Nạn kỳ thị phụ nữ trong xã hội Do Thái

Thứ Năm, 23/03/2017, 21:00
Người ngoại quốc thường nghĩ Israel, nhà nước theo tín ngưỡng Do Thái chính thống là một quốc gia thực thi triệt để nguyên lý bình đẳng giới tính. Sự bình quyền đã đưa nữ giới lên đỉnh cao quyền lực như cố Thủ tướng Golda Meir (1898-1978), hay cựu Ngoại trưởng Tzipi Livni nay là thủ lĩnh phe đối lập… Nhưng thực tế lại không phải hoàn toàn như vậy.

Theo một bản tường trình tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) họp tại Davos (Thụy Sĩ) vào giữa tháng 1 vừa qua, đã chỉ rõ một điều phi lý là phụ nữ Israel chỉ nhận được 2/3 mức tiền lương so với đồng nghiệp nam giới làm cùng công việc tương tự.

Cho dù nền văn minh nhân loại đã bước sang nửa cuối thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI, nhưng người Do Thái thủ cựu vẫn cố ngăn cản sự hòa trộn sắc giới theo quan điểm trọng nam khinh nữ cổ hủ, nhất là tại những tụ điểm công cộng. Hình ảnh gây ấn tượng với du khách là trên các đường phố Jerusalem, địa danh mà nhà nước Israel đơn phương coi là thủ đô của mình không hề thấy các biển quảng cáo có hình ảnh phụ nữ.

Thậm chí ở một vài khu phố mà dân Do Thái chính thống chiếm đa số, người ta còn quy định vỉa hè riêng cho phái yếu, với các tuyến xe buýt công cộng hay cơ sở khám chữa bệnh cũng vậy - đều được phân chia khu vực theo giới tính. Jerusalem là vùng đất nơi người Do Thái chính thống thường quy tụ, cùng số lượng ngày càng tăng song song với tầm ảnh hưởng lên các quyết sách của chính quyền địa phương.

Một phụ nữ thế tục bày tỏ sự phản đối nạn phân biệt giới tính với nhân viên đại diện công lực, trong cuộc xuống đường tuần hành nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 vừa qua ở quận Mea Sharim.

Ở Tel Aviv, đô thị lớn nhất nước tình hình cũng không sáng sủa hơn, tuy rằng thoạt trông thành phố này không khác gì một đô thị phương Tây hiện đại. Người dân Tel Aviv phần lớn là ngoại đạo, hay thế tục - vô thần theo cách gọi của giới linh mục Israel. Nhưng trong tương lai không xa người có đạo sẽ chiếm áp đảo, bởi tỷ lệ sinh đẻ trong sắc dân Do thái chính thống cực cao, với trung bình một gia đình có tới 7 đứa con.

Trong hơn 8,6 triệu công dân Israel hiện nay, một phần theo Do Thái giáo, một phần tin vào các tín ngưỡng truyền thống khác, số còn lại là người thế tục. Từ 9% dân số Israel hiện nay, tới năm 2025 người Do Thái chính thống sẽ chiếm khoảng 15% và trở thành lực lượng tôn giáo đông đảo nhất, có ảnh hưởng nhất lên hệ thống chính trị của nhà nước Israel.

"Họ luôn muốn áp đặt các giáo lý cứng nhắc lên đường lối quốc gia - bà Hanna Kehaya, nhà sáng lập Diễn đàn Koleh chuyên về phụ nữ và tín ngưỡng quả quyết - Họ một mực cự tuyệt sự hòa nhập giữa 2 giới tính trong cộng đồng Do Thái chính thống của mình".

Sự phân biệt giới tính tại Mea Shearim, một trong những khu phố cổ ở Jerusalem thậm chí còn lan tới cả các siêu thị mua bán. Người ta quy định rạch ròi giờ giấc mua sắm dành cho phụ nữ, đồng thời đòi hỏi nữ khách hàng phải ăn mặc chỉn chu như khi đi lễ nhà thờ(!). Còn tại các bệnh viện ở quận Mea Shearim đều có cửa ra vào và phòng chờ riêng phân chia theo giới tính.

"Khởi đầu từ chỗ ngồi trên xe buýt, đến thời gian khống chế khi đi mua đồ trong siêu thị, để rồi sự phân biệt đối xử ngang nhiên hiện diện ngay trên đường phố", Thẩm phán trưởng Dorit Beinisch, nữ Giám đốc đầu tiên của Tòa án Tối cao Israel nói với tâm trạng đầy bức xúc. Bà cũng là vị quan tòa đầu tiên, nhân danh quyền lực tư pháp nhà nước buộc giới hành pháp địa phương phải dỡ bỏ các rào chắn phân định đường đi riêng biệt giữa nam và nữ ở khu vực Mea Shearim, nhất là trong các dịp lễ hội tôn giáo xuyên qua các con phố chật hẹp cùng hàng chục nghìn người tham dự. Nhưng nữ cố vấn chủ chốt Rachel Azariah của Tòa thị chính Jerusalem lại bị Thị trưởng Nir Barkat sa thải, sau khi bà R. Azariah đưa vào nghị trình vấn đề kỳ thị phụ nữ trong phiên họp thường kỳ với giới chức tư pháp thủ đô.

"Jerusalem là một địa danh đặc biệt, vùng đất thiêng của cả người Hồi giáo, Kito giáo lẫn Do Thái giáo, do vậy việc tuân thủ các chủ thuyết chính thống luôn là vấn đề nhạy cảm mang tính cục bộ đối với chính quyền thành phố", Thị trưởng N. Barkat giãi bày với báo giới. Thật là trớ trêu bởi trong lần tranh cử chức danh thị trưởng hơn 9 năm trước, cương lĩnh nổi bật hòng thuyết phục giới cử tri thế tục của ứng viên N. Barkat là giảm thiểu những tác động ngày một tăng của tín ngưỡng Do Thái chính thống, sắc dân chiếm 1/3 trong tổng số gần 900.000 người Jerusalem.

Một trong những sự kiện nổi bật trong năm 2016 vừa qua là dịp khánh thành tuyến đường sắt cao tốc ở thủ đô Israel, được quảng bá như là thành tựu công nghệ của thế kỷ XXI. Nhưng dưới sức ép từ các thế lực cuồng tín, tuyệt nhiên không có một gương mặt phái yếu nào trong các bích chương quảng cáo dán khắp thành phố.

"Chúng tôi thừa hiểu rằng việc quảng bá vẻ đẹp nữ giới tại Jerusalem cũng như ở Bnei Brak, đô thị nghèo nhất Israel và cũng là một trung tâm Do Thái giáo chính thống may lắm chỉ kéo dài được vài tiếng đồng hồ - Ohad Gibli, Giám đốc Tiếp thị của Công ty quảng cáo đa quốc gia khổng lồ Kanaah thổ lộ trên Đài phát thanh Quân đội Israel - Hệ lụy không tránh khỏi ngoài phương tiện hành nghề bị đập phá và thiêu hủy, là sự khơi mào cho làn sóng bạo lực kỳ thị phái giới luôn sẵn sàng bùng phát. Thực ra hình ảnh phụ nữ đã bị loại bỏ ra khỏi cảnh quan chung, theo đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen của từ này".

Trong đợt kết thúc khóa huấn luyện đầu tiên của năm vào giữa tháng 2 vừa qua, 9 tân binh sùng đạo đã tự ý rời bỏ hàng ngũ vì có nữ giới đến hát chào mừng, một hành động mà người Do Thái giáo chính thống cho là kích động những ý nghĩ dung tục.

Kết cục 4 người trong số họ bị loại khỏi danh sách đào tạo sĩ quan, do những binh sĩ này đã không chịu ngỏ lời xin lỗi cấp trên khi bất phục tùng kỷ luật quân đội. Ai cũng biết bản chất thiện chiến của nữ quân nhân Israel, vậy mà 6 nữ hạ sĩ quan thuộc một tiểu đoàn pháo binh phòng thủ bờ biển đồn trú kề hải cảng Haifa, đô thị lớn hàng thứ 3 ở Israel đã được yêu cầu chuyển qua đơn vị khác, trước khi viên tiểu đoàn trưởng mới là người theo đạo Do Thái chính thống tới nhậm chức.

Thay lời kết, lâu nay vẫn tồn tại một nét riêng mang tính đặc thù đạo phái mà ít người nước ngoài để ý, rằng các đài phát thanh tư nhân ở Israel nằm trong vòng cương tỏa của Do Thái giáo không bao giờ phát đi những bài hát do các nữ ca sĩ thực hiện, cũng như tuyệt nhiên không phỏng vấn đối tác là… phụ nữ hòng thể hiện tính kỳ thị bao trùm.

Quang Phú (theo The Observer)
.
.