Lừa đảo qua facebook
Trang mạng xã hội facebook ngày càng phổ biến tại Việt Nam, thông dụng đến độ, bạn bè mới quen thay vì hỏi nhau số điện thoại họ có thể trao đổi địa chỉ facebook để dễ dàng liên hệ với nhau hơn. Chính từ sự thông dụng này, những cá nhân có lượng người theo dõi, like hay comment trên facebook đông đảo, nhanh chóng sở hữu một thứ quyền lực vô hình trong thế giới ảo. Tôi tạm gọi họ là những hot facebooker.
Không phải là tất cả, nhưng đã xuất hiện nhiều hot facebooker hay không cần đến hot facebooker vẫn đang lợi dụng facebook để lừa đảo.
Hot facebooker bán đồ dỏm
Q.T. là một hot facebooker, cô được nhiều người ngưỡng mộ vì phong cách sống rất Tây. Trên trang facebook cá nhân, Q.T. thường xuyên cho đăng những bài viết rao bán túi xách hàng hiệu theo kiểu "Đồ không sử dụng, bán để làm từ thiện". Không biết hot facebooker làm từ thiện ra sao, nhưng túi xách của cô đang bị phản ứng rất dữ dội vì đó là đồ dỏm. Phản ứng dữ dội với việc mua bán đồ dỏm này của Q.T. là M.D..
Theo những gì M.D. cho biết, thì cách đây khoảng 10 tháng, M.D. có mua của Q.T. một túi xách hiệu Chanel màu đen với giá gần 18 triệu đồng. Mục đích của M.D. mua chiếc túi này chỉ là nhằm "ủng hộ công việc làm từ thiện của Q.T.".
Đem túi xách về nhà, M.D. để qua một bên vì cô có nhiều túi xách, nên chưa dùng đến chiếc túi xách mà Q.T. đã bán. Cách đây ít lâu, M.D. có ý định sẽ sử dụng chiếc túi mua của Q.T. nên lấy ra dùng thì phát hiện có rất nhiều điểm minh chứng đây không phải là túi xách Chanel chính hiệu, như: chiếc túi có đường may rất xấu, da lambskin bên ngoài không giống như chất da lambskin của túi Chanel khác mà M.D. đã biết. Lớp lót bên trong màu đỏ dường như không phải là loại da mà Chanel vẫn sử dụng để lót. Khóa túi có vấn đề, túi không có code, không có dustbag, thẻ authentic… Ngay lúc này, M.D. đã nghi ngờ Q.T. bán đồ dỏm, nhưng cô nghĩ mục đích chính khi bán túi xách của Q.T. là ủng hộ trẻ em nghèo, hơn nữa chuyện qua cũng đã lâu nên cô im lặng dẫu rất ấm ức.
Tuần trước, thông qua một diễn đàn trên mạng, M.D. phát hiện có nhiều cá nhân cũng tố cáo Q.T. bán đồ dỏm với lý do ủng hộ từ thiện. Trao đổi cùng những cá nhân ấy, M.D. quyết định liên lạc với Q.T. để làm rõ sự việc.
Ban đầu, hot facebooker Q.T. không trực tiếp làm việc với M.D. mà cho người khác gặp. Thêm nữa, hot facebooker này còn làm nhiều động thái nhằm mục đích "kêu gọi fan tẩy chay M.D.". M.D. ngay lập tức cho đăng tải trên facebook cá nhân những bằng chứng tố cáo việc Q.T. bán đồ dỏm.
Đến lúc này, Q.T. lẳng lặng chuyển vào tài khoản của M.D số tiền gần 18 triệu đồng mà M.D. đã bỏ ra để mua cái túi Chanel trước đó. Thế nhưng, trao đối với chúng tôi, M.D. khẳng định cô không chấp nhận cách hành xử này, cô cần Q.T. phải công khai xin lỗi trên facebook vì đã có những lời nói lăng mạ cô trước đó.
M.D. không phải là trường hợp duy nhất tố cáo Q.T. bán đồ dỏm. Đã có hàng loạt tố cáo của những người khác nhằm vào Q.T. khi họ cho rằng cô này liên tục bán đồ dỏm cho họ. Mỗi khi bị người mua phát hiện, sau hồi tranh cãi quanh co, Q.T. lại bồi hoàn tiền cho người đã mua đồ của cô trước đó.
Ca sĩ Pha Lê từng bị tố cáo bán hàng dỏm qua facebook. |
Thời điểm mà dịch sởi đang khiến mọi người bấn loạn, hot facebooker Q.T. cho đăng bài viết quảng cáo bán thẻ đeo (card) chống sởi và xổ giun. Cô bảo, giá nhập từ Nhật về là 310 ngàn, cô bán 380 ngàn, 70 ngàn tiền lãi sẽ đi làm từ thiện.
Có rất nhiều người like và đặt mua thẻ đeo chống dịch sởi này. Tuy nhiên, ngay sau đó, đã có ý kiến phản hồi từ các bác sĩ cho rằng hoàn toàn không có chuyện thẻ đeo tránh được sởi và giá của nó tại Nhật Bản chỉ khoảng vài USD, nhiều lắm là độ 10 USD.
Bị phản ứng, hot facebooker Q.T. nhanh chóng đính chính, đây là thẻ đeo để thanh lọc không khí chứ không phải ngăn ngừa virus gây bệnh sởi, theo đúng kiểu "Sai sót chút thì sửa, chứ có gì đâu mà làm ầm ầm ghê quá vậy".
Trên facebook của cô, hiện tại cũng đang rao bán rất nhiều loại mặt hàng khác với tiêu chí "Tiền lời dùng làm từ thiện".
Nữ ca sĩ Pha Lê, cũng từng bán hàng qua trang facebook cá nhân. Và chính từ đây cô bị người trong giới tố cáo bán hàng giả.
Trong một lần tham gia sự kiện, Hoa hậu Hương Giang bị phát hiện sử dụng túi xách dỏm hiệu Michaek Kors. Tuy nhiên, những chi tiết khá rời rạc và kém tinh tế từ chiếc túi khiến nhiều cư dân mạng nghi ngờ cô dùng hàng nhái. Sau khi kiểm tra lại túi xách, xác định đây là đồ dỏm, Hương Giang đã lên tiếng tố cáo ca sĩ Pha Lê đã bán túi xách dỏm cho mình.
Phản hồi lại tố cáo của Hương Giang, Pha Lê vào thời điểm đó, nói: "Mình không còn là người nổi tiếng nữa nên làm ơn đừng có lôi mình lên báo, và có thể thì hãy đối xử với nhau một cách văn minh hơn. Sẽ sớm đổi tên facebook xóa luôn chữ Singer đi cho bớt phiền phức. Bài học về sự mất bình tĩnh gây ra hậu quả quá lớn cho tất cả mọi người".
Nhưng rồi về sau, khi sự thật được minh chứng rằng cô là người đã bán đồ nhái cho Hương Giang, cô bảo rằng "Việc đã qua, tôi có một phần trách nhiệm, tuy nhiên tôi không cần thiết phải nói hết ra ở đây nhỉ? Những gì Giang cần biết, cô ấy sẽ tự hỏi tôi, lớn hết rồi, đâu cần ai dạy cho mình phải làm thế nào, tự bản thân không thấy vướng bận gì là được. Đôi khi tôi tự hỏi tại sao mối quan hệ của hai người lại cứ phải lôi ra cho cả thế giới phán xét trong khi tự người trong cuộc lại không mở lời với nhau? Đó là cái tôi thấy ở showbiz này bạc bẽo, khi thân thì rủ rỉ, phật lòng nhau là bí mật được bật mí hết".
Lừa đảo qua facebook: Cực dễ!
Một trong những lý do để các hot facebooker có thể đong đưa về xuất xứ của món hàng mà họ muốn bán chính là tâm lý muốn sử dụng đồ hiệu với giá rẻ của người mua hàng. Tâm lý sính đồ hiệu, ham rẻ cộng với sự tin tưởng mà thông qua việc kết bạn trên facebook càng giúp những hot facebooker dễ dàng tiêu thụ được những món hàng kém chất lượng mà họ muốn bán.
Khi bị phát hiện ra bán đồ dỏm, thường sự việc chỉ dừng lại ở việc "mắng chửi" nhau trên facebook cá nhân, một vài diễn đàn mạng… Hot facebooker nào bị tấn công quá, chịu "nhiệt" không nổi thì im lặng trả lại tiền. Nhưng đa phần, họ đều hành xử theo kiểu "để lâu hóa bùn". Hơn nữa, phía sau họ bao giờ cũng có hàng loạt "fan cuồng" ủng hộ với sologan yêu thích...
Card kháng khuẩn mà hot facebooker Q.T. trước đó cho rằng có công dụng ngừa sởi lẫn xổ giun. |
Việc mua bán qua facebook chủ yếu dựa vào niềm tin bởi sự thân quen trên mạng luôn có những tiềm ẩn về rủi ro rất lớn, mà người mua chắc chắn là người chịu thiệt hại nhiều nhất. Không chỉ buôn bán hàng qua facebook, việc buôn bán hàng qua mạng Internet với chiêu thức "hàng xách tay giá rẻ" đa phần cũng ẩn chứa chuyện lừa đảo. Hay thậm chí, người sử dụng facebook không tỉnh táo, rất dễ biến thành nạn nhân của một trò lừa đảo cũ rích, như trường hợp của cô gái tên K.V., 28 tuổi, ở quận Thủ Đức, TP HCM.
Theo trình báo của K.V. với Cơ quan Công an quận Thủ Đức (TP HCM), thì đầu năm 2014, thông qua mạng xã hội facebook, cô có làm quen với một người nước ngoài tự giới thiệu mình có quốc tịch Ireland, hiện đang cư ngụ tại Brazil. Sau thời gian chuyện trò qua facebook, gã đàn ông ngoại quốc này khoe rằng y sắp sửa sang Việt Nam để ký kết hợp đồng thương mại. Vì ở Việt Nam, gã chỉ biết có mỗi K.V. nên y nhờ K.V. giữ hộ giúp két sắt bên trong có 320 ngàn USD mà gã sắp chuyển từ Ireland sang Việt Nam. Được gã tin tưởng giao cho giữ số tiền lớn như vậy, K.V. vui vẻ nhận lời.
Vài ngày sau, K.V. nhận được điện thoại của một người tự xưng là nhân viên của công ty vận chuyển nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam. Theo người này, K.V. được ủy quyền để nhận chiếc két sắt từ Ireland gửi sang. Để có thể hoàn tất các thủ tục nhận két sắt này, K.V. cần phải chuyển 11 ngàn USD, đó là chi phí bao gồm các khoản, như: thuế sân bay, phí bảo hiểm, phí chống rửa tiền… Nghĩ rằng, 11 ngàn USD không thấm vào đâu so với số tiền 320 ngàn mà người bạn ngoại quốc nhờ mình cất giữ hộ, nên K.V. đã chuyển 11 ngàn USD chia làm 3 đợt theo yêu cầu vào tài khoản mà người tự xưng là nhân viên của công ty vận chuyển đã đưa cho cô trước đó.
Nhận được đầy đủ tiền, người đàn ông này đã mang chiếc két sắt đến nhà của K.V.. Gã nói: "Đây là số tiền rất lớn, nên chúng tôi phải mã hóa tiền đi, cần phải có dung dịch đặc biệt thì tiền mới được giải mã hóa để trở thành tiền như khi xuất ra từ nhà băng". Tiếp đến, gã đưa cho K.V. tờ giấy hướng dẫn bằng tiếng Anh cách "tẩy rửa" để "tiền trở thành là tiền".
Khi gã rời khỏi nhà, K.V. mở két sắt ra thì phát hiện toàn bộ số tiền (như gã kia đã nói) bên trong chỉ là những xấp giấy màu xanh, gã cũng không đưa dung dịch hóa chất đặc biệt cho K.V. để cô "tẩy tiền". Gọi lại cho gã theo số điện thoại mà trước đây gã đã từng liên lạc, K.V. nghe gã bảo: "Đây là dung dịch rất đặc biệt, nếu cô muốn có để tẩy tiền thì phải cho tôi thêm 60 nghìn USD nữa".
Biết rằng đã bị lừa, K.V. đã trình báo toàn bộ sự việc đến Cơ quan Công an quận Thủ Đức. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát trực thuộc Công an Quận Thủ Đức đã "nhử" gã nhân viên giao két sắt lộ diện và bắt giữ để phục vụ công tác điều tra.
Những kẻ lừa đảo qua facebook còn nhập vai là kiều nữ để đẩy con mồi mình sập bẫy. Trường hợp của anh T.N., 29 tuổi, ở huyện Củ Chi, TP HCM là một ví dụ.
Qua facebook, anh T.N. quen cô gái tự xưng là Trâm. Trâm luôn chứng tỏ cho T.N. thấy mình thuộc dạng "lắm tiền ham vui". Quen nhau trên facebook được ít lâu, Trâm rủ T.N. đi đến nhà bạn chơi. Nhà bạn của Trâm ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn. Khi Trâm và T.N. đến nhà bạn của Trâm, thì cũng là lúc nhóm bạn của Trâm đang ngồi chơi bài bằng hình thức chơi bài cào. Trâm bảo T.N. ngồi nhìn cho vui, còn mình thì nhào xuống chiếu bạc hùn tiền với một người bạn khác để nhập sòng. Ngay ván đầu tiên, Trâm cùng bạn thắng được 50 triệu.
Tuy nhiên, các con bạc không chịu chung tiền với lý do, số tiền của Trâm và bạn hùn không đủ 50 triệu, họ lấy lý do "Phải có đủ 50 triệu mới được lấy tiền thắng, chứ không đủ 50 triệu thì chẳng may thua lấy gì chung". Trâm quay sang T.N. thỏ thẻ: "Anh cho em mượn vài chục triệu được không? Chứ tiền mình đã ăn rồi, không lấy được ức quá". Vì không mang đủ tiền, nên T.N. giao cho Trâm chiếc xe gắn máy hiệu SH của mình để Trâm đi cầm với dự tính "Cầm xong chứng minh đủ 50 triệu rồi chuộc lại ngay".
Sau khi nhận được giấy tờ xe, Trâm đưa cho gã bạn cùng chơi bài với mình. Gã này lại gọi điện thoại nhờ một người bạn khác đến để lấy xe của T.N. đi cầm. Trong lúc chờ tiền về, Trâm bảo với gã bạn cùng chơi bài lấy xe gắn máy chở Trâm đi đón người anh ruột cũng đang tìm đường đến căn nhà ấy chơi. Ngay lập tức, gã bạn này lấy xe gắn máy chở Trâm đi.
Vài phút sau, Trâm gọi T.N. ra đường lộ để nhận lại xe. T.N. hăm hở ra đường lộ thì không thấy bóng Trâm đâu, gọi điện thoại thì điện thoại của Trâm đã khóa máy. Quay trở lại căn nhà đang có người chơi bài thì T.N còn sốc hơn khi thấy chẳng còn ai ở đây cả. Biết mình đã bị lừa, T.N đành đến Cơ quan Công an huyện Củ Chi trình báo toàn bộ vụ việc.
Qua điều tra truy xét, các trinh sát đã bắt giữ được "gã bạn cùng chơi bài với Trâm", thu giữ chiếc xe SH của T.N.. Tuy nhiên, điều bất ngờ là "gã bạn cùng chơi bài với Trâm" cũng là người quen của Trâm trên facebook và được cô gái này phân công vào vai "bạn chơi bài" để cùng đi lừa đảo với hình thức "cho mượn tiền để thắng bài rồi trả lại ngay"