Nhận diện… "phù thủy đôla"

Thứ Hai, 28/04/2008, 10:45
Để lấy lòng tin của con mồi, tên Tom lấy ra một lọ giống lọ oxy già, Yquà  lấy bông gòn chấm “hóa chất” trong lọ vào tờ giấy đen, trong giây lát tờ giấy biến thành tờ 100 USD và đi đổi 100 USD được 1,6 triệu đồng. Không mảy may nghi ngờ, chị N. đã gom góp được 140 triệu đồng để đưa cho ông bạn “phù thủy đôla”... mua hóa chất để tẩy rửa tiếp số tiền tiền kếch xù kia.

Ngày 8/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM ra lệnh bắt khẩn cấp và tạm giữ đối tượng OkoroJi Promse (31 tuổi, quốc tịch Nigeria) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng chiêu thức tẩy rửa giấy thành...  đôla. OkoroJi Promse là một trong những "phù thủy đôla" xuất hiện ở Việt Nam trong thời gian gần đây...

Biến giấy lộn thành đôla, trò lừa đảo của những ông Tây chỉ là trò xưa cũ, xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2003. Công an TP HCM đã nhiều lần cảnh báo về những đối tượng được coi là những "phù thủy đôla" này, nhưng cho đến nay, danh sách nạn nhân của những "phù thủy" vẫn ngày một dài...

Món hời 30% của 5,5 triệu bảng Anh

Cuối tháng 2/2008, qua thư điện tử trên mạng Internet, anh Trần Tuấn Vũ (48 tuổi, ngụ phường Đông Hưng Thuận, quận 12) làm quen với một người nước ngoài tự xưng là Mike.

Qua trò chuyện, Mike giãi bày với anh Vũ rằng y biết được số tài khoản ngân hàng của một người đã chết trong đó có số tiền kếch xù lên tới 5,5 triệu bảng Anh. Mike gợi ý sẽ chuyển số tiền này vào tài khoản ở Việt Nam đồng thời hứa trích 30% trên tổng số 5,5 triệu bảng Anh cho anh Vũ nếu anh đứng tên dùm. Sau khi thỏa thuận, 2 bên thống nhất gặp nhau.

Ngày 3/4, Mike cho Adam đến gặp anh Vũ tại quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Chiêm, quận 1. Tại đây, Adam đưa anh Vũ 1 chiếc rương nhỏ với lời giới thiệu bên trong chứa 5,5 triệu bảng Anh đồng thời nói anh Vũ trả phí vận chuyển là 4.150 USD.

Theo lời Adam thì để ngụy trang không bị kiểm tra toàn bộ 5,5 triệu bảng Anh được ngâm hóa chất thành tờ giấy đen nên anh Vũ đem rương về bỏ vào tủ lạnh cất giữ.

Đúng hẹn, 2 ngày sau đó (5/4), Adam đến nhà anh Vũ xem xét rương đựng “tiền”. Khi Adam mở rương, anh Vũ trông thấy một số xấp giấy màu xanh ngọc khổ tương đương với những tờ tiền thật gói chặt trong bao nylon, Adam nói đây là 5,5 triệu bảng Anh.

Sau một hồi dùng nước, xà bông, hóa chất, từ 5,5 triệu bảng Anh trong rương Adam rửa trong thau nước 3 tờ giấy đen biến thành 3 tờ mệnh giá 100 USD.

Rồi Adam gợi ý với anh Vũ đưa 60.000 USD để hắn liên hệ lãnh sự quán Mỹ mua hóa chất tẩy rửa tiếp toàn bộ 5,5 triệu bảng Anh trong rương.

Sau khi Adam rời khỏi nhà, như tỉnh cơn mê, anh Vũ nhớ ra nhiều người trở thành nạn nhân của trò “phù thủy đôla” biến giấy đen thành tiền thật. Thêm vào đó, điều vô lý là 3 tờ bảng Anh ngâm hóa chất lại trở thành 3 tờ mệnh giá 300 USD...

Ngay lập tức, anh Vũ trình báo với Phòng CSĐT Tội phạm về TTXH Công an TPHCM về việc mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi tiếp nhận thông tin, Ban chỉ huy PC14 chỉ đạo Đội 4 truy xét đối tượng mà anh Vũ tố cáo.

Ngày 7/4, ngay khi Adam xuất hiện tại quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Chiêm quận 1 để nhận 60.000 USD, Lực lượng Công an nhanh chóng xuất hiện mời Adam về trụ sở làm rõ.

Vào thời điểm ấy, khám xét căn nhà trong hẻm ở đường Dương Bá Trạc phường 2, quận 8 do Adam thuê ở, Cơ quan điều tra (CQĐT) thu giữ một số giấy tờ cá nhân liên quan như hộ chiếu A3747642A số thị thực K0084587. Adam nhập cảnh vào Việt Nam ngày 17/12/2007 và hiện đã hết thời hạn lưu trú.

Tại CQĐT, Adam khai tên thật của y là OkoroJi Promse (31 tuổi, quốc tịch Nigeria). OkoroJi Promse đã thừa nhận việc chiếm đoạt 4.150 USD của anh Trần Tuấn Vũ. OkoroJi Promse cho biết đây là lần đầu tiên y đến Việt Nam.

Hiện CQĐT đang làm rõ Mike trên mạng Internet liên lạc với anh Vũ từ 2 tháng nay và OkoroJi Promse có phải chỉ là 1 người hay không?

Tang vật của những vụ tẩy rửa lừa đảo đôla.

Đầu tháng 3/2008, trong một khách sạn tại quận 3, TP HCM, chị N.T.M.S. (34 tuổi, cử nhân tin  học) đã bị một người Brazil nói tên là Jay lừa gần 20.000 USD cũng với màn kịch “phù thủy đôla”.

Đầu năm 2008, chị S. quen với Jay trên Internet. Jay kể rằng bố mẹ anh ta bị mất trong một tai nạn máy bay, anh ta đang có một món của hồi môn 500.000 USD. Anh ta sẽ dùng số tiền này để kinh doanh làm ăn ở một số nước châu Á.

Lần gặp đầu tiên, cũng với trò mã hóa, cũng hóa chất tẩy rửa, Jay đã biểu diễn biến giấy lộn thành... đôla. Sau đó, cũng viện lý do hết thuốc tẩy, hắn mượn chị S 17.500 USD để đi mua hóa chất tẩy rửa, sau đó số tiền tăng lên 18.000 USD. Anh ta nói chỉ cần có thuốc tẩy rửa, anh ta sẽ có ngay 500.000 USD thừa kế.

Tin lời, chị S. đã lấy hết tiền tiết kiệm của mình và vay thêm bạn bè để có đủ số tiền 18.000 USD giao cho Jay. Sau khi nhận được tiền của chị S, người đàn ông tên Jay đã biến mất...

Trò xưa cũ

Hiện tượng “phù thủy đôla” đã xuất hiện từ năm 1998, khởi đầu từ Hà Nội. Đối tượng lừa đảo thường là người nước ngoài, nạn nhân hầu hết là người Việt có tiền, có cả những doanh nhân nước ngoài qua làm ăn tại Việt Nam...

Cuối năm 1998, những “phù thủy đôla” xuất hiện tại TP HCM, băng nhóm lừa đảo quốc tế này đã ẵm trọn 100.000 USD của một doanh nhân tên H., sau khi có được 100.000 USD trong túi, bọn này đã lặn mất tăm.

Mãi đến năm 2003, khi CQĐT Bộ Công an bắt quả tang 2 “phù thủy” người Cameroon dùng tiền giả đổi tiền thật, 2 đối tượng này cũng dùng những thủ đoạn tương tự, người ta mới rành rọt về những thủ đoạn thật sự của những băng nhóm “phù thủy đôla” quốc tế này...

Vụ việc xảy ra vào tháng 7/2003, khi một doanh nhân giàu có Việt Nam tên Long được một người bạn giới thiệu về 2 người bạn Cameroon, cả hai cho biết họ có hàng chục triệu USD ở nước ngoài muốn chuyển vào Việt Nam, không thể chuyển qua đường hợp pháp, họ ngụy trang bằng cách nhuộm trắng toàn bộ để che mắt cơ quan chức năng, họ rất cần tiền để “tẩy rửa” lại toàn bộ số tiền trên, nếu tẩy rửa thành công, ông Long sẽ được hưởng 50% toàn bộ số tiền ấy.

Trước món hời khổng lồ, ông Long không thể không nghi ngờ sự hào phóng quá mức của 2 ông bạn Tây, ông Long đã bí mật trình báo với Cơ quan Công an. Hai “phù thủy” người Cameroon bị công an bắt giữ khi chúng đang thực hiện những trò "ảo thuật".

Qua giám định, Phân viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đã kết luận, toàn bộ số USD mà 2 đối tượng này đem “phù phép” đều là giả, những hóa chất mà những “phù thủy đôla” sử dụng chỉ là cồn iốt....

Cũng trong năm 2003, 2 cầu thủ bóng đá là Anthony (40 tuổi), người Jamaica và Chambo (33 tuổi), người Mozambique đã bị trục xuất khỏi Việt Nam vì hành vi lừa đảo.

Trước đó, 2 người này đã lừa một nhân viên của một tổ chức quốc tế đang làm việc tại Hà Nội với trò “ảo thuật” biến 2,5 triệu USD giả thành USD thật. Tuy nhiên, hành vi lừa đảo này đã bị tố giác, 2 gã cầu thủ đã bị bắt ngay sau đó.

Đầu tháng 9/2006, Công an TP HCM tiếp nhận đơn thư tố giác của chị Võ Thị Thu Thủy, ngụ quận Thủ Đức về việc một nhóm người lừa đảo, trong đó có người tên là Philip.

Khi CQĐT đang tiến hành điều tra vụ việc, ngày 21/9/2006, tình cờ phát hiện “phù thủy” Philip đang tung tăng trên đường Trần Đình Xu, quận 1 chị Thủy lập tức trình báo Cơ quan Công an, Philip nhanh chóng bị bắt giữ.

Y khai tên thật là Wabiso, người Nam Phi, đã cùng đồng bọn diễn trò tẩy rửa đôla để lừa chị Thủy. Wabiso đến Việt Nam vào năm 2004, đã tự học tiếng Việt để dễ dàng “làm ăn” lâu dài.

Trước đó, chị Thủy thường xuyên quen bạn và chát trên mạng, trong thế giới ảo này, Thủy làm quen với một nhân vật có tên Tony. Tony nói với Thủy y sẽ qua Việt Nam làm ăn.

Ngày 15/7/2006, Tony xuất hiện tại TP HCM và việc đầu tiên của Tony là hẹn gặp Thủy. Tony kể cho Thủy nghe rằng, trước khi cha y qua đời, cha y có để lại món của hồi môn 500.000 USD, Tony sẽ dùng số tiền đó để đầu tư tại Việt Nam, anh ta cần sự giúp đỡ của Thủy.

Để lấy lòng tin của Thủy, y nhờ Thủy đổi 200 USD mà y có ra tiền Việt. Sau đó, y mới bí mật nói với Thủy rằng, y đã đem trót lọt 500.000 USD qua Việt Nam, y phải dùng hóa chất để “hóa trang” qua mặt các cơ quan chức năng, và muốn “biến” tiền trở lại, phải dùng hóa chất khác để tẩy rửa.

Ngay sau đó, Tony lấy từ trong vali ra một chai hóa chất rồi ngay lập tức làm vẻ thất vọng và cho chị Thủy biết chai hóa chất đã bị hư, không thể tẩy rửa. Ngay sau đó, Tony giao vali chứa 500.000 USD cho Thủy cất giữ với lý do rất tin tưởng Thủy.

Ngày hôm sau, một người bạn của Tony có tên Philip xuất hiện ở nhà Thủy, Philip cho biết loại hóa chất này đã có mặt ở Việt Nam nhưng giá rất đắt, đến 12.000 USD một chai. Tony cho biết y chỉ có 50 triệu đồng, y cầu cứu Thủy và hứa sẽ trả công cho Thủy xứng đáng.

Thấy món hời, Thủy đã đi cầm cố tài sản để giao cho băng nhóm Tony 25 triệu đồng, có tiền, Tony đi mua hóa chất. Ba người đem tiền đi tẩy rửa, nhưng chỉ tẩy được 200 USD thì... hết thuốc.

Tony cùng Thủy lấy 200 USD đổi ra tiền Việt, Thủy thấy số tiền đó có thể sử dụng được lại càng thêm tin tưởng ông bạn ngoại quốc. Khi yêu cầu cần thêm 1.000 USD của Tony, Thủy cố gắng vay mượn đáp ứng.

Chỉ đến khi Tony yêu cầu đến 50.000 USD thì Thủy không thể lo được, thấy con mồi đã cạn kiệt, Tony và Philip đều "bốc hơi" nhanh chóng...

Cách đây không lâu, chị Ng. T. N. ngụ quận 4, TP HCM tình cờ quen biết hai người nước ngoài, một người nói rất sõi tiếng Việt. Qua giới thiệu, chị N. biết cả hai đều mang quốc tịch Mỹ, một người tên Tom, người khác tên Robert.

Sau khi quen thân, cả hai nói với chị N. về một dự án tiền tỉ tại Vũng Tàu. N. được nhắm đến như là người quản lý cao nhất của dự án đó. Robert cho N. biết, dự án hiện đang có một trục trặc nho nhỏ, số tiền của người thân y gửi từ Mỹ qua đã được mã hóa, cần tiền để mua hóa chất để tẩy.

Để lấy lòng tin của chị N., tên Tom lấy ra một lọ giống lọ oxy già, y lấy bông gòn chấm “hóa chất” trong lọ vào tờ giấy đen, trong giây lát tờ giấy biến thành tờ 100 USD. Tom đưa 100 USD cho chị N. đi đổi được 1,6 triệu đồng. Không mảy may nghi ngờ, N. đã gom góp được 140 triệu đồng để đưa cho hai ông bạn... Tây.

Sau khi thấy đã khai thác kiệt quệ con mồi, hai tên đã cao chạy xa bay. Khi biết chắc mình bị lừa, chị N. tức giận ném chai hóa chất mà hai tên lừa đảo bỏ quên xuống đất, N. mới phát hiện chai hóa chất ấy chỉ là...  lọ oxy già.

Sau những vụ án “phù thủy đôla”, CQĐT nhận định, bằng những chiêu thức, màn kịch na ná nhau, đối tượng mà bọn “phù thủy đôla” nhắm đến là những doanh nhân và người giàu có, phần đông là phụ nữ...

Đối tượng phạm tội được CQĐT nhận định có 2 dạng; một là những thành phần chuyên nghiệp, ngay từ khi qua Việt Nam đã có ý định, mục đích lừa đảo, có những băng nhóm “phù thủy” lừa đảo từ Hồng Công, Ma Cao, Thái Lan và Việt Nam.

Hai là thành phần nghiệp dư, đây thường là một số cầu thủ bóng đá qua Việt Nam tìm kiếm cơ hội, nhưng không được trọng dụng, một thời gian ở lại Việt Nam đã tiêu hết số tiền mang theo và bắt đầu nghĩ ra đủ trò đề kiếm tiền, kể cả phạm pháp, trong đó trò “phù thủy đôla” được coi như trò dễ kiếm tiền.

Công an TP HCM đã không ít lần đưa ra lời cảnh báo về những trò “phù thủy đôla”, nhưng chính lòng tham và sự cả tin, một số người đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này.

Hy vọng thời gian tới, những ai có "máu tham" hãy cảnh giác với trò lừa đảo của bọn tội phạm nước ngoài vào nước ta

Thuận Nguyên
.
.