Nhiều nạn nhân tố cáo doanh nghiệp lợi dụng chương trình EB3 để trục lợi

Thứ Bảy, 04/07/2020, 12:40

Sau khi Chuyên đề An ninh thế giới đăng tải bài báo “Bẽ bàng giấc mộng cờ hoa” phản ánh hiện tượng nhiều người lao động Việt Nam mất tiền cho một số công ty môi giới xuất khẩu lao động theo chương trình EB3 - lao động và định cư tại Mỹ nhưng không ai đi được, chúng tôi tiếp tục nhận thông tin của người dân về hành tung “bất minh” của doanh nghiệp đã thu của họ hàng tỷ đồng tiền phí dịch vụ.

Sự kiên nhẫn cạn kiệt cùng nỗi sợ hãi “dính quả lừa” đã thôi thúc họ trở lại trụ sở công ty môi giới nhưng không thể gặp được người đã giao kết hợp đồng với mình trước đây.

Công ty “ma”?

Trong bài báo “Bẽ bàng giấc mộng cờ hoa” số 1984 ra ngày 13-6-2020, Chuyên đề An ninh thế giới đã phản ánh sự việc anh Nguyễn Xuân T. (ở phường Giang Biên, Long Biên, Hà Nội) nộp số tiền 414 triệu đồng phí dịch vụ môi giới xuất khẩu lao động và nhập cư vào Mỹ theo diện EB3 cho Công ty TNHH Tư vấn quản lý đầu tư IM... (ở phường Tân Hưng, quận 7, TP Hồ Chí Minh) nhưng cũng như nhiều người khác, anh không được Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh cấp thị thực (visa) vào Mỹ.

Lý do người lao động Việt Nam không được cấp visa, theo anh T. cho biết là do họ đã trả phí dịch vụ môi giới xuất khẩu lao động diện EB3 quá cao, bị nghi ngờ là mua bán visa chứ không phải vào Mỹ với mục đích lao động thực sự, vi phạm pháp luật Hoa Kỳ.

Anh Nguyễn Xuân T. với người nước ngoài được giới thiệu là đại diện doanh nghiệp Mỹ tới Việt Nam tuyển dụng lao động.

Sau khi thông tin được đăng tải trên báo, đã có hơn 30 người lao động khác chuyển cho chúng tôi các hợp đồng dịch vụ định cư đã ký với công ty này từ nhiều năm trước, với số tiền dịch vụ đã nộp cho công ty lên tới hàng chục tỷ đồng. Họ ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau nhưng tập trung chủ yếu các tỉnh phía Nam.

Theo anh T. cho biết, đó mới chỉ là một số lượng nhỏ người lao động bị thiệt hại tài sản. Trên thực tế có thể con số nạn nhân lên tới hàng ngàn, vì công ty này đã hoạt động từ 5-6 năm nay và hiện vẫn quảng cáo rùm beng về chương trình EB3 để thu hút người lao động có nhu cầu sang Mỹ làm việc.

Lý giải về việc có nhiều người không muốn trình báo sự việc với cơ quan chức năng và báo chí, chị Đỗ Nguyễn Thanh V. (một nạn nhân khác) nói: “Có 3 lý do khiến nhiều người lao động không trình báo về việc bị mất tiền phí dịch vụ môi giới lao động và định cư tại Mỹ theo chương trình EB3. Thứ nhất, họ vẫn hy vọng rồi một ngày nào đó hồ sơ xin thị thực vào Mỹ của họ sẽ được cơ quan lãnh sự nước này cứu xét.

Thứ hai, có người đọc lại hợp đồng dịch vụ định cư thấy “nản” vì các điều khoản hợp đồng thể hiện rõ các khoản phí nộp cho công ty là không hoàn lại và việc ký hợp đồng hoàn toàn tự nguyện. Thứ ba, một số người không đòi lại được tiền, đã có động thái trình báo các cơ quan chức năng hoặc nhờ luật sư nhưng sự việc không được giải quyết rốt ráo nên họ mất lòng tin và chán nản, chấp nhận mất tiền”.

Theo anh T. cho biết, mới đây một nhóm người lao động đã tìm đến trụ sở Công ty IM... (ở phường Tân Hưng, quận 7, TP Hồ Chí Minh) yêu cầu được gặp người đã ký hợp đồng dịch vụ môi giới với họ nhưng không có kết quả. Điều đáng ngờ là công ty này đã nhiều lần đổi tên, khi thì mang tên Total Consultancy L..., lúc lại ký với người lao động với tên Công ty TNHH Tư vấn quản lý đầu tư IM... Điều xác định 2 công ty này là 1 bởi người ký tá các văn bản hợp đồng dịch vụ nhập cư hay phiếu thu tiền đều là bà TTNKL.

Số tiền phí dịch vụ công ty “2 tên” này thu của người lao động rất khác nhau. Có người phải nộp cả tỷ đồng, trong khi mức phí công ty thu của anh T. là 414 triệu đồng. Theo giải thích, mức phí tùy thuộc vào công việc sẽ làm khi sang Mỹ cùng số người thân đi theo người lao động diện EB3.

Chẳng hạn, tại hợp đồng cung cấp dịch vụ chương trình định cư Mỹ theo diện lao động EB3 số: TCLVN/2016-282-68/HĐDV vào năm 2016 Công ty Total Consultancy L... ký với chị V, mức phí dịch vụ lên tới 1 tỷ 135 triệu đồng. Hồ sơ thể hiện chị V đã phải đóng tiền phí thành 4 lần. Lần 1 nộp 227 triệu đồng ngay khi ký hợp đồng để công ty tập hợp hồ sơ và kiểm tra lý lịch đương đơn; lần 2 nộp 454 triệu đồng để công ty chuẩn bị và kiểm tra giấy tờ để nộp cho Sở Di trú Hoa Kỳ (USSIS) cộng thêm phí chính phủ bắt buộc; lần 3 nộp 227 triệu đồng khi công ty nhận được thông báo của người lao động về thư thông báo đóng phí thị thực của Trung tâm Chiếu khán quốc gia Hoa Kỳ (NVC); lần 4 nộp tiếp 227 triệu đồng khi công ty nhận được thư yêu cầu phỏng vấn.

Có thể thấy đó là khoản phí rất “trên trời”. Nếu biết rằng theo luật pháp Hoa Kỳ, chính công ty tuyển dụng lao động tại Mỹ mới là đối tượng trả các khoản phí cho người lao động nước ngoài, thì có thể hiểu lý do vì sao cơ quan lãnh sự nước này lại đặt vấn đề nghi vấn chuyện mua bán visa để vào Mỹ không với mục đích lao động.

Thông tin từ Mỹ

Để tìm hiểu những vấn đề xung quanh câu chuyện lao động định cư tại Mỹ theo diện EB3, thông qua Hằng - cô bạn đang làm việc tại nước này, tôi có những thông tin khá “quan ngại” cho những người đang “ôm giấc mộng” trở thành công dân xứ “cờ hoa”. Hằng cho biết lao động phổ thông ở các nước rất khó có thể vào Mỹ làm việc và định cư theo diện EB3.

Trước hết, theo pháp luật Hoa Kỳ, doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động phổ thông là người nước ngoài đến làm việc theo chương trình EB3, ngoài việc phải chứng minh nhà máy có đủ nguồn lực tài chính để trả lương cho người lao động nước ngoài, còn phải cung cấp những chứng cứ xác thực với Bộ Lao động Mỹ về việc không thể tuyển dụng được công dân Mỹ là lao động phổ thông (không được đào tạo chuyên môn) vào làm những công việc chân tay giản đơn tại các nhà máy, trang trại...

Tài khoản Facebook tuyển lao động đi Mỹ theo diện EB3.

Trong khi ở Mỹ hiện có hàng triệu người lao động phổ thông, họ có thể là những học sinh trung học và đại học hoặc những người mới đến tuổi lao động, chưa có kinh nghiệm hay được đào tạo kỹ năng. Doanh nghiệp Mỹ không khó khăn gì để tuyển số lao động này vào làm việc. Do đó, trong hầu hết các trường hợp, rất khó để có được sự chấp thuận cho những người lao động phổ thông từ nước ngoài vào Mỹ làm việc, bởi vì những công nhân như vậy có thể dễ dàng tìm được ngay tại Hoa Kỳ.

Mặt khác, chẳng có lý do đặc biệt nào khiến chủ lao động Mỹ phải mở “hầu bao” chi hàng nghìn đô để tuyển công nhân lao động tay chân từ nước ngoài vào Mỹ làm việc cho mình. Thêm vào đó, giới hạn thị thực EB3 hằng năm Chính phủ Mỹ cấp cho lao động phổ thông trên toàn thế giới chỉ khoảng 10.000 cái, nên có rất nhiều hồ sơ xin thị thực bị tồn đọng trong nhiều năm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ không cho phép chờ đợi số lao động phổ thông là người nước ngoài chờ xin thị thực vào Mỹ trong nhiều năm.

Thứ hai, tại Mỹ cũng có những văn phòng môi giới lao động, dịch vụ định cư hoạt động mờ ám. Gần đây cơ quan chức năng Hoa Kỳ đang điều tra một văn phòng dịch vụ định cư tại Las Vegas - (bang Nevada) thuộc Công ty T.A. USA Corp... Theo thông tin ban đầu đây có thể là một đường dây lừa đảo về dịch vụ định cư Mỹ. Không loại trừ khả năng các tổ chức tội phạm lừa đảo ở Mỹ cấu kết với các công ty môi giới lao động tại các nước để tổ chức quảng cáo, lôi kéo người lao động tham gia chương trình EB3 nhằm thu phí trái phép.

Điều Hằng nói khiến tôi nhớ đến tình tiết anh T. kể, đó là trong các buổi hội thảo được Công ty IM... tổ chức để lôi kéo người lao động tham gia vào chương trình EB3, có một người nước ngoài tự xưng là chủ lao động người Mỹ đến chia sẻ các cơ hội việc làm tại Mỹ với mọi người. Anh T. thậm chí đã chụp ảnh chung với người này. Lời khuyên của Hằng là người lao động trong nước cần cảnh giác trước những lời hứa hẹn là có thể “thu xếp” được thị thực EB3 để vào Mỹ. Mọi chuyện không dễ dàng như thế. Những người đã bị hủy đơn xin cấp visa vào Mỹ cũng đừng nên nuôi hy vọng, bởi vì chẳng có doanh nghiệp Mỹ nào chờ họ trong vài năm.

“Cần hiểu rằng nếu một nhà máy Mỹ muốn thuê người lao động từ Việt Nam, chủ doanh nghiệp nước này sẽ tiến hành công khai hoạt động tuyển dụng tại Việt Nam và miễn phí cho người xin việc. Như vậy, những công ty, văn phòng môi giới đòi phí hàng nghìn đô la từ người lao động, đều có dấu hiệu đáng ngờ trong hoạt động. Đã đến lúc cơ quan chức năng Việt Nam kiểm tra hoạt động của các tổ chức này để bảo vệ quyền lợi cho người lao động” - Hằng nói.

Nạn nhân hãy lên tiếng

 Như đã thông tin tại bài báo trước, xác minh ban đầu tại Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được biết Công ty IM... không có tên trong danh sách các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, theo quy định tại Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2006 và Nghị định 126/2007/NĐ-CP. Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội, công ty này vẫn đang đăng thông tin tuyển người đi lao động và định cư tại Mỹ theo diện EB3.

Cụ thể, tại tài khoản Facebook “Tclvn.com/Di trú...” vẫn đăng thông tin “làm việc và sở hữu thẻ xanh triệu đô Mỹ” với hạn nhận hồ sơ tới ngày 30-6-2020. Đối chiếu với quy định hiện hành, có thể thấy việc công ty này mặc dù biết rõ người lao động sẽ không xin được visa vào Mỹ theo diện EB3 nhưng vẫn tiếp tục quảng cáo, lôi kéo người lao động bằng những thông tin gian dối khi tư vấn để thu số tiền phí dịch vụ rất cao là trái pháp luật, có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Những thông tin trên đây, cùng hồ sơ hợp đồng dịch vụ định cư của 30 nạn nhân đã được chúng tôi tiếp tục chuyển tới cơ quan chức năng để giải quyết theo thẩm quyền. Việc tổ chức điều tra xác minh sẽ sớm được triển khai trong những ngày tới. Người lao động đã nộp tiền phí dịch vụ cho Công ty IM... để tham gia chương trình lao động định cư tại Mỹ theo diện EB3 cần lên tiếng để được bảo vệ quyền lợi. Hồ sơ tài liệu liên quan đề nghị chuyển đến Chuyên đề An ninh thế giới tuần, Báo Công an nhân dân. Địa chỉ: 100 Yết Kiêu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, điện thoại: 0243.8220035.

Nhật Nam
.
.