Binh sĩ Nam Sudan được trả công bằng việc cưỡng bức phụ nữ?

Thứ Bảy, 02/04/2016, 10:00
Người đứng đầu Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, ông Zeid Ra’ad Al Hussein ngày 11-3 cho biết: “Quy mô và loại hình bạo lực tình dục ở Nam Sudan là sự lạm dụng quyền con người kinh khủng nhất trên thế giới mặc dù chưa hề được thống kê hết”.


Xâm hại phụ nữ mà không bị truy tố?

“Những nguồn tin đáng tin cậy chỉ ra rằng, những nhóm liên minh với chính phủ “được cho phép” hiếp dâm phụ nữ để đổi lấy tiền lương, trong khi những nhóm đối lập cũng đang săn lùng phụ nữ để thỏa mãn dục vọng trên đất nước này”, một tài liệu mới được công bố vào hôm 11-3 bởi văn phòng quyền con người Liên Hiệp Quốc cho hay.

Binh sĩ Chính phủ Nam Sudan.

Theo một báo cáo mới cũng của Liên Hiệp Quốc, các tay súng thân chính phủ trong nội chiến Nam Sudan “được cho phép” xâm hại phụ nữ mà không bị truy tố thay vì nhận lương từ chính phủ. “Hầu hết những chiến binh trẻ đều lục soát bắt lấy gia súc, trộm tài sản cá nhân, hãm hiếp và bắt cóc phụ nữ cùng trẻ em gái như một hình thức trả lương” – báo cáo của nhóm điều tra cho hay. Một phụ nữ được nhóm điều tra phỏng vấn kể lại, cô phải chứng kiến cảnh con gái 15 tuổi bị 10 binh sĩ hãm hiếp sau khi chồng cô bị giết.

Ngoài cáo buộc bắt cóc và cưỡng hiếp phụ nữ, trẻ em gái, quân đội và lực lượng dân quân Nam Sudan còn “giết người chặt xác”, vi phạm nghiêm trọng các hành vi nhân quyền. Trong một báo cáo riêng biệt, Tổ chức  Ân xá Quốc tế (AI) cho biết, hơn 60  đàn ông và bé trai đã chết ngạt trong một container vận chuyển hàng hóa của Chính phủ Nam Sudan. Tất cả sau đó bị đổ xác xuống một cánh đồng ở thị trấn Leer, bang Unity hồi tháng 10 năm ngoái.

Trong vòng 5 tháng cuối năm 2015, hơn 1.300 vụ hiếp dâm đã được ghi nhận ở Nam Sudan. Một phụ nữ cho biết, cô bị lột quần áo giữa đường bởi 5 binh lính ngay trước mặt lũ trẻ nhỏ và bị lôi vào bụi rậm để hiếp dâm.

Một vài trường hợp khác kể lại, họ đã bị nhiều kẻ tấn công tình dục sau khi rời trại cứu hộ của Liên Hiệp Quốc hoặc bị bắt làm nô lệ tình dục trong những trại lính của lực lượng thân chính phủ.

Ngoài những số liệu về phụ nữ bị hiếp dâm, tài liệu mới của Liên Hiệåp Quốc còn có thông tin của những dân thường bị tình nghi hỗ trợ cho phe đối lập ở Nam Sudan, bị thiêu sống, bắn chết, hoặc bị treo cổ. Tài liệu của Liên Hiệp Quốc nêu rõ rằng, tất cả các bên xung đột của nội chiến Nam Sudan đều phải chịu trách nhiệm cho những tội ác chống lại loài người, tuy nhiên, lực lượng thân chính phủ lại chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình hình hiện nay.

Đại diện Chính phủ Nam Sudan, ông Ateny Wek Ateny đã phủ nhận tài liệu trên của Liên Hiệp Quốc và khẳng định rằng, đây có thể là sự hiểu nhầm khi ai đó mặc quân phục của binh lính chính phủ và phạm tội. Kể từ năm 2013, hàng ngàn người đã thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời khỏi Nam Sudan do tình trạng bất ổn. Quan chức AI Lama Fakih tuyên bố, những vụ giết người bất hợp pháp của chính phủ nước này phải bị đưa ra ánh sáng.

Hơn 22.000 người chạy trốn xung đột ở Jebel Marra

Điều phối viên Liên Hiệp Quốc về nhân đạo và cư trú tại Sudan, bà Marta Ruedas mới đây đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình cảnh của hàng chục nghìn người vô gia cư ở bang Bắc Darfur. Họ đã phải dời bỏ nhà cửa để chạy trốn khỏi các vụ đụng độ gần đây ở khu vực Jebel Marra.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau chuyến thăm tới Tawilla, Bắc Darfur, bà Ruedas đã kêu gọi Chính phủ Sudan và các nhóm nổi dậy cần chấm dứt chiến sự để cho phép cung cấp viện trợ tới những người dân có nhu cầu.

Nhiều phụ nữ Nam Sudan đứng trước nguy cơ bị xâm hại.

“Tôi đến Tawilla, phía tây của El Fasher gần với Jebel Marra, nơi có hơn 22.000 người (đa phần là phụ nữ và trẻ em) đã tập trung trong vài tuần trở lại đây bên cạnh một trại dành cho người vô gia cư. Rất nhiều người đã đến sau chuyến hành trình gian khổ và nguy hiểm, mang theo những gì mà họ có thể làm đồ dùng và thức ăn”, bà nói.

Điều phối viên cũng khẳng định, “bảo vệ người dân là mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi”. Kể từ cuối tháng 1-2016, các lực lượng chính phủ đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào Phong trào Giải phóng Sudan ở Jebel Marra. Xung đột đã buộc hàng nghìn người phải dời bỏ khu vực này và tìm kiếm trú ẩn tại các bang Bắc và Trung Darfur.

Bà Ruedas bày tỏ lo ngại về số phận của hơn 85.000 người dân mất nhà cửa ở bang Bắc Darfur – những người đã phải dời bỏ làng mạc do xung đột leo thang ở Jebel Marra. Bà cho biết, 90% trong số họ là phụ nữ và trẻ em. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), có 22.261 người mới di dời đến Tawilla. Giới chức Liên Hiệp Quốc kêu gọi Chính phủ Sudan tạo điều kiện cho các cơ quan của mình và các đối tác tiếp cận nhân đạo tới người dân.

Văn Nguyễn-L.K. (Tổng hợp)
.
.