Mạch ngầm sôi sục bên trong tổ chức Europol
Núi công việc bên trong tòa nhà "như ngôi trường nghệ thuật"
Europol (bắt đầu hoạt động năm 1999) chủ yếu là trung tâm trao đổi thông tin tình báo giữa 750 lực lượng cảnh sát toàn cầu, đồng thời giám sát các cơ sở dữ liệu chứa đựng hàng chục triệu mẩu thông tin về bọn tội phạm, hành vi phạm tội và những chiếc ô tô đáng ngờ cũng như hợp tác chặt chẽ với mọi chiến dịch chống tội phạm - bao gồm những con buôn ma túy bất hợp pháp, bọn buôn người và phần tử khủng bố.
Tất cả 40 quốc gia - bao gồm các quốc gia thành viên EU và số nước khác như Mỹ và Australia - giao tiếp với nhau thông qua hệ thống mang tên Siena, với hàng trăm ngàn thông điệp mã hóa được trao đổi mỗi năm.
Tòa nhà trụ sở Europol ở The Hague. |
Cơ sở dữ liệu tình báo chính của Europol - gọi là Hệ thống Thông tin Europol (EIS) - cho phép theo dõi tội phạm, nghi phạm và những phần tử đã bị kết án, kể cả những vụ án liên quan đến khủng bố. Theo quy định, chỉ có thành viên Europol mới được phép truy cập trực tiếp EIS và những quốc gia khác đòi hỏi phải gửi yêu cầu đến tổ chức.
Europol cũng sử dụng cơ sở dữ liệu Hồ sơ Phân tích Công việc (AWF) và hơn 100 chuyên gia giỏi sử dụng AWF hỗ trợ các nhà điều tra trong khối EU xử lý tội phạm có tổ chức một cách hiệu quả. Ngoài ra, EU còn có các hệ thống tình báo khác như Hệ thống Thông tin Schengen (SIS).
Năm 2015, SIS được cảnh sát khắp châu Âu truy cập 2 triệu lượt, với 64 triệu dấu hiệu "cảnh báo" - liên quan đến những ô tô bị mất cắp, trẻ em mất tích cho đến chiến binh thánh chiến từ Syria hay Iraq quay trở về châu Âu - được đưa vào hệ thống mỗi ngày. Europol còn có đơn vị giám sát Internet-IRU- bao gồm 26 nhân viên với nhiệm vụ dò tìm phát hiện những nội dung cực đoan để sau đó thuyết phục các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông xóa chúng đi. Vincent Semestre, cựu sĩ quan cảnh sát Tư pháp Pháp trước khi gia nhập Europol và hiện lãnh đạo IRU, cho biết trong thời gian qua đơn vị của ông hết sức căng thẳng trong thu thập thông tin sớm về những cuộc tấn công khủng bố nhằm vào châu Âu.
Theo thống kê, hiện có tới khoảng 5.000 người Châu Âu đã từng tham chiến trong các nhóm khủng bố tại Syria và Iraq đã trở về quê hương. Bên cạnh đó, lợi dụng cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu, các phần tử khủng bố cũng có thể trà trộn vào dòng người nhập cư từ Trung Đông để tới châu Âu, thực hiện các vụ tấn công khủng bố. Mục tiêu của chúng là thực hiện các vụ tấn công lớn, gây thương vong càng nhiều càng tốt cho người dân và gây thiệt hại lớn về kinh tế, uy tín các nước châu Âu, tạo nên tâm lý bất ổn và sự hỗn loạn.
Trước tình hình này, Europol đã quyết định thành lập Trung tâm chống Khủng bố Châu Âu (ECTC) nhằm hỗ trợ các cuộc điều tra khủng bố và tăng cường chia sẻ thông tin tình báo giữa các nước. Bước đầu, trung tâm sẽ có khoảng 40 đến 50 chuyên gia chống khủng bố và sẽ là lực lượng nòng cốt chống khủng bố của Châu Âu.
Giám đốc Trung tâm là ông Manuel Navarrette Paniagua, người Tây Ban Nha, một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm, người từng là chỉ huy đơn vị chống khủng bố của Europol. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ECTC là phối hợp chặt chẽ với Trung tâm chống tội phạm mạng (EC3) của Europol để phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện các mối đe dọa khủng bố thông qua lợi dụng của Internet và các trang mạng xã hội, khoanh vùng hoạt động tuyên truyền của các tổ chức khủng bố trên mạng Internet.
Việc chia sẻ thông tin tình báo về khủng bố tập trung về đầu mối ECTC sẽ giúp các lực lượng hành pháp các nước châu Âu phối hợp và nắm bắt tốt hơn các thông tin cập nhật về các đối tượng, các nhóm khủng bố và các mối đe dọa có khả năng xảy ra để chủ động hơn trong công tác phòng ngừa, xử lý, quản lý công dân cũng như người nước ngoài đang lưu trú tại nước mình hiệu quả.
ECTC cũng trợ giúp cảnh sát nước sở tại hoặc điều phối các chiến dịch quốc tế nhằm điều tra, tấn công các đối tượng, nhóm khủng bố trên lãnh thổ các quốc gia châu Âu. Ngân sách hoạt động hằng năm của ECTC lên tới 7,5 triệu euro, được trích từ ngân sách hoạt động thường xuyên của Europol.
Tháng 1 đầu năm nay, Europol đã tiến hành chiến dịch Portu phối hợp với các lực lượng cảnh sát Tây Ban Nha tịch thu một số lượng vũ khí khổng lồ tại các thành phố Bilbao, Cantabria và Gerona. Số vũ khí lớn đến nỗi phải mất nhiều tuần để giới công lực phân loại và ghi chép. Europol nhận định rằng có "nguy cơ đáng kể" cho thấy vũ khí chuẩn bị được chuyển giao cho các tổ chức tội phạm và bọn khủng bố.
Chiến dịch truy quét vũ khí lậu của cảnh sát Tây Ban Nha có sự giúp sức của Europol. |
Cuộc điều tra được tiến hành dựa trên manh mối từ việc phát hiện vũ khí được dùng trong vụ tấn công khủng bố vào viện bảo tàng Do Thái ở Brussels năm 2014. Nhóm tội phạm đã lợi dụng một cửa hàng thể thao ở Tây Ban Nha làm bình phong che đậy hoạt động phi pháp này. Kho vũ khí chứa những loại súng và pháo, phần lớn thu mua qua con đường hợp pháp, ban đầu không hoạt động được, nhưng khi rơi vào tay bọn buôn lậu đã được sửa chữa để có thể khai hỏa. Ngoài vũ khí, có 5 đối tượng bị bắt và 80.000 euro bị tịch thu.
Một trong những công việc phát triển nhanh nhất tại Europol liên quan đến việc chống lại sự tuyên truyền của các nhóm khủng bố và cực đoan. Một đội 26 người tại Đơn vị quản lý Internet (IRU) có nhiệm vụ truy cập các trang mạng có chứa nội dung không phù hợp, sau đó thuyết phục các công ty truyền thông xã hội và các nhà cung cấp dịch vụ xóa bỏ nó.
Người đứng đầu IRU, Vincent Semestre, ví công việc của đội như "đem một thìa muối đổ ra biển". Ông cho biết, đội đã xác định được 91 trang mạng có chứa nội dung cực đoan, hơn 50 trong số đó đã bị xóa bỏ. 20 tháng qua là giai đoạn căng thẳng nhất của IRU sau một loạt các cuộc tấn công khủng bố ở Châu Âu. IRU đã hành động nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan các hình ảnh, đoạn băng và thông tin cực đoan.
"Các nhà điều tra từ các quốc gia thành viên không biết những gì chúng tôi làm"
Trong văn phòng tràn ngập ánh sáng và thoáng gió nằm ở tầng trệt tòa nhà trụ sở của tổ chức Europol tại thành phố The Hague miền tây Hà Lan, sĩ quan cao cấp David Ellero ngẫm nghĩ về những sự thay đổi của lực lượng kể từ khi ông gia nhập năm 2007.
Giám đốc Europol Ron Wainwrigh. |
David Ellero là một cựu thám tử từng dành hầu hết sự nghiệp cho việc điều tra các vụ giết người của mafia ở Italia, hiện đang đứng đầu bộ phận phụ trách các nhóm tội phạm có tổ chức hàng đầu trên khắp lục địa. "Một tên tội phạm muốn liên lạc với đồng bọn trên khắp Châu Âu, chúng chỉ mất một giây. Chúng tôi cần phải chắc chắn rằng, cảnh sát có thể hoạt động với cùng tốc độ của chúng, ngay cả khi chúng sử dụng các phương thức và nói các ngôn ngữ khác nhau", ông Ellero cho biết; đồng thời chỉ ra rằng "ngay cả những kẻ móc túi" cũng hoạt động xuyên quốc gia.
"Khi bắt đầu làm việc cho tổ chức cách đây 10 năm, nơi đây hết sức yên tĩnh. Các đối tác của chúng tôi, hay các nhà điều tra từ các quốc gia thành viên, thực sự không biết những gì chúng tôi làm. Có một thực tế là nhiều người thường nhầm lẫn Europol với Interpol và nghĩ rằng nó chỉ gây phiền nhiễu cho bộ máy EU. Các đối tác của chúng tôi, hoặc các nhà điều tra tại các nước thành viên, thực sự không biết những gì chúng tôi đã làm", ông Ellero nói.
Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Observateur của Anh, người đứng đầu bộ phận các vấn đề di dân của Europol, Brian Donarld cho biết, bên cạnh những mối lo về an ninh, sự hòa nhập cộng đồng thì tình trạng trẻ em di cư một mình sang châu Âu đang gây ra những hậu quả rất đáng lo ngại. Ông đưa ra con số ước tính, có khoảng 10.000 trẻ em tị nạn biến mất sau khi đăng ký với nhà chức trách Châu Âu.
Chỉ riêng ở Italy có khoảng 5.000 trẻ em tị nạn mất tích trong khi ở Thụy Điển con số này là hơn 1.000 em. Trước thực trạng này, Europol đã khẩn trương vào cuộc để điều tra. Tuy nhiên, theo ông Donarld, việc tìm thấy trẻ em mất tích là vô cùng khó khăn bởi có rất ít thông tin hoặc manh mối sau những vụ biến mất đó.
Dù không khẳng định tất cả những trẻ mất tích đều trở thành nạn nhân của các nhóm tội phạm, Europol tuyên bố đã có những bằng chứng về việc rất nhiều trẻ tị nạn ở châu Âu bị lạm dụng tình dục, bóc lột lao động và tham gia đường dây buôn người và ma túy. Ông Donarld cho biết, Europol sẽ hợp tác với các tổ chức đang làm việc trên các tuyến đường di cư qua nẻo Balkan và sẽ triệu tập cuộc họp với các cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề trẻ em tị nạn mất tích nhằm có biện pháp đối phó.
Mặc dù bầu không khí bên trong trụ sở Europol trông rất thân thiện song an ninh nơi đây rất chặt chẽ: mọi người đều trải qua cuộc kiểm tra toàn thân, rọi tia X các túi xách và đối chiếu mọi giấy tờ cá nhân với cơ sở dữ liệu. Cửa sổ những phòng họp trong trụ sở Europol đều được che rèm kín mít để bảo đảm bí mật. Trên tầng 2 trụ sở - được coi là "khu vực an toàn" - là hàng rào an ninh kiểm tra căn cước và quét lòng bàn tay.
Trên những tầng tiếp theo là nơi làm việc của đội ngũ nhân viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới - tổng cộng hơn 200 người gọi là "các sĩ quan liên lạc" chuyên xử lý những loại tội phạm như buôn lậu súng, ma túy và buôn người.
Ngôn ngữ sử dụng chung trong Europol là tiếng Anh. Mặc dù Mỹ không là thành viên EU, song tại Europol vẫn có mặt hơn 20 sĩ quan liên lạc của nước này. Nhóm sĩ quan người Mỹ chịu trách nhiệm giám sát những chiến dịch xuyên biên giới, xâm hại tình dục đối với trẻ em, lừa đảo và buôn lậu heroin v.v…
Tháng 1-2017, phản ứng trước mối quan hệ giữa Anh với Europol sau khi nước này rời khỏi EU, nữ Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd tuyên bố, "tôi mong muốn và hy vọng chúng ta vẫn giữ vai trò tích cực" đồng thời nhấn mạnh Anh là "một trong những nước đóng góp lớn nhất" cho cơ sở dữ liệu Europol. Sau khi nước Anh tiến hành Brexit , tương lai của 50 nhân viên thực thi pháp luật Anh tại Europol hiện là một vấn đề nan giải.
Họ đang giám sát một loạt các hoạt động qua biên giới, lạm dụng tình dục trẻ em, lừa đảo tiêu thụ đặc biệt và buôn bán heroin…. Laura Clark, sĩ quan người Anh biệt phái từ Cơ quan tội phạm quốc gia đến làm việc tại Trung tâm buôn lậu di cư thuộc Europol, cho biết cảm giác "xấu hổ thực sự" nếu Anh không thể tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tổ chức. "Chúng tôi sẽ bỏ lỡ rất nhiều các thông tin tình báo", bà nói.
Rob Wainwright, Giám đốc Europol kể từ năm 2009, cho rằng, Anh là "nước dẫn đầu" về các vấn đề an ninh. Tuy nhiên, ông cho biết, sau Brexit, nếu Anh tiếp tục hợp tác với Europol với vai trò quốc gia không phải thành viên, quyền lợi và trách nhiệm của Anh sẽ giảm đi. London sẽ bị giới hạn các thông tin tình báo, các hoạt động cũng như quyền quyết định trong tổ chức này.