Mối đe doạ từ nạn buôn lậu tên lửa đất đối không vác vai tại Libya

Thứ Hai, 21/05/2012, 16:45

Tháng 3/2011, nhiều kho vũ khí khổng lồ của chính quyền Libya bị cướp phá và người ta chứng kiến cảnh những chiến binh Tuareg - lực lượng trước đó được chính quyền của Gaddafi sử dụng - mang theo nhiều loại vũ khí hạng nặng rời khỏi Libya để trở về quê nhà ở miền bắc Mali, sau đó họ giành lại được quyền kiểm soát khu vực nhờ vào số vũ khí này. Trong số những loại vũ khí của chính quyền Libya cũ để lại, có một lượng lớn vũ khí nguy hiểm bị thất lạc gây lo ngại cho phương Tây và Mỹ.

Vũ khí hạng nặng được đánh cắp từ những kho vũ khí khổng lồ của chính quyền Gaddafi đã giúp chiến binh Tuareg một cách đắc lực trong cuộc chiến chống lại quân đội chính quyền trung ương Mali. Ngoài ra, một số báo cáo mới đây tiết lộ quân phiến loạn Tuareg cũng mang về Mali một lượng đáng kể vũ khí MANPAD như tên lửa tầm nhiệt SA-7B. Sự liên kết giữa quân phiến loạn Tuareg và nhóm Al-Qaeda ở vùng Maghreb (AQIM) khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.

Những quả tên lửa MANPAD được vác trên vai người sử dụng và ống phóng có chiều dài trung bình 1,5m với đường kính 7cm. Chúng được sản xuất tại nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nga và Trung Quốc hay CHDCND  Triều Tiên, IranPakistan. Tên lửa SA-7 bắn được máy bay ở độ cao 1.300m, còn những mẫu mới hơn có thể đạt đến độ cao 3.658m.

Một trong những vụ tấn công sử dụng MANPAD nổi tiếng nhất xảy ra vào năm 1994, khi đó 2 quả tên lửa SA-16 bắn rơi chiếc máy bay của chính quyền Rwanda giết chết hai tổng thống của Rwanda và Burundi từ đó làm bùng nổ cuộc thảm sát ở Rwanda dẫn đến cái chết của gần 800.000 người chỉ trong vòng 100 ngày.

Trong nhiều năm qua, những cuộc tấn công bằng MANPAD đã diễn ra tại ít nhất 20 quốc gia trên thế giới khiến hơn 900 thường dân bị giết chết. Vào năm 2007, nhóm Al Shabaab sử dụng MANPAD tấn công một chiếc máy bay chở hàng của Belarus trên bầu trời Somalia.

Trước mối đe dọa của MANPAD, cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực chống buôn lậu loại vũ khí cơ động này. Những chiến dịch bắt giữ MANPAD buôn lậu cho thấy các nhóm chiến binh vẫn tiếp tục tìm mọi cách để sở hữu loại vũ khí phòng không hiệu quả này.

Các chuyên gia chống khủng bố cho rằng, có ít nhất 11 nhóm chiến binh sở hữu các loại MANPAD, và thỉnh thoảng chúng cũng được sử dụng trong chiến tranh ở IraqAfghanistan. Trước nhu cầu đang tăng cao về MANPAD, người ta lo ngại một lượng lớn vũ khí này của Libya đang được buôn lậu ở đâu đó trên thế giới và bọn khủng bố dễ dàng sở hữu chúng trên thị trường đen.

Theo đánh giá của các chuyên gia, có lẽ số lượng tên lửa MANPAD nằm trong các kho vũ khí của Libya vào khoảng 20.000 quả, trong đó phổ biến nhất là tên lửa tầm nhiệt SA-7 và thiết kế mới nhất của Nga là SA-24. Và trong số 20.000 quả tên lửa này, quân đội Mỹ và NATO kiểm soát được 5.000 quả, còn 5.000 quả khác nằm trong tay quân nổi dậy Libya và còn ở lại trong nước này. Điều đó có nghĩa là 10.000 tên lửa MANPAD hiện đang thất lạc và người ta tin rằng, chúng có lẽ được buôn lậu ra khỏi Libya.

Tên lửa SA-18 (Igla) (trên) với ống phóng và cán cầm tay; và SA-16 (Igla-1) (dưới).

Chính quyền Mỹ cũng đã có cuộc gặp gỡ Mahmoud Jibril, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC), tại thủ đô Tripoli của Libya để thỏa thuận viện trợ 40 triệu USD cho chương trình mua lại các loại MANPAD của nước này.

Vào tháng 11/2011, CIA ước tính có khoảng 6.000 tên lửa loại này - phần lớn là loại SA-7 của Liên Xô cũ cũng như Stinger của Mỹ - có thể nằm trong tay của quân phiến loạn Iraq. Al-Qaeda đã triển khai tên lửa SA-7, trong khi người Palestine ở Dải Gaza được tin là sởã hữu một số lượng nhỏ MANPAD xuất xứ từ Iran và Hezbollah. Loại tên lửa đất đối không cơ động này dễ dàng mua trên thị trường đen với giá chừng 500 USD một quả.

Hiện thời chưa có báo cáo nào cho thấy những quả tên lửa MANPAD từ các kho vũ khí của Libya được sử dụng để tấn công nhằm vào những chuyến bay dân sự. Nhưng với những quả tên lửa đất đối không hiện nằm trong tay của chiến binh Palestine ở Sinai và Gaza cũng như trong kho vũ khí của các nhóm khủng bố nguy hiểm như AQIM, người ta có lý do để tin rằng những cuộc tấn công bằng MANPAD sẽ xảy ra thường xuyên trong tương lai không xa.

Chiến binh Hồi giáo từ lâu đã chọn máy bay dân sự là mục tiêu lý tưởng để tấn công khủng bố và đối với bọn chúng, vũ khí MANPAD là lựa chọn tối ưu để hành động. Mối đe dọa tấn công bằng tên lửa MANPAD nhằm vào máy bay vận tải của Mỹ và châu Âu, ở Afghanistan, Pakistan, Yemen, Somalia và Bắc Phi là điều khó thể phủ nhận

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.