Nhiều loại thuốc cảm cúm chứa tiền chất ma túy chưa được kiểm soát
Trong loạt bài "Thảm họa mang tên thuốc lắc" phản ánh thực trạng tệ nạn và tội phạm buôn bán, tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp (MTTH) đang có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay, Chuyên đề ANTG đã đề cập tới hiện tượng tội phạm sản xuất MTTH từ các loại thuốc tân dược có chứa tiền chất ma túy.
Tuy nhiên, qua khảo sát của chúng tôi, hiện trên thị trường Việt Nam, các loại thuốc cảm sốt chứa Pseudoephedrine (PSE, tiền chất ma túy) chưa được cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đưa vào "vòng" quản lý. Đây là sơ hở đang bị bọn tội phạm lợi dụng để thu gom đưa ra nước ngoài hoặc điều chế, sản xuất MTTH trong nước từ nguồn dược phẩm có chứa tiền chất đang được bán "vô tư" chưa được kiểm soát chặt chẽ này...
Tội phạm điều chế ma túy tổng hợp từ dược phẩm hợp pháp
Trong hơn một chục năm cuối của thế kỷ XX, vấn đề tiền chất và ma túy đã trở thành vấn đề nóng bỏng trên thế giới. Do vậy, Công ước quốc tế 1988 về ma túy - tiền chất ra đời, nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp các hóa chất - tiền chất để điều chế ma túy, đặc biệt là MTTH. Đồng hành với việc này, do các kiến thức về hóa học được nâng cao, hóa chất, dụng cụ và tài liệu khoa học dễ kiếm nên dẫn đến tình trạng điều chế ma túy phát triển đáng nguy hiểm và báo động trên toàn thế giới.
Khuynh hướng điều chế ma túy từ nguồn nguyên liệu tự nhiên như từ thuốc phiện, lá coca đã chuyển sang việc xây dựng những phòng thí nghiệm bí mật để điều chế các loại MTTH. Nhiệm vụ kiểm soát ma túy lúc này không chỉ là nhiệm vụ của riêng lực lượng Cảnh sát phòng chống ma túy, mà đòi hỏi phải có các cơ quan khác, trong đó có các viện khoa học hình sự của các nước. Trước đây, vai trò của các phòng thí nghiệm xét nghiệm ma túy quốc gia chỉ phục vụ cho các cơ quan thực thi pháp luật trong việc xác định chất ma túy thì hiện nay, các nhà hóa học trong phòng thí nghiệm khoa học hình sự còn phải xác định được khả năng, nguồn gốc các chất ma túy, xác nhận tính hợp pháp của chất ma túy, truy nguyên các tiền chất cơ bản, các chất phản ứng, dung môi... được sử dụng cho việc điều chế ma túy... nhằm đưa ra các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả.
Ở Việt Nam, năm 1996, các lực lượng thực thi pháp luật đã bắt giữ 2 đối tượng dự định điều chế heroin từ nguồn nguyên liệu thuốc ho Terpin-codein có bán trên thị trường hợp pháp ở địa bàn Hà Nội, Hải Phòng. Các đối tượng dự định tách codein ra khỏi thuốc ho để điều chế ra heroin nhưng đã bị phát hiện, ngăn chặn. Sau đó, thuốc ho Terpin-codein đã được ngành y tế đưa vào danh mục các loại thuốc bán theo toa để kiểm tra, quản lý.
Tuy nhiên, sự chậm trễ, bị động của các cơ quan quản lý chuyên môn khiến một số loại dược phẩm dễ bị lạm dụng làm tiền chất điều chế ma túy ở trong nước đã bị tội phạm lợi dụng. Tại TP HCM, năm 2010, TAND TP HCM từng xét xử vụ mua gom, vận chuyển thuốc tây có thành phần tiền chất ma túy Pseudoephedrine để chuyển ra nước ngoài sản xuất MTTH. Các đối tượng Nguyễn Quang Trung, Phan Đình Tài là Việt kiều sống tại Australia và nằm trong đường dây sản xuất MTTH tại bản địa. Biết thuốc Actifed có thể chế biến thành MTTH được bán tự do tại các hiệu thuốc ở Việt Nam, tết năm 2007, Trung gọi điện thoại về Việt Nam cho em rể là Dương Nam Tư ở Hải Phòng nhờ mua thuốc Actifed. Tư vào Sài Gòn để cùng Phùng Bảo Ninh và Tạ Văn Đoàn đi mua thuốc này với số lượng lớn. Ninh lấy tên giả là Phùng Thế Hùng đến liên hệ mua hàng tại Công ty Dược liệu TW 2 (quận 1, TP HCM) để mua 3 lần, tổng cộng gần 16.000 hộp Actifed. Đến khi nguồn hàng tại công ty này hết, Ninh nhờ em trai mua ngoài thị trường thêm 3.000 hộp nữa.
Ngày 26/2/2007, Trung và Tài về nước để hướng dẫn mọi người bóc thuốc Actifed, xay thành bột mịn, đóng vào các vỏ bao mang nhãn hiệu massage rồi chuyển sang Australia. Từ ngày 12 đến 22/3/2007, các đối tượng đã dùng CMND giả làm thủ tục chuyển hơn 100 kg bột thuốc Actifed sang Australia. Đến tháng 5/2007, Ninh dùng giấy phép lái xe mang tên người khác nhưng dán ảnh của mình đến một công ty chuyển phát nhanh chuyển 16 kg bột thuốc Actifed đi Australia thì bị phát hiện. Thời điểm đó, Cơ quan điều tra cho rằng nhóm này đã vận chuyển đi Australia hơn 118 kg bột thuốc Actifed, trong số này có hơn 20 kg là Pseudophedrine (tiền chất ma túy). Do vậy, Phùng Bảo Ninh, Dương Nam Tư, Tạ Văn Đoàn đã bị truy tố về tội "mua bán tiền chất ma túy vào việc sản xuất trái phép chất ma túy". Riêng Nguyễn Quang Trung và Phan Đình Tài đã xuất cảnh về Australia, Công an ra lệnh truy nã, tách thành vụ án khác, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Ngày 28/9/2010, TAND TP HCM cho rằng không đủ cơ sở để buộc tội "mua bán tiền chất ma túy vào việc sản xuất trái phép chất ma túy" cho các bị cáo. Tòa khép họ vào tội "vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới"; tuyên phạt Phùng Bảo Ninh mức án 5 năm 6 tháng tù, Dương Nam Tư và Tạ Văn Đoàn cùng bị phạt mức án 4 năm tù.
Một số loại dược phẩm chứa tiền chất Pseudoephedrine được bán rộng rãi trên thị trường. |
Các đối tượng trong vụ mua gom thuốc Actifed đưa ra nước ngoài. |
Cơ quan quản lý chưa vào cuộc
Tìm hiểu thông tin ở các nước trên thế giới, nhận thấy nguy cơ lớn từ việc thu gom các loại thuốc cảm sốt, chống ngạt mũi, long đờm… có chứa "tiền chất ma túy" Pseudoephedrine, nhiều quốc gia khuyến cáo hạn chế mua bán, đồng thời kiểm soát trên góc độ quản lý. Công ty dược phẩm tại Mỹ đã thí nghiệm và chuyển đổi từ PSE (Pseudoephedrine) sang dùng Phenylephrine (PE) trong các sản phẩm điều trị bệnh về tai mũi họng, cảm cúm để hạn chế việc bán PSE cho công chúng.
Năm 2006, Tổng thống Mỹ G.W.Bush đã ký một đạo luật nhằm hạn chế và kiểm soát sử dụng PSE như: cấm mua bán PSE nếu không có toa bác sĩ, người mua cần xuất trình chứng minh nhân dân khi mua, chỉ được mua với một số lượng hạn chế nhất định, và phải được lưu giữ thông tin người mua trong vòng 2 năm... Ngày 27/9/2010, tại Hội nghị Sơ kết cao điểm tấn công tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Tây Nam - TP HCM, lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm về ma túy phía Nam cảnh báo trong thời gian tới, tội phạm ma túy sẽ nhập vào Việt Nam nhiều loại MTTH mới chưa có trong danh mục cấm của Việt Nam. Hiện đã phát hiện một số loại thuốc cảm cúm nhập vào Việt Nam có chứa tiền chất ma túy Pseudoephedrine (dùng điều chế MTTH).
Tại Hà Nội, trong những tháng đầu năm 2011, lực lượng Công an cũng đã phát hiện, xử lý một số vụ án liên quan đến việc sản xuất MTTH. Qua giám định cho thấy các đối tượng đã sử dụng các loại thuốc chữa cảm cúm có chứa Pseudoephedrine được bán rộng rãi trên thị trường để nhằm mục đích chiết xuất loại tiền chất này phục vụ việc sản xuất MTTH.
Phát hiện loại ma túy tổng hợp mới Ngày 14/6, trao đổi với phóng viên Chuyên đề ANTG tuần, Trung tá Đinh Gia Quyết, Đội trưởng Đội Giám định hóa học, Phòng Kỹ thuật hình sự (PC54) Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị vừa phối hợp Trung tâm Giám định ma túy, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an phát hiện một loại MTTH mới xuất hiện trên địa bàn Hà Nội thông qua việc giám định một loại mẫu ma túy do Công an quận Hai Bà Trưng thu giữ trong vụ án tàng trữ trái phép ma túy. Trong tang vật thu giữ có một số viên nén hình tròn màu trắng, trên một mặt mỗi viên có logo 3 vòng tròn. Qua giám định bằng các phương pháp phân tích hiện đại đã cho kết quả đó là chất có thành phần PMMA (Paramethoxy Methamphetamine). Theo Trung tá Đinh Gia Quyết, PMMA là chất có tác dụng kích thích mạnh thần kinh trung ương, gây hưng phấn và tạo cảm giác bay bổng như các chất MTTH khác dạng Amphetamine như MDMA (thuốc lắc - Ecstasy), Methamphetamine, PMA... Được biết PMMA đã có trong danh mục chất ma túy của 15 nước thuộc Liên minh châu Âu (Hiệp ước kiểm soát có hiệu lực từ ngày 7/3/2002), riêng tại Anh thì PMMA được đưa vào bảng A của danh mục các chất ma túy cần kiểm soát. PMMA hiện không nằm trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam. Sau khi phát hiện loại ma túy mới trên, PC54 Công an TP Hà Nội đang đề xuất kiến nghị cơ quan chức năng bổ sung PMMA vào danh mục các chất ma túy. |
Tình trạng tội phạm lợi dụng các loại thuốc có chứa tiền chất Pseudoephedrine để điều chế, sản xuất MTTH tại Việt Nam đã và đang có những dấu hiệu phức tạp như vậy nhưng đến nay, về phía cơ quan quản lý chuyên môn của Bộ Y tế vẫn chưa có động thái để ngăn chặn. Quá trình thực hiện loạt bài phản ánh về tình trạng tội phạm và tệ nạn sử dụng MTTH, chúng tôi đã liên hệ với Cục Quản lý dược - Bộ Y tế để tìm hiểu về công tác quản lý dược phẩm có chứa tiền chất nhưng không nhận được sự hợp tác của cơ quan này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên thị trường tân dược, những loại thuốc có chứa Pseudoephedrine thuộc nhóm dược lý thuốc giảm đau, hạ sốt, dạng viên nén, viên nén bao phim hoặc syrup. Khảo sát tại các cửa hàng bán lẻ thuốc tân dược trên địa bàn Hà Nội, căn cứ vào thành phần ghi trên bao bì, chúng tôi đã dễ dàng tìm được một số loại thuốc chữa cảm cúm thông dụng có Pseudoephedrine (ghi rõ hàm lượng/viên thuốc)… Tại "chợ" dược phẩm Ngọc Khánh, khi chúng tôi hỏi mua một trong những loại thuốc này với số lượng lớn, người bán hàng đề nghị đặt hàng sẽ đáp ứng đủ số lượng bởi theo họ giải thích, đây là những loại thuốc không nằm trong quy định phải bán theo toa.
Một dược sĩ giải thích, theo quy định của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, một loại thuốc dạng phối hợp có chứa Pseudoephedrine chỉ xếp loại thuốc kê toa khi chứa 120mg Pseudoephedrine trở lên. Người bán lẻ có thể bán cho người bệnh không cần toa các thành phẩm chứa Pseudoephedrine với hàm lượng nhỏ hơn 120mg/viên, với số lượng tối đa 15 ngày sử dụng. Với quy định này, đối với người có nhu cầu chữa bệnh thì không có điều gì bàn cãi, song đối với những người có mục đích sử dụng khác, làm thế nào ngăn chặn được họ bỏ công đi từng hiệu thuốc để thu gom?
Đối với người bán thuốc, cũng dễ dàng "biến báo" để hợp thức việc bán hàng của họ là đúng quy định. Thói quen mua, bán dược phẩm không theo đơn hiện nay cùng sự chậm trễ, bị động của cơ quan quản lý vô tình tạo điều kiện cho "tiền chất ma túy" tồn tại... công khai và được những đối tượng xấu sử dụng sai mục đích khi gom hàng để chiết xuất sản xuất MTTH. Đây là "hiểm họa" đòi hỏi Bộ Y tế cần đưa ra biện pháp quản lý thích hợp, góp phần phòng ngừa tội phạm