Mỹ: Giám sát chặt ngân hàng để phòng chống rửa tiền qua casino

Thứ Năm, 04/09/2014, 07:25

Ông Adam Shapiro, giám đốc chuyên trách phòng chống rửa tiền - Tập đoàn Hỗ trợ Tài chính cho biết: nhiều ngân hàng bắt đầu thực hiện những bước sâu hơn để đảm bảo tài khoản casino của khách hàng hoàn toàn hợp pháp. Trái ngược với việc chỉ đơn thuần đặt ra câu hỏi liệu một casino có hệ thống chống rửa tiền, hiện tại các ngân hàng đang nghiên cứu kỹ hệ thống chống rửa tiền và tiến hành thực nghiệm tại chỗ để kiểm tra hiệu quả.

Các biện pháp đó chính là "Chiến lược Phòng ngừa rủi ro" của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng thoát khỏi những đối tượng lừa đảo thường tìm kiếm con mồi trên mạng Internet. Bộ Tư pháp Mỹ đã triệu tập 50 ngân hàng lớn nhất để minh bạch mọi giao dịch giữa họ với các công ty hoạt động như tổ chức cho vay tín dụng hưởng lãi ngày.

Trong khi đó, Cục Bảo vệ Tài chính và Người tiêu dùng được giao quyền xử phạt mọi ngân hàng vi phạm.

Trong những năm gần đây, ngân hàng là mục tiêu trọng tâm của các hành động pháp lý. HSBC và JPMorgan từng bị chỉ trích và phải nộp phạt hàng tỉ USD vì sự kiểm soát lỏng lẻo, không có biện pháp ngăn chặn các băng đảng ma túy Mỹ Latinh "tẩy tiền bẩn" và vụ lừa đảo lịch sử của siêu lừa Bernie Madoff.

Casino thường là nơi diễn ra hoạt động "rửa tiền" của cả tội phạm và quan chức tham nhũng ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Phản ứng với chính sách quản lý, giám sát mới của Chính phủ Mỹ, một số giám đốc ngân hàng lớn đã phàn nàn về phạm vi công việc mà họ phải thực hiện trước các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ trong thời gian này và việc phải chịu nộp phạt hàng triệu USD nếu không may để  xảy ra hoạt động rửa tiền vì lỗi trong hệ thống phòng ngừa.

Đầu tháng 8, Standard Chartered cho biết, một máy tính nằm trong hệ thống giám sát chống rửa tiền của ngân hàng bị lỗi, với sơ suất này, Standard Chattered có thể sẽ nộp phạt từ 100 triệu-340 triệu USD cho cơ quan quản lý tài chính Liên bang New York - nơi ngân hàng đặt trụ sở chính.

Ông Bindra - Giám đốc Standard Chattered khu vực châu Á đã lên tiếng phản đối vì cho rằng, hình phạt đó là bất công. "Chúng tôi phải có nghĩa vụ báo cáo với cảnh sát về đối tác và khách hàng không rửa tiền, vậy mà khi chúng tôi đang rà soát chúng tôi mắc lỗi, thì chúng tôi bị đối xử như tội phạm".

Theo quan điểm của một giám đốc điều hành phụ trách chống rửa tiền ở một ngân hàng lớn đang hoạt động tại Mỹ, cuộc chiến chống tội phạm rửa tiền của nước này vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt. Có những mặt hạn chế về việc để biết có bao nhiêu ngân hàng biết khách hàng vào casino rửa tiền vì casino thường là nơi không muốn bàn giao hoặc tiết lộ thông tin về khách hàng.

Trái chiều với ý kiến nêu trên, một giám đốc điều hành đến từ một ngân hàng khác chia sẻ: ngân hàng của ông đã cấm các casino chấp nhận giao dịch với số tiền lớn từ các doanh nghiệp nếu chưa minh bạch được danh tính của chủ tài khoản.

Mặc dù các ngân hàng muốn tuân thủ sự điều chỉnh từ nhà quản lý, họ vẫn không muốn có quá nhiều sự giám sát và thanh tra rườm rà áp dụng đối với họ nếu điều đó đi kèm với việc phải chịu trách nhiệm pháp lý khi không may có lỗi trong chương trình giám sát hoạt động casino để ngăn chặn tội phạm rửa tiền. Casino luôn gắn liền với hoạt động phi pháp của tội phạm rửa tiền vì dễ dàng thực hiện giao dịch chuyển tiền lớn qua tài khoản casino. Do đó, các nhà quản lý Mỹ đã yêu cầu hệ thống casino trên toàn quốc phải báo cáo mọi giao dịch khả nghi hoặc có tổng số tiền lớn bất thường (phải báo cáo liên tục trong nhiều năm).

Tuy nhiên, biện pháp đó cũng không thể ngăn chặn được dòng chảy "tài chính đen" vì tội phạm có tổ chức ngày càng trở nên gian xảo hơn trong hoạt động để lách luật, và bởi vì các casino ở Mỹ không phải lúc nào cũng tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật

Phạm Khôi Nguyên (tổng hợp)
.
.