Tội phạm ma túy trả thù cơ quan báo chí và phóng viên

Thứ Năm, 11/05/2017, 19:20
Theo tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới thì Mexico là quốc gia nguy hiểm thứ hai trên thế giới đối với nghề báo chí. Kể từ năm 2000, 133 nhà báo đã bị sát hại ở Mexico, trong đó 76 người bị giết kể từ năm 2006, khi cựu tổng thống Felipe Calderón tuyên bố "cuộc chiến chống ma túy"- Press Emblem Campaign công bố mới đây.

Mới đây, nhật báo ElManana và Nuevo Laredo's Daily thông báo rằng, họ ngừng đăng các thông tin về các hành vi bạo lực được gây ra bởi các băng nhóm tội phạm sau khi trụ sở của họ bị tấn công bằng lựu đạn lần thứ hai trong năm.

Những cuộc tấn công nhằm vào các thành viên của giới truyền thông đại chúng xảy ra liên tục và tăng cao tại Reynosa và những thành phố khác nằm dọc theo biên giới từ NuevoLaredo đến Matamoros.

Bọn tội phạm luôn tìm cách trả thù những nhà báo tại các thành phố chiến lược dọc biên giới, những nơi cho phép hàng tấn ma túy chảy qua nước Mỹ. Bọn chúng bắn xối xả vào những phòng biên tập tin tức của giới truyền thông, bắt cóc và giết chết nhiều nhà báo. Thậm chí, bọn chúng công khai đe dọa thường xuyên các cơ quan báo đài ở vùng biên giới Mexico.

Nhiều người dũng cảm chống lại các đường dây ma túy ở Mexico bị sát hại.

Các nhà báo vùng biên giới Mexico còn cho biết, khi không lớn tiếng đe dọa thì bọn chúng dùng tiền bạc, vật chất hay cả gái điếm để mua chuộc các phóng viên.

Báo chí ở bang Texas của Mỹ đưa tin, Cơ quan Bài trừ ma túy của Mỹ (DEA) biết rõ bạo lực bất ngờ nổ ra dữ dội ở thành phố Reynosa mới đây là do một thành viên của tập đoàn ma túy Vùng Vịnh đã giết chết một thủ lĩnh của nhóm Zetas đối đầu tên là Victor Mendoza.

Băng nhóm Zetas - được thành lập bởi những cựu thành viên của các lực lượng đặc biệt của Mexico và chúng nổi tiếng về cơ cấu tổ chức cũng như tính tàn bạo vô nhân đạo - đòi kẻ giết thủ lĩnh của chúng phải ra mặt. Nhưng tập đoàn Vùng Vịnh - băng một thời từng sử dụng bọn Zetas cho những hợp đồng giết người - đã từ chối.

Kết quả là, những tuần sau đó súng nổ rền dọc theo biên giới, trong khi đó các phóng viên báo chí địa phương vẫn giữ im lặng.

Sự sợ hãi thậm chí còn lan sang cả phía Texas ở bên kia nước Mỹ, nơi mà phần lớn những cơ quan báo chí cấm không cho phóng viên của họ vượt biên sang Reynosa. Những nhà báo nào cố theo dõi tình hình ở Reynosa sẽ nhận lấy tai họa.

V. Nguyễn-S.H.(tổng hợp)
.
.