Mạo hiểm tính mạng với lang băm ở Ấn Độ

Thứ Ba, 19/06/2018, 12:16
Ban đầu, Jamna Lal dường như không thể hiểu nổi tại sao ông phải chịu trách nhiệm về cái chết của đứa con gái mới 2 tuổi Kushbu Lal của mình do một “bhopa” (pháp sư hay lang băm vốn rất phổ biến ở Ấn Độ).

Cuối cùng, Jamna Lal phải cúi đầu thừa nhận: “Vâng, tôi cũng có trách nhiệm. Tôi quyết định đưa con gái đến gặp bhopa thay vì đến bệnh viện để chữa bệnh cho nên chính tôi phải chịu đựng hậu quả đáng sợ”. Hiện nay, Ấn Độ đang cố gắng ra luật buộc tội hình sự đối với cách chữa bệnh gây nguy hiểm tính mạng người khác của những lang băm tại nước này.

Bà Ladi Vaieshnav và con trai, Satyanarayan.

Hồi tháng 1-2017, bé gái Kushbu có vấn đề về hô hấp nhưng Jamna Lal – cũng giống như nhiều gia đình khác trong những ngôi làng quanh Bhilwara tại bang Rajasthan miền nam Ấn Độ - lại không muốn đưa con đến bệnh viện ngay lập tức mà đến gặp một bhopa. Những tay lang băm này chữa bệnh theo cách cực kỳ nguy hiểm: họ nung nóng mẩu sắt hay đất sét nhằm đốt cháy một dây thần kinh đặc biệt nào đó trên ngực đứa bé.

Bé gái Kushbu bị bhopa áp mẩu đất sét nung nóng lên ngực theo cách như thế khiến cho bệnh trạng trở nên tồi tệ hơn buộc người cha phải tức tốc chuyển đến bệnh viện nhưng đã chết vào 8 ngày sau đó bất chấp mọi nỗ lực của bác sĩ.

Jamna Lal, 60 tuổi, kể: “Tổ tiên được các bhopa chữa bệnh và chúng tôi cũng làm theo như thế. Lúc còn nhỏ, đứa con gái lớn Naraya cũng được bhopa chữa bệnh và sức khỏe hồi phục sau đó cho nên tôi nghĩ bé Kushbu sẽ giống như chị của nó”. Một ngày sau khi Kushbu tử vong, người cha bị cảnh sát bắt còn xác của bé gái đưa đưa đi khám nghiệm. Từ khi được bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy ban Phúc lợi Trẻ em bang Rajasthan, bà Suman Trivedi có nỗ lực chấm dứt nạn lang băm chữa bệnh cho trẻ em bằng sắt nung.

Từ năm 2016, Suman Trivedi đã chuyển giao 14 vụ việc chữa bệnh cho trẻ em theo cách tàn bạo liên quan đến bhopa cho cảnh sát và đang chờ xét xử. Ladi Vaieshnav - bà lang băm 70 tuổi “chữa bệnh” cho bé Kushbu Lal và nằm trong số những người bị bắt giữ - khai với cảnh sát: “Trong 20 năm qua, tôi từng chữa trị cho khoảng 40 đứa trẻ nhưng không có trường hợp nào tử vong cả. Tôi thấy choáng và đau đớn khi hay tin về cái chết của bé gái nhưng chính người cha đã muốn tôi chữa bằng đất sét nung nóng. Đứa bé được chữa như thế trong thời gian 20 phút. Tôi cũng từng làm như thế nhiều lần rồi mà không sao cả”.

Bà “lang vườn” Ladi Vaieshnav và mẩu đất sét nung để “chữa bệnh” cho trẻ con.

Satyanarayan, người con trai 35 tuổi của Ladi Vaieshnav cũng có vết sẹo trên ngực do chữa bệnh bằng sắt nung, nói: “Mẹ tôi làm rất tốt và nhiều em bé được chữa khỏi bệnh. Nhưng, lần này đã có điều gì không đúng”. Hiện thời, Vaieshnav đang chờ tòa án xét xử và cam kết bà sẽ không bao giờ làm như thế đối với bất cứ trẻ em nào nữa.

Suman Trivedi đánh giá việc chữa bệnh bằng sắt nung đã vượt khỏi tầm kiểm soát của chính quyền: “Nguyên do là thiếu giáo dục và tình trạng mù chữ còn cao ở nhiều khu vực. Các cộng đồng nghèo khổ không được tiếp cận hệ thống chăm sóc y tế của chính quyền và nghĩ rằng những phương pháp truyền thống sẽ chữa lành bệnh cho con trẻ. Tôi cần cảnh báo với mọi người như thế là tội ác”.

 Mùa hè năm 2017, sau khi thấy cháu trai 3 tuổi Sundar bị sốt và mất nước, bà Panibai, 65 tuổi, sống ở vùng ngoại ô Bhilwara liền “chữa bệnh” bằng cách đốt một góc áo sari rồi áp lên ngực đứa bé 3 lần. Tình trạng trở nên tồi tệ trong vòng 24 giờ sau đó nên bé Sundar phải nhập viện điều trị trong 6 ngày và may mắn sống sót. Bà Panibai cũng nằm trong số những  người bị cảnh sát bắt giữ và đang chờ xét xử. Nếu bị buộc có tội, Panibai sẽ đối mặt với khoản tiền phạt nặng và lĩnh tối thiểu 3 năm tù.

Radhe Shayam Shrotriya, bác sĩ lãnh đạo khoa nhi Bệnh viện Đại học Y khoa ở Bhilwara, bình luận: “Những đứa trẻ được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng rất xấu và rất khó chữa trị. Nhưng, chúng ta không nên trừng phạt bậc cha mẹ mà cần giáo dục họ. Cha mẹ do không hiểu biết mà gây ra thảm họa”.

Naresh Pareek, chuyên gia tổ chức từ thiện Mewar Sewa Sansthan được hỗ trợ bởi tổ chức Plan International và cũng là thành viên Ủy ban Phúc lợi Trẻ em, nhận định: “Chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức khi bắt buộc những cộng đồng nghèo khổ chấm dứt việc chữa bệnh bằng sắt nung nóng.

Nhưng, đó là sự bắt buộc vì đạo đức. Suman Trivedi nói thêm: “Tôi cho rằng chúng ta đang đi đúng đường. Việc chữa bệnh bằng sắt nung phải biến mất khỏi xã hội cho dù phải mất nhiều năm”. Về phần mình, Jamna Lal nhìn ảnh con gái nhỏ của mình mà nhấn mạnh: “Tôi đã mất đứa con và nó sẽ không bao giờ sống lại được nữa. Tôi sẽ không gặp bọn bhopa nữa. Chúng ta cần phải đến bệnh viện”.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.