Nước Mỹ vất vả với làn sóng bạo lực cực đoan

Thứ Tư, 14/04/2021, 08:09
Sự gia tăng hoạt động của hàng loạt tổ chức, nhóm cực đoan đang khiến xã hội Mỹ trở nên bất ổn và luôn phải đối mặt với nguy cơ bùng phát biểu tình bạo lực, chống đối chính phủ, xã hội bất an.


Chiêu bài đưa vào danh sách tổ chức khủng bố

Dù các cuộc biểu tình, tấn công toà nhà Quốc hội Mỹ đã trôi qua được một thời gian, song dư âm của nỗi hoảng loạn và sợ hãi vẫn còn đó. Vì thế, những ngày đầu tháng 4 này, giới chức Mỹ đang nỗ lực tìm cách giải quyết triệt để vấn đề bằng những biện pháp mạnh. Hôm 4-4, hạ nghị sĩ Mỹ Lauren Boebert đã thúc đẩy chỉ định nhóm Antifa vào danh sách các tổ chức khủng bố. Nếu được thông qua, nghị quyết sẽ chỉ định Antifa là một tổ chức khủng bố trong nước, lên án tất cả các hành vi bạo lực của tổ chức và các thành viên của tổ chức này, đồng thời yêu cầu chính phủ liên bang “chống lại sự lây lan của tất cả các hình thức khủng bố trong nước”.

Nữ hạ nghị sĩ Lauren Boebert đang thực hiện chiến dịch đưa Dự luật coi Antifa là tổ chức khủng bố trong nước.

Để minh chứng cho lập luận của mình, bà Boebert đã liệt kê một loạt các sự cố xảy ra trong năm 2020 và 2021, trong đó Antifa có liên quan đến các hành vi bạo lực, bao gồm nhiều vụ bạo lực ở Portland, Oregon. Thậm chí, nữ hạ nghị sĩ còn lưu ý rằng, năm 2016 Bộ An ninh nội địa dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama đã dán nhãn các hoạt động của Antifa là “bạo lực khủng bố trong nước”. Đồng tài trợ dự luật này của hạ nghị sĩ Boebert là 10 thành viên khác của đảng Cộng hoà bao gồm cả hạ nghị sĩ bang Arizona Andy Biggs và hai hạ nghị sĩ bang Texas là Randy Weber, Louie Gohmer.

Antifa là một phong trào phản đối chính trị cánh tả, chống phát xít và chống phân biệt chủng tộc, bao gồm nhiều nhóm khác nhau trên thế giới. Một số nhóm Antifa xác định nguồn gốc của phong trào đấu tranh chống lại phát xít tại châu Âu vào những năm 1920 và 1930. Mark Bray, tác giả của cuốn “Antifa: The Anti-Fascist Handbook”, cho biết phong trào Antifa hiện đại của Mỹ bắt đầu từ những năm 1980 với một nhóm có tên là Hành động chống phân biệt chủng tộc. Các thành viên của nó đã đối đầu với những kẻ đầu trọc theo chủ nghĩa tân Quốc xã ở miền Trung và Tây nước Mỹ.

Hạ nghị sĩ Lauren Boebert.

Đầu những năm 2000, phong trào Antifa hầu như không hoạt động và chỉ nổi lên trở lại trong vài năm gần đây. Nhiều cuộc biểu tình Black Lives Matter trở thành bạo lực vào mùa hè năm ngoái tại Mỹ được cho là do Antifa dàn dựng và mới đây là cuộc tấn công, vây ráp toà nhà Quốc hội tại thủ đô Washington cũng như cuộc đột nhập toà nhà Quốc hội bang Oregon hồi cuối tháng 3. Theo tin từ tờ The New York Times, trụ sở chính của Antifa là ở bang Oregon và những thành viên của nhóm ngày càng có quan điểm chống chính phủ. Họ lập luận rằng, chủ nghĩa độc đoán đang len lỏi trong chính quyền Mỹ hiện tại và nhiệm vụ của Antifa là tìm cách xây dựng "một phong trào thực sự”.

Giống như các phong trào biểu tình khác có từ thời Chiến tranh Lạnh, những người ủng hộ Antifa thường mặc đồ đen, đôi khi che mặt bằng khẩu trang hoặc mũ bảo hiểm để các nhóm đối lập hoặc cảnh sát không thể nhận ra. Họ cũng có một chiến thuật đáng sợ, được gọi là "khối đen" cho phép di chuyển cùng nhau thành một nhóm ẩn danh. Các nhóm Antifa thường sử dụng hình thức tổ chức cộng đồng truyền thống hơn như các cuộc mít tinh và tuần hành phản đối. Những nhóm cực đoan nhất của tổ chức sẽ mang theo vũ khí như bình xịt hơi cay, dao, gạch và dây xích - và họ không loại trừ bạo lực.

Phong trào Antifa tại Mỹ hiện chịu sự chỉ trích của cả cánh tả và cánh hữu. Tuy nhiên, cũng có những mâu thuẫn rõ rệt trong nội bộ chính phủ liên bang xung quanh việc tìm cách giải quyết Antifa. Cụ thể, phe bảo thủ thường có tiếng nói phản đối Antifa, với lý do phong trào này đang tìm cách bóp nghẹt quyền bày tỏ các quan điểm bảo thủ. GS ngành Sử học tại Đại học New York (Mỹ), ông Ruth Ben-Ghiat cảnh báo, phương pháp hoạt động của phong trào Antifa có thể “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến tình hình chính trị nội bộ Mỹ ngày càng rối ren. Nhưng cũng có ý kiến lại cho rằng, hoạt động của Antifa thể hiện sử dân chủ trong nước Mỹ và một số cuộc biểu tình mà Antifa thực hiện trong 2 năm qua lại đem lại lợi ích không nhỏ cho cả đảng Dân chủ và Cộng hoà.

Phương cách tạo bằng chứng

Bình luận thêm về những gì mà nữ nghị sĩ Boebert tuyên bố, hãng ABCNews khẳng định, đây chỉ là một trong những phương cách mà giới chức Mỹ tìm cách đối phó với Antifa. Hiện họ còn đang dùng phương pháp đối kháng, tạo lực lượng đối lập để tiêu diệt phong trào này. Nhưng thực chất, việc đó chỉ càng thể hiện những mâu thuẫn sâu sắc trong lòng nước Mỹ. Hãng ABCNews cho hay, trong nhiều tháng qua, các đặc vụ Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã tuyển dụng một số thủ lĩnh của phong trào Proud Boys để cung cấp cho họ thông tin về các nhà hoạt động của Antifa trước khi có những động thái hình sự tiếp theo. Các thủ lĩnh của Proud Boys được cho là đã cung cấp cho FBI thông tin về các mạng lưới chống đối chính phủ của Antifa, nhất là sự kiện tấn công, vây ráp Điện Capitol.

FBI từng tuyên bố không tìm thấy bằng chứng về việc Antifa tham gia kích động cuộc tấn công Điện Capitol.

Nhà lãnh đạo tư tưởng và nhà tổ chức Joseph Biggs của Proud Boys đã đồng ý cung cấp cho FBI thông tin về vụ việc ở đồi Capitol và các nơi khác trên đất Mỹ. Cuộc gặp đầu tiên giữa hai bên được tiến hành từ cuối tháng 7-2020 tại một nhà hàng. Khi đó, hai đặc vụ FBI đã gặp Biggs. Luật sư của Biggs là J. Daniel Hull cũng xác nhận thông tin này và cho biết, trong vài tuần tới, Biggs sẽ trả lời các câu hỏi tiếp theo qua điện thoại. Một số nguồn tin khác cho hay, Proud Boys đang bị các “cơ quan thực thi pháp luật đang dạy dỗ và dung túng” để giúp họ bóc phốt Antifa.

Được biết trước đó khi điều tra về Antifa, FBI đã không thu được nhiều bằng chứng. Giám đốc FBI Christopher Wray còn thừa nhận rằng không có bằng chứng hay tài liệu gì có thể chứng minh Antifa là nguyên nhân gây ra vụ bạo lực hôm 6-1 tại đồi Capital.

Giới quan sát nhận định, có những lúc, Antifa là vật tế thần phản diện của thời chính quyền Trump đối với phần lớn tình trạng bất ổn xã hội năm 2020 sau cái chết của George Floyd. Hơn 1 năm qua, FBI và Bộ Tư pháp đã mở một số cuộc điều tra về các nhóm cực đoan, tập trung vào việc liệu mọi người có vi phạm luật liên bang bằng cách vượt qua ranh giới bang để thực hiện bạo lực hay không hay liệu có ai trả tiền để đưa những người theo chủ nghĩa chống Pháp thực hiện bạo lực hay không. Nhưng rồi những cuộc điều tra này cũng chẳng đi đến đâu.

Các nhóm của Antifa có không ít lần đụng độ với cảnh sát Mỹ.

Còn về cuộc gặp gỡ giữa Biggs và các đặc vụ, FBI đã không đưa ra bình luận gì hoặc trả lời câu hỏi về việc tại sao cơ quan này phải cố gắng thu thập thông tin về Antifa thông qua Proud Boys. Nhưng có điều là, Biggs không phải là người đầu tiên của Proud Boys cung cấp thông tin cho các cơ quan an ninh. Chủ tịch và lãnh đạo cao nhất Proud Boys là  Enrique Tarrio, trước đâytừng hoạt động bí mật và hợp tác với các nhà điều tra sau khi bị cáo buộc gian lận vào năm 2012. Eric Ward, giám đốc điều hành của Proud Boys tại các bang miền Tây có trụ sở tại Portland, chuyên theo dõi các nhóm thù địch, bày tỏ sự  lo lắng khi biết rằng Biggs đã làm việc với FBI, đặc biệt là vì cơ quan thực thi pháp luật đã “thường xuyên duy trì mối quan hệ thân thiết không thích hợp với Proud Boys”.

Hôm 10-3, Biggs và ba thủ lĩnh khác của Proud Boys đã bị truy tố với tội danh lên kế hoạch và thực hiện một cuộc tấn công phối hợp vào Điện Capitol để ngăn Quốc hội chứng nhận chiến thắng bầu cử của Tổng thống Joe Biden. Ít nhất 20 người khác trong nhóm đã bị buộc tội tại tòa án liên bang với các tội danh liên quan đến bạo loạn trong số khoảng 350 người bị buộc tội cho đến nay.

Mâu thuẫn dai dẳng

Theo The New York Times, Antifa hoạt động theo tư tưởng thiên tả, nhưng không giống với các giá trị thiên tả của đảng Dân chủ Mỹ. Quan điểm của Antifa khó định nghĩa chính xác bởi nhiều thành viên của phong trào ủng hộ tầng lớp dân chúng bị áp bức, phản đối các tập đoàn, tầng lớp tinh hoa vơ vét của cải trong xã hội; trong khi một số khác áp dụng chiến thuật quá khích để phát đi thông điệp. Các nhóm tự nhận là Antifa thường là “vô định hình”, không có cấu trúc chỉ huy chính, không có trụ sở cụ thể, mà chỉ có một số nhóm hoạt động được tổ chức bài bản. Cũng vì đặc điểm này mà chính quyền Mỹ gặp khó khăn khi xử lý nạn bạo lực của các nhóm Antifa.

Một điểm đáng chú ý là vào tháng 8-2017, sau vụ biểu tình đầy tai tiếng của Antifa ở Berkeley (bang California), Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là Nancy Pelosi đã lên án mạnh mẽ hành động bạo lực của Antifa, cho rằng cần phải bắt giam các đối tượng này. Nhưng nước Mỹ vẫn không có hành động cụ thể nào. Hai năm sau, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hoà Mark Green đã đề xuất một dự luật tương tự như dự luật của nữ hạ nghị sĩ Boebert, kêu gọi đưa Antifa vào danh sách tổ chức khủng bố trong nước.

Trong dự luật của mình, ông Green cũng nêu tên các hành vi bạo lực cụ thể từ năm 2017, 2018 và 2019 do các cá nhân và nhóm liên kết với Antifa thực hiện. Đáng tiếc là dự luật đó chưa bao giờ được bỏ phiếu. Các nhà phân tích cho rằng, lý do của việc dự luật bị không nhận được nhiều sự chú ý là bởi Hạ viện thời điểm đó do đảng Dân chủ kiểm soát. Còn lần này, khi bà Boebert đưa ra, ông Green cũng không phải là người đồng bảo trợ.

Về phía chính quyền Washington, theo CNN, hồi tháng 5 năm ngoái, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã đăng trên tài khoản Twitter cá nhân đòi gắn mác “khủng bố” đối với Antifa nhưng bị các quan chức Mỹ lên tiếng phản đối với lý do, chính phủ không thể vi phạm Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp (được thông qua năm 1791), vốn để bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí. Luật pháp Mỹ chỉ cho phép gắn mác “khủng bố” lên các tổ chức nước ngoài do thành viên tham gia các tổ chức đó không được bảo vệ bởi Hiến pháp Mỹ.

Tiếp đó, ông chủ Nhà Trắng lại muốn tìm giải pháp xử lý mạnh tay bằng cách cáo buộc Antifa “châm ngòi bạo lực”, yêu cầu phải chịu trách nhiệm trước hàng loạt các vụ biểu tình bạo lực thời gian gần đây (cướp bóc, đốt, đập phá...) trên khắp nước Mỹ nhưng cuối cùng vẫn không thực hiện được.

Do đó, cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra về việc đưa Antifa vào danh sách khủng bố như đề xuất lần này, trong đó nhấn mạnh liệu đây có phải là cách giải quyết vấn đề hay cũng vẫn chỉ là hình thức để xoa dịu tình hình hiện nay của nước Mỹ. Antifa hay Proud Boys hoặc các nhóm khác tựu trung lại vẫn là sự mâu thuẫn của xã hội Mỹ. Thời điểm này, chính quyền tận dụng nhóm này, thời điểm khác chính quyền hợp tác với nhóm khác. Thực tế nước Mỹ đã ghi nhận và điều đó được cho là thể hiện khá rõ trong những động thái của chính phủ hai năm qua. Lần này, người dân Mỹ lại nín thở chờ đợi câu trả lời từ chính sự lựa chọn của các nghị sĩ.

Ngọc Khuê
.
.