Lật tẩy nhiều đường dây buôn bán, sản xuất tân dược giả

Thứ Tư, 04/09/2019, 14:23
Nhiều vụ sản xuất, buôn bán tân dược giả, kém chất lượng quy mô lớn, với thủ đoạn rất tinh vi, được Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện mới đây đã khiến dư luận rúng động, ám ảnh. Bởi các loại “tân dược” này có thể đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Đáng nói, qua đó cũng cho thấy những lỗ hổng trong quản lý loại mặt hàng đặc thù này.

Từ nhập lậu đến... tự sản xuất, buôn bán

Ngày 29-8-2019, Đội 6, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm (ĐTTP) về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh bất ngờ kiểm tra một căn nhà trên đường Quân Sự, phường 11, quận 11. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện hàng ngàn sản phẩm tân dược không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Theo kết quả kiểm đếm ban đầu, số tang vật lực lượng chức năng tạm giữ trị giá ước tính hàng tỷ đồng với khoảng 20 loại tân dược, nhiều mẫu mã khác nhau. Trong đó có một số loại thuốc đặc trị xương khớp, tim mạch, đái tháo đường, hạ đường huyết... Đây là những sản phẩm có giá bán cao trên thị trường, trong đó có loại được bán lẻ với giá trên 5 triệu đồng/hộp. Chủ số hàng này được xác định là Đoàn Quang Tuấn (27 tuổi, ngụ quận 11). Tuấn khai nhận nhập số lượng lớn tân dược từ nước ngoài về đây và bỏ sỉ cho các tiệm thuốc Tây trên địa bàn.

Trước đó, ngày 27-8, liên quan đến một vụ việc khác, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 7640/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc bắt giữ đường dây sản xuất, buôn bán tân dược và thực phẩm chức năng giả tại TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 7 vừa qua. Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an TP Hồ Chí Minh sớm kết thúc điều tra vụ án này để đưa ra xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật...

Đường dây này đã núp bóng các công ty sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng để làm giả tân dược và có hẳn một quy trình chế thuốc giả tinh vi, hòng qua mặt cơ quan chức năng. Cầm đầu đường dây sản xuất thuốc giả này là Nguyễn Đình Lạc Thư, Phó Giám đốc Công ty TNHH TM Asia Pharmacy (quận 7) và Lê Văn Khối, Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Đông Dược Việt (Bình Chánh).

Từ khoảng hơn một năm nay, hai đối tượng này đã liên kết với nhau nhằm thiết lập quy trình sản xuất khép kín cùng một mạng lưới phân phối thuốc giả, thực phẩm chức năng rộng khắp các nhà thuốc quận, huyện và cả các tỉnh miền Tây.

Cụ thể, vào ngày 25-7, Phòng Cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an TP Hồ Chí Minh bất ngờ kiểm tra, phát hiện Nguyễn Văn Thanh Tuấn (ngụ huyện Bình Chánh) dùng ô tô vận chuyển 20 thùng carton chứa 4.000 hộp thực phẩm chức năng giả đến giao cho Nguyễn Đình Thái Dương tại ngôi nhà trong hẻm 64, đường Hòa Bình, phường 15, quận 11.

Lực lượng chức năng kiểm đếm số tang vật lô hàng tân dược nhập lậu của Đoàn Quang Tuấn.

Tại đây, qua khám xét, công an tiếp tục phát hiện, bắt quả tang thêm hai đối tượng sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng giả. Từ các thông tin thu thập được, một mũi trinh sát lập tức kiểm tra khu xưởng sản xuất của Lê Văn Khối, bắt quả tang 5 đối tượng đang vận hành quy trình sản xuất, đóng vỉ, bao bì thành phẩm thuốc và thực phẩm chức năng các loại. Khu sản xuất này khá chuyên nghiệp khi có đầy đủ các dụng cụ sản xuất, cạnh đó là hàng loạt thùng hàng thành phẩm, nguyên liệu, nhãn mác...

Từ lời khai của các đối tượng và các chứng cứ thu thập được, Phòng Cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu phối hợp cùng Công an các quận 8, 10, 11, Tân Phú, Bình Tân và Công an huyện Bình Chánh đã khám xét khẩn cấp 7 địa điểm gồm các công ty, hộ kinh doanh, nơi sản xuất và tàng trữ thuốc, thực phẩm chức năng giả trong đường dây, thu giữ nhiều tân dược, thực phẩm chức năng giả. Đồng thời, tại các địa điểm trên, tổ công tác phát hiện một số đối tượng đang thực hiện hành vi sản xuất, tàng trữ, đang đem đi tiêu thụ... các loại tân dược, thực phẩm chức năng giả này.

Lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều máy móc, 500kg bao bì, nhãn mác, cùng hàng trăm ký nguyên liệu để sản xuất... Lực lượng chức năng cũng thu giữ 850.000 đơn vị thuốc (viên, lọ) của 10 loại thuốc và 1,5 triệu đơn vị thực phẩm chức năng bao gồm 13 loại, tổng giá trị hàng hóa tạm giữ tương đương hàng thật ước tính hàng chục tỷ đồng.

Tại xưởng sản xuất của Công ty Đông Dược Việt nằm trên địa bàn huyện Bình Chánh, công an phát hiện Lê Văn Khối và 5 đối tượng khác đang sản xuất thực phẩm chức năng giả. Qua khai thác ban đầu, một đối tượng khai nhận xưởng sản xuất đã đi vào hoạt động hơn 1 năm nay, chuyên làm giả các loại tân dược, thực phẩm chức năng theo đơn đặt hàng. Còn tại các địa điểm khác trên địa bàn quận 8, quận 10 và quận 11, lực lượng chức năng cũng thu giữ được một lượng lớn sản phẩm là các loại tân dược, thực phẩm chức năng bị các đối tượng làm giả đang chuẩn bị tung ra thị trường tiêu thụ.

Để triệt phá đường dây này, từ cuối năm 2018, Phòng Cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã theo dõi, thu thập thông tin chứng cứ, xác lập chuyên án đấu tranh đối với đường dây sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng giả bởi hai Công ty Asia Pharmacy và Đông Dược Việt như nêu trên. Cơ quan công an xác định tại hộ kinh doanh của Nguyễn Đình Lạc Thư (trên đường Hòa Bình, phường 5, quận 11) là địa điểm Thư sản xuất thuốc lợi gan mật và thuốc cốm giả các nhãn hiệu nổi tiếng. Tại địa chỉ này, Thư giao Nguyễn Đình Ánh Dương trực tiếp điều hành sản xuất, bán tân dược, thực phẩm chức năng giả cho các đối tác.

Ngoài ra, Thư kết hợp với Đào Lệ Dung sản xuất nguyên liệu bán thành phẩm dùng để làm giả các loại viên giải rượu, sâm nhung bổ thận, hoạt huyết dưỡng não, si-rô ho... Thư hợp đồng với một công ty ở quận 12 gia công các loại bao bì giấy cho sản phẩm tân dược giả. Các sản phẩm giả, Thư giao Nguyễn Đình Bảo, Dương Văn Toàn và một số cá nhân, doanh nghiệp mang đi tiêu thụ.

Sau khi bị bắt, Thư khai nguồn thực phẩm chức năng giả được lấy từ Lê Văn Khối. Ngoài ra, Thư còn tự tay sản xuất thêm một số thuốc giả các thương hiệu lớn rồi cho nhân viên đi bán. Cơ quan công an xác định Lê Văn Khối là người trực tiếp cung cấp số lượng lớn bao bì, vỏ hộp giấy cho Thư đóng gói thuốc, thực phẩm chức năng giả.

Ngoài làm Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Đông Dược Việt, Khối còn thành lập hai Công ty TNHH TM DV Nhật Mỹ (đường Tô Hiệu, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú) và Công ty CP Dược phẩm Amtex Pharma (ấp 1B, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, Long An). Khối điều hành 3 công ty này, có dấu hiệu sản xuất giả các loại thuốc đã bị cấm lưu hành trên thị trường.

Khối thừa nhận từ tháng 4-2018 đến nay đã sản xuất và giao cho Thư các mặt hàng thực phẩm chức năng giả nhiều thương hiệu lớn. Nguyên liệu dùng để sản xuất thực phẩm chức năng giả, Khối nhập từ các công ty đối tác mang về cơ sở của mình đưa cho nhân viên sản xuất.

Cơ quan công an đã bắt giữ 11 người liên quan đường dây này, trong đó ra quyết định tạm giữ hình sự 9 người. Ngay sau đó, Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Đình Lạc Thư và Lê Văn Khối vì hành vi sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng giả. Các đối tượng  này khai nhận đã mua hoạt chất, các loại tân dược, thực phẩm chức năng tương tự không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ trôi nổi trên thị trường để làm nguyên liệu sản xuất hàng giả.

“Đây là chuyên án bắt giữ đường dây sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng giả số lượng cực lớn. Đặc biệt, đối tượng sản xuất không phải nhỏ lẻ mà lập hẳn công ty, nhà xưởng sản xuất công khai, tinh vi nhằm qua mắt lực lượng điều tra. Để triệt phá đường dây này, lực lượng điều tra đã tổ chức thu thập, đối chiếu chặt chẽ hàng thật của nhiều đơn vị, theo dõi chặt quá trình phân phối từ địa điểm sản xuất...”, lãnh đạo Phòng Cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng

Theo đánh giá của Cơ quan công an, nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất thuốc chữa bệnh chưa được cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thuốc giả tồn tại. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân xuất phát từ việc mua bán thuốc không có hóa đơn chứng từ. Dù hiện nay việc triển khai mạng kết nối các nhà thuốc, tăng cường bán thuốc kê đơn góp phần hướng nhà thuốc đến việc phải mua thuốc có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, giá thuốc rõ ràng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền dân tộc (gọi chung là dược phẩm)... còn rất nhiều bất cập.

Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều vi phạm, như cơ sở sản xuất sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, sản phẩm thực phẩm chức năng chứa các thành phần không được công bố trên nhãn và không đúng với hồ sơ công bố sản phẩm. Theo báo cáo từ hệ thống kiểm nghiệm thuốc, năm 2018, cả nước phát hiện 21 mẫu dược liệu bị nhầm lẫn, giả mạo (giảm 11 mẫu so năm 2017) và 14 loại thuốc nghi ngờ bị làm giả, trong đó có 13 loại tân dược và một loại Đông dược.

So số lượng mẫu lấy để kiểm nghiệm, tỷ lệ thuốc giả chiếm khoảng 0,1%, thuốc kém chất lượng dưới 2%. Thực trạng này tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng. Thực tế đã có một số trường hợp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng, thậm chí đã gây tử vong cho người sử dụng.

Một đối tượng vi phạm trong đường dây sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, tân dược giả do Thư và Khối cầm đầu.

Theo Bộ Y tế, nhóm mặt hàng dược phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân, an ninh, an toàn xã hội. Ðây là nhóm hàng có nhu cầu sử dụng cao, cho lợi nhuận lớn nên hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp. Tuy nhiên, sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương lại chưa kịp thời, công tác phối hợp liên ngành một số nơi chưa được chặt chẽ và việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, mới chủ yếu là nhắc nhở. Chưa kể, một số vướng mắc phát sinh từ bản thân chính sách của cơ quan quản lý nhà nước.

Chẳng hạn, hiện việc cấp các giấy xác nhận của doanh nghiệp được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Song, quy định này lại bị một số đối tượng lợi dụng để làm giả giấy tờ. Đồng thời, tình trạng lợi dụng bán sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe được giới thiệu là “hàng xách tay” trong đó có hàng giả, hàng lậu vi phạm pháp luật vẫn xuất hiện nhiều trên thị trường.

Cũng trong nội dung Công văn 7640/VPCP-V.I, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình còn yêu cầu các Bộ Y tế, Công Thương và UBND TP Hồ Chí Minh tích cực, chủ động chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Bộ Y tế cho biết thời gian tới sẽ tập trung thanh tra việc thực hiện quy định về đăng ký, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, quản lý chất lượng thuốc, mỹ phẩm tại một số cơ sở liên quan trên địa bàn TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, thanh tra thực hiện quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt; tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan thanh, kiểm tra dược liệu “lậu” qua đường tiểu ngạch ở khu vực biên giới.

Phú Lữ
.
.