Italy nỗ lực chống mafia thao túng nông nghiệp

Thứ Ba, 19/02/2019, 10:36
Coldiretti, một tổ chức các chủ nông trại nổi tiếng ở Italy, tuyên bố mafia dính líu đến toàn bộ hành trình của nông sản – từ việc thâu tóm các nông trại cho đến sản xuất, từ việc kiểm soát vận chuyển thực phẩm cho đến các hệ thống siêu thị bán lẻ.

Theo Công tố viên chống mafia Pietro Grasso, luật pháp Italy cần được thắt chặt hơn nữa để chống lại bọn tội phạm mafia - nông nghiệp và chấm dứt hoạt động chế biến thực phẩm không đạt chất lượng.

Sergio Marini, Chủ tịch Coldiretti, cho rằng hoạt động xuất khẩu thực phẩm và nông sản nước này sẽ tăng gấp 3 lần nếu nhà nước có những hành động kiên quyết chống các sản phẩm vi phạm tiêu chuẩn chất lượng của mafia.

Bức họa chân dung bố già Salvatore Riina trưng bày trong Nhà bảo tàng Chống Mafia ở Corleone, Sicily.

Mafia hoành hành môi trường nông nghiệp

Từ trên sân thượng nhà máy sản xuất rượu vang gần thị trấn Caltagirone trên đảo Sicily miền Nam Italy, ông chủ Cesare Nicodemo cầm ly rượu trong tay và lặng lẽ lướt mắt khắp cánh đồng nho đang chín của mình. Nếu quan sát gần hơn, sẽ nhìn thấy rất nhiều camera an ninh lắp trên những cây cột cao hiện lên lấm chấm khắp vành đai mảnh đất trồng nho của Cesare Nicodemo. Những cánh cổng sắt dẫn vào nhà máy rượu vang của ông cũng luôn đóng chặt một cách an toàn.

Cesare Nicodemo thường xuyên bị mafia đe dọa, cánh đồng nho liên tục bị xâm phạm, những tòa nhà bị tấn công và những thân cây nho cũng bị chặt phá hay đốt cháy. Cesare thú thật sau khi nhấp một ngụm rượu vang: “Bọn mafia vùng nông thôn luôn ra sức hủy hoại chuyện làm ăn của chúng tôi và còn muốn tống khứ chúng tôi khỏi vùng đất màu mỡ này”. Nhưng, bọn mafia nông thôn đích thực là ai? Đó là bọn tội phạm song một người tin chúng hành động móc ngoặc với giới luật sư, kế toán viên hay có thể cả chính khách ở địa phương.

Cesare cho biết những cọc gỗ - trên đó bọc tờ giấy trắng như dấu hiệu muốn tuyên bố “mảnh đất này thuộc về bọn tao” -  cắm rải rác khắp vùng đất bao quanh cánh đồng nho của ông chính là dấu hiệu của mafia nông thôn. Những cây cọc này xuất hiện nhiều hơn nữa dưới chân núi Etna cách vườn nho của Cesare chừng 100km – nơi thuộc sở hữu của Sebastiano Blanco.

Năm 2016, căn nhà của Sebastiano bị bọn mafia phóng hỏa và kết luận điều tra từ cảnh sát cho rằng hung thủ là một kẻ vô gia cư. Nhưng, Sebastiano tuyên bố vụ đốt nhà ông xảy ra vào lúc hàng loạt cọc gỗ quấn tờ giấy trắng mọc lên trên mảnh đất trồng nho của ông.

Chính xác thì bọn mafia nông thôn này muốn gì? Giuseppe Antoci – Chủ tịch công viên quốc gia Nebrodi lớn nhất Sicily và là điều phối viên Federparchi Sicilia (Liên đoàn Các công viên Quốc gia Sicily) – phát hiện sự gian lận trên diện rộng liên quan đến quỹ tài trợ phát triển nông thôn và nông trại của Liên minh châu Âu (EU).

Francesco Galante, lãnh đạo Libera Terra.

Trong cuộc điều tra hợp tác với Phó thanh tra Daniele Manganaro thuộc Sở cảnh sát Messina miền Bắc Sicily, Antoci tìm thấy các mạng lưới tội phạm địa phương ra sức tung tin giả với nội dung đất đai thuộc sở hữu của chúng – hoặc chúng làm giả giấy tờ chứng nhận thuê đất – để có cơ sở xin tiền tài trợ từ EU.

Manganaro giải thích: “Chúng ta đang chứng kiến sự biến tướng của mafia tại đảo Sicily. Đây không phải là mafia buôn lậu ma túy hay vũ khí. Chúng ta không đề cập đến tổ chức tội phạm mafia tồn tại cách đây 30 năm với hoạt động bắt cóc đòi tiền chuộc hay kiếm tiền từ bảo kê doanh nghiệp. Mà đây là bọn mafia lừa đảo quỹ tài trợ nông nghiệp của EU. Để tiến hành loại lừa đảo này, bọn chúng tất nhiên phải có năng lực trí tuệ và học vấn cao. Bởi vì, bước đầu tiên là phải thành lập một công ty để thực hiện hành vi lừa đảo tinh vi”.

Những gì mà Giuseppe Antoci đang cố gắng là ngăn chặn loại tội phạm lừa đảo này bằng cách vận động chính quyền thành lập một luật mới đòi hỏi bất cứ ai đệ đơn xin tài trợ từ quỹ EU phải trình giấy xác nhận chống mafia. Nhưng, những người hoài nghi không tin vào sáng kiến của Antoci, cho rằng bọn tội phạm có thể tìm kiếm sự ủy quyền từ ai đó có lợi cho chúng.

Hiện thời, Cơ quan Chống gian lận của EU (OLAF) đang xem xét 35.000 đơn xin trợ cấp từ quỹ tài trợ phát triển nông thôn. Francesco Albore, lãnh đạo đội điều tra vấn đề này của OLAF, phát biểu: “Tôi cho rằng EU và các tổ chức chính quyền phải hợp tác với nhau để chống lại loại tội phạm gian lận này”. Hiện nay, EU và chính quyền Italy đang dành ra 2,2 tỷ euro tài trợ cho dự án phát triển nông thôn và nông nghiệp kéo dài đến năm 2020.

Domenico Pautasso, Giám đốc Hiệp hội Nông nghiệp quốc gia Italy Coldiretti, bình luận: “Thường thì người ta khó mà hiểu được tác động kinh tế do mafia nông nghiệp gây ra song thực tế cho thấy ngày càng có thêm nhiều nhà sản xuất dầu ôliu gia nhập mạng lưới những kẻ chuyên nghiệp làm hàng giả, hàng kém chất lượng. Doanh thu của mafia nông nghiệp đã vượt quá 15,5 tỷ euro/năm, và toàn bộ hệ thống các sản phẩm giả “made in Italy” cũng vượt mức 60 tỷ euro/năm”.

Theo đánh giá từ Liên minh Nông nghiệp Italia (ICA), có 240 bộ phận mafia nông nghiệp tấn công lĩnh vực này mỗi ngày và mỗi giờ có 8 hành vi tội phạm diễn ra ở nước này – theo báo cáo gọi là “Mafia Nông nghiệp” của ICA công bố.

Báo cáo cũng ghi nhận hơn 350.000 nông dân và nhà sản xuất liên quan đến mạng lưới gian lận lan rộng, làm giả từ mỳ ống cho đến phô mai và thịt jambon. Một số nông dân và nhà sản xuất còn dính líu sâu vào vũng lầy tham nhũng. ICA đánh giá có khoảng 4,5 euro tỷ lợi nhuận thu được trong ngành công nghiệp bất hợp pháp xuất phát từ hành động cướp bóc các sản phẩm thật từ các cánh đồng và nhà kho. Khoảng 3,5 tỷ euro doanh thu bẩn đến từ mánh khóe gian lận và 3 tỷ euro đến từ hành vi làm giả các nhãn hiệu “made in Italy”.

Giới chức Italia chống tham nhũng và mafia đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn những vụ gian lận sản phẩm diễn ra trong từng lĩnh vực tại mỗi địa phương nước này.

Điều tra dầu ôliu kém chất lượng

Italy là nhà sản xuất dầu ôliu lớn hàng thứ 2 thế giới sau Tây Ban Nha. Nhưng, Italy cũng là nhà nhập khẩu dầu ôliu lớn nhất thế giới từ Tunisia, Hy Lạp và Tây Ban Nha. Nước này cũng nhập khẩu dầu chiết xuất từ cây cải dầu và dầu đậu nành từ nước ngoài.

Nhiều nhà sản xuất thừa nhận sử dụng dầu nhập khẩu làm cơ sở cho sản xuất dầu giả kém chất lượng nhưng được dán nhãn Extra-Virgin (siêu nguyên chất). Thậm chí, họ còn sử dụng chất diệp lục để tạo màu và sản xuất dầu ôliu giả.

Theo luật pháp quy định, extra-virgine có độ acid không hơn 0,8g/100g dầu, và phải được sản xuất từ dầu ép quả ôliu đầu tiên. Tháng 5-2015, sau khi một blog về thực phẩm Italy trên Internet đưa tin dầu ôliu cao cấp bị biến màu, giới chức hải quan và nông nghiệp nước này bắt đầu tiến hành những cuộc xét nghiệm mẫu và tìm thấy 9 trong số mỗi 90 chai dầu bán trong nước hay xuất khẩu đều là sản phẩm kém chất lượng.

Kết quả là 7 trong số các công ty sản xuất dầu ôliu “siêu nguyên chất” hàng đầu Italy bị buộc tội cung cấp sản phẩm bẩn, kém chất lượng và điều đó cho thấy sự hiện diện của mafia nông nghiệp ở nước này.

Năm 2015, các công tố viên ở thành phố Turin đã mở cuộc điều tra hình sự chính thức đối với 7 công ty này - bao gồm: Carapelli, Bertolli, Santa Sabina, Coricelli, Sasso, Primadonna và Antica Badia - về dầu ôliu kém chất lượng. Tuy nhiên, tất cả những công ty sản xuất dầu ôliu bị nhà chức trách Italy điều tra đều một mực phủ nhận họ đã làm những việc sai trái và thậm chí còn tố cáo ngược rằng những xét nghiệm đều cho ra kết quả sai! Không dừng lại ở đó, nhiều công ty còn phát động những cuộc phản công dữ dội, buộc tội chính quyền gian lận trong xét nghiệm.

Trong khi đó, vấn đề trở nên trầm trọng hơn khi người ta cho rằng các nhà vườn và nhà sản xuất dầu ôliu đang bị điều tra đều có dấu hiệu dính líu đến loại vi phạm pháp luật gọi là “mafia nông nghiệp” – cách gọi ở Italia dành cho những hành vi gian lận và tham nhũng trong lĩnh vực nông nghiệp mà thật ra có lẽ có hoặc không có liên quan gì đến mạng lưới tội phạm có tổ chức nổi tiếng của nước này. Nhưng thường thì có sự hiện diện của mafia trong lĩnh vực nông nghiệp do bọn chúng từ lâu đã vươn vòi bạch tuộc đến mọi ngóc ngách đời sống cũng như nghề nghiệp sinh sống của người dân Italy.

Đây không phải là lần đầu tiên dầu ôliu Italy bị dính bê bối hàng giả. Năm 2011, nhà báo New York Times Tom Mueller phơi bày những vụ bê bối liên quan đến mặt hàng dầu ôliu trong cuốn sách tựa đề “Extra Virginity: The Sublime and Scandalous World of Olive Oil” (tạm dịch: Siêu nguyên chất: Thế giới của sự siêu phàm và bê bối của dầu ôliu) trong đó mô tả hơn 50% lượng dầu ôliu nhập khẩu vào Mỹ bị pha trộn với các loại dầu rẻ tiền khác.

Giuseppe Antoci và chiếc ôtô bị trúng đạn của mafia.

Alberto Martorelli, chuyên gia ở hiệp hội Coldiretti, có lời khuyên: “Đối với người tiêu dùng, điều quan trọng nhất là chú ý đến nhãn hiệu. Hãy chắc chắn rằng mình mua sản phẩm với 100% dầu ôliu được sản xuất và đóng chai tại Italy. Và, cũng hãy chắc chắn rằng sản phẩm đã qua xét nghiệm mùi. Người tiêu dùng cũng nên ngửi và nếm để biết đúng hương vị của quả ôliu”.

Hội đồng Ôliu quốc tế (IOC) cũng nhấn mạnh rằng dầu ôliu “siêu nguyên chất” phải được sản xuất từ quả của cây ôliu.

Sự ra đời của tổ chức Liberra Tera

Liberra Tera (nghĩa là, vùng đất tự do không chịu sự kiểm soát của mafia) là sáng kiến hợp tác xã của nông dân cùng với các nhà sản xuất để tạo ra các sản phẩm hữu cơ như dầu ôliu, rượu, mỳ ống, hạt giống v.v… đồng thời cung cấp những việc làm không chịu sự chi phối của mafia trong một đất nước đang rối loạn với nạn thất nghiệp và tham nhũng lan tràn.

Linh mục Don Luigi Ciotti – một nhà cải cách khác và một trong những người sáng lập Libera Terra - nhận thức rất rõ đất nước Italy đang phải sống trong sự kìm kẹp của tội phạm có tổ chức cho nên đã có phản ứng bằng cách tổ chức phong trào chống mafia thông qua giáo dục, công ăn việc làm và hoạt động nông nghiệp.

Don Ciotti tuyên bố: “Tất cả những gì mà chúng tôi canh tác trên mảnh đất Sicily hiện nay đều có thể tìm thấy trên khắp các thị trường ở Italy”. Francesco Galante – người phát ngôn của Libera Terra – cho biết những vườn nho của Libera Terra trải dài trên sườn núi lộng gió gần San Giuseppe Jato (nằm cách thành phố Palermo chừng 1 giờ đường ôtô) trước đây là tài sản của Bernardo Brusca, trùm mafia bị ngồi tù trong thập niên 1980.

Libera Terra mong muốn cung cấp cho thị trường những sản phẩm hữu cơ chất lượng cao, trả lương xứng đáng cho công nhân, đồng thời cố gắng giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp cao ở Sicily.

Cách đây hơn 10 năm khi Placido Rizotto – hợp tác xã được đặt theo tên của một nông dân và lãnh đạo công đoàn bị mafia sát hại năm 1948 - được thành lập, chỉ có vài người muốn làm việc cho hợp tác xã bởi vì phần đông nông dân đều sợ mafia. Khi hệ thống nông nghiệp bắt đầu đứng lên chống mafia thì người dân Sicily cũng có cuộc chiến khác – đó là các doanh nghiệp chống lại Luật pizzo (tiền bảo kê) của mafia.

Theo Galante, ở Palermo có khoảng 70 đến 80% chủ cửa hàng phải nộp pizzo cho mafia. Phong trào chống pizzo gọi là Addiopizzo nổi lên từ năm 2004, khi một nhóm sinh viên chống mafia quyết định khai trương một quán cà phê ở Palermo và tuyệt đối không nộp pizzo cho bọn tội phạm. Lúc đó, nhóm sinh viên cho dán những tấm giấy nhỏ trong khắp thành phố Palermo trong đó ghi rõ: “Những người nộp pizzo là những người không có lòng tự trọng”.

Ngày nay, biểu tượng của phong trào Addiopizzo được dán trên cánh cửa của các doanh nghiệp ở Sicily, giúp người dân chọn đi đến nhà hàng hay khách sạn không dính líu đến mafia. Ở Corleone – thị trấn được bất tử hóa trong bộ phim “Bố già” (Godfather), Walter Bonano là hướng dẫn viên cho Nhà bảo tàng chống Mafia. Bonano chỉ cho du khách xem bức ảnh chụp Bernardo Provenzano – bố già cuối cùng của Corleone. Hiện nay, căn nhà của Provenzano trở thành cửa hàng bán cà chua hữu cơ được trồng trên những cánh đồng tịch thu từ bố già.

Đối với Libera Terra, mỗi một sản phẩm hữu cơ (không nộp pizzo) được bán trong các cửa hàng ở khắp đảo Sicily là một cách để nhắc nhở mọi người tránh xa mafia. Libera Terra có một loại rượu gọi là Placido Rizotto. Bonano nhấn mạnh: “Khi uống loại rượu này, chúng ta sẽ nhớ đến những anh hùng trẻ tuổi đã bị mafia sát hại. Đó là một sản phẩm mang tính biểu tượng”.

Diên San (tổng hợp)
.
.