Pakistan: Mafia khai thác trẻ ăn xin

Thứ Năm, 20/06/2013, 13:35

Đối với nhiều tín đồ Hồi giáo Pakistan, viếng đền thờ và cho tiền những người ăn xin được coi là hành động làm phúc luôn đi đôi với nhau. Những đền thờ Hồi giáo nằm rải rác khắp đất nước Pakistan luôn thu hút những đội quân ăn xin đông đảo, đặc biệt là trẻ em, và những người hành hương cho tiền họ để cầu mong được thánh thần lắng nghe những lời cầu xin của mình.

Tuy nhiên, việc làm từ thiện của người viếng đền đã vô tình khơi dậy lòng tham của những kẻ chuyên sống bằng nghề chăn dắt, tạo môi trường hình thành một lực lượng mafia, đẩy hàng ngàn đứa trẻ vào cuộc sống nô lệ kiếm tiền cho bọn chúng.

Mohammed Ali, người sáng lập tổ chức từ thiện Roshni Helpline, cho biết trẻ em Pakistan bị các băng nhóm mafia bắt cóc và buộc đi ăn xin tại các ngôi đền Hồi giáo để mang tiền về cho chúng. Năm 2010, khoảng 3.000 trẻ được báo cáo mất tích ở chỉ riêng thành phố Karachi. Nhiều đứa trẻ trong số đó bị (mafia) đưa đến các ngôi đền ở Pakistan.

Hiện tượng trẻ em ăn xin tại các ngôi đền Hồi giáo trở nên phổ biến đến mức cảnh sát hiếm khi can thiệp và hỏi han chúng từ đâu đến. Những đứa trẻ thể trạng khuyết tật càng thảm hại thì càng gợi lòng thương cảm nơi những người hành hương do đó càng được cho nhiều tiền hơn những đứa lành lặn khác.

Trong một số trường hợp, theo tiết lộ của Mohammed Ali, những đứa trẻ không bị tàn tật cũng bị bọn tội phạm biến thành tàn tật! Mohammed Ali giải thích: "Chúng tôi biết được nhiều trường hợp trẻ con bị cưa mất chi để đi ăn xin. Tóc của chúng cũng bị giật đứt và một mắt bị chọc cho mù. Ý đồ của bọn tội phạm là sử dụng những đứa trẻ bất hạnh để khơi gợi lòng thương cảm của người hành hương mà móc túi họ một cách nhẫn tâm".

Tài xế taxi Mir Mohammed sống với vợ và 3 đứa con ở thành phố Hyderabad, cách Karachi khoảng 1 giờ đường ôtô. Con trai lớn Mumtaz của Mohammed vừa mất tích. Mohammed kể lể: "Thằng bé bị tàn tật nên tôi phải làm mọi thứ cho nó. Sau một lần phải ngồi xe lăn ra đường nó không về nhà nữa. Chúng tôi không biết tìm nó ở đâu nữa. Một số người cho biết Mumtaz bị người lạ đưa lên một chiếc xe kéo. Chắc chắn đó là bọn mafia khai thác trẻ ăn xin. Một đứa như Mumtaz được coi là đắt giá cho bọn chúng.

Chúng tôi đã lùng kiếm khắp các ngôi đền nhưng vẫn không thấy con mình. Các nhân viên tổ chức Roshni Helpline của Mohammed Ali dán ảnh của Mumtaz khắp các ngôi đền và yêu cầu cảnh sát vào cuộc tìm kiếm đứa trẻ mất tích. Nhưng, do tính phức tạp của vấn đề và số lượng đông đảo những ngôi đền Hồi giáo khắp Pakistan cho nên nhiều đứa trẻ mất tích sẽ không bao giờ tìm thấy được.

Mohammed Ali bình luận: "Các băng nhóm tội phạm sẽ chịu sự xử lý của cảnh sát, nhưng vấn đề lớn hơn là đầu óc mê tín dị đoan của người dân. Chúng ta cần dạy cho họ biết rằng không có phúc lợi gì ở việc cho tiền những đứa trẻ ăn xin đứng ở cổng đền. Chúng ta cần đặt ra nhiều câu hỏi và nghĩ đến chuyện những đứa trẻ ăn xin đến từ đâu. Chỉ đến khi đó vấn đề mới được giải quyết".

Vợ chồng tài xế Mir Mohammed và ảnh đứa con bị mất tích.

Ăn xin đang trở thành một ngành kinh doanh béo bở ở Pakistan và người ta dễ dàng nhìn thấy trẻ em ở đủ mọi độ tuổi lang thang ăn xin trên khắp các đường phố vào cả ngày lẫn đêm. Đây là vấn đề buồn thảm của một đất nước có hàng triệu người đang sống trong nghèo đói. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, khoảng 49% trong 180 triệu dân Pakistan đang sống trong nghèo đói.

Ăn xin không chỉ để kiếm tiền mà còn để nộp tiền hàng tuần hay hàng tháng cho bọn trùm mafia kiểm soát nhiều khu vực trong các thành phố lớn ở Pakistan. Ở thành phố Rawalpindi thuộc tỉnh Punjab, miền Bắc Pakistan, rất nhiều trẻ em dưới 12 tuổi đi ăn xin cho bọn trùm mafia. Cậu bé Mukhtiar, 12 tuổi, ăn xin ở khu trung tâm mua sắm Saddar ở Rawalpindi cho biết tiền ăn xin dành để nộp cho các "thekedar" - tức là trùm băng nhóm mafia - và cho cảnh sát nếu không sẽ bị đánh đập rồi trục xuất khỏi khu vực. Các bậc cha mẹ để cho con cái đi ăn xin có thể bị ngồi tù đến 5 năm và phạt tiền đến 50.000 rupee (khoảng 500 USD) ở Pakistan song cảnh sát và giới luật sư cho biết hiếm khi có sự buộc tội nào xảy ra.

Edhi Foundation, một trong những tổ chức từ thiện lớn nhất ở Pakistan, cho biết họ không thể dành sự ủng hộ đặc biệt nào cho những người ăn xin bởi vì họ quá đông. Faisal Edhi, thành viên lãnh đạo của tổ chức, nói với phóng viên AFP: "Đôi khi cảnh sát thu gom đến 1.500 người ăn xin trong một ngày và giao cho các nhà mở nhưng chúng tôi không có khả năng cưu mang số lượng người đông như thế. Ăn xin thật sự đang trở thành một nghề kiếm ăn ở Pakistan".

Các mạng lưới tội phạm ép buộc trẻ em hành nghề ăn xin để kiếm tiền cho chúng gọi là Beggar mafia. Bọn chúng bắt cóc hay mua trẻ em từ bọn buôn người rồi cưa chân tay các em để đẩy ra đường ăn xin. Thậm chí, để chắc chắn những đứa trẻ nạn nhân này không bỏ trốn, bọn mafia còn dùng ma túy để gây nghiện. Trẻ ăn xin có thể kiếm được 600 rupe (khoảng 6 USD) một ngày hay nhiều hơn thế, trong khi làm những công việc tay chân suốt ngày chưa chắc gì được trả đến mức đó.

Haroon Yahya, sĩ quan cảnh sát ở Rawalpindi, cho biết những vụ bắt giữ trở nên vô nghĩa bởi vì ăn xin "là nghề kiếm tiền quá dễ dàng đến mức người ta không sợ bị bắt giữ hay tống giam. Phần đông những người ăn xin hành nghề theo nhóm và bảo vệ lẫn nhau". Theo Haroon Yahya, cảnh sát cũng triệt phá được nhiều băng nhóm Beggar mafia song không lâu sau đó chúng lại gây dựng nhóm trở lại

Diên San (tổng hợp)
.
.