Nhìn lại 15 năm cuộc chiến chống khủng bố: Dang dở trong nghịch lý
- Cảnh sát Mỹ và sự kiện 11/9
- Chuyện chưa kể về hai nạn nhân người Việt trong vụ 11-9
- Nước Mỹ tưởng niệm nạn nhân khủng bố 11-9
Kể từ ngày ấy, cả thế giới đã hiểu sự khốc liệt, tàn bạo của chủ nghĩa khủng bố. Khủng bố đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh của cả nhân loại. Sau 15 năm, khủng bố vẫn tồn tại. Cuộc chiến với khủng bố vẫn chưa chấm dứt bởi những tồn tại, những âm mưu từ sự tính toán vị kỷ.
Nghịch lý...
Càng chống, càng phát triển. Đó là điều mà cả thế giới nói về sự "sinh sôi nảy nở” của khủng bố, chủ nghĩa khủng bố. Khủng bố vẫn là mối đe dọa khi tấn công và chết chóc đang diễn ra gần như hàng ngày trên thế giới. Từ Mỹ, châu Âu, giờ đã lan sang châu Á...
![]() |
Hình ảnh tòa tháp đôi trung tâm thương mại thế giới tại Mỹ bị tấn công ngày 11/9/2001. |
Sau sự kiện 11-9, nước Mỹ phát động chiến tranh để "trả thù", và sự kiện trùm khủng bố Osama bin Laden của mạng lưới khủng bố toàn cầu Al-Qaeda bị tiêu diệt được cho là một thành công lớn trong cuộc chiến chống khủng bố thì chỉ ít ngày sau đó, cả thế giới từ "ngỡ ngàng" đã thực sự bị sốc và bàng hoàng, kinh hãi trước sự xuất hiện, lớn mạnh và tàn bạo của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày càng lớn mạnh và phát triển với quy mô trải dài từ Trung Đông, châu Phi, châu Âu cho tới châu Á.
IS đã chứng minh tổ chức này thực sự là "hậu sinh khả úy" khi tổ chức này xây dựng các kế hoạch hành động và tấn công ngày càng tinh vi, phức tạp, tàn bạo. Những thành viên cao cấp của IS thừa nhận, truyền bá tư tưởng cực đoan vào giới trẻ khắp thế giới là mấu chốt của sự "thành công" của tổ chức này.
"Sói đơn độc" và sự bất lực của tình báo
Nick Rasmussen - Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ cho rằng sau 15 năm, kể từ ngày 11/9/2001, nhắc đến cuộc chiến chống khủng bố hiện nay là nhắc đến cuộc chiến chống lại IS, lực lượng cực đoan hiện đang chiếm giữ nhiều phần lãnh thổ rộng lớn của Iraq và Syria... Tổ chức này đã cho thấy khả năng lên kế hoạch bài bản và truyền cảm hứng để rất nhiều phần tử cực đoan tại châu Âu và Mỹ gây ra các vụ tấn công ở nước sở tại, với quy mô nhỏ hơn sự kiện 11/9 song lại gây nhiều thương vong và đến nay vẫn chưa hề có dấu hiệu ngừng lại.
Ông Nick Rasmussen cho biết, sự phát triển công nghệ thông tin liên lạc, mà nhờ đó các phần tử cực đoan có rất nhiều cách để liên lạc với nhau, chẳng hạn như bằng các ứng dụng trên điện thoại thông minh, vô hình trung đã giúp chúng che giấu các âm mưu trước giới tình báo Mỹ. "Công việc của chúng tôi đang trở nên khó khăn hơn", Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ nói về khó khăn khi hệ thống an ninh Mỹ phải đối phó với "Những con sói đơn độc".
Chương trình nghiên cứu về chủ nghĩa cực đoan của Đại học George Washington đã liệt kê 102 cá nhân sinh sống tại Mỹ bị cáo buộc tham gia các cuộc tấn công liên quan tới IS, nhiều người trong số này thường tìm cách lôi kéo các cá nhân khác tham gia cùng với mình. Hiện giới tình báo Mỹ đang phải giám sát khoảng 1.000 đối tượng tình nghi có tư tưởng cực đoan. Tuy nhiên, thực tế là các âm mưu tấn công hiện nay được lên kế hoạch và tiến hành một cách rất nhanh chóng, với số đồng phạm không nhiều, và điều này càng khiến các chiến dịch chống khủng bố gặp rất nhiều trở ngại trong việc phát giác và ngăn chặn.
Các quan chức cho rằng một thách thức lớn khác mà cuộc chiến chống khủng bố đang phải đối mặt chính là sự yếu kém của hệ thống tình báo của nhiều quốc gia từ Mỹ, châu Âu cho tới một số nước châu Á... trong việc xác định và lần theo dấu vết các "sói đơn độc". Nguyên nhân chính của những lỗ hổng này chính là sự lỏng lẻo trong quá trình hợp tác giữa cơ quan tình báo các nước.
Cực đoan - mầm mống của khủng bố hiện đại
Một trong những "chiêu thức" đặc biệt nguy hiểm của các tổ chức khủng bố là truyền bá tư tưởng cực đoan bằng cách cấp tiến hóa những phần tử cực đoan. Al-Qaeda hiện đang tìm cách cấp tiến hóa người Hồi giáo ở khắp nơi trên tế giới. Sự bùng nổ mới đây của chủ nghĩa cấp tiến - được giải phóng bởi Mùa Xuân A-rập và được thúc đẩy bởi truyền thông xã hội và được hỗ trợ tài chính bởi những "nhà giàu" quyên góp, đã làm gia tăng số lượng các thành viên khủng bố, mang nặng tư tưởng cực đoan.
Những hình thái cực đoan đã hiển hiện và thấy rõ nhất trong các cuộc tấn công mới đây vào châu Âu như các cuộc tấn công vào Pháp và Bỉ vừa diễn ra.
Brahma Chellaney, Giáo sư về nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm New Delhi, chuyên gia về nghiên cứu chính sách và các vấn đề tại Học viện Robert Bosch, Berlin có bài đăng trên "todayonline" ngày 26/8/2016 đã nhận định: Châu Âu đang chịu áp lực trong việc hòa nhập người xin tị nạn và những người di cư khác vào xã hội của lục địa này. Vấn đề càng trở nên tồi tệ khi nhiều người Hồi giáo châu Âu đã trở nên cực đoan, một số người hướng về Iraq và Syria để chiến đấu dưới ngọn cờ của cái gọi là nhóm chiến binh IS, số khác tiến hành các cuộc tấn công khủng bố ở ngay tại quê hương của mình.
Muốn thực sự chống khủng bố hiệu quả, có lẽ phải quay trở lại nguồn gốc khiến chủ nghĩa khủng bố nảy sinh và phát triển. Nói một cách đơn giản, ngay phương pháp chống khủng bố của phương Tây đang làm nảy sinh nhiều phần tử khủng bố hơn, chống khủng bố trở thành cái nôi ấm cho sự nổi lên của chủ nghĩa khủng bố theo hình thức mới. Nếu không thể thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này, khủng bố sẽ tiếp tục mở rộng, xã hội sẽ ngày càng bất ổn và bất an.
Để tìm ra một giải pháp thực sự, các nhà lãnh đạo châu Âu, Mỹ hay châu Á…phải giải quyết gốc rễ tư tưởng của những thách thức an ninh mà họ phải đối mặt. Chứ không chỉ đơn giản như kiểu chỉ đề nghị cấm burqa và burkini..