Mỹ sẽ đóng kho vũ khí hạt nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ
- Báo động đảo chính mới, gần 1000 lính Thổ Nhĩ Kỳ bao vây căn cứ không quân
- Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch săn lùng Giáo sĩ Fethullah Gulen
- Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ đứng sau âm mưu đảo chính bất thành
Vào tháng 4, một nhóm cánh hữu địa phương đã cố gắng "tấn công" một phi công Mỹ tại căn cứ. Sự việc xảy ra cách khu vực cất trữ vũ khí hạt nhân chỉ một km. Và nay, một quan chức Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ còn nói bóng gió rằng Washington nhiều khả năng có một vai trò nào đó trong vụ đảo chính, dựa trên việc giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen đang tị nạn tại Mỹ.
Ông Gulen bị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc đứng sau âm mưu lật đổ chính quyền.
Vô cùng nguy hiểm
"Nếu giới tình báo cho rằng, nơi cất số vũ khí ấy là một mục tiêu của khủng bố và bất ổn thì chẳng có lý do gì phải giữ chúng ở đó nữa", Ian Kearns, Giám đốc Viện Chính sách Mạng lưới Lãnh đạo châu Âu, bình luận. Theo cây bút Jeffrey Lewis từ tạp chí Foreign Policy, vũ khí tại căn cứ không quân Incirlik được cất trong những kho hàng được bảo vệ nghiêm ngặt.
Mỹ cùng các đồng minh NATO mới đây còn đầu tư 160 triệu USD để nâng cấp hệ thống an ninh cho vũ khí hạt nhân. Trong trường hợp những kẻ âm mưu đảo chính tiếp cận được số vũ khí quan trọng nói trên, việc sử dụng chúng cũng không hề dễ dàng, Lewis nhấn mạnh.
Bom hạt nhân B61. |
Nhưng nếu như chính quyền một quốc gia nắm giữ vũ khí hạt nhân Mỹ, giống như Thổ Nhĩ Kỳ, bị lật đổ bằng bạo lực, tình thế có thể trở nên vô cùng nguy hiểm, Lewis đánh giá. "Tôi nghĩ bài học mấu chốt ở đây là lợi ích từ việc cất trữ vũ khí hạt nhân Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ là rất nhỏ nhưng nguy cơ thì đang không ngừng gia tăng suốt 5 năm qua", Hans Kristensen, chuyên gia về vũ khí hạt nhân thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, nhận xét. "Theo tôi, an ninh ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như tại căn cứ Incirlik đã không còn đáp ứng được yêu cầu an toàn của Mỹ. Đã đến lúc rút vũ khí về rồi".
Bí ẩn về kho vũ khí hủy diệt
Căn cứ không quân Incirlik được xây dựng từ những năm 1950 ở tỉnh Adana, phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, giáp với bờ Địa Trung Hải. Hiện nay nó có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS), bởi đây là nơi chiến đấu cơ Mỹ xuất kích tiêu diệt phiến quân. Căn cứ có vị trí chiến lược hết sức to lớn ở Trung Đông và thậm chí là cả Bắc Phi.
Incirlik nằm rất gần tỉnh tây bắc Syria là Latakia - nơi có căn cứ không quân Hmeymim mà lực lượng Hàng không - Vũ trụ Nga hiện đang đồn trú, cũng rất gần căn cứ hải quân Tartus của Nga, đồng thời cách thủ phủ không chính thức của tổ chức khủng bố IS ở Syria là Raqqa chỉ khoảng 285 dặm (460 km).
Hoạt động của căn cứ Incirlik được quy định trong hiệp định về hợp tác quân sự và kinh tế giữa Hoa Kỳ với Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara bắt đầu cho không quân các nước trong liên quân với Mỹ sử dụng căn cứ này để không kích lực lượng IS ở Iraq và Syria từ hồi đầu tháng 7 năm 2015.
Hiện Ankara đang cấp phép cho lực lượng không quân các nước đồng minh trong và ngoài NATO như Mỹ, Đức, Anh, Qatar, Saudi Arabia... được đưa máy bay đến và sử dụng hạ tầng của căn cứ này cho hoạt động không kích các mục tiêu IS ở Syria và Iraq. Các nước trên đã điều động đến đây đủ loại máy bay chiến đấu như F-15, F-16, Tornado, Eurofighter Typhoon, A-10 Thunderbolt..., cùng với các phương tiện bảo đảm như máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không (AWACS) Boeing E-3 Sentry hay máy bay trinh sát Tornado...
Các chuyên gia quân sự cho hay, quân đội Mỹ đang bố trí tại căn cứ Incirlik khoảng 50 vũ khí hạt nhân, chủ yếu là bom B-61 có từ thời Chiến tranh lạnh, theo CNN. Việc những quả bom đó được cất trữ tại Incirlik là "một bí mật mở", Joshua Walker, nhà nghiên cứu về quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ từ Quỹ German Marshall, cho hay. "Những quả bom ấy đã ở Thổ Nhĩ Kỳ từ thời Chiến tranh lạnh", Tom Collina, Giám đốc Chính sách tại Quỹ Ploughshares, nói. Ông cũng thêm rằng Washington còn đặt những vũ khí hạt nhân tương tự ở Đức, Italy và Hà Lan.
Theo Washington Post, các quả bom B-61 tại căn cứ không quân Incirlik có thể trang bị cho những loại chiến đấu cơ tốc độ cao như F-15E Strike Eagle hay F-16 Fighting Falcon. Mỗi quả bom dài khoảng 3m, nặng hơn 300 kg. Chúng được cất ở những căn hầm dưới lòng đất, bên trong các nhà chứa máy bay. Muốn kích hoạt những quả bom này cần đến một thiết bị đặc biệt.
Căn cứ không quân Incirlik. |
Trong cuộc đảo chính nổ ra mới đây, chỉ huy trưởng căn cứ không quân Incirlik bị cáo buộc ủng hộ phe tạo phản. Lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã bao vây căn cứ, cắt nguồn cung cấp điện và đóng tạm thời không phận xung quanh Incirlik.
Dù máy bay, vũ khí và binh sĩ Mỹ tại Incirlik nằm ở một khu vực tách biệt, cách xa nơi các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động, Mỹ vẫn nâng mức phòng vệ lên cao nhất vào thời điểm cuộc đảo chính nổ ra.
Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy những quan chức quân sự hay chuyên gia kỹ thuật từ Bộ Năng lượng Mỹ đến Thổ Nhĩ Kỳ để giám sát kho vũ khí này hay di chuyển chúng đi trước những mối quan ngại về an ninh. Nhưng nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là một chiến dịch tuyệt mật và chỉ Tổng thống Mỹ cùng một số quan chức hàng đầu mới biết, một nguồn tin am hiểu vấn đề nhận xét.
Các quan chức hàng đầu Lầu Năm Góc đều nói rằng tất cả vũ khí Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ đều nằm trong tầm kiểm soát. "Chúng tôi đã thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo rằng mọi thứ chúng ta nắm giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn an toàn và được bảo vệ", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ nói hôm 18-7.
Vì sao Erdogan cấm Mỹ dùng căn cứ Incirlik sau đảo chính?
Theo tin mới nhất, sau khi đập tan âm mưu đảo chính, chính quyền Erdogan đã cấm liên quân do Mỹ dẫn đầu sử dụng căn cứ không quân Incirlik.
Theo The New York Times, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh không cho phép Hoa Kỳ và các nước đồng minh sử dụng căn cứ không quân Incirlik ở miền nam nước này để không kích vào các vị trí của IS. New York Times dẫn lời một quan chức giấu tên thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, hiện nay, các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép các máy bay của liên quân chống khủng bố do Mỹ đứng đầu được cất cánh từ căn cứ không quân Incirlik.
Tờ báo cho biết, Washington đang làm rõ lý do Ankara ban hành quyết định khó hiểu này, nhất là sau khi Tổng thống Erdogan có tuyên bố chỉ đích danh giáo sĩ Fethullah Gulen - người hiện đang sống lưu vong tại Mỹ là kẻ đứng sau xúi giục âm mưu đảo chính.
Theo bình luận của New York Times, lệnh cấm có thể chỉ nhằm mục đích giành quyền kiểm soát vùng trời, chứ Ankara không thay đổi quan điểm liên quan đến cuộc chiến chống IS hay nghi ngờ các nước đồng minh có dính líu đến âm mưu đảo chính. Tuy nhiên, giới quan sát đã lần lại tuyên bố vào ngày 4-7 của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, bóng gió đề cập đến việc Ankara có thể cho phép Nga sử dụng căn cứ không quân Incirlik ở miền nam nước này vào mục đích chống IS.
Kênh truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ TRT cho biết, ông Mevlut Cavusoglu đã “không loại trừ” khả năng Ankara có thể cho phép Nga sử dụng căn cứ Incirlik cho các hoạt động chống tổ chức khủng bố IS, giống như các đồng minh hiện nay...
Ông nhấn mạnh rằng, tổ chức khủng bố IS là kẻ thù chung của các nước yêu hòa bình trên thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với tất cả những ai chống IS. Nước này đã mở căn cứ Incirlik cho những người muốn tích cực tham gia cuộc chiến đó và hoàn toàn có thể làm điều đó với Nga. Tuy sau đó ông Mevlut Cavusoglu đã cải chính rằng, giới truyền thông hiểu sai ý ông, nhưng đối với các quan chức lãnh đạo hàng đầu ngành ngoại giao, việc diễn đạt kém để truyền thông “hiểu nhầm” là điều rất khó xảy ra, trừ phi chính họ muốn “bị hiểu nhầm”.