Những “chú cuội” mặc comple
Một dự án 1,5 tỉ USD giả chữ ký của Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Đầu tháng 6/2009, Báo Tiền Phong đã cung cấp và đề nghị Văn phòng UBND TP Hà Nội xác minh một bản photocopy Giấy chứng nhận đầu tư số 6498/CNĐT/UB ngày 26/12/2008 có đóng dấu UBND TP và ký tên Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo.
Đây là Giấy chứng nhận đầu tư về Dự án đầu tư: Khu Du lịch nghỉ dưỡng quốc tế và văn hóa Hòa Lạc, Hà Nội.
Theo nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư 6498 thì địa điểm thực hiện dự án là khu Suối Ngọc - Vua Bà thuộc xã Tiến Xuân, huyện Lương Sơn, Hòa Bình cũ nay thuộc Hà Nội. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 280ha. Tổng vốn đầu tư của dự án là 1,5 tỉ USD. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm.
Mục tiêu của dự án là tạo lập một khu du lịch mới để thu hút khách trong và ngoài nước tại thủ đô mở rộng; giải quyết nhu cầu nghỉ ngơi, dưỡng thọ tránh đông quốc tế, thể dục thể thao và khu casino dành cho du khách ngoài nước. Ngoài ra, dự án này còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 600 lao động, trong đó có đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên kỹ thuật lành nghề phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
Cũng theo mô tả trong Giấy chứng nhận đầu tư thì tháng 4 năm nay dự án đã đàm phán và thực hiện việc đền bù giải tỏa; tháng 6 sẽ ký hợp đồng với đơn vị trong và ngoài nước thiết kế quy hoạch hạ tầng; tháng 9 sẽ hoàn tất thủ tục xin phép xây dựng.
Chữ ký thật của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. |
Chữ ký của Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo bị giả mạo trong giấy chứng nhận đầu tư 6498. |
Giấy chứng nhận đầu tư này, ngoài bản tiếng Việt có đóng dấu của UBND TP Hà Nội và chữ ký của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo còn có một bản đã được dịch sang tiếng Anh và được công chứng tại TP HCM.
Dự án, theo như những thông tin trong Giấy chứng nhận đầu tư số 6498 thì có vẻ rất hoành tráng và thời gian thực hiện đã bắt đầu. Nhưng, UBND xã Tiến Xuân, địa điểm thực hiện dự án như trong Giấy phép đầu tư thì lại hoàn toàn không biết gì. Làm việc với báo chí, UBND xã Tiến Xuân khẳng định ở địa phương không có một dự án nào như dự án đã mô tả trong Giấy chứng nhận đầu tư số 6498.
Văn phòng UBND TP Hà Nội, sau khi kiểm tra đối chiếu hồ sơ, cũng khẳng định: "UBND TP Hà Nội không ban hành Giấy chứng nhận đầu tư số 6498/CNĐT/UB ngày 26/12/2008. Dấu đóng trong Giấy chứng nhận này không đúng mẫu dấu của UBND TP Hà Nội. Chữ ký trong Giấy chứng nhận không phải là chữ ký của đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội".
Như vậy, rõ ràng, Giấy chứng nhận đầu tư nói trên là giả mạo và dự án được vẽ ra trong giấy phép này cũng là một dự án "ma" và nếu nó được dùng để giao dịch thì hậu quả chắc sẽ khó lường. Vụ án Chu Thế Tâm là một ví dụ.
Lập ra Công ty Cổ phần Phong Phú, đặt trụ sở ở Ngô Thì Nhậm và văn phòng đại diện ở TP HCM, lúc đầu, Tâm là Tổng giám đốc sau là Chủ tịch HĐQT. Công ty Phong Phú, theo như Giấy phép kinh doanh là làm đủ các ngành nghề: xây dựng, san lấp mặt bằng, đầu tư sân golf... Tâm đi xe "Mẹc", xài tiền như đại gia, chi trả lương cao cho nhân viên dưới quyền và khoe có 160 tỉ đồng vốn góp trong Công ty Phong Phú. Ngoài ra, Tâm còn khoe công ty có một lượng vàng miếng rất lớn dự trữ để đề phòng rủi ro.
Nhưng thực ra Công ty Phong Phú không hề hoạt động kinh doanh gì, các cổ đông cũng không góp một đồng nào, vàng dự trữ không có và cả cái khoản tiền 160 tỉ đồng của Tâm cũng chỉ là bịa đặt.
Chu Thế Tâm (x) tại phiên tòa. |
Song, với cách phô trương thanh thế đó, Chu Thế Tâm đã tạo được lòng tin ở nhiều người. Thế cho nên, khi Tâm vẽ ra rằng, Công ty Phong Phú đang có 4 dự án lớn ở Hà Tây thì lập tức có người tin và rút hầu bao góp vốn đầu tư ngay. Tổng cộng số tiền các doanh nghiệp và các cá nhân này đã rút hầu bao đưa cho Tâm là 135.000 USD và 15 tỉ đồng. Chỉ đến khi Chu Thế Tâm bị bắt thì bộ mặt lừa đảo của Tâm mới lộ tẩy.
Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội đã tuyên phạt Chu Thế Tâm hai bản án chung thân: một cho tội lừa đảo và một cho tội lạm dụng tín nhiệm. Tuy nhiên bản án chung thân kép cho Chu Thế Tâm chỉ là sự trừng phạt của pháp luật đối với y, còn số tiền mà những người bị hại đã mất thì không thể lấy lại được. Cái giá phải trả cho sự cả tin thật quá đắt...--PageBreak--
Chạy dự án bằng "cửa sau"
Ngoài thủ đoạn dùng dự án “ma” để kêu gọi góp vốn rồi chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, còn có một thủ đoạn nữa, đó là môi giới chạy dự án bằng cửa sau để ăn tiền "hoa hồng". Mới đây, khi TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử vụ án cặp bài trùng Nguyễn Văn Lân và Nguyễn Đăng Cự lừa đảo thì phần thẩm vấn Cự đã làm những người có mặt trong phiên tòa được một phen cười. Bởi không ai có thể lý giải được tại sao những người bị hại lại có thể tin rằng, những người như Lân và Cự là "cố vấn đặc biệt của Bộ Giao thông Vận tải" để có thể dễ dàng đưa cho chúng đến hàng tỉ đồng.
Lân thì đã có hai tiền án: một tiền án 4 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN và một tiền án 5 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi mãn hạn tù, Lân tự nhận mình là cố vấn Bộ Giao thông Vận tải, cố vấn Ban Tài chính quản trị Trung ương... nên có khả năng giúp các doanh nghiệp thắng thầu và thi công các dự án nâng cấp cải tạo tuyến đường giao thông tỉnh lộ, các dự án do Ban Quản lý dự án 5 (PMU 5), Ban Quản lý dự án 85 (PMU 85)... thuộc Bộ Giao thông Vận tải quản lý.
Doanh nghiệp nào muốn thắng thầu thì phải nộp tiền cho Lân để chi phí giao dịch lấy ý kiến của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải. Để tạo lòng tin, Lân nhờ Cự bịa ra một văn bản giả viết tay: "Cơ chế đăng ký và vào thầu chương trình do PMU 5 quản lý", sau đó, đưa cho Lân đánh máy lại và sử dụng để thu tiền, chiếm đoạt của các bị hại.
Không tìm hiểu về Lân, một số doanh nghiệp đã tin và đưa tiền cho Lân để đổi lại được mấy chữ viết lằng nhằng của Lân vào tờ đơn xin dự thầu. Những chữ viết lằng nhằng đó, do Lân viết nhưng Lân bảo đó là "bút phê của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải". Ấy thế mà nhiều doanh nghiệp cũng tin, nâng niu, trân trọng nộp lên Sở Giao thông - Vận tải các địa phương để dự thầu và tin chắc là sẽ... thắng thầu bằng "cửa sau"(!). Chỉ đến khi bị Sở Giao thông - Vận tải các địa phương phát hiện các bút phê và chữ ký đó là giả thì màn kịch của Lân và Cự mới bị lật tẩy. Các doanh nghiệp trót mất tiền cho Lân và Cự mới tá hỏa tam tinh đi báo Công an.
Giống như trong vụ lừa đảo của Nguyễn Trọng Giác, nguyên cán bộ Bộ Tài chính. Dù không có chức năng thẩm định dự án nhưng Giác đã tự phong cho mình là Phó vụ trưởng có quyền thẩm định, phê duyệt các dự án vay vốn ưu đãi của Chính phủ. Khá tinh vi Giác đã thiết lập một đường dây lừa đảo. Trong đó, Giác đóng vai là sếp, có quyền duyệt cho dự án này được vay ưu đãi hoặc không. Còn Đào Hữu Nghị, một người không nghề nghiệp thì được Giác phong cho là "chuyên viên của Bộ Tài chính".
Nghị thường đi dò la, và nhằm vào các vị giám đốc của các công ty TNHH ở các tỉnh lẻ, xem ai có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất là Nghị "tung đòn". Đầu tiên, Nghị yêu cầu doanh nghiệp muốn vay vốn thì phải lập dự án để Nghị đem về Hà Nội cho "sếp" duyệt. "Sếp" - theo giới thiệu của Nghị - chính là ông Giác. Sau đó, ông Giác còn đi cùng với Nghị xuống tận cơ sở để nói như lời ông Giác là "thẩm định dự án" rồi sau đó mới "duyệt cho vay".
Nhưng trước khi "duyệt cho vay" thì chủ doanh nghiệp phải chi hoa hồng cho ông Giác thông qua Nghị. Ngoài Đào Hữu Nghị, ông Giác còn có một "cò" dẫn mối nữa là Nguyễn Đức Lợi ở Hà Nam. Lợi huênh hoang giới thiệu mình là chuyên viên Ban Vật giá Chính phủ, còn khi đi cùng với Giác thì Lợi cũng được hóa phép thành "trợ lý cho Phó ban Vật giá Chính phủ".
Nhưng thật ra Lợi chỉ là nông dân, trình độ văn hóa chỉ ở dạng mới đọc thông mà chưa viết thạo. Bằng chứng là trong một số giấy biên nhận tiền mà Cơ quan Công an thu giữ được khi khám nhà Lợi, Lợi viết sai chính tả tùm lum, câu cú lủng củng đến mức không hiểu nổi. Chỉ xin dẫn một ví dụ là tờ giấy biên nhận tiền mà Lợi viết sau khi nhận hàng trăm triệu đồng tiền "chi phí chạy vốn" của một doanh nghiệp tư nhân ở Quảng Ninh.
Tờ giấy này Lợi chỉ viết có mấy dòng nhưng sai đến phát phì cười, như: chuyên viên Ban Vật giá Chính phủ thì Lợi viết thành "chuyên viên Ban phật giá Chính phủ" hay "đi vay nhằm gia tăng nguồn vốn" thì Lợi viết thành "đi vay làm cho gia nguồn vốn"...
Ấy thế mà, không hiểu sao, nhiều doanh nghiệp vẫn tin vào bộ ba này và chi rất nhiều tiền cho chúng để chạy nhằm được vay vốn ưu đãi chính phủ cho dự án của mình. Thậm chí có doanh nghiệp còn phải tổ chức tiệc tùng, xe đưa xe đón để mời bộ ba này xuống địa phương xem xét trước khi thẩm định dự án(!).
Hay như trong một vụ lừa đảo gây xôn xao dư luận gần đây nhất là vụ giả danh FBI, giả danh Văn phòng Tổng thống Mỹ... của Nguyễn Thanh Hà. Chỉ là giám đốc của một công ty TNHH, đến tiền thuê nhà cũng không có để trả nhưng Hà đã lòe bịp được nhiều người.
Hà trình ra các hồ sơ giả mạo nói trên để chứng minh rằng Công ty Thành Hà đang có trong tay 6 dự án đầu tư lớn với số vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD. Nguồn vốn này được giải ngân, Hà sẽ cho các doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi và các doanh nghiệp phải trả "phí giải ngân" với mức 1% trên tổng vốn vay.
Theo điều tra ban đầu, với thủ đoạn này, nhiều công ty và cá nhân ở các tỉnh Khánh Hòa, Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh đã ứng trước cho Hà các khoản "phí giải ngân" với tổng số tiền lên tới khoảng 3 triệu USD và đã bị Hà chiếm đoạt vì trên thực tế tất cả các dự án và các hồ sơ giấy tờ Hà đưa ra đều là giả mạo.
Bài học về sự cả tin
Thực ra, các thủ đoạn lừa đảo bằng dự án như đã nêu trên đều không mới và không quá tinh vi. Song, vẫn nhiều cá nhân và doanh nghiệp mắc bẫy bởi chính sự cả tin đến ngây thơ của họ.
Đại tá Đặng Xuân Khang, Chánh Văn phòng Interpol Việt Nam nhận định, thời gian gần đây tình trạng các đối tượng sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo diễn ra khá nhiều. Các giấy tờ, hồ sơ có dấu má đầy đủ nhưng rất có thể đó là dấu giả. Vì thế, các doanh nghiệp khi giao dịch với đối tác phải tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật Việt
Bộ ba lừa đảo của Nguyễn Trọng Giác hay cặp bài trùng Nguyễn Đăng Cự - Nguyễn Văn Lân sẽ không thể lừa đảo được nếu các cá nhân và doanh nghiệp tìm hiểu xem những người này là ai trước khi rút hầu bao đưa tiền cho chúng. Họ sẽ không thể tin một kẻ đã có 2 tiền án như Lân lại có thể là "cố vấn của Bộ Giao thông Vận tải" hoặc một kẻ chỉ đọc thông mà viết chưa thạo như Nguyễn Đức Lợi lại có thể là "chuyên viên của Ban Vật giá Chính phủ".
Theo quy định của pháp luật Việt
Sự cẩn trọng, trong tất cả mọi trường hợp đều là cần thiết. Bằng không, doanh nghiệp sẽ tự sa chân vào bẫy của bọn lừa đảo, bỏ ra cả trăm tỉ đồng để mua về những tờ giấy lộn...