Ngăn chặn nạn xâm hại trẻ em: Luật pháp cần thay đổi

Thứ Tư, 02/05/2018, 08:29
Ngày 21-4, nội các Ấn Độ đã thông qua Sắc lệnh luật hình sự sửa đổi năm 2018, theo đó cho phép kết án tử hình những đối tượng phạm tội cưỡng hiếp trẻ em dưới 12 tuổi. Ngoài ra, sắc lệnh còn cho phép Cơ quan lưu trữ tội phạm quốc gia duy trì một cơ sở dữ liệu quốc gia và hồ sơ những kẻ tấn công tình dục.

Còn tại Pháp, trong thời đại phong trào MeToo đang lan rộng khắp thế giới như hiện nay, tội phạm xâm hại tình dục đang bị lên án và tố cáo hàng ngày, các hình thức xử lý cũng được đưa ra nhiều. Đặc biệt, đối với chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron, quyền lợi nữ giới được ưu tiên và là một trong những vấn đề cần thay đổi ở nước Pháp.

Ấn Độ  không khoan dung với "yêu râu xanh"

Sắc lệnh được thông qua tại cuộc họp nội các do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì. Sắc lệnh cũng nâng mức án phạt nghiêm khắc hơn đối với tội phạm cưỡng dâm. Sắc lệnh này còn chờ Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind thông qua.

Người dân ôm thi thể bé gái đã bị xâm hại tới chết. Ảnh: Hindustantimes.

Sắc lệnh trên được cho là bắt nguồn từ các cuộc đấu tranh của người dân trên khắp Ấn Độ thời gian qua, đặc biệt là khoảng thời gian đầu tháng 4-2018, người dân khắp Ấn Độ tổ chức biểu tình, đòi giới chức trừng phạt những kẻ cưỡng hiếp và sát hại bé Asifa Bano, mới chỉ có 8 tuổi.

Thi thể của Asifa, bé gái thuộc một bộ lạc du mục Hồi giáo, được tìm thấy trong một cánh rừng gần thành phố Kathua từ hôm 17-1. Cảnh sát đã bắt 8 người đàn ông, trong đó có một quan chức chính quyền đã nghỉ hưu, 4 cảnh sát và một thiếu niên bị tình nghi liên quan tới cái chết của Asifa. Một nhân chứng địa phương kể lại với hãng tin BBC: Cô bé 8 tuổi bị một người đàn ông dụ dỗ đi vào rừng khi đang chăn ngựa ở một đồng cỏ.

Asifa đã bị chuốc thuốc an thần và bị cưỡng hiếp bởi nhiều người khác nhau trong ba ngày. Cảnh sát cho biết, thi thể của em được tìm thấy trong tình trạng bị thắt cổ. Những tên sát nhân còn dùng đá đánh hai lần vào đầu em để bịt đầu mối. "Hãy tưởng tượng những gì đã diễn ra trong tâm trí của một đứa trẻ 8 tuổi khi em bị chuốc thuốc, giam giữ, cưỡng hiếp tập thể suốt nhiều ngày rồi sau đó giết chết", ngôi sao Farhan Akhtar viết trên Twitter.

Nhiều người dân bất bình đã so sánh cái chết của Asifa với vụ cưỡng hiếp tập thể và sát hại nữ sinh trên xe bus ở New Delhi năm 2012 và bày tỏ sự bức xúc với chính quyền. Rahul Gandhi, chủ tịch đảng đối lập chính của Ấn Độ, đã chủ trì một lễ tuần hành thắp nến ở thủ đô New Delhi.

Chủ tịch Ủy ban phụ nữ Delhi, Swati Maliwal, cho biết bà sẽ nhịn ăn kể từ hôm nay để kêu gọi giới chức tăng cường bảo vệ phụ nữ và trẻ em ở nước này. Nhiều cuộc biểu tình không chỉ diễn ra ở New Delhi, hầu hết các bang ở Ấn Độ. R.Devisigh, một chuyên gia tâm lý học cho biết, liên miên các vụ xâm hại trẻ em diễn ra khiến chính phủ của Thủ tướng N.Modi cân nhắc và ra sắc lệnh rất kịp thời.

Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ Delhi, bà Swati Maliwal cho biết, cùng thời điểm xảy ra vụ án xâm hại bé Asifa, bà đã tận tay chăm sóc nạn nhân khác, thật đau lòng mới có 8 tháng tuổi, ở ngay thủ đô New Delhi khiến cho bà cảm thấy vô cùng căm phẫn, sợ hãi, mong muốn luật pháp nhanh chóng trừng trị những tên "yêu râu xanh", trả lại bình yên cho trẻ nhỏ, cho các làng quê, đường phố; quan trọng hơn là nâng cao nhận thức cho một bộ phận người dân trước vấn nạn ở Ấn Độ. Bà Swati Maliwal, người đã đến bệnh viện thăm bé gái, mô tả rằng những chấn thương trên cơ thể nạn nhân "rất khủng khiếp". Cô bé trải qua ca phẫu thuật ba giờ.

Người dân khắp Ấn Độ biểu tình yêu cầu xét xử những kẻ phạm tội đối với bé Alifa. Ảnh: PTI.

"Tiếng khóc xé tim của cô bé vang lên trong khu điều trị của bệnh viện. Em phải chịu những chấn thương khủng khiếp trong nội tạng. Phải làm gì đây? Làm sao Delhi đêm nay có thể ngủ khi một đứa trẻ 8 tháng tuổi bị cưỡng hiếp dã man ngay tại thủ đô? Chúng ta đã trở nên vô cảm hay chúng ta đơn giản là chấp nhận điều này như số phận của mình?", bà Maliwal bày tỏ nỗi bức xúc trên Twitter.

Bà Maliwal cũng gửi lời trực tiếp đến Thủ tướng Narendra Modi rằng cần phải có thêm những điều khoản luật pháp chặt chẽ hơn để bảo vệ các bé gái ở Ấn Độ. "Bé gái tội nghiệp thậm chí chưa thể nói năng gì được, con bé chỉ nằm im ở đó", bàMaliwal cho hay. Vụ cưỡng hiếp trên đã làm tăng thêm mức đô åkhủng khiếp của nạn tấn công tình dục phụ nữ và trẻ em ở Ấn Độ.

Một câu chuyện khác kể về nỗi đau này khi các nhà báo phanh phui vụ một bé gái 10 tuổi ở Ấn Độ đã mang thai và thủ phạm chính là hai người bác ruột. Nỗi đau trước một loạt các vụ xâm hại trẻ em và thiếu nữ xảy ra liên tiếp gần đây chưa nguôi, dư luận Ấn Độ lại tiếp tục nhận hung tin tìm thấy thi thể của 3 chị em ruột ở dưới giếng nước trong một làng ở huyện Bhandara, cách thành phố Nagpur, thủ phủ thứ 2 của bang Maharashtra, miền Đông đất nước.

Theo kết quả khám nghiệm tử thi, các nạn nhân chỉ ở trong độ tuổi lần lượt là 6, 9 và 11, bị cưỡng hiếp rồi bị sát hại dã man. Cặp sách vẫn còn đó. Nhưng tương lai các em đã chính thức khép lại bởi những kẻ thủ ác. Thực trạng con số đau lòng, trong năm 2016, có khoảng 40.000 vụ hiếp dâm được trình báo, trong đó nạn nhân trẻ em chiếm khoảng 40%. Ước tính, gần 11.000 vụ cưỡng  hiếp trẻ em tại Ấn Độ được ghi nhận vào năm 2015, theo số liệu gần nhất của Cơ quan báo cáo các vụ tội phạm quốc gia.

Nhìn vào hồ sơ các vụ án thương tâm mà những tên “yêu râu xanh” gây ra cho các em nhỏ. Hoàn cảnh bi đát, đáng thương của các gia đình, sự kỳ thị của xã hội và tương lai mịt mù của rất nhiều nạn nhân trẻ em trong những năm qua mới thấy tầm quan trọng sự nghiêm minh của pháp luật, đây được cho là "phương thuốc" sẽ giúp làm giảm tỷ lệ phạm tội xâm hại với trẻ em tại Ấn Độ.

Pháp: Luật xử lý xâm hại tình dục sẽ được thảo luận tại Quốc hội vào tháng 5

Từ 2 lần tình cờ gặp mặt cô bé 11 tuổi tên Sarah, gã hàng xóm 28 tuổi tên Carine Durrieu Diebolt bắt đầu nảy sinh ý định đen tối. Diebolt dụ dỗ Sarah, bảo cô bé “có cái này hay lắm cho xem” tại căn hộ của hắn ở một tòa chung cư gần bên. Cô bé ngây thơ tin lời đi theo hắn.

Khi vào thang máy, Diebolt bắt đầu giở trò khiến Sarah hoảng sợ. Sarah kể với luật sư và cảnh sát rằng hắn bắt đầu tấn công cô bé khi cửa thang máy đóng lại, ban đầu là hôn cô bé, sau đó hắn ôm và ép cô bé vào cuộc mây mưa tại căn hộ của hắn. Sau khi hắn giở trò đồi bại, Sarah vùng dậy chạy thoát ra được và gọi điện thoại về nhà báo cho cha mẹ biết.

Hơn 90% trường hợp trẻ em gái bị xâm hại tình dục tại Pháp đã bị ém hoặc bỏ qua, không xét xử.

Vấn đề Sarah có bị hiếp dâm hay không hiện vẫn đang được xem xét, tranh luận tại phiên tòa diễn ra ở Pontoise, ngoại ô Paris. Nhưng vụ án đang gây phẫn nộ trên phạm vi toàn nước Pháp, đặt ra yêu cầu cấp bách để chính phủ Pháp phải khẩn trương tìm biện pháp ngăn chặn tình trạng tội phạm tình dục trẻ em, trước mắt là thay đổi trong pháp luật bảo vệ trẻ em.

Theo luật của Pháp, một người lớn có tiếp xúc tình dục với một trẻ vị thành niên dưới 15 tuổi là phạm pháp. Nhưng tội tiếp xúc tình dục với trẻ em khác với tội hiếp dâm, nó là tội nhẹ hơn tội hiếp dâm.

Ở hầu hết các quốc gia phương Tây, luật ban hành thành văn bản về hiếp dâm đều quy định quan hệ tình dục với trẻ em dưới độ tuổi nhất định nào đó thì bị xem là hiếp dâm bởi trẻ em được cho là còn quá nhỏ để có thể chống cự. Nước Pháp không có luật như thế; tất cả phán quyết về hiếp dâm đều phải dựa trên chứng cứ là có sử dụng bạo lực, cưỡng ép bằng sức mạnh hoặc nạn nhân rơi vào tình huống không có lựa chọn nào khác.

Chính phủ Pháp đang nghiên cứu đề xuất một đạo luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trẻ em gái và trai dưới 15 tuổi chứng minh được mình bị hiếp dâm.

Theo luật cũ của Pháp, nếu một người lớn tiếp xúc tình dục với trẻ nhỏ dưới 15 tuổi sẽ bị phạt tù 5 năm kèm theo mức phạt tiền 75.000 euro (92.000 USD). Dự án luật đề xuất mức án tù dành cho tội tiếp xúc tình dục nâng lên 10 năm và phạt tiền 150.000 euro (184.000 USD); riêng tội hiếp dâm, mức án tù được nâng từ 20 lên 30 năm.

Để buộc tội một người lớn hiếp dâm trẻ em, luật mới tạo điều kiện để nạn nhân có thể chứng minh mình bị kẻ hiếp dâm đó lợi dụng, chứng minh mình không đồng tình với hắn và vì thế mình bị hiếp dâm. Dự kiến việc sửa đổi luật sẽ được mang ra thảo luận tại Quốc hội vào giữa tháng 5-2018.

Nhưng các chuyên gia pháp lý và tư pháp cho rằng vấn đề tội phạm xâm hại tình dục trẻ em rất phức tạp và vượt ra ngoài khuôn khổ các quy định của pháp luật. Thực tế cho thấy việc xử lý các trường hợp xâm hại tình dục diễn tiến rất chậm chạp, thậm chí không đi đến đâu. Các cáo buộc tội hiếp dâm thường phải mất đến 8 năm để đưa ra xét xử ở tòa án, và khi đó thì các vị bồi thẩm lại có xu hướng thiên vị cho nam giới, những thủ phạm xâm hại tình dục hơn là bênh vực cho phụ nữ và trẻ em gái.

Đối với các tội tiếp xúc tình dục và tấn công tình dục thì tội trạng nhẹ hơn nên các thẩm phán địa phương có vẻ nghiêm khắc hơn với kẻ phạm tội. Thực tế thường thấy là sự thiên vị của các vị bồi thẩm, thiên vị cho đàn ông và chống lại phụ nữ và trẻ em gái, vì thế hầu như ít có khả năng thủ phạm bị buộc tội. Báo chí Pháp cho rằng hình ảnh phổ biến của những phiên tòa xâm hại tình dục là xét xử phụ nữ và trẻ em bị xâm hại, hơn là xem xét tội trạng, hành vi xâm hại của đàn ông.

Kiểu hành xử đó dẫn đến hậu quả là các luật sư bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân – do rơi vào thế yếu, thiểu số - nên thường có xu hướng chấp nhận một tội trạng nhẹ hơn, như tiếp xúc tình dục hay tấn công tình dục thay vì cáo buộc tội hiếp dâm dành cho thủ phạm, nhằm tránh cho thân chủ của mình, nạn nhân bị xâm hại khỏi bị tổn thương thêm do phải đối mặt với các vị bồi thẩm thiên vị hoặc có nguy cơ chứng kiến thủ phạm xâm hại mình được tha bổng.

Nhiều phụ nữ cho biết họ đã gặp phải sự thiếu thiện cảm của cảnh sát ngay từ giai đoạn đầu khi họ trình báo tội phạm. Chẳng hạn, nhóm vận động vì quyền lợi phụ nữ Group F đưa ra câu hỏi khảo sát trực tuyến trên mạng Internet về việc cảnh sát đối xử thế nào với các tố giác lạm dụng tình dục và đã nhận được 500 câu phản hồi ngay trong ngày đầu tiên.

Những phụ nữ khai báo bị hiếp dâm cho biết họ được chào đón bởi thái độ nghi ngờ của cảnh sát kèm theo đó là lời lẽ thô tục và lời khuyên “không nên theo khiếu kiện”. Một trường hợp gần đây ở Meaux, ngoại ô Paris, một bé gái 11 tuổi bị hiếp dâm đến mang thai, tố cáo thủ phạm, nhưng khi “yêu râu xanh” chối tội thì lập tức được tha, không truy tố nữa.

Một khảo sát của Tổ chức Quốc gia Quan sát Bạo lực đối với phụ nữ Pháp, năm vừa qua có đến 4.120 đơn tố cáo hiếp dâm trẻ em gái dưới 15 tuổi được gửi đến cảnh sát toàn nước Pháp, nhưng chỉ có chưa đến 10%, tức chỉ có 396 trường hợp được mang ra xét xử và có tuyên án tù vì tội hiếp dâm trẻ em.

Quá nhiều vụ việc bị bỏ qua như thế khiến cho thực trạng của tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em không được quan tâm, chú ý đến, dẫn đến một vấn nạn gây nhứt nhối trong xã hội Pháp.

Hòa Nguyễn – Quốc Vương
.
.