Lập dự án khống, bán bất động sản “ma“

Chủ Nhật, 19/07/2020, 09:29
Từ cuối năm 2019 đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hồ Chí Minh đã điều tra, khởi tố 6 vụ án hình sự, bắt 6 bị can về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Riêng từ đầu tháng 7-2020 đến nay, Cơ quan điều tra đã khởi tố 2 vụ án lừa đảo liên quan đến bất động sản.

Quyết liệt xử lý

Ngày 6-7, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến bà Huỳnh Thị Hạnh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng địa ốc bất động sản Thiên Ân Phát (viết tắt Công ty Thiên Ân Phát) do một lô đất có tên khu dân cư Bưng Ông Thoàn 2 (phường Phú Hữu, quận 9, TP Hồ Chí Minh) được bán cho nhiều người.

Là bị hại của công ty này, chị Nguyễn Thanh Thúy ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh cho biết: Năm 2018 chị tìm hiểu mua đất nền và nhận được lời mời từ các môi giới mua lô đất C14 diện tích 100 m2, nằm trong dự án có tên Nguyễn Xiển 3 - Happy Riverside (quận 9) với giá trung bình 24 triệu đồng/m2. Nhân viên môi giới Công ty Thiên Ân Phát liên tục thúc giục chị và nói rằng mua đất nền mà rẻ hơn mua căn hộ. Khi làm hợp đồng mua đất thì không phải hợp đồng mua bán mà là hợp đồng hợp tác, chị cũng như những khách hàng khác là người góp vốn để hình thành dự án.

Các nhà đầu tư bức xúc tố cáo Công ty Phi Long.

Chị Thúy đặt cọc 1 tỉ đồng và ký kết trực tiếp với Giám đốc Công ty Thiên Ân Phát, được hứa hẹn 18 tháng sau sẽ nhận đất, xây nhà. Lúc đó nhân viên của công ty liên tục chở khách hàng đi xem vị trí đất, nói đường đang hoàn thiện với trụ điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy... Thấy mọi hoạt động gấp rút, chị Thúy và nhiều khách hàng lo không đặt cọc thì mất đất giá rẻ nên đã “xuống tiền”.

Đến hẹn không thấy bàn giao đất, chị Thúy và một số khách hàng đến Văn phòng đăng ký đất đai quận 9 tìm hiểu mới biết không có tên dự án, khu đất chưa thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích. Sau này, chị Thúy còn tá hỏa khi biết 1 lô đất được công ty này bán cho nhiều người.

Ngày 1-7, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Ngô Minh Khâm, Tổng Giám đốc Công ty Cp Địa ốc Phú An Thịnh Land (gọi tắt Công ty Phú An Thịnh Land, trụ sở phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Thủ đoạn lừa đảo của Ngô Minh Khâm là tìm những người có nhu cầu bán đất với diện tích lớn (đất ở nông thôn, đất trồng lúa, đất trồng cây lâu năm...) để thỏa thuận mua bán. Sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng viết tay với chủ đất và đặt cọc (chưa hoàn tất thủ tục sang tên chuyển nhượng, chưa lập thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép), Khâm cho nhân viên tự ý vẽ thiết kế quy hoạch 1/500 phân thành từng lô, nền có cơ sở hạ tầng đầy đủ như điện, nước, thoát nước, đường đi và đặt tên cho dự án. Làm xong, Khâm rầm rộ quảng cáo bán đất nền.

Từ năm 2017 đến 2018, nhiều khách hàng đã mua nền đất tại các dự án Eco Garden, Eco Garden 3, và Eco Garden 5 ở tỉnh Long An, do Công ty Phú An Thịnh Land làm chủ đầu tư. Sau khi chồng tiền, khách hàng đợi dài cổ vẫn không được công ty này sang tên, làm sổ. Bức xúc, nhiều người gửi đơn đến Công an TP Hồ Chí Minh.

Đến nay, Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hơn 50 đơn tố giác, tố cáo Ngô Minh Khâm lừa đảo chiếm đoạt gần 40 tỷ đồng bán các nền đất ở của các dự án không có thật (dự án “ma”) tại Long An. Cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh giao cho công ty này đến 7 dự án và đều để xảy ra thưa kiện kéo dài. Đó là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Phi Long (viết tắt là Công ty Phi Long).

Công ty Nam Long Real nói bán đất ở quận 9 nhưng đưa khách đến Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong tháng 6 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại công ty này. Dự án khu dân cư Nam - Nam Sài Gòn (huyện Bình Chánh) chưa hoàn thiện pháp lý nhưng chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nhà biệt thự không có giấy phép xây dựng, san lấp rạch trái phép và tự vẽ ra nhiều bản đồ quy hoạch phân lô để huy động vốn trái pháp luật thông qua những hợp đồng “hợp tác đầu tư”, “chiêu thức góp vốn”, khiến hàng trăm khách hàng, nhà đầu tư “sập bẫy”.

Ông Trần Thanh Hải (khách hàng) cho biết, ông góp vốn mua nền biệt thự D2-08 diện tích 450 m2 vào năm 2007. Đến năm 2019, ông “té ngửa” khi phát hiện nền đất trên bị chủ đầu tư phân thành 4 nền để tiếp tục bán cho những người khác.

Một điều đáng nói là mặc dù công ty này chây ì, làm ăn gian dối, lừa đảo nhưng vẫn được TP Hồ Chí Minh giao tới 7 dự án bất động sản. Trong 7 dự án bất động sản mà Công ty Phi Long được giao làm chủ đầu tư, có dự án đã từng bị thanh, kiểm tra và điều tra, đã có kết luận xử lý nhưng chủ đầu tư vẫn chưa khắc phục theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền, như dự án khu dân cư Phi Long 5 (Đô thị mới Nam TP Hồ Chí Minh). Từ năm 2017 cơ quan chức năng nhận được tố cáo của người dân và cả doanh nghiệp. Qua thanh tra, phát hiện hàng loạt sai phạm.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần gửi thư mời đại diện công ty đến làm việc nhưng không có người đến, không cung cấp hồ sơ theo yêu cầu. Mặc dù công ty này có nhiều vi phạm nhưng TP Hồ Chí Minh không giải quyết dứt điểm đã để khiếu kiện kéo dài, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) nhận được đơn tố giác về tội phạm liên quan đến Công ty Phi Long nên đã thông báo và yêu cầu Công an TP Hồ Chí Minh vào cuộc. Qua điều tra, xác định có dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi nêu trên.

Cũng trong tháng 6-2020, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Đinh Hồng Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH thương mại, xây dựng, kinh doanh nhà Tân Hồng Uy (Công ty Tân Hồng Uy).

Ông Hải bị điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại dự án ở quận 2, TP Hồ Chí Minh. Hải có hành vi sử dụng 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bán cho 13 hộ dân làm tài sản bảo đảm cho hợp đồng tín dụng của Công ty Cp Otran miền Nam vay tại Ngân hàng BIDV, chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa, chiếm đoạt trên 80 tỉ đồng.

Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hiện đang điều tra về hành vi lừa đảo tại một số công ty bất động sản như: Công ty TNHH Phát triển nhà ở Nablaland, Công ty Hoàng Kim Land, Công ty Đất vàng Hoàng Gia, Công ty Bất động sản Anh Kiệt... Các công ty này từng rao bán các khu đất không có thật để thu tiền khách hàng, bị người dân nhiều lần làm đơn tố cáo.

Công ty Đất Nam tổ chức bán đất nền ở Long An nhưng thông báo đi xem đất tại TP Hồ Chí Minh.

Những chuyến đi xem đất và thủ đoạn “treo đầu dê, bán thịt chó”

Qua tìm hiểu và đi theo lời giới thiệu mời mọc của nhân viên công ty bất động sản, phóng viên nhận thấy các đối tượng chủ yếu lừa đảo bằng hình thức “treo đầu dê, bán thịt chó”. Điển hình là thủ đoạn giới thiệu dự án đất nền ở quận 9 (TP Hồ Chí Minh) của Công ty Nam Long Real.

Sau khi tập hợp khách hàng tại một quán cà phê tại quận Bình Thạnh để giới thiệu với mục đích cố gắng “câu” cho khách đặt cọc 40 triệu/nền. Sau đó công ty đưa khách (gồm cả khách đã đặt cọc và khách chưa đặt cọc) lên xe ô tô đi xem đất. Trên xe có 2 nhân viên liên tục tư vấn cho khách như kiểu thúc giục mua nhanh kẻo hết vị trí đẹp. Đi một hồi mà chưa đến nơi, nhóm khách hàng mới thắc mắc thì nhân viên giải thích là đi xem đất ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chứ không phải là đất ở quận 9 như giới thiệu ban đầu.

Lúc này, nhiều khách trên xe tỏ ra bức xúc, biết là bị lừa nhưng đã lỡ lên xe nên tặc lưỡi. Xe đưa khách đến một khu đất trống và những nhân viên của công ty này bắt đầu “diễn”. Một không khí náo nhiệt bởi sự hò hét của nhân viên làm ra vẻ nếu khách không mua thì sẽ không còn cơ hội. Có thể nói nhân viên đông hơn khách hàng nên có đến 2-3 nhân viên “đeo” một khách để tư vấn.

Tôi cũng được 2 nhân viên nữ đi theo tư vấn. Khi tôi hỏi giấy tờ pháp lý mảnh đất thì các nhân viên gạ tôi cứ đặt cọc nhanh nhanh nhanh rồi sẽ có nhân viên pháp lý của công ty cho xem giấy tờ. Cái mà nhân viên đưa cho khách hàng xem chỉ duy nhất là bản vẽ rất đẹp, cái này thì ai cũng thuê làm được. Dù mảnh giấy đó không có tính pháp lý nhưng nhiều người vẫn đặt cọc. Sau này tôi có liên hệ với một số khách hàng thì được họ cho biết họ đang đi kiện Công ty Nam Long Real lừa đảo.

Bị can Đinh Hồng Hải tại cơ quan điều tra; Tổng Giám đốc công ty Phú An Thịnh Land.

Cũng với cách thức này, tôi được nhân viên Công ty Cp Đầu tư xây dựng địa ốc Đất Nam ở quận Bình Tân giới thiệu bán nền rẻ ở huyện Bình Chánh. Sau khi tập hợp khách tại công ty trên đường Tên Lửa, phường Bình Trị Đông B, khách hàng được mời lên xe ô tô đưa đi xem đất. Vậy là xe chạy một mạch đến Long An.

Tại đây, cũng có khá nhiều khách hàng, nhân viên đưa đi xem và giới thiệu về dự án và kêu gọi khách đặt cọc. Cũng với chiêu “chim mồi” để câu khách, việc mua bán “đắt như tôm tươi”, kẻ mua, người bán náo nhiệt, từng cọc tiền đặt trên bàn để nhân viên viết biên nhận.

Tôi thắc mắc: “Đây là Long An, sao công ty nói đất ở huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh), nhân viên vẫn khẳng định đất này thuộc địa phận TP Hồ Chí Minh. Đến lúc tôi đưa định vị cho xem, người này mới nói “ở đây cũng kế bên TP Hồ Chí Minh mà anh!”.

Qua tìm hiểu, tôi thấy hầu hết khách hàng muốn mua để đầu tư chờ lên giá để bán kiếm tiền lời. Mặc dù bỏ ra số tiền lớn nhưng hầu như ít quan tâm đến pháp lý mà chỉ nghe theo lời “hót” của nhân viên công ty. Thế nên họ mới dễ sập bẫy và khi nhận ra bị lừa đảo thì đã muộn.

Ông Nguyễn Bá Đàn, Phó Chủ tịch UBND phường Thạnh Xuân, quận 12, TP Hồ Chí Minh cho biết, địa bàn phường cũng xảy ra tình trạng một số người tự vẽ dự án rồi rao bán trên mạng. “Người nhận chuyển nhượng nhà đất nên đến UBND phường hỏi về pháp lý trước khi bỏ tiền ra giao dịch. Chúng tôi luôn sẵn sàng cung cấp thông tin cho người dân về pháp lý đến những vị trí nhà đất mà người dân muốn nhận chuyển nhượng. Chưa nắm rõ pháp lý thì không nên giao dịch”, ông Đàn chia sẻ.

Việc lập “dự án ma” hoạt động rầm rộ suốt thời gian dài mà không bị xử lý đã dẫn đến hậu quả lớn, khiến nhiều người bị sập bẫy lừa, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Để đảm bảo an toàn, người dân nên đến chính quyền địa phương tìm hiểu tính pháp lý của bất động sản trước khi tiến hành giao dịch.

Nguyễn Cảnh
.
.