Nạn buôn lậu động vật hoang dã hoành hành ở châu Phi

Thứ Năm, 02/02/2012, 16:35

Cuộc giải cứu 2 sư tử con vào cuối năm 2011 đã làm nổi bật vấn đề buôn lậu động vật hoang dã và hủy hoại sinh thái nghiêm trọng ở châu Phi, đặc biệt là Somali. Ngay cả chính quyền Cộng hòa Dân chủ Congo cũng tuyên bố bất lực trước cuộc chiến chống săn lậu loài khỉ đột ở quốc gia Trung Phi này.

Cuối tháng 12/2011, hai sư tử con được phát hiện và giải cứu trên chiếc tàu neo ở cảng Mogadishu của Somali và sau đó chúng được đưa đến khu bảo tồn đời sống hoang dã ở Nam Phi. Đây là 2 món hàng buôn lậu để cung cấp cho thị trường thú cưng ở vùng Vịnh Arập.

Tiến sĩ địa lý sinh vật Osman Gedow Amir, Chủ tịch của Tổ chức Phát triển Nông nghiệp hữu cơ Somali (SOADO) cho biết nạn buôn lậu động vật hoang dã diễn ra tại Somali và nhu cầu nuôi thú cưng của các quốc gia Vùng Vịnh được cho là cao nhất, sau đó mới đến khu vực Viễn Đông.

Theo nghiên cứu của Osman Amir, loài động vật bị buôn lậu phổ biến hơn sư tử là các loài chim săn mồi quý hiếm như kền kền, đại bàng. Còn người châu Á thường chọn nuôi phần nhiều là loài bò sát như rắn hay tắc kè hoa.

Theo đánh giá của Osman Amir, giá thị trường năm 2011 của 2 sư tử con Grumpy và Scar là vào khoảng 1.000 USD mỗi con. Đây là nghề kinh doanh bất hợp pháp mang lại lợi nhuận béo bở, nạn buôn lậu đang giết hại nhiều quần thể động vật hoang dã và có thể dẫn đến sự tuyệt chủng một số loài đặc hữu địa phương.

Nhưng không chỉ có động vật bị tiêu diệt hàng ngày mà hệ sinh thái Somali cũng đang bị hủy hoại do nhu cầu xuất khẩu một lượng lớn than củi sang các quốc gia Vùng Vịnh. Theo báo cáo của nhóm nhà điều tra Liên Hiệp Quốc, than củi được coi là "vàng đen" đối với nhóm phiến quân Hồi giáo Al Shabaab của Somali.

Con người chính là mối đe dọa lớn nhất của sư tử châu Phi, và theo các chuyên gia loài này có thể sẽ biến mất trong hoang dã trong khoảng chưa đến 10 năm nữa. Theo số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc, quần thể sư tử hoang dã châu Phi đã từ 450.000 con tụt xuống còn chừng 20.000 con trong vòng 50 năm qua, chủ yếu do môi trường sống của chúng bị phá hủy hay bị săn lậu để giết bán bội tạng hoặc cung cấp cho thị trường thú nuôi.

Giới săn lậu sư tử châu Phi chủ yếu là người Mỹ, và liên minh các nhóm bảo vệ đời sống hoang dã kiến nghị Bộ Nội vụ Mỹ đưa sư tử vào danh sách những loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Điều đó có nghĩa là việc nhập khẩu những hàng hóa liên quan đến sư tử sẽ bị cấm. Jeff Flocken, Giám đốc Quỹ Quốc tế bảo vệ và chăm sóc động vật (IFAW) đặt trụ sở chính ở Washington, cho biết vào giữa những năm 1998 và 2008, 64% trong số 5.663 con sư tử hoang dã châu Phi bị săn lậu để đưa sang Mỹ.

Hai sư tử con được giải cứu vào đầu năm 2011 ở Somali.

Trong khi đó họ thường chọn săn sư tử đực. Mà theo Dereck và Beverly Joubert - 2 nhà làm phim của National Geographic - những con sư tử đực đầu đàn bị bắn chết sẽ dẫn đến cái chết của nhiều sư tử khác do cuộc chiến tranh giành ngôi vị lãnh đạo bầy đàn bùng nổ.

Theo cảnh báo của giới quan chức bảo vệ đời sống hoang dã, nạn buôn lậu khỉ đột con - mỗi con có giá đến 40.000 USD - cũng đang đe dọa các loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Năm 2011 được coi là năm săn lậu khỉ đột hoang dã kỷ lục nhằm cung cấp cho thị trường đang có nhu cầu tăng cao về khỉ đột con. Loài khỉ đột núi châu Phi đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Theo số liệu thống kê, trên thế giới hiện nay chỉ còn lại khoảng 790 khỉ đột núi - trong đó khoảng 480 con sống trong khu Công viên Quốc gia bảo tồn động vật hoang dã Virunga (thuộc lãnh thổ của 3 quốc gia - Cộng hòa Dân chủ Congo, Rwanda và Uganda) và chỉ trên 300 con ở Uganda.

Loài khỉ đột tại những vùng thấp ở phía đông châu Phi còn nhiều song chúng thường sống bên ngoài những khu vực được bảo vệ nên quần thể cũng đang giảm dần. Emmanuel de Merode, Giám đốc Công viên Quốc gia Virunga cho biết, cơ quan bà hết sức lo ngại về thị trường tiêu thụ khỉ đột con đang đà tăng trên thế giới dẫn đến sự lan rộng hoạt động buôn lậu nguy hiểm tại những vùng đất phía đông CHDC Congo nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân.

Theo bà Merode, việc bắt giữ 4 con khỉ đột con trong thời gian chưa đầy một năm là hiện tượng cao bất thường nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng khi chỉ một số nhỏ tội phạm bị bắt do chính quyền Congo thiếu kinh phí.

Một khỉ đột con được giải cứu ngày 6/10/2011 khi đội cán bộ kiểm lâm giả làm người có nhu cầu mua khỉ đến từ tỉnh Kirumba gần ranh giới phía tây của Công viên Quốc gia Virunga. Trong chiến dịch bí mật, nhóm kiểm lâm đã tiếp xúc và đồng ý giá mua con khỉ đột sống vùng đất thấp chỉ mới 1 tuổi rưỡi từ nhóm 3 người thợ săn lậu.

Christian Shamavu, người chỉ huy chiến dịch bí mật, cho biết rất có thể khỉ mẹ và những con khỉ đột khác đã bị giết chết vì khó mà giành được khỉ con từ gia đình của nó cho dù nhóm thợ săn lậu không bao giờ thừa nhận điều này.

Cảnh sát Rwanda phát hiện một khỉ đột con sống vùng núi từ tay bọn thợ săn lậu định buôn lậu nó qua biên giới vào tháng 8/2011. Những con khỉ này nói chung đều bị suy kiệt sức khỏe. Nhiều khỉ con mang thương tích khắp mình mẩy do bị trói, một số con bị bệnh, suy dinh dưỡng  và hung tợn khác thường do thường xuyên tiếp xúc với bọn tội phạm.

Trước tình hình này, chính quyền CHDC Congo cho biết, họ không thể xác định được điểm đến cuối cùng của khỉ đột con hay những ai đứng đằng sau hoạt động buôn lậu bởi thiếu kinh phí hay thẩm quyền để tiến hành những cuộc điều tra đến nơi đến chốn.

Tuy nhiên, theo Ian Redmond - Chủ tịch Tổ chức Bảo tồn loài khỉ Ape Alliance - có lẽ Trung Đông là thị trường hàng đầu tiêu thụ khỉ đột con, dù thiếu bằng chứng có sức thuyết phục. Còn nhà làm phim điều tra Karl Ammann khẳng định hàng chục con khỉ đột và hàng trăm con tinh tinh bị buôn lậu từ Cameroon qua đường Nigeria đến Ai Cập

Diên San (tổng hợp)
.
.