Mỹ Latin với nạn đánh bắt hải sản trái phép

Thứ Bảy, 21/11/2020, 08:22
Ngày 16-7-2020, Hải quân Ecuador đã đưa ra cảnh báo rằng một đội tàu đánh cá gồm khoảng 260 chiếc đang hoạt động ngay bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) xung quanh quần đảo Galapagos của nước này. Đến cuối tháng 7, con số ấy đã tăng lên hơn 342 chiếc, phần lớn mang cờ Trung Quốc hoặc thuộc sở hữu của Trung Quốc...


1. Theo báo cáo của Hải quân Ecuador, vào thời điểm nhất định hàng năm, Chính phủ Trung Quốc đã cấm tất cả các tàu cá trong nước hoạt động trên vùng biển của quốc gia này nhằm bảo vệ nguồn lợi hải sản. Vì vậy, đội tàu nói trên đã đi qua rìa EEZ của Ecuador, sử dụng đèn cao áp chiếu sáng cùng các thiết bị đánh bắt hải sản công nghiệp để khai thác bất hợp pháp, kéo dài suốt 30 ngày tại một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất thế giới.

Ngày 25-7-2020, Bộ Ngoại giao Ecuador theo lệnh của Tổng thống Lenin Moreno, đã thông báo với phía Trung Quốc rằng họ sẽ khẳng định các quyền hàng hải của mình. Ông Oswaldo Jarrín, Bộ trưởng Quốc phòng Ecuador cho biết khoảng một nửa tàu cá Trung Quốc đã tắt hệ thống theo dõi và nhận dạng trong một chiến thuật được gọi là “đi biển tối”, sử dụng khi đánh cá trái phép. Thậm chí nhiều tàu đã “đi biển tối” suốt 17 ngày, nhất là khi họ tiến vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Ecuador.

Một tàu cá Trung Quốc hoạt động rìa EEZ của Ecuador.

Trước đó, năm 2017, một báo cáo của Tổ chức phi chính phủ “Liêm chính tài chính toàn cầu - Global Financial Integrity”, trụ sở đặt tại Washington, Mỹ, cho thấy hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp đã tạo thành nền kinh tế tội phạm đứng thứ 6 trên trái đất với doanh thu hàng năm ước tính từ 15 đến 36 tỷ USD, trong đó đội tàu cá Trung Quốc với gần 17.000 chiếc, được xem là lớn nhất thế giới và cũng là nguyên nhân chính gây ra vấn đề này. Báo cáo của tổ chức phi chính phủ “Sáng kiến Toàn cầu - Global Initiative”, trụ sở ở Geneve, Thụy Sĩ cho biết năm 2019 Trung Quốc là quốc gia “tai tiếng” nhất thế giới về đánh bắt hải sản trái phép.

Vì thế, chẳng có gì lạ khi suốt thời gian dài, đội tàu cá Trung Quốc trở thành mối quan tâm đặc biệt, không chỉ ở Ecuador mà còn ở  Peru, Chile và Argentina. Chỉ tính riêng Chile, nạn đánh cá bất hợp pháp hàng năm đã gây thiệt hại cho nước này khoảng 300 triệu USD. Tại Ecuador, những lo ngại về môi trường đã trở nên cấp bách sau vụ bắt giữ chiếc tàu cá Trung Quốc Fu Yuan Yu Leng 999 hồi năm 2017 ở bên trong khu bảo tồn biển Galapagos được UNESCO bảo vệ với 300 tấn cá mập trên tàu, bao gồm cá mập đầu búa có nguy cơ tuyệt chủng. 

Nhà khoa học Jonathan Green, người đồng sáng lập và là giám đốc Dự án Cá mập voi Galapagos đã nghiên cứu cuộc sống của sinh vật này suốt 30 năm cho biết ông theo dõi một con cá mập voi được ông đặt tên là Hope ở phía đông Thái Bình Dương trong 280 ngày, nhưng bất ngờ tín hiệu từ thẻ định vị GPS gắn trên vây lưng con cá biến mất. Đến lúc xem ảnh vệ tinh ở khu vực lần cuối thu được tín hiệu của Hope - cách quần đảo Galapagos hơn 1.800 km về phía tây - ông Green nhận thấy vùng biển đó có hàng trăm tàu đánh cá Trung Quốc. 

Ông nói: “Tôi chú ý xem kĩ hơn và biết rằng trước khi tín hiệu biến mất, Hope đang bơi từ 1,8 km/giờ bỗng vọt lên 11 đến 13 km/giờ trong 32 phút cuối cùng. Tất nhiên, đó là tốc độ của một tàu đánh cá và Hope đã nằm trên chiếc tàu ấy”.

2. Năm nay, với sự xuất hiện bản đồ vệ tinh công khai của Global Fishing Watch - là liên minh giữa Google cùng tổ chức bảo tồn đại dương phi lợi nhuận Oceana và tổ chức SkyTruth, chuyên về giám sát môi trường, đã cung cấp cái nhìn toàn cầu đầu tiên trên thế giới về các hoạt động đánh bắt cá thương mại. 

Bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu, mọi người đều có thể thấy trên trang web của Global Fishing Watch vị trí của tất cả các tàu cá đang hoạt động (nếu chúng không “đi biển tối”) thông qua hệ thống giám sát tàu thuyền (VMS) và hệ thống nhận dạng tự động (AIS). Theo Global Fishing Watch, đại đa số tàu từ 300 tấn trở lên đều trang bị AIS để tránh va chạm. 

300 tấn cá mập trên tàu Fu Yuan Yu Leng 999.

Vệ tinh thu tín hiệu phát ra từ AIS được Global Fishing Watch đưa lên trang web của mình. Với hơn 60 triệu dữ liệu AIS mỗi ngày, lần đầu tiên Global Fishing Watch lập được bản đồ mô hình đánh bắt hải sản của các tàu cá hoạt động trên 55% diện tích đại dương, kể cả đang nó chạy hay dừng lại. Tuy nhiên phương pháp phân tích AIS chỉ quan sát được 80% số tàu cá, 20% còn lại do không phát AIS nên Global Fishing Watch không ghi nhận được. Nhưng nếu nó phát AIS rồi khi gần đến những ngư trường lớn, nó “đi biển tối” trong suốt nhiều tuần hay nhiều tháng thì chắc chắn nó là tàu đánh bắt bất hợp pháp.

Câu chuyện truy tìm đội tàu “đi biển tối” Trung Quốc bắt đầu vào tháng 1-2016. Lúc ấy, Bergman - chuyên gia của Global Fishing Watch phát hiện 6 tàu cá Trung Quốc đánh bắt ở phía nam Ấn Độ Dương. Khu vực đó vốn không phải là ngư trường và đặc biệt là cách di chuyển của các tàu rất lạ. Bergman nói: “Tôi quan sát kỹ nên nhận thấy chuỗi tín hiệu AIS cứ dài ra rồi cuộn ngược lại". Ông hỏi các cơ quan đăng kiểm nghề cá địa phương nhưng không ai biết đội tàu này.

Đọc được thông tin của Bergman trên mạng Internet, thuyền trưởng Sid Chakravarty thuộc tổ chức phi chính phủ Sea Shepherd ở Perth, Australia, quyết định đi tìm sự thật, và những gì Sid phát hiện đã gây sốc: Đội tàu Trung Quốc sử dụng lưới kéo bị cấm để đánh bắt cá ngừ, cá mập, rùa và cá heo. Lưới được gắn AIS để khỏi trôi mất nên đã tạo thành hiện tượng “chuỗi tín hiệu AIS cứ dài ra rồi cuộn ngược lại” mà Bergman nhìn thấy trên rada. Khi Sid quay video làm bằng chứng, đội tàu cá Trung Quốc tắt AIS rồi bỏ đi. 

1 tháng sau, một tàu trong nhóm này mở lại AIS. Bergman phát hiện vị trí liền báo cho Sid Chakravarty. Tàu của Sea Shepherd đã đuổi theo nó trên chặng đường dài 8.000km đến tận cảng Chu Hải, Trung Quốc.  Gần đây nhất, ngay 4-5-2020, tàu tuần tra ARA Bouchard của hải quân Argentina phát hiện tàu cá Trung Quốc Hong Pu 16 trong vùng EEZ. Tàu này tắt AIS nhưng mở đèn cao áp đánh bắt mực. Khi ARA Bouchard liên lạc qua điện đài và bắn pháo sáng thông báo kiểm tra, tàu Hong Pu 16 bỏ chạy ra vùng biển quốc tế. Cuộc rượt đuổi kéo dài suốt 3 tiếng thì Hong Pu 16 mới chịu dừng lại. Trên tàu có 700 tấn hải sản tươi sống và 300 tấn cá đông lạnh.

Từ đầu năm đến nay, cũng trên trang web của Global Fishing Watch, Hải quân Ecuador nắm được một phần đội tàu cá Trung Quốc vẫn ở phía đông Galapagos từ tháng 1 đến tháng 4 trong khi phần còn lại tiến đến vùng biển Argentina. Đến tháng 5, hai nhóm này hợp nhất ở ngoài khơi miền nam Peru rồi di chuyển giữa vùng đặc quyền kinh tế Galapagos và vùng biển ngoài khơi EEZ của Ecuador cho đến tháng 9. 

Tiếp theo, đội tàu cá ấy tiến về phía nam và hiện đang hoạt động trên vùng biển nam Peru. Việc trung chuyển nhiên liệu, lương thực, vật tư nghề cá, kể cả thủy thủ đoàn giữa tàu này và tàu kia đã cho phép các tàu cá có thể ở lại trên biển trong một khoảng thời gian không xác định. Nó cũng tạo điều kiện cho việc vận chuyển lượng cá đánh bắt bất hợp pháp đến những thị trường hợp pháp mà tiếng trong nghề gọi là “rửa cá”.

3. Là nhà xuất khẩu hải sản lớn nhất thế giới, năm 2018 Trung Quốc chiếm khoảng 15% lượng khai thác trên toàn cầu, gấp hơn 2 lần so với các nước xếp thứ hai và thứ ba. Ở Thái Bình Dương thuộc Mỹ Latin, đội tàu Trung Quốc chủ yếu đánh bắt mực, chiếm tỷ lệ từ 50 đến 70% tổng số mực đánh bắt ở các vùng biển quốc tế. 

Không những thế, trong quá trình đánh bắt loài mực, họ còn có thể bắt được những loài khác, bao gồm cả những loài có nguy cơ tuyệt chủng như cá đuối và cá mập đầu búa. Những hoạt động ồ ạt ấy đã buộc ngư dân địa phương phải tìm các ngư trường mới để hành nghề, làm trầm trọng thêm việc khai thác quá mức các loài hải sản.

Mực khổng lồ ở Peru được xem là mục tiêu của đội tàu “đi biển tối”.

Với tính chất như trên, chỉ có một phản ứng phối hợp của cả khu vực mới có thể mang lại hiệu quả nhưng sự phối hợp như vậy thường không đủ. Hồi tháng 7, Costa Rica cùng 4 quốc gia Mỹ Latin đã thỏa thuận cung cấp công khai dữ liệu theo dõi tàu cá của họ thông qua Global Fishing Watch, một động thái nhằm phát hiện nạn đánh bắt bất hợp pháp nhưng Ecuador không nằm trong số này. 

Thay vào đó, Ecuador tiến hành một chương trình hợp tác riêng với nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu không gian Kleos Space nhằm mở rộng các hoạt động giám sát việc đánh cá ở Ecuador. Điều này có thể là một phần của chiến lược bảo vệ quần đảo Galapagos, đã được Tổng thống Ecuador Lenin Moreno công bố.

Với Peru và Chile, cả hai quốc gia đã công khai dữ liệu của họ trên Global Fishing Watch cũng như triển khai giám sát bằng không quân và hải quân để theo dõi hành trình của đội tàu cá Trung Quốc. Năm 2018, Peru truy tố một thuyền trưởng Trung Quốc vì đánh bắt cá trái phép ở vùng biển Peru. Đây là vụ truy tố tàu nước ngoài đầu tiên trong lịch sử nước này. Mặc dù là một bước đi đúng hướng nhưng cả hai biện pháp ấy đều khó có khả năng ngăn chặn làn sóng đánh bắt bất hợp pháp.

Mang lại nhiều hứa hẹn hơn có lẽ là tuyên bố chung do Bộ Ngoại giao Chile cùng với Ecuador, Peru và Colombia đưa ra, liên quan đến “đội tàu lớn mang cờ nước ngoài”. Bản tuyên bố chung lên án các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp đồng thời cam kết trao đổi thông tin cũng như tăng cường các tổ chức quản lý nghề cá khu vực. 

Bên cạnh đó, nó cũng nhấn mạnh quyết định của Ủy ban Thường trực nam Thái Bình Dương, là cơ quan quản lý hàng hải của 4 quốc gia đối với hoạt động nghề cá, ngay cả khi nó xảy ra ở khu vực liền kề với EEZ của một quốc gia, rằng nếu một đội tàu nước ngoài tự ý đánh bắt hàng loạt ngoài khơi vùng biển Chile, Ecuador, Peru và Colombia thì cả 4 quốc gia nêu trên đều khẳng định đây là đánh bắt bất hợp pháp.

Về phía Mỹ, nước này sẵn sàng can thiệp vào việc tranh chấp. Trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc ngày 22-9, Tổng thống Donald Trump đã tố cáo các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp của Trung Quốc. 

Trước đó, ngày 2-8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra một thông cáo báo chí với tiêu đề “Về các hoạt động đánh bắt của Trung Quốc ở Galapagos”, chưa kể đại sứ quán Mỹ tại Ecuador và Peru đồng loạt phản đối đội tàu cá Trung Quốc trên trang Twitter. 

Cũng cuối tháng 8, Cảnh sát biển Mỹ cử tàu tuần duyên Bertholf hỗ trợ các cuộc tuần tra của Hải quân Ecuador xung quanh EEZ nhằm tìm cách thúc đẩy các hoạt động thực thi chủ quyền biển. Tương tự, Đô đốc Karl Schultz, Tư lệnh lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ nói rằng chống nạn đánh bắt hải sản bất hợp pháp đã được ưu tiên hơn cả chống ma túy và cướp biển. Ông nhấn mạnh Trung Quốc giữ vai trò chính trong vấn đề toàn cầu này.

Đối với Trung Quốc, thông qua các đại sứ quán ở Colombia, Peru và Ecuador, chính phủ nước này bác bỏ cáo buộc đội tàu của họ đã tham gia đánh bắt bất hợp pháp nhưng lần đầu tiên sau 17 năm, họ thắt chặt các quy định quản lý đội tàu đánh cá. Một quan chức Đại sứ quán Trung Quốc ở Ecuador khi được tờ El Universo phỏng vấn đã cho biết Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch loại bỏ khoản trợ cấp nhiên liệu hàng năm khoảng 400 triệu USD, từ lâu đã dành cho đội tàu. 

Hơn nữa, Trung Quốc đề xuất phê chuẩn “Thỏa thuận các biện pháp của quốc gia có cảng”, nhằm “ngăn chặn và loại bỏ đánh bắt bất hợp pháp bằng cách cấm các tàu đánh bắt bất hợp pháp sử dụng các cảng và cập cảng với sản phẩm của họ”, đồng thời hứa hẹn sẽ có cách tiếp cận “không khoan nhượng” đối với những tàu vi phạm…

Vũ Cao (Theo InSight Crime)
.
.