Nạn ném đá xe khách, vì sao dây dưa?

Thứ Hai, 20/07/2015, 14:20
Trải qua hành trình 600km, xuyên qua địa bàn các tỉnh Bình Phước, Đak Nông, Đak Lak, Gia Lai, Kon Tum, PV Chuyên đề ANTG đã có một cái nhìn tổng quan về vấn nạn ném đá xe khách trên địa bàn Tây Nguyên. Đặc thù địa hình địa bàn; một bộ phận thanh thiếu niên hụt hẫng về văn hóa và kiến thức pháp luật; sự thiếu hợp tác và ngại ngần tố giác các hành vi vi phạm pháp luật của chính các nạn nhân; những bất cập trong quy định về định giá tài sản trong tố tụng hình sự… là những nguyên nhân khiến vấn nạn ném đá xe khách cứ dây dưa kéo dài như một bệnh dịch.

1. Trực tiếp đưa chúng tôi xuống hiện trường vụ ném đá xảy ra vào rạng sáng ngày 26/9, Trung úy Lãnh Thanh Bình, Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an huyện Đak Mil, tỉnh Đak Nông, lý giải một số đặc thù liên quan đến nạn ném đá lên xe khách trên tuyến QL14 đã xảy ra trên địa bàn huyện Đak Mil.

Đã từ lâu, QL14, tuyến đường huyết mạch trên địa bàn Tây Nguyên, đã trở thành "sân chơi" của những thanh thiếu niên địa phương. Thoáng mát, xe cộ chạy qua chạy lại nhiều vui mắt, nhất là những xe giường nằm với giàn đèn trang trí nhiều màu sắc, trở thành những điểm nhấn bắt mắt.

Đối với lực lượng CSHS phối hợp với công an xã liên tục tuần tra bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn, việc thanh thiếu niên ngồi chơi sát mặt đường QL14 là điều hết sức bình thường, thậm chí đáng được thông cảm. Buổi tối, ngoài việc xem tivi, thanh thiếu niên ở địa bàn các xã xa trung tâm dường như không có một sân chơi tinh thần nào khác.

Nhưng vấn đề sẽ trở nên phức tạp, khi các thanh thiếu niên này ngồi đến đêm khuya, và uống rượu. Chuyện thanh thiếu niên trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên uống rượu từ độ tuổi còn nhỏ, không phải là điều lạ. Đối với chính bố mẹ các em, con cái mình, dù thậm chí chưa đủ tuổi vị thành niên, tụ tập với bạn bè để uống rượu là việc hết sức… bình thường.

Bản thân Trung úy Lãnh Thanh Bình, trong những đêm tuần tra địa bàn, khi ghé vào một nhóm thanh thiếu niên bất kỳ ngồi tụ tập bên vệ đường, hầu hết đều thấy họ đang ngồi nhậu. Lực lượng tuần tra chỉ có thể nhắc nhở họ lưu ý, kiềm chế bản thân để tránh các hành vi vi phạm pháp luật khi có hơi men. Thậm chí, nhiều khi được nhắc nhở giải tán, khi lực lượng tuần tra đi khỏi, họ tụ lại nhậu tiếp.

Có trực tiếp đi cùng lực lượng CSHS tuần tra, chúng tôi mới thấy cái khó đặc thù của địa bàn ven QL14. Ngoài một vài khu dân cư hiếm hoi, hầu như toàn bộ tuyến đường chạy qua những vạt rừng trồng cây công nghiệp, hay những khoảng đất trống, những con đèo vắng vẻ. Với địa hình như vậy, nếu các hung thủ có chủ đích ném đá xe tải hay xe khách, họ rất dễ đề phòng lực lượng tuần tra, tránh né và lẩn trốn khi gây chuyện xong. Vì vậy, hầu như những vụ việc xảy ra đều rất bất ngờ, nhận được thông tin nạn nhân trình báo, CQĐT mới xuống ngay hiện trường để xử lý.

2. Từ đầu năm 2015 đến nay, Công an huyện Đak Mil đã thụ lý tới 4 vụ ném đá xe khách. Đa phần thủ phạm là những thanh thiếu niên có gia cảnh khó khăn, bỏ học từ sớm, đi làm thuê, làm mướn, kiến thức xã hội và pháp luật rất hạn chế. Quá trình điều tra cho thấy, hành vi của các đối tượng là manh động, nhưng động cơ phạm tội thì cực kỳ… ngớ ngẩn!

Khoảng 21 giờ ngày 31/12/2014, Phan Minh Quyền (SN 2001) đi từ nhà lên khu vực chợ mới 312, thuộc thôn 11, xã Đak R'La. Tại đây, Quyền đã gặp một số đối tượng đang ngồi nhậu đón năm mới trước quán Internet 47. Đến 0 giờ ngày 1/1/2015, cả nhóm dừng nhậu và đi dạo. Trong lúc đi dạo, Quyền đã lượm một cục đá bên lề đường cầm trên tay.

Khi thấy có xe ôtô khách chạy qua, Quyền cầm đá ném vào ôtô khách. Quyền ném được 3 xe. Khi ném đá vào xe thứ 3 là xe của Hãng Tân Niên mang BKS 60B-01367, thì xe này dừng lại, một vài người cầm gậy nhảy từ trên xe xuống và đi về phía nhóm của Quyền.

Thấy vậy, Quyền sợ quá nên chạy về nhà bạn. Hoàng Văn Tuấn (SN 1994) cầm đá lên ném vào những người của nhà xe nhưng không trúng. Một lát sau, cả nhóm bị người của xe khách bắt lại, giao lên Công an xã Đak R'La. Sau đó, các đối tượng đã bị đưa về Công an huyện Đak Mil để làm rõ vụ việc.

Ngày 2/1/2015, Quyền ra đầu thú tại Đội CSĐT Công an huyện Đak Mil. Tại Cơ quan Công an, Quyền đã khai nhận rõ hành vi phạm tội, phù hợp với tài liệu chứng cứ mà CQĐT đã thu thập được. Tại bản kết luận định giá tài sản, giá trị tấm kính tại thời điểm bị hủy hoại là 4.202.000đ. Căn cứ vào tài liệu thu thập được, hành vi của Phan Minh Quyền cấu thành tội hủy hoại tài sản quy định tại Điều 134 Bộ Luật Hình sự.

Tuy nhiên, qua quá trình điều tra, đối tượng đã khai báo thành khẩn, phạm tội lần đầu, bản thân đối tượng mới 14 tuổi, chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Đối tượng Phan Minh Quyền đã bị xử phạt hành chính theo quy định, các đối tượng khác không tham gia ném vỡ kính xe cũng đã được răn đe, giáo dục để phục vụ công tác phòng ngừa chung.

Khoảng 2 giờ sáng ngày 22/2/2015, Trần Văn Quang (SN 1993) cùng ngồi chơi với nhóm bạn ven QL14, đoạn thuộc tổ dân phố 13, thị trấn Đak Mil. Đang ngồi, Quang nghe tiếng xe máy rồ ga, nên bực tức lấy một cục đá đi ra QL14 chờ xe tới để ném. Nhưng chiếc xe máy đi đến gần vị trí Quang đứng thì rẽ vào ngõ, Quang đuổi theo nhưng không được.

Đúng lúc đó, Quang thấy xe khách giường nằm hiệu Anh Đức, chạy hướng TP HCM - Buôn Mê Thuột chạy qua. Quang dùng cục đá ném vào kính chắn gió phía trước của xe khách rồi bỏ chạy.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Đak Mil đã làm rõ đối tượng, trưng cầu giám định thiệt hại tài sản làm căn cứ xử lý. Tuy vậy, do nhà xe cung cấp thông báo giá trị thiệt hại chậm, cộng thêm Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Đak Mil đến nay vẫn chưa có kết luận định giá thiệt hại tài sản để CQĐT làm căn cứ xử lý theo quy định.

Vậy nên, cho đến thời điểm hiện tại, CQĐT Công an huyện Đak Mil vẫn phải chờ đợi kết luận định giá tài sản, trong trường hợp thiệt hại trên 2.000.000đ mới có thể tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định.

3. Vụ việc của đối tượng Trần Văn Quang cũng hé mở một vướng mắc mà CQĐT cấp huyện, nơi đa phần thụ lý các vụ việc ném đá lên xe khách giường nằm… gặp phải bấy lâu nay: sự chậm trễ của Kết luận của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự.

Theo quy định tại Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 2/3/2005 về Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự, Hội đồng định giá tài sản ở cấp huyện do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan tài chính cùng cấp để định giá các loại tài sản theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Thành phần của Hội đồng định giá tài sản cấp huyện bao gồm: một lãnh đạo của cơ quan tài chính là Chủ tịch hội đồng; một chuyên viên về giá của cơ quan tài chính là thành viên thường trực; đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn.

Để ra được một Bản kết luận định giá tài sản, Hội đồng này phải đi qua rất nhiều các bước sau: yêu cầu định giá tài sản; Tiếp nhận yêu cầu định giá tài sản; Căn cứ định giá tài sản; Xem tài sản, nghiên cứu thông tin, tài liệu liên quan đến tài sản cần định giá; Khảo sát giá; Tổ chức phiên họp định giá tài sản; Biên bản định giá tài sản…

… Thủ tục định giá tài sản kỹ càng từng bước như vậy, có cái tốt là đảm bảo tính khách quan, công minh của quá trình tố tụng, nhưng đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, đó thực sự là một chặng đường trần ai.

Đơn cử trong vụ việc ném đá vào xe khách giường nằm của nhà xe Thuận Tiến rạng sáng ngày 29/6 vừa qua khiến tài xế Phan Văn Đoàn bị thương ở vùng mắt, phải khâu 29 mũi. Cùng với những vụ ném đá xe khách khác trên Tây Nguyên dồn dập xảy ra, vụ việc này nhận được rất nhiều sự quan tâm của công luận. Đó là một sức ép không hề nhỏ đối với CQĐT Công an huyện Đak Mil.

Nhưng khi vụ việc nhanh chóng được điều tra làm rõ, CQĐT vẫn không thể nhanh chóng khởi tố vụ án, khởi tố bị can… như dư luận mong đợi, bởi vướng ở khâu định giá tài sản.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Hùng, Phó trưởng Công an huyện Đak Mil, cho biết, những ngày này, ông như ngồi trên chảo lửa. Thông tin trên các phương tiện truyền thông rầm rộ, các cơ quan ban ngành chỉ đạo sát sao, nhưng chưa có kết luận định giá tài sản thì anh em điều tra viên cũng không thể làm gì hơn. "Đây không phải là trường hợp đầu tiên chúng tôi bị mắc kẹt như thế này", Thiếu tá Hùng cho biết.

Vụ việc nhà xe khách Thiên Quang mà Công an huyện Đak Mil thụ lý hiện cũng đang phải chờ đợi  kết luận định giá tài sản. Khoảng 19 giờ 30 phút ngày 1/5/2015, sau khi uống rượu cùng nhóm bạn địa phương, Nguyễn Hữu Trung, (SN 1988), đang làm đá thuê tại một cơ sở trên địa bàn huyện, vì bực tức sẵn trong người do mâu thuẫn với bạn, đã nhặt gạch lát đường ném vào xe ôtô khách của nhà xe Thiên Quang.

Cú ném của Trung đã khiến kính chắn gió bên trái xe khách BKS 48B-00402 bị vỡ. CQĐT Công an huyện Đak Mil đã làm rõ vụ việc, nhưng do vẫn phải chờ kết luận định giá thiệt hại tài sản của Hội đồng định giá huyện, nên vẫn chưa thể khởi tố vụ án và khởi tố bị can.

"Chúng tôi nhận định, với những vụ việc đang nóng như vậy, nhanh chóng khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử, sẽ có tác dụng tuyên truyền sâu rộng trong xã hội, khiến cho các đối tượng có hành vi manh động sẽ tự biết hạn chế và kiềm chế. Nếu để vụ việc "nguội" đi như nhiều vụ việc chúng tôi đang xử lý và bị "treo" như thế này, tôi cho rằng chúng ta đang mất đi một cơ hội tuyên truyền pháp luật rất hiệu quả", Thiếu tá Hùng cho biết.

4. Nếu không trực tiếp tiếp xúc với một lái xe chuyên chạy tuyến Kon Tum-TP HCM, PV Chuyên đề ANTG sẽ không biết được tình trạng ném đá trên tuyến QL14 lại nghiêm trọng đến như vậy.

Người lái xe xin giấu tên, vì sợ ảnh hưởng đến chuyện làm ăn, cho biết việc ném đá lên xe tải, xe khách là chuyện thường xuyên. Chiếc xe tải anh đang chạy nghe tiếng đá thùng thùng dội hàng đêm.

"Hên thì bị đá ném hụt, hoặc chỉ ném vào thùng hàng, hoặc vào phần sắt của xe. Nhưng vì sức ép phải giao hàng đúng hạn, phải chạy cho kịp quay đầu, phải chạy theo lịch cố định của chủ xe, nên đa phần chúng tôi tắc lưỡi bỏ qua, không trình báo công an", anh cho biết.

"Ngay cả những hãng xe khách giường nằm trên tuyến đường này cũng bị ném đá thường xuyên. Nhưng nếu có thể khắc phục được, hoặc thiệt hại không đáng kể, đa phần họ thường chọn phương án tự giải quyết. Nếu vào trình báo, làm thủ tục khám nghiệm, khai báo thiệt hại, hành khách sẽ la ó, chủ xe sẽ rầy. Chỉ những vụ nghiêm trọng họ mới buộc phải kêu cứu công an", người lái xe tiết lộ.

Thừa nhận hiện tượng này là có thật, Trung tá Trần Quốc Dũng, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an huyện Đak Tô, Kon Tum, cho biết, thông tin thực tế cơ quan chức năng nắm được nhiều hơn đơn trình báo là rất nhiều. "Nhiều chủ xe ngại khai báo do thủ tục tố tụng yêu cầu họ phải dành nhiều thời gian hợp tác với CQĐT, ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh của họ", ông khẳng định.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Hùng, cho biết thêm qua quá trình điều tra, thông tin về các vụ việc ném đá xe khách các điều tra viên thu nhận được là khá lớn, nhưng số vụ khai báo không nhiều. "Nếu các chủ xe, các tài xế tích cực chủ động khai báo và hợp tác hơn nữa, tôi tin là nạn ném đá lên xe khách sẽ bị đẩy lùi", Thiếu tá Hùng khẳng định.

Việt Đông
.
.