Pakistan nằm ngoài chiến lược mới của Mỹ ở Afghanistan: Lòng tin bị đánh cắp

Thứ Hai, 28/08/2017, 13:22
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chiến lược đối với Afghanistan với không ít chỉ trích “hắt hủi” Pakistan, Pakistan đã triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia đối phó cảnh báo của Mỹ. Rõ ràng, chiến lược mới của Mỹ chưa rõ có làm thay đổi tình hình ở Nam Á hay không, nhưng nó ngay lập tức gây ra căng thẳng.

Sự hoài nghi đã lên tới đỉnh điểm

Theo tiết lộ của 2 quan chức Mỹ với hãng tin Reuters, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét việc đưa ra cách tiếp cận cứng rắn hơn với Pakistan như cắt nguồn viện trợ, xem xét tư cách thành viên ngoài NATO... Nhà Trắng có kế hoạch gây sức ép với Pakistan để họ tăng cường việc trấn áp các tổ chức khủng bố trong và ngoài biên giới nước này tiến hành tấn công vào Afghanistan.

Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ tỏ ra nghi ngờ về triển vọng thành công của cách tiếp cận này. Họ đặt câu hỏi rằng liệu việc kết hợp chính sách “cây gậy và củ cà rốt” có thể khiến Islamabad thay đổi hành vi? Ngày 22-8, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng, Pakistan phải có cách tiếp cận khác đối với vấn đề khủng bố và Washington sẽ cân nhắc các khoản hỗ trợ cho Islamabad dựa trên những kết quả trong vấn đề này.

Phát biểu trước báo giới tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Tillerson nhấn mạnh đã có sự xói mòn về lòng tin khi nhiều nhóm khủng bố được trú ẩn bên trong Pakistan để có thể lên kế hoạch và tiến hành các vụ tấn công nhằm vào binh sĩ, cũng như giới chức Mỹ, phá hoại những nỗ lực hòa bình tại Afghanistan. Vì vậy, Pakistan phải có cách tiếp cận khác, và Mỹ sẵn sàng giúp Islamabad tự bảo vệ mình trước các tổ chức khủng bố.

Ông Tillerson cảnh báo vị thế của Pakistan, một đồng minh quan trọng của Mỹ ngoài Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), có thể bị hoài nghi nếu Islamabad tiếp tục cho phép các phần tử cực đoan ẩn náu. Pakistan hiện là 1 trong 16 nước đang hưởng quy chế đồng minh chủ chốt ngoài NATO, trong đó cho phép một sự hợp tác quân sự chặt chẽ.

Lính Mỹ tham gia các chiến dịch ở Afghanistan. Ảnh: WION.

Theo tài liệu của Mỹ, Pakistan đã giúp đỡ Taliban từ khi lực lượng này nổi lên hồi năm 1993, dùng lực lượng này để cản trở ảnh hưởng của Ấn Độ. Nhiều người theo Taliban tại Afghanistan đã có những hoạt động kinh doanh và có những bất động sản tại Pakistan. Con cái của những người này theo học tại các trường đại học của Pakistan.

Pakistan từ lâu đã kêu gọi đàm phán hòa bình giữa những người theo Taliban và chính quyền Kabul để những người Taliban có thể trở về Afghanistan như là một giải pháp chính trị. Mỹ và NATO đã tỏ ra nghi ngờ hành động này của Pakistan. Tuy nhiên, để chống khủng bố, Pakistan vẫn có một lợi thế để đối chọi lại Mỹ nếu như Mỹ chống họ kịch liệt. Đó là nước này cung cấp con đường trên bộ độc đạo phục vụ cho công tác cung ứng của các lực lượng quân sự Mỹ tại Afghanistan. Pakistan đã từng sử dụng lợi thế này của họ hồi năm 2011 khi cắt đứt tuyến vận tải này của Mỹ khi quan hệ giữa Pakistan với Mỹ trở nên sóng gió.

Tờ Thời báo Tài chính cho rằng, Islamabad có thể sẽ lại sử dụng chiêu này với Mỹ trong tương lai nếu tình hình quan hệ giữa 2 nước trở nên tồi tệ.

Giận dữ trong lo lắng

Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc sẽ duy trì quân đội Mỹ như đã cam kết ở Afghanistan khiến Afghnistan vui mừng, nhưng lại gây ra sự “bực bội” ở Pakistan. Pakistan đã bày tỏ thất vọng trước tuyên bố trên, đồng thời bác bỏ những cáo buộc rằng nước này đang hỗ trợ khủng bố.

Cuối ngày 22-8, Bộ Ngoại giao Pakistan ra tuyên bố nhấn mạnh cam kết chống chủ nghĩa khủng bố, đồng thời nói rằng những lời cáo buộc Pakistan đang dung túng cho các phiến quân là “nhận định hoàn toàn sai lầm”, và rằng giải pháp quân sự không phải là điều khả thi, “chỉ có các giải pháp đàm phán chính trị của người Afghanistan, do người Afghanistan dẫn đầu mới có thể đem lại hòa bình bền vững cho Afghanistan”.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pakistan ngày 24-8 nêu rõ: không có quốc gia nào trên thế giới phải chịu nhiều tổn thất do khủng bố như Islamabad. Do đó, Pakistan vô cùng thất vọng khi chính sách của Mỹ đã phớt lờ những hy sinh lớn của Islamabad trong nỗ lực này.

Khẳng định nước này tham gia đầy đủ vào nỗ lực chống khủng bố toàn cầu, tuyên bố nhấn mạnh Pakistan không cho phép việc sử dụng lãnh thổ nước này để chống lại quốc gia khác và Mỹ nên hợp tác với Pakistan để loại bỏ chủ nghĩa khủng bố thay vì dựa vào phát ngôn sai lệch như vậy. Bộ Ngoại giao Pakistan cùng ngày thông báo Ngoại trưởng nước này Khawaja Mohammad Asif sẽ sớm thăm Mỹ.

Ngày 23-8, Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi đã nhóm họp Hội đồng An ninh quốc gia gồm các tướng lĩnh quân sự cấp cao nhằm đối phó với chiến lược mới của Mỹ ở Afghanistan. Dù Thủ tướng Abbasi chưa có tuyên bố chính thức nào về những tuyên bố này, song Ngoại trưởng Pakistan Khawaja Asif cho rằng Mỹ không nên coi Pakistan như “vật tế thần” cho những thất bại trong cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan. Các tướng lĩnh cho rằng, Pakistan muốn có sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau hơn là các khoản trợ cấp của Mỹ.

Một chuyên gia phân tích nhận định, kể từ sau khi xảy ra vụ khủng bố 11/9, Pakistan luôn có cảm giác lo sợ Ấn Độ giành được ưu thế về ngoại giao và kinh tế tại Afghanistan, trong đó có các dự án cơ sở hạ tầng và các dự án viện trợ trị giá hơn 2 tỷ USD. Đó là lý do vì sao quân đội Pakistan duy trì những mối quan hệ với các lực lượng quân sự Hồi giáo, không chỉ với Taliban mà còn với cả các nhóm quân sự tham gia cuộc chiến tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. 

Tiến sĩ Hassan Askari Rizvi phân tích, nếu chiến lược mới của ông Trump được thực hiện một cách vội vã, thì chắc chắn sóng gió lớn trong quan hệ giữa Mỹ và Pakistan sẽ nổi lên và căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ cũng như Afghanistan sẽ leo thang.

Ngoài nhân tố Ấn Độ, theo nhận định của giới phân tích, lời cảnh cáo của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Pakistan có thể hủy hoại mối quan hệ giữa Washington và Islamabad, đẩy Pakistan xích lại gần Nga, Trung Quốc và Iran hơn, đồng thời cản trở các nỗ lực ổn định khu vực.

Hoa Huyền
.
.