Nữ tỉ phú giàu nhất nước Mỹ và vụ bê bối Theranos
- Elizabeth Holmes: “Kẻ gây rối” hệ thống y tế thế giới
- Đằng sau thành công của nữ tỷ phú trẻ nhất thế giới không tốt nghiệp đại học
Câu chuyện về Elizabeth Holmes - một trong những tỉ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Y tế Theranos - có rất nhiều điểm tương đồng với những người đi trước như Steve Jobs, Bill Gates, hay Mark Zuckenberg.
Cô xuất thân từ một gia đình trí thức, thành thạo hai thứ tiếng, được nhận vào một trường đại học danh giá nhưng sớm bỏ học để lập nghiệp, nhanh chóng sở hữu một cơ nghiệp trị giá hàng tỉ USD…
Tuy nhiên, cái kết của Elizabeth Holmes lại rất khác biệt: hiện tại, Elizabeth Holmes cùng cựu Chủ tịch Ramesh Balwani đang bị kết tội vì hành vi làm giả chứng từ, cố tình thổi phồng thành tựu của Tập đoàn Theranos để chiếm đoạt gần 700 triệu USD từ các nhà đầu tư.
Con đường khởi nghiệp nhung lụa
Elizabeth Holmes sinh ra tại thủ đô Washington của nước Mỹ vào tháng 2-1984. Lý lịch của cha mẹ cô rất ấn tượng: ông Christian Holmes IV là một viên chức chính phủ đảm trách công việc khắc phục thảm hoạ thiên nhiên khắp nơi trên thế giới, từng giữ rất nhiều chức vụ cao cấp trong bộ máy chính quyền ở Washington, còn mẹ của Elizabeth, bà Noel Daoust là một đại biểu quốc hội.
Chân dung nữ tỷ phú. |
Năm 9 tuổi, Elizabeth và em trai, Christian Holmes V chuyển tới Houston, Texas theo yêu cầu công việc của mẹ. Thiên hướng và tham vọng của Elizabeth đã được thể hiện rất rõ qua bức thư cô bé viết gửi cha sau chuyến “di cư” đầu tiên của đời mình: “Con muốn phát hiện ra thật nhiều điều mới mẻ, những điều nhân loại tưởng như là không thể”. Nhận ra tiềm năng của con gái, ông bà Holmes dồn hết tiền của và công sức vào việc học của con.
Đến tuổi đi học, Elizabeth trở thành học sinh của Trường Trung học liên cấp St. John tại Houston. Trường St. John là một trong những ngôi trường dự bị xuất sắc nhất của nước Mỹ với quá trình chuẩn bị cho học sinh vào đại học kéo dài tới 12 năm. Đa số các học sinh của ngôi trường dành cho giới tinh hoa này đều được nhận vào những trường đại học danh giá như Harvard hay Yale.
Ngay tại ngôi trường từng từ chối con trai của Tổng thống Mỹ Bush Cha - đứa trẻ về sau lại tiếp tục trở thành Tổng thống Mỹ George W. Bush - Elizabeth vẫn là học sinh cưng của các giáo viên và một gương mặt nổi bật trong trường, nhờ vào vẻ ngoài xinh đẹp, nụ cười ấm áp và sự lạc quan không mệt mỏi.
Khả năng và lòng đam mê kinh doanh của Elizabeth bắt đầu khi đang học cấp 3 tại Trường St. John: cô bé tự viết và bán những phần mềm phiên dịch cho một số đại học Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp, cũng giống như rất nhiều bạn bè cùng trường, Elizabeth nhận học bổng của Tổng thống và quyết định theo học khoa Hoá Sinh tại Đại học Stanford - một trong những đại học uy tín nhất nước Mỹ. Elizabeth xuất sắc đến mức ngay khi mới vào trường, cô đã được cấp riêng một khoản tài trợ để nghiên cứu.
Elizabeth nhanh chóng được nhận làm trợ lý phòng thí nghiệm của Giáo sư Channing Robertson - Trưởng khoa Kỹ sư của trường. Hết năm một đại học, Holmes bắt đầu làm việc tại một phòng thí nghiệm của Viện Nghiên cứu Genome ở Singapore. Công việc chính của cô sinh viên Standford tiến hành xét nghiệm cho các bệnh nhân mắc SARS.
Sau đó, Elizabeth được cấp bằng sáng chế cho phát minh đầu tiên của mình: một miếng dán thuốc để bệnh nhân không còn phải uống hay tiêm thuốc nữa. Nhận ra tiềm năng của bản thân, Elizabeth quyết định bỏ học, thuyết phục cha mẹ cho mình vay số tiền ông bà Holmes vốn tiết kiệm cho cô đi học, để khởi nghiệp với Tập đoàn Theranos.
Ảnh hưởng và mối quan hệ của cha mẹ đã khiến con đường khởi nghiệp của Elizabeth có phần trơn tru hơn nhiều người bạn cùng lứa: cô đã kêu gọi được 6 triệu USD tiền đầu tư trong một thời gian ngắn - một thành tích đáng nể với một cô gái 19 tuổi chưa tốt nghiệp đại học.
Hầu hết những nhà đầu tư đều là người quen của gia đình Holmes: Timothy Draper là một người hàng xóm, còn nhà đầu tư Don Lucas là bạn cùng lớp đại học với ông Christian Holmes IV. Don Lucas nổi tiếng với con mắt nhìn người tài và những khoản đầu tư rất đúng chỗ: ông là người đỡ đầu cho ông trùm tư bản người Mỹ Larry Ellison, đồng thời là chủ tịch đời đầu của Tập đoàn Oracle do Larry Ellison sáng lập.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình quyền lực, Elizabeth hiểu tầm quan trọng của uy tín và những mối quan hệ. Chính vì vậy, Elizabeth đã tổ chức tập đoàn của mình theo một cách khác với những người đi trước: thay vì cộng tác với những người bạn đồng trang lứa cùng trường thừa trí thông minh nhưng thiếu kinh nghiệm quản lý và sức ảnh hưởng, cô gái trẻ đã mời những quan chức về hưu cỡ bự tham gia hội đồng quản trị của Tập đoàn Theranos: cựu Ngoại trưởng George Shultz, cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, cựu Thượng nghị sĩ Sam Nunn, bác sĩ tim nổi tiếng kiêm cựu Thượng nghị sĩ Bill Fist… cùng rất nhiều tướng tá quân đội về hưu. Hội đồng quản trị toàn sao này khiến việc huy động vốn cho Theranos càng dễ dàng hơn.
Phiên bản nữ hoàn hảo của các tỷ phú công nghệ
Thay vì bắt đầu thân cô thế cô trong một cửa hàng bán sách như ông chủ Amazon Jeff Bezos, hay một căn phòng xập xệ với ba tấm đệm hơi như ba nhà sáng lập của Airbnb Brian Chesky, Joe Gebbia và Nathan Blecharczyk… Elizabeth xuất phát từ điểm cao không tưởng so với một cô gái 19 tuổi.
Không chỉ rất biết cách chọn người, Elizabeth cũng cực kì xuất sắc trong việc quảng bá bản thân. Cô gái xinh đẹp tự xây dựng mình như một phiên bản nữ của Steve Jobs nói riêng và không ít tỷ phú công nghệ nói chung. Elizabeth chỉ mặc đúng một kiểu quần áo: áo len cao cổ đen và vest cùng màu - một phong cách rất Steve Jobs với sự giản dị rất Mark Zuckenberg.
Cô đọc rất nhiều sách - giống như Bill Gates, và không xem tivi - hệt như người giàu nhất Warren Buffet và tỷ phú sáng chế Elon Musk. Cô có lối sống khoẻ mạnh: ăn chay và uống hỗn hợp sinh tố rau củ, lại giống như Steve Jobs. Elizabeth cũng khéo léo khoe nét nữ tính và trí tuệ của mình qua việc thường xuyên trích dẫn tiểu thuyết của Jane Austen.
Với công chúng nước Mỹ, Elizabeth giống như một phiên bản nữ của rất nhiều tỷ phú công nghệ, nhưng cô trẻ trung hơn Bill Gates, đáng mến hơn Steve Jobs và đặc biệt, Elizabeth rất có lợi thế về ngoại hình - khác hẳn với những tỷ phú mọt sách, không mấy chăm chút đến ngoại hình. Cô có nụ cười tươi sáng, mái tóc vàng luôn được chải mượt và vẻ ngoài rất trẻ so với tuổi thật. Elizabeth còn tự hào rằng mình không hề hẹn hò - một hình mẫu rất phù hợp với phong trào phụ nữ độc lập tại Mỹ.
Thời hoàng kim của Theranos là những năm 2013-2014 - tập đoàn này đã kêu gọi được đến 700 triệu USD tiền đầu tư. Dĩ nhiên, Theranos không chỉ nổi bật nhờ vào một hội đồng quản trị uy tín, hay một nhà sáng lập xinh đẹp.
Tập đoàn mới nổi này được truyền thông và rất nhiều nhà đầu tư đánh giá như là hiện tượng của lĩnh vực xét nghiệm máu với chuỗi phòng thí nghiệm tân tiến liên tục được thiết lập khắp nước Mỹ và doanh thu 70 tỉ USD một năm. Theranos thu hút được sự chú ý cũng nhờ những thành tựu phi thường mà Elizabeth hứa hẹn. Thay vì sử dụng kim tiêm - thứ mà đa số bệnh nhân đều thấy rất sợ - các phòng thí nghiệm của công ty lại sử dụng một que lấy mẫu máu không hề nhọn và gây đau.
Lượng máu mà công nghệ này yêu cầu chỉ bằng 1/100 lượng máu mà công nghệ truyền thống cần. Giá một lần xét nghiệm ở Theranos cũng rất rẻ: chỉ bằng 1/4 giá những phòng khám tư và 1/10 so với giá của những bệnh viện công. Và nổi bật nhất là khác với cách xét nghiệm máu truyền thống, chỉ mất vài giờ là bệnh nhân sẽ nhận được kết quả.
Elizabeth từng không ít lần tâm sự trong nhiều cuộc phỏng vấn rằng tất cả những người phụ nữ trong gia đình cô, từ bà, mẹ, đến chính bản thân Elizabeth đều rất sợ kim tiêm, chính vì vậy nữ doanh nhân này luôn muốn phát minh ra một cách lấy máu không cần dùng đến những cây kim tiêm nhọn hoắt. Trong rất nhiều bài diễn thuyết của mình, Elizabeth đã tự hào gọi công nghệ mới của Theranos là “Edison”.
Tuy vậy, hội đồng quản trị toàn những nhân vật có máu mặt cùng hình ảnh được xây dựng hoàn hảo của Elizabeth đã không lừa được tất cả. Những lời đồn đại bắt đầu nổi lên khi Elizabeth đã khá lúng túng khi trả lời, và dần dần là giữ bí mật tuyệt đối mỗi khi được phỏng vấn cặn kẽ về công nghệ Edison.
Đây là cách nữ tỷ phú trẻ trả lời tờ The New Yorker khi được hỏi về “Edison”: “Một phép thử hoá học được thực hiện để thu được phản ứng hoá học cần thiết, phản ứng hoá học này sau đó được phân tích và kết quả sẽ được thu thập bởi một nhân viên trong phòng thí nghiệm”. Công chúng bắt đầu nghi ngờ, họ không rõ Elizabeth đang giữ bí mật công nghệ của mình, hay thực ra chẳng có công nghệ nào tồn tại để mà trả lời. Dần dần, những cuộc điều tra bắt đầu.
Các nhân viên của tập đoàn y tế Theranos trong giờ làm việc. |
Người đầu tiên từ chối tin tưởng và đầu tư cho Theranos, xui xẻo thay cho Elizabeth Holmes, lại là ông Bill Marris - Chủ tịch Quỹ đầu tư mạo hiểm của Google. Năm 2013, trong một cuộc phỏng vấn với Business Insider, ông Marris cho biết mình đã cử một nhà khoa học thuộc đội ngũ tư vấn chuyên môn của quỹ đầu tư mạo hiểm Google đi thử xét nghiệm máu ở Theranos.
Hoá ra quá trình xét nghiêm không hề như những gì Elizabeth hứa hẹn và ông Marris phát biểu: “Chắc cũng chẳng khó khăn gì để biết là không phải mặt hàng nào cũng như quảng cáo”. Sau đó, vài giảng viên khoa Hoá Sinh của Stanford, có người trong đó từng là thầy cũ của Elizabeth cũng cho rằng công nghệ của Theranos là phi lý và không thể tồn tại.
Cuộc chạm trán định mệnh với phóng viên hai lần đoạt giải Pulitzer
Một trong những người nghi ngờ Theranos nhất chính là phóng viên chuyên mục Sức khoẻ của tờ Wall Street Journal, ông John Carreyrou. Phóng viên hai lần đoạt giải Pulitzer này đã bí mật điều tra Theranos bằng cách bí mật phỏng vấn hàng chục cựu nhân viên - từ những người làm việc trong phòng thí nghiệm cho đến những nhân viên cấp cao hơn. Những câu chuyện của họ đã bóc trần vẻ ngoài lấp lánh của Theranos.
Thì ra, đa số kết quả của các xét nghiệm máu đều không chính xác, thậm chí sai lệch hoàn toàn vì Theranos yêu cầu một lượng máu quá nhỏ từ bệnh nhân. Tồi tệ hơn, thực ra chẳng có thiết bị tối tân hay công nghệ Edison nào cả, và mọi xét nghiệm máu đều được thực hiện bằng những cỗ máy xét nghiệm truyền thống nhan nhản trên thị trường.
Ngay sau khi John Carreyrou cho đăng loạt bài điều tra của mình vào tháng 10-2015, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ đã yêu cầu điều tra Tập đoàn Theranos. Trung tâm Dịch vụ Y tế và Vệ sinh dịch tễ của Mỹ, vốn có nhiệm vụ giám sát các phòng thí nghiệm y tế toàn quốc đã tước giấy phép hoạt động của Theranos. Chỉ trong một năm, tập đoàn trị giá hàng tỉ USD đã phải sa thải đến 40% số nhân viên toàn thời gian của mình và tài sản cá nhân của Holmes bị Tạp chí Forbes đánh giá là “không còn gì”.
Cho dù Theranos vẫn duy trì được một phần hoạt động, nhưng cho tới ngày 17-4-2017, Elizabeth đã phải từ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị và chấp nhận trả lại hết cổ phần trị giá 700 triệu USD của mình, cũng như nộp phạt 500.000 USD. Trong một buổi họp báo mới diễn ra, đến lượt cựu Chủ tịch Ramesh Balwani của Theranos bị kết tội làm giả giấy tờ, thao túng các hoạt động kinh doanh để trục lợi cá nhân và thổi phồng thành tựu của công ty để thu hút vốn đầu tư.
Bản báo cáo của cuộc điều tra được công bố trong buổi họp báo này còn cho biết thêm: “Trong năm 2014, Holmes và Balwani từng báo cáo về việc chuỗi sản phẩm y tế của Tập đoàn Theranos đã được Bộ Quốc phòng Mỹ chọn để phân phối cho quân đội Mỹ chiến đấu tại Afghanistan. Hợp đồng này, theo lời Holmes và Balwani, có giá trị lên tới 100 triệu USD. Trên thực tế, Bộ Quốc phòng chưa bao giờ đưa ra quyết định này, và chiến dịch bán sản phẩm chỉ thu về 100.000 USD”.
Bất chấp những cáo buộc từ phía các nhà đầu tư, thậm chí là nguy cơ bị truy tố trong tương lai, Theranos vẫn phát ngôn: “Tập đoàn Theranos rất hài lòng khi vụ bê bối này đã kết thúc và chúng tôi hy vọng có thể tiếp tục phát triển những công nghệ độc quyền trong tương lai.” Hiện tại, Theranos đang phát triển một công nghệ mới mang tên Phòng Thí nghiệm Tí hon - một thiết bị có khả năng thực hiện nhiều loại xét nghiệm chỉ bằng một mẫu thử.