Những cái bẫy tinh vi trên mạng xã hội
Lời trần tình của những nạn nhân
Nói về việc mình bị đối tượng người nước ngoài lừa đảo, chị N.T.T.T. (30 tuổi, ngụ P.7, Q.3) cho chúng tôi biết: Khoảng tháng 1/2015, qua Facebook chị quen một người bạn có nickname Frank Modric. Người này nói chuyện rất lịch sự, trí thức nên nhanh chóng chiếm được tình cảm của chị.
Sau 1 tháng tìm hiểu, Frank Modric mới bộc lộ thân phận: "Tôi là ông chủ lớn của một tập đoàn quản lý và khai thác bất động sản nên tôi có hợp đồng ký kết với đối tác ở Anh. Tôi sẽ kết hợp công việc và mua quà cho gia đình và cho cả bạn. Bạn cho tôi địa chỉ email và địa chỉ nhà, công ty chuyển phát Euro Express sẽ gửi hộp quà cho bạn, trong đó có: điện thoại iPhone 6, nữ trang, mỹ phẩm, áo khoác và 550.000 USD".
Quá ngạc nhiên với lời đề nghị cùng với món quà quá lớn, chị T. thắc mắc: "Sao bạn mua quà cho tôi nhiều vậy trong khi tôi không xin, không yêu cầu và tại sao bạn lại cho tiền tôi?". Frank Modric trả lời: "Tôi thật sự quý bạn, bạn là phụ nữ tốt, thật thà nên tôi tin tưởng. Tôi gửi tiền cho bạn cất giữ giùm cho đến khi tôi đến Việt Nam thăm bạn. Còn món quà, bạn xứng đáng được nhận nó. Yên tâm, 2 ngày nữa sẽ có email của Công ty chuyển phát Euro Express gửi cho bạn và họ cũng sẽ chuyển hộp quà cho bạn ngay ngày mai (ngày 11/3/2015)".
Khoảng 16 giờ 20 phút ngày 12/3, chị T. nhận được cuộc điện thoại từ số máy 0937950458 của một phụ nữ nói giọng niền Nam, xưng là Yến - nhân viên Công ty chuyển phát Euro Express gọi đến xác minh thông tin người nhận hàng và cho biết kiện hàng được gửi từ Anh đã về đến Việt Nam, hiện đang ở kho sân bay.
Ngày 13/3, chị T. nhận được SMS từ Facebook của Frank Modric gửi về nói rằng, Frank Modric vừa nhận được email của Công ty Euro Express, họ nói là đã phát hiện số tiền lớn giấu trong hộp đồ. Vì vậy, để lấy được hộp đồ thì chị T. phải thay mặt Frank Modric giải quyết rắc rối này. Chưa kịp định thần lại vấn đề gì đã xảy ra thì ngay sau đó, chị T. liền bị Frank Modric và Yến thúc giục phải nhanh chóng lo tiền "lót tay" cho hải quan không thì không lấy được hàng.
Nicholason Marcelon Smith (hay còn gọi Simon hoặc Tony). |
Qua nhiều lần trao đổi, Yến yêu cầu chị T. nộp 70 triệu đồng. Tin lời, ngày 14/3, chị T. đến Ngân hàng TMCP Quân đội nộp 45 triệu đồng vào số tài khoản số 5485660043880925 mang tên Phạm Thị Huỳnh Anh. Sau khi gửi tiền, chờ mãi vẫn không thấy quà đâu, ngày 15/3/2015 chị T. liên tục gọi điện cho Yến thì Yến cho biết, do số tiền trong thùng quà lên đến trên 10 tỉ đồng nên chị T. phải nộp thêm tiền cho đủ 1 tỉ đồng mới làm thủ tục nhận quà được, nếu không thùng hàng sẽ bị hải quan tịch thu...
Cũng thông qua mạng xã hội Facebook, cuối tháng 11/2014, chị N.T.H.H. (40 tuổi, ngụ Hà Nội), kết bạn với một người nước ngoài và anh ta tự giới thiệu tên là Nicholason Marcelon Smith, quốc tịch Úc, hiện sinh sống tại Úc. Chị H. và Nicholason thường xuyên nhắn tin qua Facebook với những lời lẽ yêu đương.
Ngày 2/12, Nicholason nói muốn gửi tiền về Việt Nam nhờ chị H giữ giúp để mua nhà, chị H đồng ý. Ngày 3/12, Nicholason nhắn tin là đã gửi cho chị H món quà gồm 1 ĐTDĐ và 1 túi xách tay, trong gói quà có giấu 200.000USD nhưng tiền không khai báo với công ty vận chuyển. Món quà sẽ đến Việt Nam vào ngày 5/12.
Để nhận được quà, chị H. phải nộp phí 1.550USD. Ngoài ra, chị H. cũng nhận được tin nhắn từ địa chỉ email sea.frightservices@gmail.com với nội dung: Công ty Sea Fright Shipping Companny tại Úc đang vận chuyển một gói quà từ Úc về Việt Nam để giao cho chị H., chị H. phải đóng phí 1.550USD để nhận quà.
Ngày 5/12, theo yêu cầu của Nicholason, chị H. đến Ngân hàng ACB - Phòng giao dịch Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội nộp 32,7 triệu đồng (tương đương 1.550USD) vào tài khoản số 4214954800316929 mang tên Dy Chenda và… chờ nhận quà.
Đến hẹn, vẫn không thấy quà gửi tới, chị H. cứ đinh ninh rằng chắc quà gửi đến trễ. Thế nhưng, ngày hôm sau, chị H. lại tiếp tục nhận tin nhắn từ email sea.frightservices@gmail.com yêu cầu phải nộp thêm 1.140USD, rồi 3.720USD… vì công ty vận chuyển phát hiện trong gói quà có 200.000USD.
Tổng cộng, chị H. đã 5 lần nhận tin nhắn của Nicholason và tin từ email sea.frightservices@gmail.com, yêu cầu chị H. gửi tiền vào tài khoản số 4214954800316929 mang tên Dy Chenda mở tại Ngân hàng ACB và tài khoản số 101010004641495 mang tên Võ Thị Kim Thoa mở tại Ngân hàng Vietinbank với tổng số tiền hơn 177 triệu đồng. Riêng ngày 18/2/014, Nicholason nhắn tin cho chị H nộp tiếp 4.500USD nhưng biết mình đã bị lừa, nên chị H. không nộp nữa.
Cũng bị lừa đảo với thủ đoạn tương tự, chị N.T.N. (43 tuổi, ngụ P.3, Q.4, TP HCM) cho biết: "Nhóm người này giả danh người nước ngoài liên hệ với tôi, sau đó nhằm vào dịp sinh nhật tôi họ bảo gửi quà về tặng. Ngày 16/3/2015, họ gọi điện cho biết là hàng đã về tới Việt Nam. Theo yêu cầu của họ, tôi đã ra Ngân hàng Techcombank để chuyển 35 triệu đồng vào tài khoản số 019028895431012 mang tên Phạm Thị Mai Trâm để nhận hàng, nhưng sau đó biết là bị lừa nên tôi đã trình báo với Cơ quan điều tra".
Ngoài ra, có 4 người bị lừa với tổng số tiền 225 triệu đồng. Những người này đều chuyển tiền vào tài khoản số 060088566389 mở tại Ngân hàng Sacombank do Phạm Thị Diễm Hồng đứng tên.
Có sự tiếp tay của một số đối tượng người Việt
Ngay sau khi nhận được trình báo của chị N.T.H.H. bị Nicholason Marcelon Smith lừa, Cơ quan Công an đã đề nghị các ngân hàng: Vietinbank, Sacombank và ACB phong tỏa các tài khoản mang tên Chenda Dy và Võ Thị Kim Thoa. Qua kiểm tra, sao kê tài khoản trên cho thấy các khoản tiền do chị H. chuyển vào đã bị các đối tượng rút hết.
Theo khai nhận của Võ Thị Kim Thoa (27 tuổi, ngụ Long An) - đứng tên chủ tài khoản 101010004641495 mở tại Ngân hàng Vietinbank: Năm 2011, Thoa đi ăn uống tại đường Bùi Viện, Q.1 thì được một người đàn ông ngoại quốc, da đen, quốc tịch Nigeria, ngồi bàn bên cạnh hỏi chuyện, rồi làm quen. Người này tên là Simon.
Do đang đi học và cần trau dồi khả năng giao tiếp tiếng Anh nên Thoa đồng ý kết bạn với Simon và thường xuyên gặp mặt đi ăn uống, mua sắm… nhưng chưa lần nào gặp mặt tại nơi ở của Simon. Thoa chỉ nghe Simon cho biết anh ta ở Gò Vấp. Tháng 11/2013, Simon nhờ Thoa đứng tên đăng ký mở một tài khoản thẻ ATM cho Simon với lý do Simon không phải là người Việt Nam nên không mở được tài khoản tại Việt Nam. Sau khi mở tài khoản xong, Thoa nhận thẻ ATM rồi giao cho Simon sử dụng và không biết gì về các giao dịch trong tài khoản này.
Tương tự, đối với tài khoản mang tên Chenda Dy, Chenda Dy (26 tuổi, quốc tịch Campuchia) cũng thừa nhận là đã đứng tên mở giúp 2 tài khoản Visa tại Ngân hàng Sacombank và Ngân hàng ACB cho một người bạn da đen, tên Tony. Do Tony nói bị mất hộ chiếu không đứng tên mở tài khoản được nên nhờ Chenda sang Việt Nam đứng tên mở tài khoản giúp để Tony sử dụng vào việc làm ăn tại Việt Nam. Qua xác minh, Cơ quan điều tra xác định, đối tượng tên Simon và tên Tony chính là một.
Đối với trường hợp các nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản số 060088566389 mở tại Ngân hàng Sacombank do Phạm Thị Diễm Hồng đứng tên. Qua xác minh tại Ngân hàng Sacombank được biết, Phạm Thị Diễm Hồng, 23 tuổi, thường trú tại đường Nguyễn Khoái, P.2, Q.4. Công an P.2, Q.4 cho biết, Hồng đã rời địa phương đến tạm trú cùng cha tại P.11, tổ 11, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh từ năm 2010. Tuy nhiên, Công an xã Phong Phú khẳng định, trên địa bàn xã không có địa chỉ trên và cũng không có người nào tên Phạm Thị Diễm Hồng.
Chặt đứt "mắt xích" quan trọng
Liên quan đến hoạt động lừa đảo này, chiều 17/3, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM (PC46) đã bắt khẩn cấp Lê Thị Phương Trang (38 tuổi, HKTT P.1, Q.Tân Bình, TP HCM) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lê Thị Phương Trang tại Cơ quan điều tra. |
Theo lời khai ban đầu của Trang, trong thời gian sinh sống tại Malaysia, Trang biết có một số người Nigeria và Malaysia thực hiện việc lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người Việt Nam bằng thủ đoạn gọi điện thoại, giả mạo việc gửi tiền, quà và yêu cầu người nhận nộp phí vận chuyển, phí hải quan để chiếm đoạt.
Đến khoảng đầu năm 2015, do mất việc làm lại cần tiền để lo và chữa bệnh cho đứa con nuôi bị bệnh hiểm nghèo nên Trang đã tham gia vào đường dây lừa đảo này.
Theo hướng dẫn và kịch bản của các đối tượng cầm đầu, Trang sẽ gọi điện thoại cho những phụ nữ tại Việt Nam (thông tin về nhân thân, số điện thoại của những bị hại do các đối tượng cầm đầu cung cấp). Trang giả làm nhân viên đại lý công ty vận chuyển của nước ngoài tại Việt Nam, thông báo cho họ biết là hải quan đã phát hiện trong gói quà của người quen ở nước ngoài gửi về cho họ có một món tiền rất lớn nhưng không khai báo. Nếu họ không nộp tiền phí thì gói quà sẽ bị tịch thu.
Do lòng tham, nhiều người đã chấp nhận chuyển khoản tiền lớn vào tài khoản do Trang cung cấp. Để các bị hại tin tưởng, mỗi lần gọi điện thoại Trang đều sử dụng số điện thoại của Việt Nam nhưng sử dụng dịch vụ Roaming để gọi từ Malaysia về.
Với khoản tiền chiếm đoạt, sẽ được các đối tượng chia như sau: Tiền của các bị hại chuyển vào tài khoản của các đối tượng cầm đầu thì Trang được hưởng 10% số tiền chiếm đoạt được. Nếu không có sẵn số tài khoản, Trang phải tìm những người Nigeria và Malaysia khác sinh sống tại Malaysia để "mượn" tài khoản cho bị hại chuyển tiền vào thì người cho mượn tài khoản được chia 15%, Trang được 10% tiền gọi điện thoại và 2-3% tiền dịch vụ cung cấp tài khoản.
Khi gọi điện thoại cho bị hại, nhằm tránh bị phát hiện, Trang đã sử dụng rất nhiều tên giả để liên lạc như Yến, Mai, Hà… Chỉ trong tháng 2/2015, tại Malaysia, Trang đã gọi điện thoại cho khoảng 100 người, trong đó có 10 người "dính bẫy" lừa của chúng với số tiền lên tới gần 1 tỉ đồng. Trong đó, Trang được chia 100 triệu đồng.
Từ ngày 3/3 đến 16/3/2015, Trang gọi điện cho hơn 30 người (đa phần là nữ), trong số đó có 3 người "dính bẫy" đã chuyển tiền nộp phí vận chuyển theo yêu cầu của Trang.