Mối đe dọa bạo lực chống người vô gia cư ở Mỹ

Thứ Sáu, 13/10/2017, 08:30
Đối với những người vô gia cư phải ngủ bờ ngủ bụi, bất nơi đâu cũng có thể ngả lưng được thì mối đe dọa bạo lực và sát hại không thương tiếc xảy ra gần như thường xuyên trên khắp các thành phố lớn nước Mỹ.

Đơn cử trong năm 2015, những người vô gia cư bị đánh đập ở Boston, bị bắn chết ở Seattle, bị tra tấn ở San Francisco. Trước thực trạng đáng phải suy ngẫm và cần phải hành động trước khi chính phủ có giải pháp lâu dài, các tổ chức xã hội và hàng chục cơ quan truyền thông đã vào cuộc.

Những vụ tấn công nhằm vào số người yếu đuối nhất của cộng đồng

Cách đây hơn một năm, trong khoảng cuối tháng 6 đến nửa đầu tháng 7-2016, những người homeless (vô gia cư) ở thành phố San Diego thuộc bang California miền Tây nước Mỹ hoảng loạn vì tình trạng bạo lực gia tăng đến mức họ chỉ dám ngủ chung thành nhóm nhiều người.

Anh thanh niên 27 tuổi Ruben Azevedo thậm chí sợ hãi đến mức không dám chợp mắt vào ban đêm mà phải đi lang thang để rồi ban ngày ngủ vật vờ trong các công viên. Các lều ngủ dành cho người vô gia cư của thành phố luôn luôn chật cứng và Ruben Azevedo không thể kiếm được một chỗ ngủ trong đó. “

Anh thanh niên Ruben Azevedo tại nơi tưởng niệm một người vô gia cư bị giết chết.

Tôi không dám ngủ ban đêm nữa vì sợ lại có kẻ đổ xăng lên người tôi”. Thực tế là, những căn nhà dành cho người vô gia cư lớn nhất thành phố cũng trở nên quá tải. Cảnh sát mở chiến dịch săn lùng hung thủ trong toàn thành phố San Diego thuộc bang California miền Tây nước Mỹ sau khi lính cứu hỏa phát hiện một xác chết người vô gia cư bị châm lửa đốt. Sang ngày hôm sau, thêm một thi thể người vô gia cư khác được tìm thấy. Những ngày sau đó, vài vụ tấn công tiếp tục diễn ra.

Đến ngày 15-7-2016, cảnh sát San Diego bắt giữ được nghi can tên là Jon D. Guerrero, 39 tuổi, khi hắn tấn công một người đàn ông vô gia cư đang ngủ say. Guerrero bị phát hiện trong một khu vực cùng với chiếc xe đạp khi cảnh sát nghe thấy tiếng kêu la cầu cứu của một người vô gia cư.

Cảnh sát trưởng Shelley Zimmerman tin chắc Guerrero chính là hung thủ gây ra “những hành vi tàn độc” đã gây ra hàng loạt vụ tấn công người vô gia cư, trong đó có vài nạn nhân bị thiêu sống và ít nhất 2 người đàn ông bị thương nghiêm trọng. Cảnh sát cho biết, chân dung nghi can trùng khớp với những gì mà các nạn nhân may mắn sống sót mô tả lại.

Tại cuộc họp báo, cảnh sát trưởng San Diego Shelley Zimmerman phát biểu: “Tên giết người hàng loạt này chọn mục tiêu là những công dân yếu đuối nhất trong cộng đồng thành phố trong khi họ đang chìm vào giấc ngủ say”.

Tuy nhiên, vụ bắt giữ vẫn chưa thể làm yên lòng ngay “đội quân” vô gia cư đông đúc ở Mỹ. Jon D. Guerrero sống trong khu thương mại sầm uất ở San Diego, bị buộc 3 tội giết người, 2 tội cố ý giết người và 2 tội cố ý phóng hỏa. Đội cảnh sát điều tra cũng tin rằng Guerrero liên quan đến một số vụ dùng búa đập vào đầu những người vô gia cư nhưng không gây chết người.

Vào giữa những năm 1999 và 2015, hơn 400 người vô gia cư bị giết chết và nhiều người khác bị đánh đập, cưỡng bức hay xâm hại thân thể trên toàn nước Mỹ - theo cuộc điều tra do Liên minh quốc gia về vấn đề vô gia cư tiến hành. 4 năm trước khi xảy ra những vụ giết người vô gia cư ở San Diego, một tên sát nhân hàng loạt đã nhắm mục tiêu vào số dân này tại miền Nam bang Califonia. Hung thủ tên là Itzcoatl Ocampo, bị buộc tội giết chết 6 người, trong đó có 4 người đàn ông vô gia cư ở quận Cam năm 2012.

Những luật sư bảo vệ người vô gia cư cảnh báo rằng, vụ bắt giữ Guerrero vẫn chưa thể chấm dứt được bạo lực chống lại họ.

Michael McConnell, luật sư bảo vệ người vô gia cư ở San Diego, lập luận: “Tất cả chúng ta vẫn chưa thể an tâm. Những người sống trên đường phố vẫn tiếp tục đối mặt với những thách thức đáng sợ như trước đây, mặc dù hung thủ đã bị bắt giữ. Họ vẫn lo sợ làn sóng bạo lực dâng cao”.

Một người vô gia cư trên đường phố.

Đó là lý do mà Thị trưởng Kevin Faulconer cam kết thành lập thêm nhiều căn nhà nữa dành cho người vô gia cư trong thời gian tới. Ông Faulconer tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 15-7: “Chúng tôi đã có cuộc đối thoại với người vô gia cư trong thành phố. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách xây dựng những căn lều dành cho người vô gia cư”.

Các vụ giết người làm dấy lên những tranh cãi nảy lửa về việc tìm giải pháp cho sự bùng nổ người vô gia cư mà riêng ở thành phố San Diego, con số này đã lên đến 8.500. Thị trưởng thành phố hứa hẹn sẽ cung cấp thêm nhiều nhà ở cho dân vô gia cư sao cho trong vòng một năm có thể giảm bớt 1.000 người trong số những người đang sống lang thang trên đường phố.

“Chúng ta phải tiếp tục tạo ra và thực thi các chính sách giúp ngày càng nhiều người lang thang được sống trong nhà”, Thị trưởng Kevin Faulconer nói. Nhưng trong thời gian khi có nhiều sự kiện du lịch và giải trí lớn được tổ chức thì thành phố đành phải di chuyển nơi cho phép dựng các lều ngủ của người lang thang ra xa các khu vực trung tâm.

Những người phản đối tình trạng này cho rằng, việc chính quyền quyết định phạt tiền người vô gia cư nếu họ chậm trễ thu dọn lều ngủ vào các buổi sáng sớm thì không khác gì việc khép tội hình sự đối với tình trạng sống vô gia cư và khiến cho dân vô gia cư càng dễ trở thành đối tượng của bạo lực.

Cũng trong năm 2016, Ed Murray, Thị trưởng thành phố Seattle, bang Washington, đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp dân sự vì số lượng người vô gia cư ngày càng tăng ở Seattle và hạt King. Mỗi đêm, trại vô gia cư trong thành phố tiếp nhận khoảng 2.000 người tới trú ngụ.

Ông Murray dẫn thống kê cho thấy, số trẻ vô gia cư trong độ tuổi đến trường đã tăng lên 3.000. Một vụ nổ súng ở trại dành cho người vô gia cư tại Seattle làm ít nhất 2 người thiệt mạng và 3 người bị thương và nghi can được cho là “hành động có chủ đích”. 5 người bị bắn gồm 4 người phụ nữ và 1 người đàn ông (tuổi từ 25-45), trong đó người đàn ông là 1 trong 2 người tử vong. Họ bị đạn bắn vào ngực, bụng và lưng.

Khi cộng đồng chung tay

Los Angeles là một trong những thành phố nổi tiếng nhất trên thế giới, với vẻ hào nhoáng và quyến rũ của Hollywood. Nhưng chỉ giới chức và người địa phương mới biết rằng, 44.000 người không nhà cửa sinh sống trong “thành phố của các thiên thần”, họ chui rúc trong xe, lều bạt hoặc các túp lều tạm bợ. Nhiều người trong số họ sống dọc theo bờ sông Los Angeles chảy từ thung lũng San Fernando đến Long Beach trải dài gần 80 km.

Nhiều người vô gia cư sống dọc theo bờ sông Los Angeles, nơi cho ra đời nhiều bộ phim bom tấn Hollywood. Nhiều người vô gia cư chọn sống ở Los Angeles do thời tiết ôn hòa và dịch vụ xã hội tốt. Los Angeles dành khoảng 1 tỷ đôla mỗi năm cho chăm sóc phúc lợi y tế, tâm thần và xã hội cho người vô gia cư, không bao gồm chi phí cảnh sát.

Tính đến tháng 6-2017, có hơn 1.200 người dưới 25 tuổi tại San Francisco (Mỹ) được xếp vào dạng homeless. Thành phố này cũng xếp thứ hai trên toàn nước Mỹ về tỷ lệ người vô gia cư.

Theo Đài ABC 7, cứ 100.000 dân thì có 795 người không có nhà ở, trong khi tỷ lệ này tại New York là 887/100.000 người. New York là thành phố đông dân nhất và được xem là thủ đô tài chính và giải trí của Mỹ song lại có sự chênh lệch giàu nghèo rất lớn và đang rơi vào cuộc khủng hoảng vô gia cư. Theo thống kê, tại 4 quận ở Bronx và Brooklyn, ít nhất 46% học sinh vô gia cư có bằng tốt nghiệp phổ thông.

Cảnh sát điều tra hiện trường một vụ giết người vô gia cư.

Đáng quan ngại là gần 1/3 số người vô gia cư ở Mỹ đều là các thanh niên dưới 24 tuổi. Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng này: Nhiều đứa trẻ do hoàn cảnh gia đình nên từ nhỏ đã phải sống trong các trung tâm từ thiện xã hội. Những em khác tuy có tuổi thơ may mắn hơn nhưng khi lớn lên, những biến cố trong gia đình xảy đến khiến các em phải lìa bỏ ngôi nhà của mình. Chứng kiến cảnh cha mẹ ngược đãi nhau hay ngược đãi các con, cảm thấy tủi thân và bị bỏ rơi nên khi đủ lớn, họ thà cách ly gia đình và chọn đường phố để đi tiếp quãng đời vô định….

Giám đốc Sherilyn Adams của tổ chức chuyên giúp đỡ thanh thiếu niên vô gia cư Larkin Street Youth Services cho biết, thành phần trẻ tuổi này dễ trở thành nạn nhân của tội phạm, bạo hành, tấn công tình dục, cũng như có nguy cơ cao bị lôi kéo vào con đường phạm tội như trộm cướp, buôn ma túy, bán dâm...

Theo bà Adams, khác với những người vô gia cư lớn tuổi, các bạn trẻ “bụi đời” không chỉ cần giúp đỡ về tiền bạc, quần áo mà cả sự định hướng, bao bọc để có thể làm lại cuộc đời. Bà phát biểu: “Trên toàn San Francisco, chúng tôi có nhiều chương trình nhà thiện nguyện để cung cấp cho thanh thiếu niên vô gia cư chỗ trú chân ổn định, tiếp đó là tạo điều kiện để họ thực hiện mục tiêu, kế hoạch cho một cuộc sống tự lập nhưng trong sạch”. Bên cạnh đó, Larkin Street Youth Services còn hỗ trợ giáo dục, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe cho các bạn trẻ này.

Trước thực trạng đáng phải suy ngẫm và cần phải hành động trước khi chính phủ có giải pháp lâu dài, các tổ chức xã hội và hơn 70 cơ quan truyền thông tại San Francisco quyết định hợp tác trong dự án SF Homeless Project nhằm thu hút sự chú ý của chính quyền cũng như cộng đồng về vấn đề này.

“Đối với một trong những thủ phủ công nghệ và tài chính năng động của đất nước như San Francisco, sự tồn tại của người trẻ vô gia cư là điều hết sức vô lý”, bức thư của đại diện dự án gửi đến cộng đồng và chính quyền viết.

Từ ngày 30-6, các báo đài tham gia dự án sẽ liên tục đưa tin tức, chia sẻ những câu chuyện về người vô gia cư trẻ để vấn đề được xem xét qua nhiều lăng kính, từ đó thúc đẩy giới hữu trách và cộng đồng chung tay tìm giải pháp.

Ngoài ra, các tổ chức phi lợi nhuận như Taking It To The Streets, Homeless Youth Alliance cũng đưa ra nhiều chương trình để các thanh thiếu niên vô gia cư tham gia công việc xã hội như quét dọn đường phố, tẩy xóa những tác phẩm graffiti (vẽ, xịt sơn trên tường) không đúng chỗ... Đổi lại, họ được nhận vào sống ở nhà cộng đồng, được học nghề cũng như hỗ trợ định hướng cuộc sống.

Không chỉ riêng ở San Francisco, những hoạt động tương tự cũng đang được tiến hành sôi nổi trên khắp nước Mỹ. Tại thành phố Seattle, bang Washington, các hãng truyền thông trong 2 năm qua cũng lập ra dự án tương tự nhằm mang lại tiếng nói cho người vô gia cư, những người mà ai cũng dễ dàng nhìn thấy trên đường nhưng lại hiếm khi được lắng nghe.

Tại thành phố Spokane, các tình nguyện viên thuộc Tổ chức Volunteers of America mỗi tuần đều tỏa ra các tuyến đường để giúp đỡ người vô gia cư trẻ lẫn già. “Nếu họ cần nước uống, đồ ăn và những gì trong khả năng, chúng tôi đều giúp đỡ họ”, anh James Payne thuộc nhóm tình nguyện cho biết. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cũng tổ chức chương trình “100 bạn trẻ, 100 ngày” với mục tiêu giúp 100 thanh thiếu niên không còn phải ngủ bờ ngủ bụi.

Di An - Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.