họ chỉ còn biết vào nhà, tắt điện và chốt chặt cửa, đứng nhìn từ trên cao xuống mà thôi. Khi kéo ra đến quốc lộ thì đoàn người chặn xe xin tiền, giựt điện thoại. Có nạn nhân còn  đến trụ sở ủy ban xã để trình báo do bị các học viên chặn lấy mất xe.

Mong về nẻo sáng

Sau vụ trốn trại, người thân của học viên tìm đến Trung tâm rất đông để "dò la" xem con em mình có nằm trong số đó hay không? Chiều muộn, họ vẫn nán lại.  Mỗi khi có chuyến xe chở học viên bị thu gom về, họ lại ùa tới, nhận mặt. Biết không phải con em mình họ lại thất vọng và tiếp tục chờ đợi.

Học viên thất thểu trở về trại.

Chúng tôi nói chuyện khá lâu với một người đàn ông 44 tuổi, quê Hậu Giang. Anh bảo cả nhà rời quê lên Nhơn Trạch, Đồng Nai làm công nhân. Khi chiều, đang giờ giải lao, anh nghe loáng thoáng chuyện học viên nơi cậu con trai 21 tuổi của anh đang cai nghiện đập phá trại bỏ trốn nên xin nghỉ sớm hơn mọi ngày chạy xe máy lên thăm con.

Thằng con anh, cũng là công nhân. Nó là đứa bé ngoan, chỉ vì đi chơi với một vài đứa bạn xấu rồi sinh tật (?). Hơn 18 giờ ngày 24-10, con anh được cán bộ trung tâm đưa về. Biết được tin con, anh lật đật chào mọi người ra về kẻo trời tối. Anh không cần gặp con, chỉ cần biết tin là đủ... Nhìn anh lủi thủi ra về khi trời tối, chúng tôi thầm mong con anh mau quay về nẻo sáng để anh bớt khổ.

Cho tới lúc chúng tôi chia tay người đàn ông Hậu Giang, Trung tâm đã đưa được hơn 400 học viên trở về. Có học viên sau một ngày lẩn trốn trong vườn, rẫy của nhà dân, mình trần, chân tay xây xước, đói mệt, nói: "Biết thế này cháu chả trốn làm gì, ở lại sướng hơn". Học viên đó là Hoàng, 34 tuổi, cũng đã có vợ con, nhưng từ 15 tuổi đến giờ Hoàng chỉ biết trại giam và trại cai nghiện. Anh ta cho biết mình cũng là người "hăng hái" xô phá cửa bỏ trốn. Khi được hỏi sao lại tham gia, anh ta lại ậm ừ cho rằng bị rủ rê, không theo sẽ bị đánh.

Trả lời các cơ quan truyền thông về việc học viên đập phá cơ sở cai nghiện tại Đồng Nai bên lề phiên họp Quốc hội ngày 24-10, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, những học viên này có tiền sử dùng ma túy, được chính quyền, công an vận động đi cai nghiện, một số có gia đình và nơi cư trú ổn định.

"Việc đưa các em vào điều trị nhằm mục đích nhân đạo, giúp cắt cơn, sau đó xem xét, phân loại theo quy định của pháp luật. Em nào không nơi cư trú thì đưa đi cai nghiện bắt buộc, người có nơi cư trú sẽ vận động gia đình cai nghiện tại cộng đồng", ông Dung cho hay. Còn nguyên nhân khiến học viên phá trại "có thể do giải thích của nhân viên, cán bộ chưa kỹ lưỡng, dẫn đến tâm lý các em bức xúc".

Bên cạnh đó, các em lo sợ phải ra tòa xét xử để đưa đi cai nghiện bắt buộc từ 12 đến 24 tháng, theo điều 105 Luật Xử lý vi phạm hành chính, TAND cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. "Nghĩ mình ra tòa sẽ có tội, nên tâm lý chung là sợ", ông Dung nhận định.

Theo ông, Bộ đã nhiều lần nhắc nhở các địa phương cần phải rút kinh nghiệm sau các vụ học viên bỏ trốn tại một số trung tâm cai nghiện. Ông cũng thừa nhận, để tiếp tục xảy ra chuyện bỏ trung tâm lần này chứng tỏ "việc tuyên truyền chưa đến nơi đến chốn, việc vận động các em, rồi phối hợp với gia đình còn chưa tốt".

Đức Hà - Hữu Thắng
.
.