Interpol: Lịch sử và hiện hữu

Thứ Bảy, 20/04/2019, 17:14
Cách đây hơn một thế kỷ, ngay từ năm 1914, Thái tử Albert I (1848-1922) của Công quốc Monaco đã nêu ý tưởng cần phải thành lập một cơ quan mang tầm vóc quốc tế, nhằm lưu trữ các thông tin về bọn tội phạm và những kẻ vi phạm pháp luật một cách chuyên nghiệp.

Tới ngày 7-9-1923, một tổ chức với tôn chỉ bài trừ tội phạm quốc tế là Ủy ban Cảnh sát hình sự quốc tế (ICPC) đã được thành lập ở Vienna (Áo), nhưng phải mất trọn cả 2 thập niên sau vào năm 1956 tên gọi chính thức của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (viết tắt theo Anh ngữ là Interpol), cùng Văn phòng thường trực đặt tại thủ đô Paris ở Cộng hòa Pháp mới trở thành hiện thực. Đến đầu tháng 5-1989, trụ sở Interpol chuyển về thành phố cảng Lyon cách Paris 470km về phía đông nam.

Hiện Interpol trở thành tổ chức quy mô quốc tế lớn thứ 2 chỉ đứng sau Liên Hiệp Quốc. Bất cứ nước thành viên nào cũng đều có thể sử dụng các dịch vụ của Interpol, ví như nhờ trợ giúp bắt giữ kẻ bị tình nghi hay tên tội phạm đã bị kết án trên bình diện quốc tế, tìm kiếm những người mất tích hay xác định nhân thân các tử thi. Cụ thể trong vòng 24 tiếng đồng hồ, thông báo tìm kiếm sẽ xuất hiện trong tất cả các mạng vi tính của cảnh sát toàn cầu. Trong cả năm 2018 vừa qua, Interpol đã cho đăng tải qua các hệ thống của mình gần 3.000 lệnh “truy nã đỏ”, nghĩa là yêu cầu bắt giữ khẩn cấp nếu phát hiện đương sự.

Nhưng vì nhiều lý do khách quan khác nhau, không hẳn giới chức cảnh sát nơi này hoặc nơi kia sẽ ghi nhận và thực thi theo yêu cầu; cũng như không chắc rằng kẻ bị tầm nã sẽ bị bắt giữ. Trong thực tế Interpol không thể ra tay can thiệp trực tiếp, cũng như gây tác động hữu hiệu được bởi những nguyên nhân hết sức tế nhị. Interpol chỉ diễn đạt thông tin theo đề nghị của một nước thành viên nào đó, còn việc thực thi lại hoàn toàn tùy thuộc vào cơ quan cảnh sát của quốc gia sở tại. Ví như Văn phòng Interpol Liên bang Nga từng nhiều lần đề nghị người Anh giúp bắt nhóm tội phạm đủ loại, đã đào tẩu và đang ẩn náu tại London nhưng Văn phòng Interpol Anh cứ… “làm ngơ”.

Tòa nhà trụ sở Interpol tại Lyon.

Dù thế nào đi nữa thì vai trò của Interpol cũng hết sức quan trọng, không chỉ thuần túy bó hẹp trong phạm vi phòng chống tội phạm quốc tế. Như thảm họa thiên tai xảy ra cuối năm 2004 trong vùng Ấn Độ Dương chẳng hạn, sóng thần đã cướp đi sinh mạng của chừng 225.000 người thuộc 11 quốc gia, lượng thông tin do Interpol cung cấp đã nhanh chóng giúp xác định danh tính các nạn nhân.

Chung quy lại, nhiệm vụ hàng đầu của Interpol là trao đổi thông tin quy mô quốc tế trong lĩnh vực nghiệp vụ cảnh sát. Nếu như trên hành tinh này có ai đó ở một quốc gia nào đấy cần dò tìm người mất tích, hoặc là đồ vật, giấy tờ tài liệu, hay sản phẩm nghệ thuật bị đánh cắp… đều có cơ may tìm thấy trong các ngân hàng dữ liệu thông tin thuộc Interpol. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng này còn lưu trữ dấu vân tay và mẫu ADN của rất nhiều cá nhân khác nhau thuộc đủ mọi quốc tịch.

Quang Long (tổng hợp)
.
.