Năm 2019: Chống khủng bố ngày càng khốc liệt

Thứ Năm, 10/01/2019, 13:57
Mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố và cực đoan trên toàn cầu chắc chắn vẫn còn tồn tại trong năm 2019, trong bối cảnh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang trải qua giai đoạn tái thích nghi và phi tập trung hóa với tư tưởng cực đoan ngày càng được truyền bá, thủ đoạn ngày càng tinh vi và tàn bạo hơn.

Hiểm họa không mất đi

Mặc dù đã để mất nhiều vùng lãnh thổ, song IS vẫn là mối đe dọa lớn đối với toàn thế giới. Tổ chức khủng bố này đã thiết lập các cơ sở ngầm và bí mật để có thể tồn tại được ở Iraq và Syria. Tư tưởng của IS vẫn không thay đổi và tiếp tục được truyền bá trên mạng internet. Tại các tỉnh, các nhóm, mạng lưới và chi nhánh thề trung thành với lãnh đạo IS Abu Bakr al Baghdadi và ông này đang tìm cách biến những người theo đạo Hồi ở nhiều khu vực trên thế giới thành những kẻ quá khích và thực hiện các vụ tấn công.

IS và Al Qaeda sẽ tiếp tục là mối đe dọa lớn bởi thế giới hiện đang thiếu vắng một kế hoạch và chiến lược chống khủng bố hiệu quả, sự thù địch địa chính trị và tranh giành vị thế siêu cường giữa các nước vẫn tiếp diễn, và thất bại trong việc giải quyết tận cùng những nguyên nhân gốc rễ dẫn tới chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.

Năm 2019 được dự báo thế giới sẽ đối mặt với các mối đe dọa lớn từ khủng bố. Đầu tiên, IS hiện đang bước vào giai đoạn mới của quá trình lan rộng ra toàn cầu. Số chiến binh IS tại Iraq và Syria đã giảm từ khoảng 60.000 người xuống 5.000-6.000 người. Tại phía đông sông Euphrates, tỷ lệ vùng lãnh thổ do IS kiểm soát đã giảm xuống 1%. Mặc dù vậy, bên ngoài vùng “lãnh thổ” của “vương quốc Hồi giáo” (caliphate), các nhóm, mạng lưới, chi nhánh, và các cá nhân trung thành với Baghdadi vẫn đang phát triển cả về ý thức hệ và không gian hoạt động.

Lính Mỹ trong một lần tham chiến tại Syria. Ảnh: Military Times.

Những thực thể này được tăng thêm nhuệ khí bởi vương quốc Hồi giáo ảo mà IS dựng lên và ngày càng bạo gan hơn nhờ vào các chi nhánh của IS ở khắp các châu lục, được biết đến là các “wilayat” hay các tỉnh nằm ngoài vùng lãnh thổ của vương quốc Hồi giáo. Động lực thúc đẩy tiến trình “toàn cầu hóa” của IS là các chiến dịch tuyên truyền và các chiến binh khủng bố nước ngoài, làm cho những kẻ trở về nước sau khi được trang bị tư tưởng thánh chiến, kỹ năng chiến đấu, kiến thức về chất nổ và có các mối quan hệ với các mạng lưới khủng bố ngầm.

Các cơ sở dữ liệu về chống khủng bố trên toàn thế giới hiện nay liệt kê khoảng 40.000 phần tử IS tại 102 quốc gia đang hoạt động ở Trung Đông, châu Phi, châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, chúng là những mối đe dọa lớn nhất hiện nay. Sự nguy hiểm của IS và Al Qaeda sẽ tiếp tục tăng thêm khi dự báo trong năm 2019 này IS sẽ tổ chức thêm các vụ tấn công tại Trung Đông, châu Phi và châu Á... Tương tự như vậy, các cá nhân bị cấp tiến hóa và các chi nhánh của tổ chức khủng bố này trong các cộng đồng người di cư sẽ tấn công Bắc Mỹ, châu Âu và Australia.

Thứ hai, Afghanistan đang nổi lên là một “sân khấu” mới của các chiến binh khủng bố địa phương và nước ngoài trong năm 2019. Trong bối cảnh “dòng chảy” đưa các chiến binh khủng bố vào Syria và Iraq đang bị gián đoạn, các tay súng của IS đang được phân tán sang các vùng lân cận, nhiều trung tâm mới của chủ nghĩa khủng bố và cực đoan đang xuất hiện tại Trung Đông (Yemen, Libya, Tunisia, Algeria, Ai Cập), châu Phi (Tây Phi, Đông Phi), Tây Balkan, vùng Caucasus và châu Á.

Theo các chuyên gia tình báo, nhiều dấu hiệu cho thấy chiến trường của IS đang có dịch chuyển lớn từ Trung Đông sang các khu vực hẻo lánh và hiểm trở ở Afghanistan và Pakistan. Bên cạnh ảnh hưởng tại khu vực Trung Á, tổ chức này còn đe dọa tới vùng Kashmir đang nằm dưới sự kiểm soát của Ấn Độ, vùng Tân Cương ở phía Tây Trung Quốc và Iran.

Lính Mỹ được cho là đang quay trở lại hoạt động tại các căn cứ của nước này ở Iraq.

Trong bối cảnh vẫn còn tồn tại sự thù địch về địa chính trị, dòng chảy vũ khí và tài chính, cùng với nhu cầu cần huấn luyện của lực lượng Taliban ở Afghanistan, quốc gia này đang được dự báo sẽ trở thành “trung tâm” mới của chủ nghĩa khủng bố khu vực và toàn cầu. Từ tháng 12-2017 đến 3-2018, có 69 thành viên cốt lõi của IS và khoảng 200-300 chiến binh của tổ chức này từ Iraq và Syria chuyển tới Afghanistan, xu hướng này chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong suốt năm 2019.

Cuối cùng, với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, các hệ tư tưởng đều được đưa lên hàng đầu. Các cộng đồng có nhiều sắc tộc và tôn giáo đang ngày càng trở nên phân cực, khiến họ trở nên dễ bị tổn thương trước sự thù ghét. Không chỉ các phần tử thánh chiến mà ngay cả các đảng phái chính trị, các tổ chức và cá nhân có cách hiểu cực đoan về tư tưởng hay tôn giáo của họ đều gây đe dọa tới các cộng đồng và chính phủ.

Xung đột giữa các sắc tộc và tôn giáo, các vụ bạo loạn ở nhiều nơi tại châu Á cho thấy đạo Hindu và đạo Phật đã bị các lãnh đạo, các tổ chức chính trị và tôn giáo lợi dụng. Bên cạnh đó, chủ nghĩa tẩy chay đạo Hồi đang nổi lên ở phương Tây và thậm chí là ở các nước mà người đạo Hồi chiếm đa số hoặc thiểu số. Mối quan hệ giữa những người theo đạo Hồi dòng Sunni và Shia ngày càng căng thẳng, đặc biệt trong bối cảnh giọng điệu chống Iran và chống người Shia ngày càng tăng tại Trung Đông và nhiều nơi khác của thế giới Hồi giáo.

Sự căng thẳng trên khiến dự báo năm 2019 sẽ có cuộc đấu không khoan nhượng lẫn nhau giữa chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan ở cả không gian thực và không gian mạng sẽ ảnh hưởng tới an ninh và hòa bình của toàn cầu.

Không chỉ có thế, khủng bố còn được hưởng lợi từ sự thù địch giữa các quốc gia. Giọng điệu chủ nghĩa dân tộc cực đoan của các chính trị gia sẽ khiến các cộng đồng tiếp tục bị phân hóa, khiến họ dễ bị tổn thương trước tiến trình cấp tiến hóa ngày càng lớn và bạo lực đang gia tăng.

Ngoài ra, bất chấp việc chính phủ và các hãng công nghệ hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm chống lại IS trên không gian mạng, song sự hiện diện ảo của IS sẽ vẫn tồn tại và tăng lên, để bù đắp lại sự hiện diện và hoạt động ngày càng bị thu hẹp trong không gian thực. Một IS phi tập trung sẽ là mối đe dọa lớn hơn. Những kẻ ủng hộ tổ chức khủng bố này sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công và nỗ lực biến cộng đồng người Hồi giáo trên toàn cầu trở nên cực đoan quá khích.

Do đó, những nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố cần tiếp tục, không chỉ bằng các biện pháp mang tính động lực mà còn cần quyết tâm chính trị để giải quyết tận rễ những nguyên nhân dẫn tới chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.

Kết hợp đối phó và ngăn chặn

Cuộc chiến với khủng bố vì thế không hề giảm trong năm 2019 và những năm tiếp theo... Ngay những ngày đầu năm 2019 này, tức là chỉ ít ngày sau khi xảy ra vụ khủng bố ở Giza (Ai Cập) khiến 3 du khách Việt Nam cùng 1 hướng dẫn viên thiệt mạng, nhiều hãng báo chí thế giới nhận định đây là một cú đòn mới nặng nề cho đất nước của các Pharaon và tương lai cuộc chiến chống khủng bố.

Phó Tổng thư ký Văn phòng chống khủng bố của Liên Hiệp Quốc (LHQ), Vladimir Voronkov cảnh báo các tổ chức khủng bố nói chung, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nói riêng vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng với toàn thế giới bất chấp những chiến thắng của nhân loại tiến bộ và việc các nhóm khủng bố đang hứng chịu những thất bại nặng nề.

Theo ông Voronkov, kể từ cuối năm 2017 và 2018, IS và nhiều nhóm khủng bố khác đã bị đánh bại trên các chiến trường chính ở Iraq và Syria hay một số nơi ở Đông Nam Á... Nhưng ước tính riêng IS vẫn còn hơn 20.000 thành viên ở cả Iraq và Syria, trong đó một số tham gia hoàn toàn về mặt quân sự, số khác hoạt động ngầm trong các cộng đồng và khu vực đô thị. IS cũng phi tập trung hóa cơ cấu ban lãnh đạo nhằm giảm bớt hơn nữa những thiệt hại mà lực lượng này đang hứng chịu.

Lực lượng khủng bố đang dần bị đẩy ra khỏi Syria. Ảnh: The Daily Beast.

Theo các nguồn tin tình báo, thành phần nòng cốt của IS có thể vẫn tồn tại ở Iraq và Syria về trung hạn do các cuộc xung đột vẫn đang diễn ra và những thách thức nảy sinh trong quá trình hai nước ổn định. Ngoài ra, một số nhóm có liên kết với IS cũng hiện hữu tại Afghanistan, khu vực Đông Nam Á, Tây Phi, Libya và trong một phạm vi nhỏ hơn là ở trên bán đảo Sinai của Ai Cập, Yemen, Somalia và vùng Sahel.

Sự hiện diện của các nhóm khủng bố xuất hiện ở khắp nơi, đặt ra những thách thức nghiêm trọng khi các tay súng khủng bố từ các chiến trường Iraq và Syria... trở về nước. Mạng lưới toàn cầu của IS, cũng như việc IS phát triển từ một kết cấu nhà nước ban đầu với một tư tưởng được truyền bá tinh vi đang hình thành một mạng lưới ngầm phát triển trải rộng từ châu Á, châu Âu qua châu Phi... và thậm chí hình thành một mạng lưới ở Mỹ.

Điều này cho thấy sự hiện hữu và tầm ảnh hưởng của IS mà nòng cốt và cảm hứng cho các nhóm khủng bố, vẫn được thể hiện qua các chi nhánh của chúng và các tổ chức trung gian. IS vẫn đang tìm cách mở rộng sự hiện diện của mình tại nhiều quốc gia và các mối đe dọa khủng bố được ghi nhận ngày càng tăng lên.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tại Hội nghị cấp cao về chống khủng bố của LHQ cũng cảnh báo, chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan đang gây phương hại hòa bình và an ninh quốc tế, gây chia rẽ các cộng đồng, làm trầm trọng các cuộc xung đột và gây bất ổn toàn bộ các khu vực. Trong những năm qua, cộng đồng quốc tế mới chủ yếu tập trung vào chống khủng bố và phản ứng trước các cuộc tấn công thông qua những biện pháp quân sự, theo ông Antonio Guterres chỉ riêng điều này thì không thể đánh bại được chủ nghĩa khủng bố.

Do đó, ông Guterres nhấn mạnh cần phải kết hợp cả "đối phó" và "ngăn chặn". Cụ thể, cần phải tập trung nỗ lực vào những nguyên nhân sâu xa khiến một số người dân bị khủng bố "dụ dỗ".

Các chuyên gia chỉ ra rằng, sau những chiến thắng mang tính quyết định trên hai chiến trường chính ở Syria và Iraq trong 2 năm gần đây, lực lượng khủng bố đã bị tiêu hao nhiều. Nhưng, càng bị dồn vào đường cùng, khủng bố càng nguy hiểm bội phần với thủ đoạn ngày càng man rợ, hoạt động ngày càng tinh vi. Vậy mà việc các nước không chú trọng nhổ tận gốc nguyên nhân mà chỉ “giải quyết phần ngọn” bằng súng đạn rõ ràng đang làm tình hình thêm căng thẳng...

Việc Washington gần đây thông báo rút 2.000 binh lính khỏi Syria và có thể tiết giảm 7.000 binh lính Mỹ (trong tổng số 14.000 quân) khỏi Afghanistan được so sánh với việc Mỹ rút quân khỏi Iraq trước đây thực sự là cơ hội mà những kẻ khủng bộ đã tận dụng. IS đã lợi dụng việc Mỹ rút khỏi Iraq năm 2011 để mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng ở vùng Levant. Tương tự như vậy, những kẻ khủng bố và nổi dậy sẽ được hưởng lợi từ việc Mỹ giảm bớt số quân ở Afghanistan. Bản đồ chủ nghĩa khủng bố toàn cầu sẽ không có sự thay đổi lớn.

Nước Mỹ cho rằng, cần súng to đạn lớn để tiêu diệt khủng bố. Và để thể hiện quyết tâm chống khủng bố, Tổng thống Donald Trump cuối năm 2018 đã phê chuẩn Chiến lược quốc gia chống chủ nghĩa khủng bố sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), trong nỗ lực nhằm ngăn chặn âm mưu của các nhóm cực đoan sử dụng WMD nhằm vào nước Mỹ. Chiến lược mới này đánh dấu "bước đi mới" của Tổng thống Donald Trump nhằm đối phó với mối đe dọa từ những kẻ khủng bố gây ra nhằm vào Mỹ.

Chiến lược này được triển khai toàn diện, công khai chưa từng có của Chính phủ Mỹ nhằm chống chủ nghĩa khủng bố; gây sức ép đối với các nhóm khủng bố luôn tìm cách thu thập và sử dụng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Hoa Huyền
.
.