Nhiều tiểu thương miền Trung khốn đốn vì vỡ hụi

Thứ Năm, 25/05/2017, 18:52
Thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh miền Trung như Huế, Quảng Trị, Quảng Nam liên tiếp xảy ra nhiều vụ vỡ hụi với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Ham lãi suất cao, hàng nghìn tiểu thương dốc tiền góp hụi để rồi rơi vào cảnh khốn đốn khi chủ hụi tuyên bố vỡ nợ…

Mấy ngày qua, hàng trăm tiểu thương đang kinh doanh, buôn bán ở chợ Trường An, TP. Huế đứng ngồi không yên khi thông tin bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, một tiểu thương kinh doanh nhiều năm ở chợ này và đã có thâm niên hơn 10 năm làm chủ hụi đã "lặng lẽ bốc hơi" cùng với khoản tiền hàng chục tỷ đồng là tiền góp hụi của chị em tiểu thương.

Ngày 15-5-2017, trao đổi về vấn đề này, ông Mai Văn Dương, Phó Ban quản lý chợ Trường An cho biết: Đến thời điểm hiện tại, Ban quản lý chợ Trường An đã nhận được khoảng gần 50 đơn trình bày của chị em tiểu thương có liên quan đến chuyện góp hụi với bà Thủy.

Các tiểu thương trình báo vì bị giựt hụi.

Trong số đó, có những người đã góp hụi cho bà Thủy với số tiền lên tới hơn 1 tỷ đồng, người góp ít nhất cũng đến tiền triệu. Nhiều thông tin cho biết, bà Thủy không những huy động tiền góp hụi của chị em tiểu thương buôn bán kinh doanh ở khu vực chợ Trường An, TP. Huế mà những người góp hụi cho bà Thủy còn là tiểu thương kinh doanh ở các chợ khác nằm cùng trên địa bàn thành phố Huế.

Trước đó, cũng trên địa bàn thành phố Huế, hàng trăm tiểu thương kinh doanh mặt hàng tạp hóa ở chợ Đông Ba như nghe đất dưới chân mình bị sập khi hay tin vợ chồng bà chủ hụi Đoàn Thị Mai Trâm đã ôm gọn số tiền khoảng trên dưới 30 tỷ đồng để cùng nhau bỏ trốn.

Ông Nguyễn Minh, Phó trưởng Ban quản lý chợ Đông Ba cho biết: Bà Trâm là chủ hụi của rất nhiều người đang sinh sống trên địa bàn thành phố Huế, trong đó ở chợ Đông Ba có khoảng gần 50 hộ tiểu thương, chủ yếu là các hộ đang kinh doanh tại các quầy hàng tạp hóa. Ông Minh cho biết thêm, số tiền bà Trâm đã chiếm đoạt của các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Đông Ba là khoảng trên dưới 20 tỷ đồng. Trong số đó, người bị mất ít nhất cũng lên đến con số vài chục triệu đồng, người mất nhiều nhất là 2,8 tỷ đồng.

Những ngày này đi đến đâu trên địa bàn thành phố nhỏ bé thơ mộng này cũng nghe người ta bàn tán xôn xao về chuyện vỡ hụi. Đến khu vực chuyên kinh doanh hàng tạp hóa thì không khí càng nặng nề, tang thương hơn…

Nước mắt ngắn dài, bà Nguyễn Thị Thùy Trang, trú trên đường Nguyễn Lộ Trạch - TP. Huế cho biết: Gia cảnh của bà hết sức khó khăn, chồng bị ung thư giai đoạn cuối. Một mình bà phải ngày ngày chạy chợ nuôi chồng đau ốm cùng 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Gom góp lâu nay được số tiền 85 triệu đồng, dự tính sẽ chắt chiu thêm chút ít để gửi vào ngân hàng để phòng khi gia đình có chuyện bất trắc.

Ấy vậy mà, hàng ngày ở chợ, cứ nghe người này, người kia cho bà Trâm vay với lãi suất cao, tiền lãi hàng tháng được thanh toán rất sòng phẳng, đôi bên vay mượn cũng có cam kết giấy tờ… Vậy là xuôi tai, vậy là vội vàng chạy đi rút tiền ở ngân hàng về cho bà Trâm vay để lấy lãi suất 20%/tháng.

Những tháng đầu, bà Trang xác nhận là bà Trâm đã chi trả lãi suất rất đàng hoàng, và với số tiền lãi ấy bà Trang đã bảo đảm cho gia đình mình có một cuộc sống tươm tất. Tuy nhiên, sự tươm tất từ những đồng tiền lãi bất thường ấy cũng chẳng giúp ích cho bà Trang được bao ngày.

Đứng giữa chợ, bà Trang lại quệt nước mắt kể tiếp: Ngày chồng bà trở bệnh nặng, bệnh viện khuyên gia đình nên đưa ông ấy về nhà vì ngày tháng còn chẳng là bao. Bà Trang lại chạy đến tìm bà Trâm để xin rút lại số tiền gốc mà trước đó chưa lâu bà Trang đã rất dễ dàng trao tay cho bà Trâm vay mượn. Đến lúc này, bà Trâm bắt đầu khất lần, khất hồi ngày giao trả, cho đến khi bà biến mất cùng với sự giật mình cay đắng của nhiều người…

Hỏi thăm những tiểu thương ở chợ Đông Ba về những nạn nhân bị mất nhiều tiền theo chủ hụi Đoàn Thị Mai Trâm. Rất nhiều người đã thi nhau để kể lại một cách rành rọt nhiều chi tiết vì sao bà Đặng Thị Minh Mẫn ở trên đường Trần Nguyên Hãn cho vợ chồng bà Trâm vay đến 2,8 tỷ đồng; bà Lê Thị Hồng Liên trú trên đường Nguyễn Chí Thanh đã ngất lên, ngất xuống thế nào khi hay tin bà Trâm biến mất cùng với hơn 1,5 tỷ đồng mà bà Liên đã cho bà Trâm vay từ hơn một năm nay.

Rồi vợ chồng ông Đặng Vỹ, người có quầy hàng bao bì ngay trong chợ Đông Ba, vì thấy khoản tiền lãi mỗi tháng quá cao nên cũng đã không ngần ngại rút hầu bao của gia đình đưa cho bà Trâm vay 1,4 tỷ đồng.

Một địa phương giáp ranh với Huế là Quảng Trị, những ngày này cũng đang xôn xao quanh vụ nữ đại gia Nguyễn Thị Lan Hương (1985), trú tại số nhà 12/36 Đặng Tất - TP. Đông Hà (Quảng Trị) tuyên bố vỡ nợ. Theo thông tin của một số chủ nợ cho biết thì nhiều năm qua, bà Hương nổi lên như một đại gia ăn nên làm ra ở thành phố Đông Hà.

Dù tuổi đời còn trẻ nhưng bà Hương đã sở hữu 2 nhà hàng lớn ở thành phố Đông Hà. Trong đời sống, bà Hương và gia đình luôn tỏ ra là một doanh nhân làm ăn thành đạt, dùng hàng hiệu và sử dụng ô tô hạng sang. Phải đến khi bà Hương tìm đến cơ quan công an để tự thú về việc bà bị vỡ nợ thì mọi người xung quanh mới giật mình, những người được nữ đại gia này huy động vốn mới hoang mang, lo lắng.

Trong số những người cho bà Hương vay tiền thì bà Lê Thị Hồng Ân, trú tại phường Đông Lương, TP Đông Hà là người cho vay nhiều nhất với số tiền lên đến hơn 42 tỷ đồng. Bà Ân trình bày trước cơ quan công an: "Thời gian gần đây, lấy lý do cần tiền để đáo hạn ngân hàng nên bà Hương đã nhờ tôi đi huy động vốn của nhiều người để đưa cho bà vay. Nhưng sau nhiều lần hứa hẹn là sẽ trả để tôi trả lại cho những người tôi đã mượn thì bà Hương tìm cách trốn tránh. Đến ngày hẹn cuối, bà Hương dẫn tôi và nhiều người bà vay nợ đến Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Quảng Trị để làm thủ tục giải ngân và hẹn sau 1 ngày tiền sẽ chuyển vào tài khoản của từng người, nhưng đợi mãi không thấy, cho đến khi bà Hương lên Công an thú nhận đã vỡ nợ. Khi thông tin này được loan ra, không những một mình tôi mà có đến cả trăm người ở thành phố Đông Hà này cũng bị rơi vào tình cảnh sống không bằng chết".

Hiện tại, Phòng PC45 - Công an Quảng Trị đã bắt đầu xem xét các lá đơn tố cáo việc vợ chồng bà Hương lừa đảo. Trung tá Hồ Văn Tấn - Phó trưởng Phòng PC45, người được giao nhiệm vụ chỉ huy điều tra vụ việc này cho biết: "Hiện tại, chúng tôi đang trong giai đoạn thu thập hồ sơ chứng cứ và tiến hành điều tra, đây là một vụ việc lớn có liên quan đến rất nhiều người, số tiền bị tố cáo lừa đảo là không nhỏ, vì vậy rất cần thời gian để xác minh kỹ lưỡng".

Trước đó, trên địa bàn của thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cũng đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ vỡ hụi với số tiền lên đến cả trăm tỷ đồng. Theo Trung tá Lê Văn Hoàn - Trưởng Công an thị trấn Nam Phước thì trong thời gian qua, trên địa bàn thị trấn có 3 chủ hụi gồm: Chủ hụi Nguyễn Thị Hồng Minh; chủ hụi Trần Thị Lệ Thủy và chủ hụi Trần Thị Quỳnh Nga bỏ trốn khỏi địa phương mang theo khoản nợ tổng cộng cả trăm tỷ đồng.

Những chủ hụi này đã tạo cho mình vỏ bọc buôn bán, làm ăn quy mô lớn, nên đã ngon ngọt vay mượn của nhiều người với số tiền lớn và trả lãi với mức 15%/tháng. Do khoản lãi quá cao vì vậy các chủ hụi đã chơi trò vay của người này để trả lãi cho người kia. Đến một thời điểm nhất định thì hoàn toàn mất khả năng chi trả nên đành đánh bài chuồn để xù nợ. Khi sự việc vỡ lở, có nhiều người đã tìm đến nhà chủ hụi để đập phá, xiết đồ đạc trong nhà để trừ nợ, có người đã làm đơn tố cáo sự việc đến cơ quan công an địa phương.

Việc vỡ hụi đã từng xảy ra xưa nay, nhiều bài học đã được các cơ quan truyền thông phản ánh và phân tích chặt chẽ. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn rất nhiều người vì nhẹ dạ, cả tin, vì tham lam với những khoản lãi suất quá cao, quá hấp dẫn mà lâm vào tình cảnh bị giật hụi. Hy vọng rằng, những câu chuyện vỡ hụi trong bài viết này, sự lao đao của những người bị giật hụi sẽ thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo không của riêng ai…

Quốc Anh
.
.