Nguy cơ tuyệt chủng thú hoang vì thị trường đông dược

Thứ Ba, 31/12/2019, 10:06
Y học cổ truyền Trung Quốc (TCM) là lá cờ đầu của Sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ. Nhưng các nhà khoa học nói rằng nhu cầu dùng các vị thuốc có chứa các bộ phận động vật có thể sẽ đẩy các loài cọp, gấu, tê giác và tê tê đến bờ vực tuyệt chủng.

Chuyên gia pháp chế quốc tế Shirleen Thẩm phát biểu trong văn phòng làm việc ở The Hague, nơi cách xa quê nhà của bà ở Malaysia: “Lớn lên, hễ bất kỳ khi nào tôi bị sốt là y rằng được khuyên uống “nước tê giác”. Shirleen biết rõ có một niềm tin thâm căn cố đế trong các sản phẩm Đông dược có gốc rễ từ TCM vốn định hình từ hàng ngàn năm trước. 

Quay ngược lại thế kỷ thứ 4, sừng tê giác được xưng tụng là một trong những “kỳ trân dị phẩm” vốn là thành phần trong các thứ dung dịch bổ quý, nó cũng giống như tinh chất cocaine có trong mỗi lon Coca-Cola cho mãi đến thời điểm năm 1903. 

Trung Hoa thời cổ đại, cọp được người dân sùng kính. Ảnh nguồn: Sacha Styles (Unsplash).

Tương tự, “nước tê giác” được đặt tên cho một thành phần nguyên liệu. Bà Shirleen Thẩm giải thích: “Nước tê giác có chức năng phục hồi do có nồng độ Alkaline Ph nên là khi uống vào sẽ làm mát cơ thể. Tên là vậy, nhưng trong nước không có thành phần tê giác”.

Khá nhiều người rất dễ bị thuyết phục về những thứ dược liệu như thế, và thỉnh thoảng cũng xảy ra những “phép màu trùng hợp” càng khiến người ta tin vào diệu dụng của chúng. Dân số loài tê giác suy giảm khi nhu cầu bột sừng tê tăng cao đã “thổi bay” 3 loài tê giác. 

Giới khoa học khẳng định sừng tê phần lớn được cấu tạo từ Keratin như trong tóc và móng tay con người. Chưa từng có bất kỳ bằng chứng khoa học nào khẳng định rằng nhờ uống bột sừng tê mà khỏi bệnh ung thư. 

Có lẽ bọn đầu cơ đã đồn đãi thông tin sừng tê chữa khỏi ung thư là nhằm muốn đẩy cao giá mặt hàng này. Kết quả, sừng tê hôm nay có giá đắt hơn vàng. Các cánh rừng già ở Đông Nam Á (ĐNÁ) từng một thời là ngôi nhà của hàng ngàn con tê giác sinh sống, nhưng hôm nay còn trên dưới 100 con. 

Rượu cũ bình mới

Bác sĩ tài ba từng được đào tạo ở phương Tây, Lý Chí Thỏa, khẳng định rằng: “Cá nhân tôi không tin vào lời đồn đãi. Tôi không dùng Đông dược”. Nhưng bác sĩ Lý nhận thấy cần phải quảng bá nó – Trung Quốc, nơi có đến 500 triệu người có thói quen dùng y dược truyền thống.

Ở Trung Quốc, những cách điều trị “cây nhà lá vườn” đã được lưu vào những trước tác cổ điển và người ta xem là niềm tự hào quốc gia, thực hiện chăm sóc sức khỏe cho 1/3 dân số đất nước. Năm 2016, cơ quan hành chính cao nhất Trung Quốc đã tiết lộ rằng sẽ mở rộng áp dụng TCM vào tất cả các khu vực chăm sóc y tế, và mọi người dân đều được tiếp cận vào thời điểm năm 2030. 

Để đạt được mục tiêu này, Bắc Kinh để mắt tới một tham vọng khác: Sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ (BRI) trị giá 1000 tỷ USD đi trên con đường tơ lụa, mang hàng hóa và các ý tưởng từ châu Á sang châu Âu trong thế kỷ 21.

Luật cho phép TCM được tích hợp với hệ thống chăm sóc sức khỏe có tuổi đời 2500 năm nhằm “cải thiện ảnh hưởng TCM toàn cầu và thúc đẩy sức mạnh mềm của Trung Quốc”. Ủy ban nhà nước về y học cổ truyền Trung Quốc đánh giá ngành công nghiệp Đông Dược định giá 130 tỷ USD/năm, và xuất khẩu 295 triệu USD các lô hàng dược thảo sang các quốc gia BRI. Trong cuốn sách trắng năm 2016, Hội đồng nhà nước Trung Quốc tuyên bố “Thời hoàng kim cho TCM đã bắt đầu”. 

Khi đường sá, cầu cống và các tuyến đường ray được hình thành ở những nước chủ nhà BRI thì hàng tá bệnh viện và phòng khám sẽ mọc lên từ Morocco đến Malaysia, cung cấp cái mà Trung Quốc gọi là “món quà của thế giới”. Nhưng món quà này cũng là “án tử hình” cho các loài động vật hoang dã, chúng sẽ được lột da, rồi sau đó trở thành nguyên liệu để trị nhiều chứng bệnh từ chứng động kinh cho đến rối loạn cương dương.

Mạnh tay với hành vi buôn bán động vật hoang dã

Bên cạnh sừng tê thì các dược liệu theo TCM còn đến từ mật gấu, vảy tê tê, và nguyên liệu bào chế của TCM còn trưng dụng từ răng đến đuôi.

Và món dược liệu được đánh giá cao nhất là rượu cao hổ cốt. Bà Lý Anh Hoàng, Giám đốc điều hành của Đại học Y học cổ truyền Trung Quốc ở San Francisco, giải thích: “Thời xa xưa, hình ảnh những con mãnh hổ xuất hiện khắp nơi từ các bức tranh lụa cho đến những chai rượu. Rượu cao hổ cốt được tán dương bởi sức mạnh giảm viêm sưng và kéo dài tuổi thọ. Tập tục uống rượu trị bệnh này đã dồn những con hổ vào cửa tử.

Bà Lý Anh Hoàng kể: “Vào giữa thập niên 1990, Chính phủ Trung Quốc đã cấm hoàn toàn việc sử dụng xương hổ và sừng tê. Chúng bị loại bỏ khỏi y học cổ truyền”.

Và nhiều lựa chọn được thay thế. TS John Goodrich nhấn mạnh: “Dù lệnh cấm của Chính phủ Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực, nhưng trên đất nước này vẫn còn đó hàng trăm sở thú và điểm du lịch, những nơi này chí ít sẽ có các hoạt động nuôi nhốt động vật, và ai dám chắc không xảy ra chuyện tiêu cực”.

Ông Aron White đến từ EIA (London) giải thích: “Vẫn đang có những nỗ lực vận động hành lang từ những chủ trang trại hổ nhằm mở cửa hoạt động buôn bán xương hổ thương mại ở Trung Quốc. Các báo cáo gần đây cũng cho thấy rằng Trung Quốc đang chịu sức ép từ những người nhân giống hổ “họ muốn một số thứ từ bị cấm sẽ trở nên hợp pháp hóa trong tương lai”.

Tháng 11-2018, WFCMS đã tổ chức Đại hội thế giới về y học Trung Quốc và đã đảo ngược lệnh cấm trước đó, có vẻ đã “bật đèn xanh” cho việc tái sử dụng xương hổ và sừng tê trong TCM.

Chuyên gia pháp chế Shirleen Thẩm nhấn mạnh: “Khả năng để người dân tiếp cận với các giải pháp thay thế chắc chắn sẽ kích thích sự tò mò ở họ. Chắc chắn các loại thuốc sẽ chứa những thành phần động vật mà người tiêu dùng không mảy may hay biết”. Được biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang để mắt tới những động thái mới nhất của Trung Quốc.

Văn Chương (tổng hợp)
.
.