Nhận diện những chiêu trò lừa đảo mang tên đa cấp
- Công an TP Hà Nội thông báo kết quả điều tra vụ Liên Kết Việt
- “Bộ sậu” Liên Kết Việt hưởng lợi gần nghìn tỷ đồng từ trò lừa đảo đa cấp
Ở bài viết này, chúng tôi đi sâu phân tích những chiêu thức mà các đối tượng lừa đảo đa cấp đã sử dụng, đồng thời cảnh báo những thủ đoạn biến tướng mới xuất hiện để mọi người nhận diện, phòng ngừa.
Đầu năm 2014 mới chính thức bước chân vào kinh doanh đa cấp, thế nhưng Liên Kết Việt với kẻ cầm đầu là Lê Xuân Giang (tức Lê Xuân Hà - SN 1971) - Chủ tịch HĐQT, chỉ trong một thời gian ngắn đã phát triển mạng lưới đa cấp với tốc độ chóng mặt và nhanh chóng vượt lên, trở thành “thủ lĩnh” của các công ty kinh doanh đa cấp. Kết quả điều tra cho thấy chỉ sau 1 năm hoạt động, Lê Xuân Giang và đồng bọn đã mở rộng mạng lưới phát triển 49 chi nhánh, văn phòng, đại lý tại 27 tỉnh, thành, lôi kéo 66.880 người tham gia ký hợp đồng nộp tiền để làm nhà phân phối.
Từ tháng 3-2014 đến tháng 11-2015, tổng số tiền Lê Xuân Giang và Công ty Liên Kết Việt đã thu là 2.091.408.828.846 đồng. Để làm được điều này, Lê Xuân Giang và bộ sậu trong Công ty Liên Kết Việt đã cùng nhau thống nhất thực hiện một loạt kế hoạch mang tính “chiến lược” để lừa đảo người dân, lôi kéo họ tham gia và nộp tiền cho mạng lưới đa cấp này.
Chi thưởng hoa hồng, khuyến mại hấp dẫn
Trước khi kinh doanh đa cấp, năm 2005, Lê Xuân Giang thành lập Công ty BQP, có trụ sở chính tại số 10, ngõ 80, đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Công ty BQP có 1 xưởng sản xuất tại 69 đường hồ Mễ Trì và 1 chi nhánh là nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng tại khu công nghiệp Tân Quang (huyện Văn Lâm, Hưng Yên). Từ năm 2012, Công ty BQP sản xuất máy vật lý trị liệu, máy ozone.
Còn Công ty Liên Kết Việt được Lê Xuân Giang thành lập từ tháng 6-2010, cũng có trụ sở chính tại số 10, ngõ 80, Trần Duy Hưng, Hà Nội và văn phòng giao dịch tại tầng 4 nhà 29T1 lô N05 Hoàng Đạo Thúy. Tháng 2-2014, Công ty Liên Kết Việt được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh đa cấp với mặt hàng máy khử ozone.
Để có thêm các mặt hàng phục vụ kinh doanh đa cấp, Công ty BQP mua và sản xuất thêm 4 loại thực phẩm chức năng là Dưỡng cốt vương, Ngũ linh đông trùng hạ thảo, Bổ não vương, Sâm nhung đông trùng hạ thảo. Mặc dù giấy phép kinh doanh đa cấp chỉ có máy khử ozone nhưng bằng thủ đoạn gian dối, Lê Xuân Giang đưa cả máy vật lý trị liệu và 4 loại thực phẩm chức năng không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường nêu trên thành các sản phẩm chính thức để kinh doanh đa cấp với lời quảng cáo đây là những sản phẩm liên doanh liên kết với Bộ Quốc phòng sản xuất, công dụng tốt cho sức khỏe.
Người tham gia sẽ nộp tiền mua mã sản phẩm với số tiền 8,6 triệu đồng/mã. Nếu giới thiệu càng nhiều người tham gia thì nhận được càng nhiều hoa hồng.
Tháng 2-2014, sau khi được cơ quan chức năng cấp giấy phép kinh doanh đa cấp, Lê Xuân Giang ký quyết định bổ nhiệm Lê Văn Tú (SN 1985, là cháu ruột Giang) làm Phó TGĐ Công ty Liên Kết Việt. Tuy nhiên do Giang không có kinh nghiệm về kinh doanh đa cấp nên buộc phải tìm những kẻ chuyên nghiệp trong lĩnh vực này để phối hợp cùng làm ăn.
Lê Xuân Giang đã mạo danh quân đội trong các sự kiện để tạo niềm tin, lôi kéo người tham gia vào hệ thống đa cấp Liên Kết Việt. |
Tháng 3-2014, Giang đã tìm được “quân sư” là Nguyễn Thị Thủy (SN 1970), người từng làm việc cho Công ty Sinh Lợi (sau là Công ty Thiên Ngọc Minh Uy) chuyên về kinh doanh đa cấp. Sau khi thỏa thuận, Lê Xuân Giang ký hợp đồng thuê ê-kíp cho Nguyễn Thị Thủy làm trưởng nhóm, trong đó toàn bộ hoạt động kinh doanh của Liên Kết Việt sẽ do nhóm này thực hiện. Bù lại, nhóm ê-kíp sẽ được hưởng một số quyền lợi cụ thể do Thủy đặt ra, trong đó Thủy được hưởng nhiều nhất, được cấp mã số đứng đầu hệ thống với vị trí độc quyền, được hưởng quyền lợi mãi mãi trong hệ thống cộng tác viên của công ty...
Quả nhiên, ê-kíp do Thủy phụ trách đã phát huy “sở trường”, đưa ra các chiến lược bài bản giúp sức đắc lực cho Lê Xuân Giang trong việc khuếch trương Liên Kết Việt, lôi kéo người dân tham gia vào hệ thống đa cấp lừa đảo này.
Thực hiện hợp đồng, Nguyễn Thị Thủy đã xây dựng nhóm ê-kíp là các thành viên đã có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực đa cấp gồm: Trịnh Xuân Sáng, Lê Thanh Sơn, Nguyễn Xuân Trường, Vũ Thị Hồng Dung. Nguyễn Thị Thủy được bổ nhiệm giữ chức phó TGĐ phụ trách kinh doanh kiêm trưởng nhóm ê-kíp trên. Thủy phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên như đào tạo nhà phân phối, chăm sóc khách hàng, MC thuyết trình tại công ty và đại hội, đào tạo ký năng tiếp xúc khách hàng, kỹ năng bán hàng, khai thác khả năng tiềm ẩn ở con người nhằm giúp nhà phân phối tự tin để đào tạo khách hàng...
Để phát triển thị trường kinh doanh cho Công ty Liên Kết Việt, nhóm “quản lý phát triển doanh nghiệp” do Nguyễn Thị Thủy làm trưởng nhóm và các thành viên đã cùng nhau bàn bạc, xây dựng chiến lược thu hút nhà đầu tư. Ê-kíp này đã phân chia khách hàng (nhà phân phối) làm nhiều loại người gồm: người thích đầu tư, người lười, người cơ hội, người giàu, người đã từng làm kinh doanh mạng và người chưa từng làm kinh doanh mạng. Từ đó có “chiến thuật” tuyên truyền, lôi kéo cụ thể đối với từng loại người.
Sau khi phân công nhiệm vụ, Thủy yêu cầu các thành viên sưu tầm các chương trình khuyến mại của các công ty đa cấp khác để xây dựng thành 12 chương trình khuyến mại, chi hoa hồng và trả thưởng nhằm lôi kéo nhà phân phối. Trung bình 1 tháng, Liên Kết Việt lại tổ chức đại hội hoa hồng, chi tiền thuê xe ô tô đưa hàng nghìn người từ các tỉnh về Hà Nội dự đại hội để quảng bá hình ảnh công ty và chi trả hoa hồng với các phần thưởng hấp dẫn như căn hộ trị giá 1,8 tỷ đồng, ô tô trị giá 1 tỷ đồng, xe máy tay ga SH, Vision, du lịch nước ngoài, tivi, iPad, vàng...
Những phần thưởng này thực chất được mua từ tiền thu của nhà phân phối. Thế nhưng với tỷ lệ chi hoa hồng lên đến 65% cùng với chi thưởng quá hấp dẫn, nhiều người đã không tỉnh táo để nhận ra hoạt động của đa cấp Liên Kết Việt chỉ là lấy tiền của người sau trả cho người trước nên từ tháng 3-2014 đến tháng 11-2015 đã có trên 60.000 nhà phân phối tham gia mạng lưới đa cấp.
Mạo danh quân đội, làm giả Bằng khen của Thủ tướng
Cùng với các chương trình trả hoa hồng, trả thưởng hấp dẫn do nhóm ê-kíp của Nguyễn Thị Thủy thực hiện, Lê Xuân Giang đã mạo danh quân đội, triệt để sử dụng hình ảnh quân đội và làm giả Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ để quảng bá trong các sự kiện để tạo niềm tin cho khách hàng khi tham gia vào hệ thống đa cấp Liên Kết Việt.
Việc mạo danh quân đội được Lê Xuân Giang tính toán và chuẩn bị từng bước hết sức hoàn hảo. Tháng 1-2014, trước khi được cấp phép kinh doanh đa cấp, Giang làm hồ sơ gửi Trung ương Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đề nghị tặng danh hiệu cho Công ty BQP.
Tuy nhiên, trong hồ sơ, Lê Xuân Giang đã cố ý ghi tên công ty thành “Công ty CP Tập đoàn thiết bị y tế Bộ Quốc phòng”. Do đó, Trung ương Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tặng danh hiệu “chứng nhận Công ty cổ phần Tập đoàn thiết bị y tế Bộ Quốc phòng đạt danh hiệu thương hiệu sản phẩm Việt Nam phát triển bền vững”. Giang đã sử dụng danh hiệu này để đưa lên website của Liên Kết Việt, đồng thời “nhân bản” treo tại trụ sở công ty và hệ thống văn phòng, chi nhánh của Liên Kết Việt trên toàn quốc.
Ngoài ra, dựa vào giấy xác nhận hợp tác với Công ty Thanh Hà (Bộ Quốc phòng) được ký từ năm 2013, khi Liên Kết Việt hoạt động đa cấp, Lê Xuân Giang cho in dòng chữ “Sản phẩm này của Công ty BQP hợp tác sản xuất với Công ty Thanh Hà, Bộ Quốc phòng” (thực tế hai bên không hợp tác sản xuất, kinh doanh) lên bao bì của Công ty BQP nhằm đánh lừa nhà phân phối nghĩ rằng công ty BQP là của quân đội.
Bản thân Lê Xuân Giang cũng tạo danh cho mình vỏ bọc sĩ quan quân đội bằng cách ra phố Cửa Đông mua trang phục xuân hè và thu đông của Quân đội nhân dân, đặt làm biển tên “Lê Xuân Hà” để đeo trước ngực. Giang mặc trang phục quân đội trong các chương trình, sự kiện của Liên Kết Việt, cũng như trong các video clip giới thiệu về Công ty Liên Kết Việt.
“Hậu thuẫn” hình ảnh cho Giang là một số cán bộ quân đội cấp bậc thượng tá, đại tá đã nghỉ hưu, được Giang mời về giữ các chức vụ trong Công ty BQP và Liên Kết Việt. Những người này có nhiệm vụ mặc trang phục quân đội, đọc diễn văn và thực hiện nghi lễ chào cờ trong quân đội tại các chương trình, sự kiện của công ty. Giang còn mời một số cá nhân nguyên và cán bộ cấp cao trong quân đội và Nhà nước đến dự, trao bằng khen hoặc gửi lẵng hoa chúc mừng.
Lê Xuân Giang đã mạo danh quân đội trong các sự kiện để tạo niềm tin, lôi kéo người tham gia vào hệ thống đa cấp Liên Kết Việt. |
Các nhà phân phối cũng được Giang yêu cầu mặc trang phục quân đội khi tham gia sự kiện. Những thủ đoạn hết sức tinh vi này đã khiến nhà phân phối lầm tưởng Công ty Liên Kết Việt là của Bộ Quốc phòng.
Liều lĩnh hơn nữa, để hình ảnh công ty đa cấp Liên Kết Việt trở thành “thủ lĩnh” của các công ty đa cấp, tháng 10-2014, Lê Xuân Giang vào TP Hồ Chí Minh, gặp một nhà sư ở quận 1, đặt vấn đề nhờ “xin” Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do nhà sư này khoe có rất nhiều mối quan hệ “khủng”. Nhà sư này nhận lời giúp, bảo Giang đưa cho giấy phép kinh doanh của Công ty BQP và Liên Kết Việt để có thông tin ghi vào bằng khen.
Trong thời gian từ tháng 12-2014 đến tháng 5-2015, Lê Xuân Giang đã nhờ nhà sư này làm tổng số 12 Bằng khen và 3 quyết định giả của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Giang hướng dẫn nhà sư ghi nội dung Điều 1 tại các quyết định dòng chữ “đã có nhiều thành tích phát triển kinh tế và hoạt động từ thiện xã hội từ năm 2010-2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc”.
Sau khi có các bằng khen giả trên, Giang tổ chức 2 đợt đón nhận hết sức rầm rộ, hoành tráng tại khu Thiên đường Bảo Sơn với 8.000 người tham dự. Giang còn chỉ đạo bộ phận văn phòng công ty scan ảnh màu các bằng khen giả tặng Công ty BQP, Liên Kết Việt và cá nhân Lê Xuân Giang để đưa lên trang web, đóng khung treo tại trụ sở công ty và nhà riêng của Giang tại 98 An Dương, Yên Phụ. Còn các văn phòng, đại lý của Liên Kết Việt trực tiếp đến công ty lấy bằng khen hoặc lấy từ trang web của công ty để treo ở trụ sở.
Các thủ đoạn trả thưởng hoa hồng, khuyến mại cao ngất ngưởng cùng với việc mạo danh quân đội, sử dụng bằng khen giả nêu trên của Lê Xuân Giang và đồng bọn đã tạo niềm tin, lôi kéo nhà phân phối nộp tiền vào hệ thống đa cấp Liên Kết Việt. Ngoài các khoản chi phí cho các hoạt động của công ty thì Giang và các thuộc cấp đã bỏ túi một khoản tiền “khủng”.
Quá trình điều tra, Cơ quan công an kết luận Lê Xuân Giang đã chiếm đoạt gần 872 tỷ đồng; Nguyễn Thị Thủy hưởng lợi cá nhân 36,4 tỷ đồng; Lê Văn Tú hưởng lợi 61,9 tỷ đồng; Trịnh Xuân Sáng hưởng 15,4 tỷ đồng; Lê Thanh Sơn bỏ túi trên 7,7 tỷ đồng; Vũ Thị Hồng Dung và Nguyễn Xuân Trường hưởng lợi khoảng 4,1 tỷ đồng/người.
Tài sản thu giữ trong vụ Liên Kết Việt Vừa qua, Cơ quan CSĐT (C46) Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra, đề nghị VKSND Tối cao truy tố trước pháp luật 7 bị can trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Liên Kết Việt) và các đơn vị liên quan. Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thu giữ trên 148 tỷ đồng và 18.500 USD nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc nhà nước TP Hà Nội. Ngoài ra, Cơ quan CSĐT còn kê biên một số tài sản sau: 13 căn hộ chung cư tại Tòa CT3 thuộc dự án The Pride khu đô thị An Hưng, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội; 1 căn hộ chung cư 70,9m2 tại khu căn hộ Rừng Cọ - khu đô thị Ecopark; 1 căn biệt thực 360m2 khu đô thị Ecopark; 1 lô đất 234,20m2 tại khu đô thị Ecopark; lô đất dịch vụ 50m2 tại khu Yên Lộ, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội; 1 căn hộ tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. |
Thông báo Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đề nghị những ai là bị hại của Công ty Liên Kết Việt hiện đang cư trú trên địa bàn TP Hà Nội, liên hệ đồng chí Tăng Bá Minh - Đội trưởng Đội 9 PC46 Công an Hà Nội để nhận thông báo về kết quả điều tra vụ án của C46 Bộ Công an. Địa chỉ: 40B Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. |