Lừa đảo lãng mạn trực tuyến gia tăng

Thứ Năm, 11/02/2021, 08:26
Yvonne chưa gặp anh ta nhưng sau một tháng gửi email liên tục và một vài cuộc gọi yêu đương, bạn trai - người nói rằng mình là giám đốc điều hành trên một giàn khoan dầu ở Nam Mỹ - hứa sẽ bay đến gặp Yvonne trực tiếp. Tuy nhiên, trước khi thực hiện điều này, anh ta nói cần tiền để mua các bộ phận thiết yếu cho giàn khoan. Yvonne vui vẻ chuyển cho anh ta 40.000 HKD (khoảng 5.160 USD).

Nhưng, không lâu sau đó, "người bạn trai" nhờ chuyển tiền thêm lần nữa. Yvonne, 55 tuổi, làm trong ngành dịch vụ nhà hàng khách sạn (vốn không tiết lộ họ để giữ riêng tư) nhận ra rằng người tình trên mạng của bà chẳng qua chỉ là một kẻ lừa đảo. "Hắn nói với tôi là con hắn bị tai nạn và cần quyên góp tiền để làm phẫu thuật. Câu chuyện đó kịch tính quá mức và cuối cùng tôi đã tỉnh ngộ!".

Cơ hội từ đại dịch COVID-19

Yvonne không phải là nạn nhân duy nhất của những vụ lừa tình trên mạng ở Hong Kong. Theo dữ liệu cảnh sát Hong Kong, 681 người ở vùng lãnh thổ này bị lừa tiền tiết kiệm từ tháng 1 đến tháng 9-2020. Con số đó tăng hơn 50% so với năm 2019.

Những kẻ lừa tình thường dụ dỗ phụ nữ cô đơn.

Những kẻ giăng bẫy thường có vẻ ngoài lãng mạn, giả là quân nhân, thương gia hoặc người có công ăn việc làm đàng hoàng trên mạng xã hội. Họ điều nghiên kỹ thông tin cá nhân của nạn nhân trước khi sử dụng thông tin đó để nhắn tin cho họ bằng tiếng Anh. Sau một thời gian nhắn tin liên tục, "kẻ lừa đảo và nạn nhân sẽ tiến đến mối quan hệ thân thiết hơn: tình yêu qua mạng", người phát ngôn Sở Cảnh sát Hong Kong nói. Các nạn nhân sau đó được yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ở nước ngoài để giúp đỡ kinh doanh hoặc giải quyết những khó khăn về tài chính của kẻ lừa đảo và thậm chí là trả phí thông quan cho những món quà tình yêu.

Đại dịch làm tăng nguy cơ này. Với làm việc từ xa trở nên phổ biến hơn trong năm 2020, nhiều người trở nên cô đơn hơn và tuyệt vọng hơn, cho nên họ muốn đi tìm kiếm mối quan hệ. Một nghiên cứu tháng 11-2020 cho thấy đang xảy ra "tình hình sức khỏe tâm thần nghiêm trọng", với hơn 65% người được hỏi cho biết họ bị trầm cảm, lo lắng và căng thẳng. Những thay đổi này đã đem đến lợi ích bất ngờ cho những kẻ giăng bẫy, theo nhà tư vấn về quan hệ và hẹn hò ở Hong Kong Valentina Tudose. 

"Đối với những kẻ lừa đảo, COVID-19 là cơ hội tuyệt vời. Họ có thể nói rằng họ đang bị kẹt trong khu cách ly hoặc ở một thành phố khác nên không thể gặp mặt được. Các nạn nhân không thể dễ dàng hỏi vặn họ như trước đây". Dữ liệu cảnh sát Hong Kong cho thấy gần 90% nạn nhân mà họ biết được trong năm 2020 là phụ nữ từ 15 đến 85 tuổi, và tổng cộng số tiền họ bị lừa là khoảng 160,8 triệu HKD.

Áp lực xã hội

Tudose cho rằng sự mất cân bằng giới tính này bắt nguồn từ những áp lực xã hội tiềm ẩn mà phụ nữ phải đối mặt ở đây, dẫu cho mức độ bình đẳng giới ở Hong Kong là tương đối cao. "Nó liên quan đến các giá trị truyền thống ở đây. Con gái được bố mẹ dạy rằng không nên yêu đương trong trường hoặc đại học để tập trung học hành, vì vậy họ có rất ít hoặc không có kinh nghiệm hẹn hò ở tuổi 24 hoặc 25, ngay cả khi họ có công việc tốt". Tuy nhiên, không lâu sau đó, kỳ vọng của gia đình chuyển sang tập trung vào kết hôn và lập gia đình nhanh chóng. Điều này khiến nhiều cô gái trẻ dễ bị rơi vào bẫy bọn lừa đảo - những kẻ sành sỏi trong việc thao túng cảm xúc của họ.

Theo số liệu thống kê, năm 2019 có hơn 90% người Hong Kong từ 15 đến 24 tuổi và hơn phân nửa số người từ 25 đến 34 tuổi sống cùng gia đình. Mặc dù phụ nữ trẻ thấy áp lực phải tìm kiếm tình yêu và kết hôn, nhiều phụ nữ lớn tuổi chưa kết hôn ngày càng lo lắng về cơ hội họ có con và càng khiến họ dễ bị lừa đảo. Tình hình không có gì cải thiện khi mà ở nhóm tuổi trên 30, cứ 2 nam giới ở Hong Kong thì có 3 phụ nữ. 

Chan cho rằng áp lực cộng thêm từ hiện tượng văn hóa Trung Quốc phổ biến vốn cho rằng nếu không kết hôn vào độ tuổi xấp xỉ trên dưới 30 thì những người phụ nữ đó trở thành "ế". Điều này có nghĩa là họ không còn được coi là thành đạt hay một bạn đời tiềm năng nữa. "Nữ giới được khuyến khích phát triển sự nghiệp nhưng những kỳ vọng về việc họ nên yêu ai và khi nào thì kết hôn vẫn bị ảnh hưởng phần lớn bởi các chuẩn mực văn hóa". Chan nói thêm: "Để đáp ứng kỳ vọng này, phụ nữ lớn tuổi háo hức xây dựng quan hệ yêu đương hơn, do đó dễ bị lừa tình hơn".

Tiến sĩ Lucetta Kam, trợ lý giáo sư Khoa Nhân văn và Sáng tạo, nói rằng những trò gian lận trong tình cảm trên thực tế đã tồn tại từ lâu. Nhưng, với những tiến bộ của công nghệ truyền thông, nhiều loại lừa đảo trực tuyến hiện đang tồn tại. Trong thế giới thực, chúng ta có những "kịch bản" lâu đời để thiết lập các mối quan hệ và hẹn hò mới. Chúng ta cần giao tiếp mặt đối mặt để xây dựng lòng tin lẫn nhau. Tuy nhiên, loại "xác minh" này không tồn tại trong thế giới mạng. 

"Người dùng ứng dụng hẹn hò có thể ẩn danh, đây cũng là một trong những đặc điểm chính của các ứng dụng này. Vì danh tính thực bị che giấu, mọi người có xu hướng mất cảnh giác và bỏ qua một số nguyên tắc cơ bản mà họ có thể nhấn mạnh vào đời thực". 

Ví dụ, nhiều kẻ lừa đảo tự xưng là người nước ngoài và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Nạn nhân cứ tiếp tục và làm như vậy mà không bị dấy lên nghi ngờ. Điều này là do trong thế giới mạng, mọi người có xu hướng ít cảnh giác hơn do tính ẩn danh và sẵn sàng thiết lập mối quan hệ thân thiết hơn với người lạ. Đồng thời, công nghệ mới đã gây ra những thay đổi đối với một số giá trị xã hội truyền thống như tình yêu, gia đình và hôn nhân cũng như định nghĩa về một mối quan hệ thân mật. Sự phổ biến của ngân hàng trực tuyến cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển tiền, vì vậy những kẻ lừa đảo dễ dàng lừa đảo mọi người hơn.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.