Vụ gian lận xăng dầu ở Nghệ An: Hơn 7 tỉ đồng của khách hàng bị “móc túi”

Chủ Nhật, 28/12/2014, 13:15
Bình quân một cửa hàng xăng dầu của của Công ty Xăng dầu Nghệ An bán ra mỗi tháng 140m³; còn các cây xăng dầu của doanh nghiệp tư nhân bán ra khoảng 50m³/1tháng. Một mét khối tương đương với 1.000 lít. Và nếu các cửa hàng gian lận chỉ tính 10% lượng xăng dầu bán ra, tính theo giá thời điểm bị phát hiện thì mỗi lít xăng khách hàng thiệt hại hơn 2.000 đồng. Như vậy, 1m³ xăng dầu bán ra các cửa hàng trên đã gian lận của khách hàng trên 2.000.000đ. Nếu chúng ta làm thử phép nhân: 2 triệu đồng/1m³ X 50m³ = 100 triệu đồng X 6 tháng = 600 triệu đồng X 12 cửa hàng=7 tỉ 200 triệu đồng.

Như tin đã đưa, sau một thời gian họp bàn thống nhất tội danh, giữa 2 ngành Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định tạm giam 3 tháng đối với Trần Lê Đức (sinh 1979), nguyên Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống điện tử số Việt Nam, trú tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội; Nguyễn Anh Tuấn (34 tuổi), trú tại huyện Quỳnh Lưu và Bùi Thế Ái (45 tuổi) trú ở TP Vinh, đều bị truy tố về tội danh "Truy cập bất hợp pháp vào thiết bị số của người khác", theo điều 226a - Bộ luật Hình sự.

Tuấn và Ái là 2 "mắt xích" trong đường dây sản xuất, mua bán, lắp đặt chip điện tử gian lận xăng dầu do Trần Lê Đức cầm đầu. Bước đầu các đối tượng khai đã sản xuất, mua bán và lắp đặt chip điện tử để làm sai lệch thiết bị đo lường cho nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu ở các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa...
Từ trái qua: Bị can Trần Lê Đức; Phạm Đình Tú và đối tượng liên quan trong vụ án.

Mặc dù đối tượng đã bị bắt, nhưng lãnh đạo Ban chuyên án vẫn còn nhiều việc phải làm. Ngoài việc triển khai giai đoạn của chuyên án 2 là tiến hành kiểm tra xác minh, rà soát một số cây xăng nghi vấn trên trên địa bàn tỉnh, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng, các nhà khoa học thẩm định các tài liệu làm cơ sở chứng cứ buộc tội các bị can trước khi đưa vụ án ra xét xử.

Trước những việc làm thiếu đạo đức của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu liên kết với những kẻ sản xuất, mua bán, lắp đặt IC giả để gian lận trong đo lường, dư luận cho rằng hiện tượng gian lận trên xảy ra từ nhiều năm qua nhưng với công nghệ cao và thủ đoạn tinh vi nên chúng đã không những qua mặt người dân mà con đối phó với cơ quan chức năng. Ngoài các cây xăng bị phát  hiện, người tiêu dùng cũng đưa ra nhiều câu hỏi, không biết còn bao nhiêu cây xăng khác cũng bị lắp đặt IC giả để "móc túi" khách hàng nhưng chưa bị phát hiện? Và ngay cơ quan chức năng cũng không thể tính nổi có bao nhiêu khách hàng của 12 cửa hàng gian lận trong kinh doanh xăng dầu trên là nạn nhân.

Ông Sáu Ngọc, một cán bộ ở phường Hà Huy Tập đã thốt lên rằng, chính ông đã nhiều lần đến các cửa hàng xăng dầu ở TP Vinh mua, trong đó có một vài lần thấy hiện tượng hao hụt, nhưng không có cơ sở để "tố" với cơ quan chức năng. "Tôi có thói quen, khi trên đồng hồ xe ôtô báo hết xăng tôi mới mua. Mỗi lần mua 300 nghìn đồng thì kim đồng hồ chạy lên đứng giữa mặt đồng hồ. Thế nhưng có lần tôi cũng mua 300 nghìn đồng tiền xăng, nhưng kim đồng hồ báo xăng chỉ nhích tý tẹo. Tôi chờ mãi không thấy kim nhích lên thêm, nghi ngờ về chất lượng đo lường, tôi gọi cửa hàng trưởng cây xăng ở giữa TP Vinh ra hỏi, ông ấy bảo: "Anh yên tâm…".
Bo mạch lắp đặt IC bị phát hiện.

Rồi vị này ghi số km trên đồng hồ, bảo tôi khi hết xăng quay lại đối chiếu...?! Khốn nỗi xe của tôi đâu chỉ đi ở TP Vinh, hơn nữa ngoài tôi còn vợ, bạn bè cũng sử dụng", ông Sáu Ngọc phân trần. Ngoài ông Ngọc thì một số khách hàng khác cũng bức xúc, cho rằng, trước đây mỗi lần đổ xăng vào xe máy họ cũng nghi ngờ về sự gian lận đo lường. 

Sau khi vụ án sản xuất, mua bán, lắp đặt IC giả để gian lận trong kinh doanh xăng dầu được khám phá, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam đã có ý kiến đề nghị công ty xăng dầu các địa phương, nhất là Công ty Xăng dầu Nghệ An thường xuyên kiểm tra các cửa hàng xăng dầu của công ty theo quy định 3 tháng 1 lần và phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần; đồng thời chấn chỉnh các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tư nhân treo biển quảng cáo không đúng quy định, cụ thể chữ Công ty xăng dầu Nghệ An quá nhỏ, trong khi tên cửa hàng xăng dầu quá to, nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Ban Chuyên án triển khai công tác điều tra giai đoạn 2.

Một số cửa hàng kinh doanh xăng không phải của Petrolimex nhưng đeo logo của Petrolimex một cách  tùy tiện. Hiện tại Ban chuyên án đang tiến hành để mở rộng điều tra làm rõ, truy bắt các đối tượng trong đường dây của Trần Lê Đức chuyên sản xuất, mua bán và lắp đặt chíp điện tử để làm sai lệch thiết bị đo lường tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu trong và ngoài tỉnh.

Tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi gian lận kinh doanh xăng dầu

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao cho Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học & Công nghệ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng thiết bị điện tử gian lận để "móc túi người tiêu dùng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào quý I-2015.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng biểu dương Sở Khoa học & Công nghệ, Công an tỉnh Nghệ An và Cục Kỹ thuật nghiệp vụ II - Bộ Công an trong thời gian qua đã phối hợp điều tra, phát hiện, xử lý nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An sử dụng thiết bị điện tử giả vi phạm chất lượng, đo lường.

Hữu Trọng
.
.