Người giải cứu con tin trong vụ tấn công nghiêm trọng ở Pháp
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ca ngợi đại tá Arnaud Beltrame là “biểu tượng của tinh thần kháng chiến”, tiếp nối con đường của “những anh hùng mà ông ngưỡng mộ” lúc còn tại thế.
Chiến công thầm lặng
Trước vụ khủng bố ngày 23-3, cái tên Arnaud Beltrame khá xa lạ với nhiều người dân Paris. Thế nhưng, với những đồng đội, người thân thì Arnaud Beltrame là một chỉ huy tuyệt vời, người luôn hòa đồng, tốt bụng và sẵn sàng hy sinh vì người khác.
Arnaud Beltrame sinh năm 1973 tại tỉnh Essonne, Pháp. Ông tốt nghiệp Học viện Quân sự Saint Cyr danh tiếng của Pháp năm 1999 và sau đó trở thành một trong số ít ứng viên được chọn tham gia vào Nhóm phản ứng an ninh cao cấp GSIGN của Hiến binh - lực lượng cảnh sát thuộc lực lượng vũ trang Pháp.
Năm 2005, Beltrame được triển khai tới Iraq tham gia chiến dịch chống khủng bố. Tại đây, ông đã từng giải cứu một nữ con tin người Pháp. Chiến công này đã không được công khai, bởi lẽ vào thời điểm đó, Arnaud Beltrame đang là một thành viên trong Nhóm phản ứng an ninh cao cấp GSIGN. Do vậy, nhiệm vụ của ông phải được giữ bí mật ở mức cao nhất, tương đương với hoạt động của lực lượng Pháp ở nước ngoài, đặc biệt trong thời chiến. Những chiến công của ông chỉ được ghi nhận trên những tấm huy chương và theo lời kể của người thân.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên tờ Lobervateur (Pháp) mới đây, mẹ của Arnaud Beltrame kể lại rằng, năm 2005, Arnaud Beltrame và Nhóm phản ứng an ninh cao cấp GSIGN được cử đến thủ đô Baghdad của Iraq để thực hiện nhiệm vụ trong vòng 3 tháng. Nhiệm vụ của lực lượng này là bảo vệ Đại sứ quán Pháp nằm trong Khu vực Đỏ của Baghdad, tham gia bảo vệ chặt chẽ các nhà ngoại giao và đoàn xe di chuyển an toàn từ thành phố ra sân bay và ngược lại.
Khi đó, đất nước Iraq đang chìm trong khói lửa chiến tranh khiến cho những người Pháp ở đây rất căng thẳng. Ngày 5-1-2005, nhà báo người Pháp Florence Aubenas và phiên dịch viên người Iraq Hussein Hanoun al-Saadi bị bắt cóc khi đang làm nhiệm vụ đưa tin về số phận của người dân Iraq phải bỏ nhà ra đi sau khi quân đội Mỹ tấn công vào thành phố Fallujah.
Trung tá Arnaud Beltrame. Ảnh: AFP. |
Sau nhiều tháng đàm phán, trung tuần tháng 6 cùng năm, Florence Aubenas và người phiên dịch đã được thả tự do. Tuy nhiên, các tay súng đe dọa, các công dân phương Tây có thể sẽ là mục tiêu bị bắt cóc. Trước nguy cơ trên, Đại sứ Pháp đã bị triệu về nước đề phòng những bất trắc có thể xảy ra.
Là lính nhảy dù chuyên nghiệp trong một đơn vị đặc nhiệm, lại sử dụng vũ khí tốt, Arnaud Beltrame được cử ở lại Baghdad kết nối với các cơ quan tình báo của Pháp và Mỹ tại Iraq. Hằng ngày, Arnaud Beltrame thường trao đổi thông tin với các cơ quan tình báo về các vụ tấn công trong thành phố, thường khoảng 60 thông tin mỗi ngày, chủ yếu là các mối đe dọa bắt cóc con tin.
Ngày 7-9-2005, thông tin tình báo cho biết, một nhóm khủng bố chuẩn bị bắt cóc một phụ nữ Pháp ở Iraq. Người phụ nữ này là nhà hoạt động nhân đạo, đến Iraq trước khi chế độ của Tổng thống Saddam Hussein sụp đổ với mong muốn trở thành một “tấm khiên” ngăn cản người Mỹ ném bom vào Iraq. Tuy nhiên, chiến tranh vẫn nổ ra. Bất lực, người phụ nữ này cô đơn trở về khách sạn ở trung tâm thủ đô Iraq. Rất nhanh chóng, nhà hoạt động nhân đạo này trở thành mục tiêu lý tưởng của các nhóm khủng bố.
Sau khi nắm được nhóm khủng bố đang chuẩn bị bắt cóc người phụ nữ này, Arnaud Beltrame và đồng đội được giao nhiệm vụ tìm kiếm bà, bảo vệ và đưa bà tới nơi an toàn. Tuy nhiên, quãng đường mà đội đặc nhiệm phải đi khá dài, sau đó phải thuyết phục và đưa người phụ nữ trên về phía khu vực gần sân bay. Thời gian có rất ít song Arnaud Beltrame đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
“Không có chi tiết nào về phương tiện sử dụng, về lúc đối mặt với nhóm khủng bố, không có lời bình luận công khai nào về chiến dịch này. Nhưng đối với cảnh sát, một tấm huân chương đặc biệt chỉ được trao cho những người lính đã biết dùng mạng sống của mình để cứu người”, tờ LObervateur viết.
Theo Giám đốc Vệ binh quốc gia, trong hoàn cảnh nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng, Arnaud Beltrame đã lái xe đưa con tin đến nơi an toàn. Đó là lý do vì sao ông được vinh dự nhận được nhiều huân chương đến thế.
"Arnaud chưa bao giờ nói công khai về các nhiệm vụ của mình", một trong những người bạn của ông nói với phóng viên tờ Observateurs. "Ông ấy không phải là người để lộ ra những điều như thế...".
Thực tế, những ngày tháng ở Iraq của Arnaud Beltrame không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ đơn lẻ trên. Đại sứ Pháp ở Iraq thời kỳ đó, ông Bernard Bajolet, người sau này trở thành Giám đốc Cơ quan tình báo Pháp, luôn nhớ về viên cảnh sát mà ông gặp trong những ngày đầu ông nhận nhiệm vụ Đại sứ ở Iraq. "Ông ấy là một người đàn ông tốt, chuyên nghiệp và đẹp trai", cựu Đại sứ nhớ lại.
Siêu thị Super U Trèbes, nơi xảy ra vụ bắt cóc con tin ngày 23-3. Ảnh: AFP. |
Trong những câu chuyện lớn nhỏ được nhà ngoại giao ghi lại trong cuốn nhật ký, có những lời ca ngợi về người “anh hùng trong tương lai của nước Pháp”. Ông Bernard Bajolet kể lại với phóng viên tờ LObervateur: “Ngày 28-7-2005, Arnaud Beltrame, trong bộ đồng phục của phi đội nhảy dù, được phân công đến làm nhiệm vụ tại Đại sứ quán Pháp ở Baghdad. Anh ta nằm trong danh sách các sĩ quan được chọn để làm Đội trưởng. Bản thân Arnaud Beltrame cũng mong muốn điều đó.
Bức điện từ Paris mang theo tin tốt lành, song không ai nói gì với Arnaud Beltrame. Mọi người muốn trêu đùa anh ta. Khi Arnaud Beltrame đến gặp vị Đại sứ, nhà ngoại giao đã nói rằng, tên anh ta đã được rút ra khỏi danh sách đề cử. Để Arnaud Beltrame khỏi nghi ngờ, những người xung quanh còn giả vờ thì thầm: Đó là một sự bất công.
Arnaud Beltrame cảm thấy bị hẫng hụt trong giây lát. Nhưng rồi anh cười giòn khi Đại sứ tiến lại gần anh, trao cho anh quyết định thăng cấp. “Anh xứng đáng nhận vị trí này”, vị Đại sứ nói. Rượu vang và những lời ca cất lên chúc mừng Arnaud Beltrame”.
Cũng trong nhật ký của Đại sứ Bajolet, Arnaud Beltrame là “một vị đội trưởng nhiệt tình và sẵn sàng cống hiến.
Hành động của một anh hùng
Khi trở lại Pháp, Beltrame gia nhập lực lượng Hiến binh, được giao nhiệm vụ bảo vệ dinh Tổng thống.
Ngày 23-3 vừa qua, nước Pháp xáo động vì tin tại Trèbes thuộc Carcassonne, một tỉnh ở miền nam nước Pháp, một tên khủng bố đã bắn vào 2 người để cướp một chiếc xe, sau đó bắn thẳng vào 4 cảnh sát đang đi tuần làm bị thương nặng 1 người. Tên khủng bố sau đó xông vào một siêu thị, lia những tràng đạn vào đám đông, giết thêm 2 người, làm bị thương 15 người khác. Và cuối cùng, tên khủng bố đã bắt một phụ nữ không kịp chạy thoát làm con tin.
Ngay lập tức 80 cảnh sát, 5 máy bay trực thăng và đội đặc nhiệm chống khủng bố được điều tới. Cuộc thương thảo và kêu gọi thất bại, tên khủng bố đẩy người phụ nữ con tin làm bia chắn ra cổng, yêu cầu cung cấp thêm đạn cho hắn và dọa giết tiếp nếu có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài.
Chính lúc ấy, Arnaud Beltrame xin thế mạng con tin. Nói về hành động này, mẹ của Arnaud Beltrame chia sẻ rằng, bà không ngạc nhiên khi thấy con trai mình thế mạng con tin. “Con tôi đã từng có những hành động tương tự. Nó muốn không phải là người bị động và nó sẵn sàng can thiệp trong những lần tới”, bà khiêm tốn khi nói về con trai mình.
Có được Arnaud Beltrame trong tay, tên khủng bố đi vào nhà trong. Nhưng hắn không thể ngờ rằng, viên cảnh sát rất thông minh đã để chiếc điện thoại bật sẵn trên bàn, từ đó giúp cho các lực lượng an ninh bên ngoài theo dõi toàn bộ động thái từ bên trong. Cho đến khi từ bên trong vọng ra nhiều tiếng súng, lệnh tấn công mới được ban ra.
Tuy nhiên, Arnaud Beltrame đã bị kẻ ác bắn trực diện khiến ông bị thương nặng và qua đời tại bệnh viện sau những nỗ lực cứu chữa bất thành. Cái chết hiên ngang của ông khiến ông được vinh danh như một anh hùng dân tộc của nước Pháp, người vô cùng cam đảm và bất khuất.
Tổng thống Emmanuel Macron đứng nghiêm trang khi bài quốc ca Pháp vang lên trong lễ tang Đại tá Arnaud Beltrame. Ảnh: AP. |
Nối dài danh sách những anh hùng
Arnaud Beltrame là thành viên thứ 10 của lực lượng an ninh Pháp bị những phần tử Hồi giáo sát hại. Ngày 11-3-2012, thượng sĩ Imad Ibn-Ziaten bị bắn chết bên ngoài một phòng tập ở Toulouse. 4 ngày sau, 2 người lính mặc quân phục, gồm hạ sĩ Abel Chennouf và binh nhì Mohamed Legouad, bị bắn chết tại một trung tâm mua sắm ở Montauban.
Thủ phạm được xác định là Mohammed Merah, kẻ tự nhận là thành viên al Qaeda. Tên này sau đó đã bị lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Pháp (RAID) tiêu diệt.
Ngày 7-1-2015, Ahmed Merabet, Franck Brinsolaro và Clarissa Jean-Philippe là 3 viên cảnh sát đã bị sát hại trong 2 vụ tấn công khủng bố xảy ra tại thủ đô Paris.
Ngày 13-6-2016, Jean-Baptiste Salvaing, 40 tuổi, là một sĩ quan cảnh sát tại Sở Cảnh sát Les Mureaux đã chết sau khi bị người hàng xóm đâm 9 nhát vào bụng ngay bên ngoài nhà riêng. Một trong những đồng nghiệp của ông cho biết, ông Jean-Baptiste Salvaing là “một cảnh sát rất thân thiện và có uy tín”.
Ngày 20-4-2017, cảnh sát Xavier Jugelé đã bị giết hại trong vụ khủng bố ở Đại lộ Champs Élysées. Hung thủ ngay sau đó đã bị cảnh sát tiêu diệt trong lúc cố chạy khỏi hiện trường.
Trong bài phát biểu tại tang lễ của đại tá Arnaud Beltrame, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ: "Chấp nhận cái chết để một người vô tội được sống, đó là tinh thần của một chiến sĩ. Ngọn lửa mà đại tá Arnaud Beltrame đã thắp lên sẽ không bao giờ bị tắt. Ông là biểu tượng cho tinh thần bất khuất của nước Pháp".