Nhức nhối mua, bán bào thai qua biên giới

Thứ Ba, 03/12/2019, 08:01
Hơn một năm sau kể từ khi tình trạng mua bán bào thai qua biên giới được phát hiện, công an một số đơn vị, địa phương đã gửi nhiều văn bản xin ý kiến, phối hợp giúp đỡ nhưng chưa nhận được sự phản hồi. Trong khi đó, vì lợi nhuận, tội phạm liên quan đến vấn đề này vẫn nhức nhối.

Lời khai kinh hoàng

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An vừa hoàn tất hồ sơ chuyển viện kiểm sát cùng cấp đề nghị truy tố bị can Moong Thị Chanh (SN 1985, trú tại bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn) về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.

Từng là nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc, trong thời gian làm vợ xứ người ở đây, Chanh quen biết với một người phụ nữ tên Phương (không rõ lai lịch, địa chỉ), hai người bàn nhau về Việt Nam tìm những người phụ nữ mang thai đưa sang sinh nở rồi bán con để hưởng tiền chênh lệch.

Tháng 4-2019, Chanh trở về địa phương, thấy chị Moong Thị Mai (SN 1996) đang mang thai, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đã dụ dỗ sang Trung Quốc sinh nở rồi bán con, với giá 60 triệu đồng nếu sinh con gái và 70 triệu đồng nếu con trai (thực tế, một trẻ sơ sinh ở Trung Quốc được định giá khoảng 6 vạn nhân dân tệ, tương đương 200 triệu đồng tiền Việt).

Công an huyện Kỳ Sơn đấu tranh với tội phạm mua bán bào thai qua biên giới.

Nghe lời dụ dỗ, chị Mai cùng chồng đồng ý bán con. Nạn nhân sau đó được Chanh đưa ra Quảng Ninh, vượt sông sang bên kia biên giới bằng đường tiểu mạch. Sau khi chị Mai sinh nở, Chanh cùng người đàn bà tên Phương bán cháu bé lấy 6 vạn nhân dân tệ, chia đôi mỗi người một nửa, Chanh đưa chị Mai trở lại Việt Nam và đưa cho chồng chị này số tiền 70 triệu đồng như đã hứa, số chênh lệch còn lại, Chanh tiêu xài cá nhân.

Vụ việc sau đó đã bị Công an huyện Kỳ Sơn phát giác, quá trình triệu tập Moong Thị Chanh để đấu tranh, đối tượng đã khai nhận hành vi của mình. Trước đó, cũng với tội danh nói trên, đối tượng Moong Thị Lý (SN 1983, trú bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn) cũng đã bị Cơ quan CSĐT Công an huyện này ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra.

Vào tháng 9-2018, Lý thấy gia cảnh chị Moong Thị Mùi (SN 1994, người cùng bản) gặp khó khăn, bản thân lại đang bụng mang dạ chửa, sắp đến kỳ sinh nở nhưng không có tiền nên đã rủ rê chị Mùi sang Trung Quốc để bán bào thai. Nghe lời dụ dỗ ngọt ngon, sau khi chị Mùi đồng thuận, Lý đã đưa Mùi sang Trung Quốc bằng đường tiểu mạch.

Tuy nhiên, sự cố ngoài ý muốn xảy ra khi Lý đưa chị Mùi đi khám thai trên đất Trung Quốc thì chẳng may bị tai nạn giao thông nên bị cảnh sát sở tại phát hiện, quản thúc trong suốt thời kỳ chị Mùi sinh con. 3 tháng sau, cảnh sát đã đưa Lý, chị Mùi cùng đứa trẻ mới sinh nở tới cửa khẩu Móng Cái để bàn giao cho cơ quan chức năng Việt Nam.

Trước đó không lâu, vào tháng 1-2019, cảnh sát Trung Quốc cũng phát hiện đường dây đưa phụ nữ đang mang thai từ Việt Nam sang Trung Quốc để sinh nở khi 3 người đang mang bầu được Moong Thị Oanh (tên gọi khác là Moong Thị Ba, SN 1988, trú tại huyện Kỳ Sơn) cùng người chồng Trung Quốc chở đến bệnh viện khám thai bằng xe ba gác nhưng chẳng may bị tai nạn giao thông. Vụ việc khiến sản phụ Moong Thị Lâm (SN 1992, trú tại xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), tử vong tại chỗ, những người còn lại bị thương nặng.

Những người này sau khi sinh con xong đã được phía nhà chức trách Trung Quốc trao trả cho cơ quan chức năng Việt Nam. Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cùng với Tổ chức Bảo vệ trẻ em Rồng Xanh và Công an tỉnh Nghệ An sau đó đã tiếp nhận, đưa những người phụ nữ này về tới huyện Kỳ Sơn để bàn giao cho gia đình.

Đại tá Phạm Hoài Nam, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết: “Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng, dân số đông, chủ yếu địa bàn miền núi, nơi có nhiều bà con dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng giáp biên. Do nhận thức pháp luật hạn chế, đời sống còn gặp nhiều khó khăn nên một bộ phận dân cư dễ bị lôi kéo, dụ dỗ vào những đường dây vi phạm pháp luật, trong đó có tội phạm mua bán người.

Đối với tình trạng mua bán bào thai qua biên giới, tại địa bàn huyện Kỳ Sơn, qua rà soát có khoảng 30 trường hợp phụ nữ dân tộc thiểu số mang thai sang Trung Quốc sinh con, nhiều trường hợp đã thừa nhận do hoàn cảnh khó khăn nên đã sang Trung Quốc sinh đẻ rồi bán con, dù biết như vậy là trái với pháp luật và luân thường, đạo lý”.

Vướng mắc chế tài xử lý

Trung tá Lô Văn Thao, Phó Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết: Sau khi phát hiện tình trạng trên địa bàn huyện có phụ nữ mang thai bị lôi kéo, dụ dỗ “xuất ngoại” đẻ rồi bán con trở về, Công an huyện đã lập danh sách những người nằm trong diện tình nghi để đưa vào quản lý.

“Đều đặn mỗi tuần 2 lần, từng cán bộ được giao phụ trách phải thăm hỏi, động viên bà bầu từ khi mang thai cho đến lúc sinh nở xong mới yên tâm xóa khỏi danh sách. Đặc biệt lưu ý những bà bầu là phụ nữ Khơ Mú, sinh con thứ ba trở lên”, Trung tá Thao chia sẻ thêm.

Theo Công an huyện Kỳ Sơn, việc mua bán bào thai là thủ đoạn rất mới của tội phạm mua bán người, các đối tượng hoạt động rất tinh vi. Các đối tượng này chủ yếu đi tới các vùng có nhiều đồng bào Khơ Mú sinh sống, nhắm tới những phụ nữ mang thai vỡ kế hoạch, có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, nhận thức kém để dụ dỗ. Các đối tượng thường đánh vào tâm lý “sợ bị phạt vì sinh con thứ ba” của người dân, đồng thời đưa ra những lời đường mật để lôi kéo.

Giải cứu, tiếp nhận 4  phụ nữ mang thai vượt biên bán con trở về (tháng 1-2019).

Hoạt động này được tiến hành bí mật, có móc nối chặt chẽ với các đối tượng người Việt Nam ở Trung Quốc, hình thành nên các đường dây kín đáo, chuyên nghiệp. Chính vì vậy, mặc dù đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, song vì siêu lợi nhuận và do chưa có chế tài xử lý thích đáng, loại tội phạm này vẫn có những diễn biến khôn lường.

Liên quan đến vấn đề này, phát biểu tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục có ý kiến cho rằng, tình trạng mua bán bào thai vẫn diễn ra là do chế tài xử lý còn hạn chế. Theo ông: “Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội có giải pháp loại trừ những nguyên nhân phát sinh vi phạm, bổ sung cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm”.

Giám đốc Công an Nghệ An cho rằng, cùng với bóng cười và shisha, mua bán bào thai qua biên giới chưa được pháp luật về đầu tư quy định là ngành nghề cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện nên việc xử lý của các cơ quan chức năng vẫn rất còn lúng túng, dù hậu quả của việc này mang lại tính chất nguy hiểm cho xã hội rất lớn.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu cũng đề nghị bổ sung vào Luật Đầu tư về việc cấm các hoạt động kinh doanh bào thai. “Thảo luận tại tổ, tôi đề nghị cấm kinh doanh bào thai nhưng không được tổng hợp trình Quốc hội. Tại buổi thảo luận này, tôi tiếp tục đề nghị cấm kinh doanh bào thai. Việc cấm đầu tư kinh doanh bào thai, trong Luật Đầu tư sửa đổi lần này đã trở nên cấp bách và cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho con người, vừa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm ở nước ta hiện nay”, ông kiến nghị.

Cùng chung quan điểm này, đại biểu Hứa Thị Hà, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho rằng, mua bán bào thai là một hành vi mới, hết sức nguy hiểm, chưa có trong tiền lệ nên việc điều tra, xét xử gặp nhiều khó khăn, hành vi này cũng chưa được nhìn nhận, phân tích thấu đáo về phạm trù đạo đức và pháp lý.

Theo đại biểu, việc mua bán làm ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam, làm hoen ố tình mẫu tử thiêng liêng, tạo ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng trong xã hội, để phát hiện vụ việc là rất khó khăn. Trước thực trạng trên, đại biểu Hà đề nghị Chính phủ cần có nhiều giải pháp để ngăn chặn.

Trước đó, sau khi phát hiện tình trạng mua bán bào thai qua biên giới xảy ra trên địa bàn, Công an tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao để xin ý kiến, hướng dẫn xử lý tình trạng buôn bán bào thai. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có chế tài xử lý đúng người, đúng tội nên những trường hợp bị phát hiện liên quan đến lĩnh vực này cũng chỉ mới xem xét, xử lý với tội danh “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” hoặc “mua bán người”, “Mua bán trẻ em dưới 16 tuổi” nên chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, Bộ luật Hình sự hiện nay có tới 5 tội danh liên quan đến hành vi mua bán người nhưng lại không nhắc đến việc mua bán bào thai. Mặc dù tội “Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người” cũng đã được đề cập trong luật.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, để xử lý được hành vi này, hoặc là cần phải ký lại Hiệp định Tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Trung Quốc (đã được ký từ năm 1998 nhưng cần phải thay đổi, sửa lại để tạo điều kiện cho công an hai nước có sự phối hợp qua lại nhịp nhàng hơn). Hoặc là Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao cần sớm có một thông tư liên tịch để hướng dẫn xử lý về hành vi này. Tuy nhiên, về lâu dài cũng cần phải sớm đưa hành vi này vào luật hình sự.

Một số đối tượng liên quan đến việc mua bán bào thai bị bắt giữ.

Liên quan đến vấn đề này, theo báo cáo của Bộ Công an, việc xử lý hiện nay còn khá nhiều vướng mắc. Nguyên nhân là do đối với các vụ việc dụ dỗ phụ nữ mang thai sang Trung Quốc sinh con đem bán, bản chất của hành vi là “mua bán trẻ em” nhưng do không giải cứu được nạn nhân (cháu bé) và không có tài liệu, căn cứ nào xác định được mẹ nạn nhân đi Trung Quốc (chỉ có lời khai của mẹ nạn nhân và lời khai của đối tượng) nên việc điều tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Thực tiễn cho thấy, Công an một số đơn vị, địa phương trong cả nước đã phát hiện một số vụ việc khi các đối tượng đang trên đường đưa phụ nữ mang thai đi Trung Quốc để sinh rồi bán. Nhưng giai đoạn này, người mẹ chưa sinh, nên nếu truy tố về tội “mua bán người” hoặc “mua bán người dưới 16 tuổi” theo Điều 150, 151, Bộ luật Hình sự thì không phù hợp và chưa có văn bản nào hướng dẫn truy tố về hành vi này.

Ngoài ra, hiện nay việc hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, mang thai hộ xuyên quốc gia gặp nhiều khó khăn. Việc chưa thống nhất được tiêu chí để xác định hành vi mua bán người của Việt Nam với một số nước, đặc biệt là với Trung Quốc, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều tra vụ án, giải cứu nạn nhân.

Từ những vướng mắc đó, vì lợi nhuận và do nhận thức còn hạn chế, đời sống lại gặp nhiều khó khăn nên nhiều cặp vợ chồng ở miền Tây xứ Nghệ nói riêng và ở một số địa phương trong cả nước hiện nay đã bị lôi kéo, dụ dỗ vào những việc làm sai trái, chấp nhận vượt biên bán con để lấy tiền mưu sinh.

Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn (địa phương có nhiều phụ nữ xuất ngoại để bán con nhất của tỉnh Nghệ An) cho biết, mặc dù thời gian qua công an huyện này đã tích cực vào cuộc, sâu sát với bà con dân bản để giám sát, quản lý song tình trạng này vẫn diễn ra.

Thượng tá Hậu cho rằng, tất thảy những hành động này đều liên quan đến người Việt Nam đang sinh sống tại Trung Quốc. Do chế tài xử lý chưa nghiêm nên tội phạm mua bán bào thai qua biên giới vẫn tiếp diễn, dù không rầm rộ như trước đây song cũng mang đến không ít hệ lụy, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trị an trên địa bàn”.

Từ năm 2018 đến nay, Công an Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố trên 20 vụ, 30 đối tượng có hành vi mua bán người, mua bán trẻ em và tiếp nhận, hỗ trợ, giải cứu hơn 50 nạn nhân liên quan. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, toàn tỉnh hiện còn có gần 300 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương, nghi là nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Thiên Thành
.
.