Kosovo dự lập quân đội riêng gây chia rẽ
- Tổng thống Mỹ thúc giục Kosovo thỏa thuận hòa bình cùng Serbia
- Kosovo đòi lập quân đội, Nga cảnh báo nguy cơ chiến tranh
Đây được xem là một động thái đi ngược lại với những gì đã cam kết trước đây giữa Kosovo với cộng đồng quốc tế và nước láng giềng Serbia. Nó khiến Liên minh châu Âu, NATO và Serbia đồng loạt lên tiếng phản đối, trong khi Mỹ lại ủng hộ.
Kosovo vốn là một tỉnh của Serbia, được tách ra sau cuộc chiến Nam Tư năm 1999, trong đó NATO do Mỹ dẫn đầu mở chiến dịch không kích Serbia nhằm buộc nước này chấm dứt chiến dịch quân sự thanh trừng thành phần ly khai gốc Albania. Tháng 6-1999, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra Nghị quyết số 1244 đặt Kosovo dưới sự kiểm soát của chính quyền chuyển tiếp Liên Hiệp Quốc (UNMIK) và được bảo đảm an ninh bởi lực lượng gìn giữ hòa bình do Liên Hiệp Quốc chủ trì (KFOR).
Theo Nghị quyết 1244, Kosovo vẫn là một tỉnh thuộc Nam Tư nhưng được trao cho quyền tự trị rộng rãi hơn. Tháng 2-2006, tiến trình đàm phán quốc tế về quy chế cuối cùng cho Kosovo bắt đầu nhưng đến tháng 2-2008, trong khi đàm phán bế tắc, Kosovo với sự hậu thuẫn của phương Tây đã đơn phương tuyên bố độc lập. Serbia, Nga và nhiều quốc gia không công nhận Kosovo, trong khi Mỹ và một số quốc gia châu Âu công nhận.
Việc Kosovo tuyên bố thành lập quốc gia độc lập được xem như một “thắng lợi” của phương Tây nhưng là một tiền lệ nguy hiểm về sự toàn vẹn lãnh thổ cho nhiều quốc gia trên thế giới. Không riêng khu vực nào, cả thế giới có đến hàng chục quốc gia đang có vấn đề về ly khai mà nóng bỏng nhất là Tây Ban Nha, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ,... Qua 10 năm, đã có nhiều nỗ lực của EU nhằm hòa giải quan hệ căng thẳng giữa Kosovo và Serbia nhưng Belgrade trước sau vẫn không thể công nhận Kosovo như một quốc gia độc lập.
Một thỏa thuận năm 2013 cho phép cộng đồng người Serbia thiểu số ở phía bắc Kosovo thành lập Hội đồng quản lý cộng đồng Kosovo và Metohija và tòa án phúc thẩm của riêng mình. Nhưng quan hệ với Belgrade vẫn không thể được cải thiện. Trong bối cảnh như vậy, việc Kosovo đơn phương quyết định thành lập quân đội riêng là một dấu hiệu không tốt đẹp, càng làm cho các mối quan hệ thêm căng thẳng.
Lực lượng gìn giữ hòa bình KFOR tại Kosovo. |
Cho đến nay, Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vẫn còn hiệu lực và các bên vẫn phải tuân theo những điều khoản quy định trong đó. Vì thế, bất cứ động thái nào liên quan đến các định chế bên trong Kosovo đều phải được xem xét thật kỹ, có trái với Nghị quyết 1244 hay không. Ngay sau khi Quốc hội Kosovo thông qua nghị quyết về thành lập quân đội riêng, NATO, EU và Serbia đồng loạt lên tiếng phản đối.
Các bên đều cho rằng động thái của Kosovo đã vi phạm quy định của Nghị quyết 1244, trong đó việc duy trì lực lượng an ninh hạn chế của Kosovo là cần thiết trong giai đoạn trước mắt nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định chung trong khu vực. Theo Nghị quyết 1244, Kosovo được phép duy trì lực lượng an ninh nhỏ với khoảng 4.000 người. Đồng thời việc đảm bảo an ninh, hệ thống tư pháp và cảnh sát do NATO và EU đảm trách.
Hiện tại, các lực lượng an ninh của NATO và cảnh sát của EU vẫn đang thực thi nhiệm vụ bên trong Kosovo, vì thế việc phát triển lực lượng quân đội riêng của Kosovo sẽ tạo ra một tình huống căng thẳng về lực lượng vũ trang trong một vùng lãnh thổ nhỏ bé với dân số chỉ vào khoảng 1,8 triệu người.
Những người đầu tiên không đồng tình quyết định của Pristina là cộng đồng người Serbia tại Kosovo. Lãnh đạo cộng đồng người Serbia Goran Rakic cho rằng quyết định cho thấy Pristina đã không tôn trọng việc duy trì hòa bình trong khi tình hình quan hệ với Serbia vẫn đang căng thẳng.
Tổng Thư ký NATO - tướng Jens Stoltenberg đã bày tỏ “lấy làm tiếc vì quyết định được đưa ra bất chấp những quan ngại đã được NATO khuyến cáo”. Ông Stoltenberg cho rằng, việc Kosovo quyết định lập quân đội riêng vào lúc này là chưa thích hợp, cần phải có thêm thời gian và những cuộc đàm phán để đảm bảo các điều kiện về an ninh, chính trị, ngoại giao.
Trong khi đó, nguy cơ về một cuộc xung đột quân sự là điều có thể xảy ra, sau khi Thủ tướng Serbia khẳng định quyết định thành lập quân đội của Kosovo đã vi phạm Nghị quyết 1244 và những cam kết, thỏa thuận trước đây về quy chế an ninh, đe dọa hòa bình, sự ổn định trong khu vực, đồng thời tuyên bố “can thiệp quân sự là một trong những chọn lựa” đang được đưa ra. Bộ trưởng Ngoại giao Serbia Ivica Dacic cũng tuyên bố Serbia sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc triệu tập họp khẩn cấp về vấn đề này.
Trong khi hầu như tất cả đều phản đối, Mỹ lại là quốc gia duy nhất lên tiếng ủng hộ quyết định của Kosovo. Điều này không chỉ cho thấy quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương đang ngày càng bị xói mòn mà quan trọng hơn, có vẻ như sự ủng hộ của Mỹ sẽ tạo chỗ dựa, một “chứng thực” quan trọng để Kosovo tiếp tục triển khai những bước đi tiếp theo có thể khiến căng thẳng trong khu vực Balkan leo thang, thậm chí bùng nổ thành điểm nóng.
Kosovo đã đi một nước cờ táo bạo có tính toán khi quyết định thành lập quân đội riêng. Vấn đề là việc thành lập quân đội trên thực tế sẽ được thực hiện trong thời gian bao lâu và Kosovo sẽ lấy gì để bảo đảm cho hoạt động của quân đội này. Đại sứ Mỹ tại Kosovo Philipp S. Kosnett một mặt hoan nghênh quyết định của Kosovo, mặt khác vẫn thừa nhận việc xây dựng một quân đội riêng như thế cần ít nhất khoảng 10 năm. Muốn phát triển quân đội, Kosovo sẽ cần có “nhà cung cấp” khí tài quân sự, cả những hỗ trợ về kỹ thuật quân sự và điều này hoàn toàn có thể với sự ủng hộ của Mỹ.