Lôi kéo cả gia đình vào đường dây mua bán hóa đơn nghìn tỉ

Thứ Tư, 14/12/2016, 15:45
Với trị giá số hóa đơn mua bán lên đến trên 1.000 tỷ đồng, đường dây mua bán hóa đơn GTGT do Trần Hồng Yến cầm đầu được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn Hà Nội với phương thức hoạt động hết sức tinh vi, chuyên nghiệp...

Đường dây mua bán hóa đơn gia đình

Ăn mặc sang trọng, đi ô tô Lexus, ở nhà tại Royal City, người lạ mới gặp Trần Hồng Yến sẽ vô cùng ngưỡng mộ vì bề ngoài, Yến giống như một quý bà kinh doanh thành đạt. Chồng Yến cũng sử dụng ô tô Mercedes tiền tỷ. Thế nhưng, đằng sau sự “thành đạt” hào nhoáng ấy, Yến kinh doanh cái gì thì mọi người không thể biết. Chỉ đến khi vụ án buôn bán hóa đơn được Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội khám phá thì sự thật về việc làm giàu của Trần Hồng Yến đã “lộ sáng”.

Theo một cán bộ Đội Đầu tư - Phòng PA84 Công an TP Hà Nội, so với các đối tượng trong các ổ nhóm tội phạm mua bán hóa đơn GTGT trước đó đã bị triệt phá, Trần Hồng Yến - kẻ cầm đầu đường dây mua bán hóa đơn trị giá nghìn tỷ vừa bị bắt giữ, là người có kiến thức, am hiểu về lĩnh vực tài chính - kế toán.

Cơ quan ANĐT thu giữ số lượng lớn tang vật hóa đơn GTGT và con dấu các công ty “ma” được các đối tượng sử dụng trong mua bán hóa đơn, thu lợi bất chính.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán, Yến từng có thời gian dài làm việc tại doanh nghiệp. Sau khi nắm được “chân tơ kẽ tóc” trong việc mua bán hóa đơn, hợp thức đầu vào những khoản chi của doanh nghiệp cũng như những kẽ hở của các cơ quan trong quản lý hóa đơn GTGT, Yến quyết định tách ra làm ăn riêng.

Cũng vì có kiến thức và kinh nghiệm lâu năm trong nghề kế toán nên Yến không thuê người ngoài tham gia vào đường dây mà chỉ tuyển lựa người nhà, trong đó có 2 thành viên tích cực nhất là Đại Ngọc Hải - cháu chồng và Đại Khánh Hà - con gái riêng của chồng.

Cũng vì chỉ có người trong gia đình tham gia nên việc làm ăn của Yến rất kín kẽ, không bị lộ lọt thông tin. Đây là một trong những lý do vì sao hoạt động mua bán hóa đơn bất hợp pháp của Yến đã tồn tại trong một thời gian khá dài từ năm 2012 đến nay mới bị phát hiện.

Thủ đoạn của Trần Hồng Yến là thông qua các đối tượng cò môi giới mua lại pháp nhân các công ty trên địa bàn Hà Nội hoạt động kém hiệu quả với giá trung bình từ 30-40 triệu đồng/1 công ty. Doanh nghiệp nào còn nhiều hóa đơn chưa sử dụng sẽ được trả giá cao hơn. Khi mua, các đối tượng “cò” sẽ làm các thủ tục chuyển nhượng, thay đổi người đại diện pháp luật, trụ sở công ty... rồi bàn giao đầy đủ giấy tờ pháp nhân, con dấu và các quyển hóa đơn GTGT của công ty cho Yến.

Sau khi mua thì các công ty này trở thành công ty “ma” bởi thực tế, Yến chỉ quản lý con dấu, hóa đơn và chứng nhận đăng kí kinh doanh để phục vụ việc mua bán hóa đơn, còn công ty không có trụ sở, cũng không có hoạt động kinh doanh gì. Yến không thuê giám đốc, trả lương cho việc ký hóa đơn khống như thủ đoạn của các đối tượng trước vẫn áp dụng mà cô ta cho khắc dấu chữ ký người đứng tên đại diện công ty “ma” để chủ động sử dụng khi bán hóa đơn.

Yến phân công nhiệm vụ cho Đại Ngọc Hải và Đại Khánh Hà chuyên đi giao nhận hóa đơn, hồ sơ tài liệu doanh nghiệp “ma” đi rút và chuyển tiền ở ngân hàng theo chỉ đạo của Yến. Còn bản thân cô ta quản lý toàn bộ con dấu, hóa đơn,  quan hệ với các đối tác, khách hàng và chỉ đạo toàn bộ hoạt động của đường dây mua bán hóa đơn này. Đặc biệt, Yến chỉ bán hóa đơn cho những khách hàng quen, có độ tin cậy.

Việc bán hóa đơn của Yến cũng chọn lọc, như chỉ bán cho khách hàng cần những hóa đơn có trị giá tiền ghi trên hóa đơn cao, từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng, không bán hóa đơn theo kiểu “đại trà”. Để đối phó với sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng, mỗi công ty “ma”, Yến chỉ sử dụng hóa đơn để bán trong khoảng thời gian ngắn, từ 3 đến 6 tháng, sau đó làm thủ tục tạm ngừng kinh doanh.

Quá trình hoạt động bán hóa đơn, Yến trực tiếp thỏa thuận, giao dịch với khách mua hoặc qua môi giới về nội dung hóa đơn, sau đó chỉ đạo Đào Khánh Hà viết hóa đơn và cùng Hải chuyển cho khách. Giá bán hóa đơn từ 200.000 đến 300.000 đồng/hóa đơn giá trị dưới 20 triệu đồng, 2-3% giá trị hóa đơn đối với hóa đơn có trị giá trên 20 triệu đồng.

Với những hóa đơn có giá trị lớn, Yến cùng doanh nghiệp mua hóa đơn tạo dựng những hợp đồng “ma”, sau đó Yến tự ứng tiền để doanh nghiệp chuyển qua tài khoản ngân hàng cho Yến nhằm tạo dòng chảy giao dịch hợp thức cho việc xuất hóa đơn khống.  Sau đó Yến chỉ đạo Hải đi rút tiền ngay và thanh toán với khách mua.

Với 49 doanh nghiệp “ma” có đăng ký ngành nghề kinh doanh đủ lĩnh vực, từ kinh doanh ăn uống nhà hàng, khách sạn đến kinh doanh nguyên vật liệu sản xuất, xây dựng, truyền thông, tổ chức sự kiện nên khách hàng cần hóa đơn sử dụng vào mục đích gì Yến cũng có để cung cấp theo yêu cầu.

Qua tài liệu thu giữ, bước đầu CQĐT xác định có những tờ hóa đơn trị giá lên đến trên 2 tỷ đồng. Có hàng trăm doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn toàn quốc đã mua hóa đơn từ các doanh nghiệp “ma” do Yến quản lý với tổng giá trị ghi trên hóa đơn ước tính trên 1.000 tỷ đồng. Không chỉ kinh doanh hóa đơn, Yến còn bán lại các doanh nghiệp “ma” cho các đối tượng mua bán hóa đơn khác hoặc cho các doanh nghiệp có nhu cầu cần hóa đơn “khống” để hợp thức các khoản chi của doanh nghiệp.

Mua bán hóa đơn - tiền đề của các hành vi tiêu cực, tham nhũng

Theo Trung tá Nguyễn Thành Long, Trưởng phòng PA84 Công an TP Hà Nội, hoạt động mua bán hóa đơn của Trần Hồng Yến và đồng bọn được đánh giá là rất tinh vi, chuyên nghiệp và bài bản. Do hoạt động của đối tượng chỉ gói gọn trong đường dây là những người trong gia đình, do đó tính bảo mật, tính liên kết rất cao. Đối tượng chỉ bán hóa đơn cho các khách hàng quen và có cơ sở để tin tưởng chứ không bán đại trà, bán bằng mọi giá như các đối tượng trước.

Mặt khác, do có kiến thức về tài chính - kế toán nên Yến còn giúp đơn vị mua hóa đơn tạo dựng những hợp đồng, tự ứng tiền giá trị hợp đồng và thực hiện chuyển qua tài khoản để thể hiện hợp đồng đó là có thật, có giao dịch, từ đó hợp thức hóa các hóa đơn. Điều này đã giúp Yến tạo dựng vỏ bọc giống như vẫn đang hoạt động bình thường cho các doanh nghiệp “ma” nhằm qua mặt các cơ quan quản lý.

Cũng theo Trung tá Trần Thành Long, sự thông thoáng, cải cách hành chính trong thủ tục thành lập doanh nghiệp là điều kiện thuận lợi đối với những  doanh nghiệp làm ăn chân chính, song đối với các doanh nghiệp làm ăn không chân chính thì đây lại là kẽ hở để đối tượng lợi dụng, thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích vi phạm pháp luật. Như trong vụ việc này, sau khi mua lại các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, Yến đã làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh để biến thành doanh nghiệp “ma”.

Mặt khác, vì phương thức, thủ đoạn của đối tượng Yến rất tinh vi, mỗi công ty chỉ giữ hoạt động trong vòng 3-6 tháng rồi làm thủ  tục ngừng hoạt động. Trong thời gian ngắn này thì cơ quan quản lý nhà nước không đủ khả năng, điều kiện để thanh tra, kiểm tra nên đã không phát hiện ra hoạt động “ma” của doanh nghiệp.

Các đối tượng Yến, Hải, Hà.

Bên cạnh đó, theo quy định mới về việc báo cáo tài chính và báo cáo thuế doanh nghiệp, từ ngày 1-1-2015 doanh nghiệp không phải kê khai kiểm toán, kê khai hóa đơn, giao dịch mua bán của doanh nghiệp với các doanh nghiệp khác nên việc quản lý của cơ quan chức năng cũng khó khăn hơn và đối tượng đã triệt để lợi dụng những yếu tố cải cách hành chính này để hoạt động vi phạm pháp luật.

Trung tá Trần Thành Long nhận định, hành vi mua bán hóa đơn đã và đang gây nhiều tác hại cho xã hội, như tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa doanh nghiệp làm ăn chân chính và doanh nghiệp làm ăn không chân chính khi một bên thực hiện nghĩa vụ thuế cho Nhà nước còn một bên thì không. Bên cạnh đó,  hành vi mua bán hóa đơn GTGT còn là điều kiện, tiền đề cho việc thực hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng, rút ruột tiền ngân sách trong các cơ quan nhà nước.

Mặc dù gây hậu quả lớn nhưng hiện nay, quy định về mức hình phạt đối với tội danh mua bán hóa đơn lại chưa tương xứng với hành vi nguy hiểm của tội phạm này gây ra cho xã hội. Hiện nay theo Điều 164a Bộ luật Hình sự về “Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” có mức hình phạt cao nhất chỉ là 5 năm tù. Với những vụ án mà đối tượng thu lợi bất chính cao như đường dây mua bán hóa đơn do Trần Hồng Yến cầm đầu thì mức hình phạt trên không có tác dụng răn đe, giáo dục.

Theo Cơ quan an ninh điều tra, để phòng ngừa tội phạm mua bán hóa đơn thì các cơ quan chức năng ngành thuế, kế hoạch - đầu tư cần tăng cường tuyên truyền, cảnh báo những dấu hiệu nhận diện công ty, doanh nghiệp “ma” để người dân cùng tham gia phát hiện, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý.

Những công ty “ma” thường có đặc điểm sau: Thứ nhất, tại trụ sở đăng ký kinh doanh không có biển hiệu, không có hoạt động thực tế. Thứ hai, người đại diện pháp luật thường là người có trình độ thấp, ở Hà Nội thường là đối tượng người tỉnh ngoài, không biết gì về hoạt động của công ty. Thứ ba, tuy không có hoạt động sản xuất kinh doanh gì nhưng số lượng hóa đơn giao dịch lớn và số lần chuyển đổi kinh doanh thường rất nhiều. Dòng tiền chảy qua tài khoản của doanh nghiệp này để chứng minh giao dịch thường rất nhanh, thường chuyển và rút ngay trong ngày hoặc ngày hôm sau; và không có số dư tài khoản...

Để phát hiện, xử lý hiện tượng doanh nghiệp “ma” tồn tại nhằm phục vụ hành vi mua bán hóa đơn, đòi hỏi các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, hậu kiểm sau cấp phép đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu này. Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tài chính của đơn vị mình để phòng ngừa các hoạt động tiêu cực, tham nhũng, mua hóa đơn để hợp thức việc rút ruột ngân sách Nhà nước.

Hệ thống ngân hàng cũng cần nâng cao trách nhiệm đảm bảo an ninh trong lĩnh vực kinh tế, phát hiện những dấu hiệu bất thường liên quan đến giao dịch, tài khoản, từ đó thông báo cho cơ quan chức năng có hoạt động kiểm tra, kiểm soát. Các cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên rà soát, bịt kín sơ hở, không để đối tượng lợi dụng thành lập công ty “ma” để mua bán hóa đơn trái phép, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

Sau khoảng 5 tháng đấu tranh, với sự giúp đỡ xác minh của Cục Thuế Hà Nội, Phòng An ninh tài chính tiền tệ và đầu tư (PA84) Công an TP Hà Nội đã phối hợp Cơ quan An ninh điều tra, các đơn vị nghiệp vụ và Công an quận Thanh Xuân triệt phá đường dây mua bán hóa đơn GTGT được coi là lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn Hà Nội.

Cơ quan An ninh điều tra đã bắt khẩn cấp 3 đối tượng: Trần Hồng Yến (44 tuổi, ở P507 R3 Royal City, Hà Nội), Đại Ngọc Hải (26 tuổi) và Đại Khánh Hà (23 tuổi), cùng ở chung cư 53 Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội.

Vật chứng thu giữ tại chỗ gồm 49 bộ dấu công ty, nhà hàng, 215 quyển hóa đơn GTGT (trong đó 55 quyển hóa đơn đang sử dụng, 160 quyển hóa đơn chưa sử dụng, 697 tờ hóa đơn đã viết nội dung) cùng nhiều chứng từ, sổ sách ghi chép; 1 máy tính, 1 đầu thu camera, 1 máy đếm tiền và 1,5 tỷ đồng tiền mặt.

Theo Cơ quan an ninh điều tra, kết quả điều tra và quá trình trinh sát đường dây do Trần Hồng Yến điều hành, hoạt động từ khoảng năm 2012, giá trị hóa đơn các đối tượng đã bán đặc biệt lớn, ước tính trên 1.000 tỷ đồng.

Hiện Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can về tội “Mua bán trái phép hóa đơn” theo Điều 164a Bộ luật Hình sự để điều tra, xử lý theo luật định.

Hương Vũ
.
.