Lộ mặt kẻ phản bội nguy hiểm trong cơ quan tình báo Nga

Thứ Ba, 23/11/2010, 11:40
Vụ bê bối tình báo đình đám giữa Nga và Mỹ vào mùa hè vừa qua lại có một bước ngoặt mới. Kết quả điều tra cho thấy, nguyên nhân của vụ lộ tẩy mạng lưới tình báo của Nga tại Mỹ là do hậu quả của một kẻ phản bội nguy hiểm - Đại tá Alexneder Sherbakov thuộc Cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVR).

Dù chính quyền Mỹ đã từ chối bình luận về phát hiện mới trên, nhưng theo các nguồn tin từ chính báo chí nước này, tên phản bội Sherbakov đang ẩn náu tại Mỹ và được Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bảo vệ nghiêm ngặt…

Tay đại tá biến chất

Khi vụ bê bối gián điệp Nga hoạt động ngầm tại Mỹ nổ ra trong tháng 6/2010, Thủ tướng Nga Vladimir Putin - một cựu sĩ quan KGB của Liên Xô cũ - đã thừa nhận một thất bại hầu như chưa từng có của tình báo Nga. Trong đó, danh tính thật của một trùm gián điệp Nga được cho là phản bội đất nước vẫn đang là một trong những bí ẩn trong câu chuyện gián điệp còn lâu mới kết thúc. Có hai điệp viên đã về hưu - một của Nga và một của Mỹ - cho rằng, họ biết "kẻ phản bội" này là ai.

"Đó là kết quả của một vụ phản bội, và những kẻ phản bội luôn có kết cục tồi tệ. Thông thường, chúng sẽ chết vì nghiện rượu hay ma túy" - Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã bình luận như vậy về vụ bê bối tình báo được coi là lớn nhất trong lịch sử quan hệ Nga-Mỹ. Có điều, tên tuổi thực sự của tên phản bội không được các quan chức Nga nhắc tới.

Nhưng giờ đây, chân dung của "con chuột chũi" nguy hiểm trong Cơ quan Tình báo Nga đã bị hé lộ qua điều tra của tờ Kommersant (Nga). Đó chính là viên đại tá tình báo Sherbakov, một quan chức lâu năm của SVR, chỉ huy Vụ nước Mỹ  tại Cục "C", một bộ phận chuyên trách điều hành các mạng lưới tình báo bí mật của Nga tại nước ngoài.

SVR đã không nghi ngờ gì, ngay cả khi Sherbakov, khoảng một năm trước vụ bê bối tình báo nổ ra, đã từ chối một cơ hội được thăng chức - thực ra là một cách để tránh thủ tục kiểm tra trước máy phát hiện nói dối theo quy định. Điều này có nghĩa là Sherbakov đã hợp tác tích cực với tình báo Mỹ trong một thời gian khá dài. Cũng hồi tháng 6 vừa qua, chính quyền Mỹ đã tiết lộ rằng, họ đã tổ chức theo dõi mạng lưới tình báo của Nga từ cả chục năm trước.

Theo báo chí Nga, con gái của Sherbakov từ lâu đã sống tại Mỹ. Trong khi con trai của ông ta - làm việc tại Cơ quan Kiểm soát ma túy quốc gia - cũng bay sang Mỹ không lâu trước khi mạng lưới tình báo Nga bị vạch trần. Bản thân tên phản bội cũng chuồn khỏi đất nước chỉ 3 ngày trước chuyến công du của Tổng thống Dmitri Medvedev tới Mỹ. Ngay sau chuyến công du trên, chính quyền Mỹ mới chính thức thông báo về vụ bắt giữ các điệp viên của Nga.

Tổng thống Fernando Belaunde Terry của Peru (giữa) không thể ngờ rằng, nhiếp ảnh gia trẻ tuổi Juan Lazaro ngồi bên tay phải ông lại là điệp viên, anh hùng Liên Xô Mikhail Vasenkov (ảnh chụp hồi những năm 80).

Cựu sĩ quan tình báo Nga Igor Prelin nói trong một cuộc phỏng vấn: "Tôi được biết đến cái tên Sherbakov chừng vài ngày sau khi các gián điệp Nga ở Mỹ bị bắt giữ. Sau đó tôi đã gặp các đồng nghiệp, một người nói Sherbakov là điệp viên hai mang và ông ta đã phản bội đất nước để đoàn tụ với gia đình đang sống ở Mỹ". Prelin nói: "Vụ đào ngũ của Sherbakov được coi là hành vi phản bội lớn nhất kể từ sau những vụ bắt giữ của FBI đối với Aldrich Ames năm 1994 và Robert Hanssen năm 2001".

Vị tướng tình báo là nạn nhân của sự phản bội

Trong mạng lưới điệp viên bị phát hiện mới đây, Sherbakov đóng vai trò chính trong việc tiết lộ một trong những điệp viên nội gián được đánh giá là có kinh nghiệm và giá trị nhất của tình báo Nga - đó là Mikhail Vasenkov (65 tuổi), người còn được biết đến dưới cái tên Juan Lazaro.

Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, Vasenkov - Lazaro đã được cử tới Tây Ban Nha, và từ đây tới Chile để hoạt động dưới vỏ bọc của một nhà nhiếp ảnh. "Ông ấy có khả năng chụp ảnh tuyệt vời, và đã biết biến tài năng của mình thành vỏ bọc hữu hiệu cho việc thực thi các nhiệm vụ" - đồng nghiệp của Lazaro nhận xét về ông.

Với lý do tìm kiếm những khung cảnh đẹp, Lazaro đã lang bạt khắp châu Mỹ Latinh, từ đó có nhiều cơ hội làm quen với các chính trị gia và thương gia nổi tiếng - nhiều người trong số này được Cơ quan Tình báo Nga hợp tác không chỉ với vai trò nguồn tin, mà còn với nhiệm vụ của những điệp viên ảnh hưởng có giá trị. 

Khoảng những năm 70, Vasenkov cưới Vicky Pelaez, một nữ phóng viên người Peru, trước khi cả hai chuyển tới định cư ở Mỹ. Thực ra, đây là kế hoạch đã được phê chuẩn theo yêu cầu nhiệm vụ của tình báo đối ngoại.

Tại Mỹ, gia đình Lazaro sống một cách khá thầm lặng, cho dù bà Pelaez là một nữ phóng viên có ảnh hưởng của tờ báo tiếng Tây Ban Nha El Diario, và bản thân Vasenkov có nhiều người quen là quan chức cao cấp của phe cánh tả trong đảng Dân chủ.

Cũng nhờ những thành tích xuất sắc cho Cơ quan Mật vụ Xôviết, Vasenkov ngay từ những năm 80 đã được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô theo một chỉ thị bí mật của giới lãnh đạo tình báo Xôviết hồi đó.

Khả năng và những mối quan hệ của Vasenkov đã gây được ấn tượng đặc biệt với cấp trên của mình. Chẳng hạn như Vasenkov -Lazaro đã khai thác được lịch trình các chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Mỹ trong vài năm trước. Trong suốt thời gian hoạt động của nước ngoài, ông đã kiếm thêm được ba tấm bằng cao cấp khác nhau. Chẳng hạn khi ở độ tuổi 60, Vasenkov đã có được học vị cao cấp về chính trị học.

"Trong thời gian hoạt động lâu dài ở nước ngoài, Vasenkov vào vai thành công đến nỗi ông thực tế đã quên cả tiếng Nga - Một đồng nghiệp trong cơ quan tình báo nhận xét - Đối với một chuyên gia ở mức độ cao như vậy, người Mỹ không thể nào lần ra nếu không có kẻ phản bội". 

Không lâu trước khi bị bắt, Mikhail Vasenkov đã được phong quân hàm tướng. Quyết định này chính thức được ký sau vài năm ông được xếp vào danh sách "đã nghỉ hưu", tức là về hình thức có thể từ bỏ hoàn toàn việc hoạt động tình báo. Nhưng Vasenkov đã không làm như vậy. Ngay cả khi đã bị bắt, mật vụ Mỹ cũng tỏ ra bất lực trong việc bắt ông phải thừa nhận mối quan hệ của mình với tình báo Nga.

Trước mặt các nhân viên điều tra, người đàn ông 65 tuổi này vẫn khẳng định mình là công dân Mỹ Lazaro, đồng thời sẵn sàng khẳng định mọi chi tiết trong cuộc sống trước đây của mình. Nhiều đồng nghiệp của Vasenkov còn cho rằng, cuối cùng ông sẽ được trả tự do vì người Mỹ không có bằng chứng buộc tội.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn khi người Mỹ buộc phải đưa tên phản bội Sherbakov ra đối chất. Khi tên này xuất hiện, yêu cầu Vasenkov phải thú nhận bằng tiếng Nga, ông vẫn khẳng định không hiểu thứ tiếng này. Cuối cùng, Sherbakov phải trưng ra hồ sơ cá nhân của ông do đích thân hắn mang tới từ Moskva. Đến lúc này, Vesenkov mới thừa nhận tên thật của mình, nhưng bổ sung thêm sẽ không có bất cứ khai báo nào khác. 

Phải đến khi Vasenkov trở về Moskva sau khi được trao đổi với 4 gián điệp của Mỹ hồi tháng 7, người ta mới biết viên tướng tình báo này của Nga đã bị tra tấn gãy cả xương sườn. Trong toàn bộ mạng lưới tình báo là nạn nhân của tên phản bội Sherbakov, chỉ có duy nhất một điệp viên - sĩ quan thông tin tác chiến có tên Robert Christopher Metsos -  đã kịp thời chạy thoát khỏi nước Mỹ. Tuy nhiên chỉ sau đó một thời gian, Metsos cũng bị bắt giữ tại đảo Síp.

Cần nói thêm rằng, tên tuổi của những điệp viên được phía Nga trao đổi với Mỹ cũng rất đáng chú ý. Đầu tiên là Alexander Zaporozski, cựu đại tá tình báo đối ngoại, bị kết án 18 năm tù vì tội hoạt động gián điệp cho Mỹ. Từng nắm vai trò Phó chỉ huy Ban 1 của Cục Phản gián của SVR, Zaporozski trong suốt 5 năm đã trao cho người Mỹ nhiều thông tin mật về hoạt động và biên chế của các cơ quan tình báo Nga. Báo chí còn cho rằng, chính Zaporozski là kẻ đã chỉ điểm cho người Mỹ về hai điệp viên Robert Hansen và Aldrich Aimes.

10 điệp viên của Nga bị bắt giữ do hậu quả sự phản bội của Sherbakov.

Đối tượng thứ hai là Gennadi Vasilenko, cựu nhân viên KGB và Phó chỉ huy bộ phận an ninh của kênh truyền hình "NTV Plus". Thứ ba là cựu Đại tá tình báo Sergey Skripal bị phát hiện và bắt giữ vào năm 2004. Vì tội trao cho mật vụ Anh nhiều thông tin quan trọng về các điệp viên Nga đang hoạt động ở nước ngoài, Skripal đã bị kết án 13 năm tù. Cuối cùng là nhà khoa học Nga Igor Sutiagin bị kết án 15 năm tù vì tội chuyển giao những thông tin mật về các loại vũ khí mới nhất của Nga cho nước ngoài.

Những hậu quả

Một số chuyên gia Nga cảnh báo câu chuyện về Đại tá Sherbakov không bảo đảm chứa nhiều sự thật trong đó. Alexander Golts, chuyên gia an ninh và Phó giám đốc tờ báo mạng độc lập Yezhednevny Zhurnal, nói: "Tôi cho rằng giới lãnh đạo Nga rất khó chịu về scandal gián điệp đã khiến cho tình báo của chúng ta trở thành trò hề, cho nên họ đã phải bịa ra câu chuyện về sự phản bội như muốn nói nếu không có kẻ này thì nhóm điệp viên ngầm ở Mỹ sẽ không bị FBI phát hiện và bắt giữ".

Các chuyên gia Nga cũng lưu ý đến ý muốn hợp nhất trở lại hai cơ quan SVR và FSB của chính quyền Nga để từ đó làm hồi sinh một cách hiệu quả tổ chức KGB thời Liên Xô cũ, một cơ cấu an ninh khổng lồ bao hàm mật vụ, phản gián, bảo vệ biên giới và tình báo hải ngoại. Alexander Golts nói: "Bản chất của câu chuyện gián điệp này là ý tưởng chúng ta cần quay trở lại với những ngày tháng vinh quang cũ của KGB. Điều này có đúng không, vào thời đó chúng ta cũng có những kẻ phản bội".

Vụ phản bội của Sherbakov trên thực tế đã không ảnh hưởng đáng kể đến quan hệ song phương Nga - Mỹ. Tuy nhiên, bản thân các cơ quan mật vụ Nga đã phải chịu những tác động không nhỏ. Đầu tiên, họ buộc phải trao đổi 4 công dân đã hoạt động gián điệp cho Mỹ để cứu các điệp viên mới bị phát hiện của mình.

Ngoài ra, quá trình điều tra nguyên nhân vụ đổ bể tại SVR cũng có tác động xáo trộn rất nhiều lên một loạt các cơ quan mật vụ của Nga, kể cả Cơ quan An ninh liên bang (FSB). Giờ đây, đang có nhiều tranh luận về việc, SVR sẽ được cải tổ lại, quay trở lại hợp nhất thành một cơ quan tình báo chung như KGB trước đây. Sau vụ đổ vỡ của mạng lưới tình báo quan trọng tại Mỹ trong tháng 6, Giám đốc SVR là Mikhail Fradkov còn có nhiều khả năng buộc phải từ chức.

Điện Kremlin trên thực tế hiện vẫn chưa có những tiết lộ rõ ràng về số phận tiếp theo của SVR. Hơn nữa vào tháng 10 vừa qua, phát ngôn viên của Điện Kremlin đã thông báo về quyết định trao tặng những phần thưởng cao quý cho các điệp viên mới bị phát hiện. Theo một số nguồn tin, một vài điệp viên xuất sắc nhất trong số này đã được đích thân Tổng thống Medvedev trao tặng huân chương "Vì lòng dũng cảm"

Thái Quân - Thục Miên (tổng hợp)
.
.