Peru: Chiến tranh ma túy bùng phát

Thứ Ba, 13/07/2010, 11:45
Những cánh đồng trồng coca (dùng để điều chế cocaine) đang phát triển mạnh trở lại trong thời gian gần đây trong những thung lũng nhiệt đới hẻo lánh của Peru và nhanh chóng biến quốc gia miền Tây Nam Mỹ này trở thành nơi xuất khẩu coca lớn nhất thế giới, vượt qua cả Colombia.

Các cartel ma túy nổi tiếng của Mexico và Colombia hiện đang vươn vòi bạch tuộc đến Peru, nơi mà cả hai phe của phiến quân Shing Path đang đối đầu để giành quyền kiểm soát lĩnh vực trồng cây coca bất hợp pháp.

Brazil và những quốc gia châu Âu khác - đang nỗ lực trong cuộc chiến đẫm máu giành quyền lợi từ ma túy ở Peru và từ đó làn sóng bạo lực càng lan rộng trong quốc gia đang còn bị  ám ảnh khủng khiếp bởi những năm tháng chiến tranh này. "Cuộc chiến chống cocaine ở Peru chẳng khác nào như  chiến đấu với bóng ma", tướng Juan Zarate, người chỉ huy các chiến dịch bài trừ cocaine, nói.

Peru hiện nay là một trong những điểm nóng trong cuộc chiến chống ma túy ở Mỹ Latinh được Mỹ tài trợ (bắt đầu cách đây 4 thập niên và mới đây Chính phủ Colombia nhận được khoản tài trợ hơn 5 tỉ USD của Mỹ). Khi các lực lượng chống ma túy ổn định thành công ở một địa phương này, thì không lâu sau đó coca lại được chuyển sang trồng tràn lan ở những nơi khác thuộc  dãy Andes.

Như trường hợp đã xảy ra trong thập niên 90, thế kỷ XX các cánh đồng trồng coca được chuyển đến Colombia sau khi Peru và Bolivia thành công với những chiến dịch triệt phá những cánh đồng này ở nước họ. Mới đây nhất là trường hợp những người trồng coca ở Peru đã di chuyển đến hàng chục địa điểm mới khác bên trong Colombia sau khi những cánh đồng của họ bị máy bay rải hóa chất tiêu diệt.

Các chuyên gia về chiến tranh chống ma túy gọi đây là "hiệu ứng bong bóng" - có nghĩa là bong bóng sẽ phình ra ở chỗ khác khi chỗ này bị ép lại. Và bây giờ "hiệu ứng bong bóng" - và những hậu quả của nó đang thể hiện hết sức rõ nét trong những vùng thung lũng ở miền Trung Peru.

Hồi tháng 4/2010, một phe cánh của phiến quân Shining Path đã lên tiếng nhận trách nhiệm về 10.000 cái chết trong hơn 20 năm qua (từ năm 1980), tức khoảng thời gian chúng gây chiến tranh với chính quyền Peru, vụ sát hại 2 đặc vụ bài trừ ma túy và một sĩ quan cảnh sát ở miền Trung nước này.

Trong thập niên 70 - giai đoạn mà việc sử dụng cocaine được coi là bất hợp pháp ở Peru và chính quyền chính thức cấm phát triển mới những cánh đồng coca trong nước - bọn tội phạm ma túy Colombia bắt đầu làm bùng nổ một hướng làm ăn mới, đó là xuất khẩu lá coca của Peru đến những phòng điều chế cocaine ở nước ngoài. Về sau phiến quân Shaning Path tập trung sức mạnh bảo vệ những điền chủ trồng cây coca trong nước, củng cố tiếng tăm quốc gia trồng coca hàng đầu thế giới.

Trong thập niên 90, Tổng thống Alberto Fujimori cho quân đội tấn công mạnh phiến quân Shining Path và thu hẹp đáng kể những diện tích đất trồng coca. Nhưng trong thời gian gần đây những cánh đồng coca lại lan tỏa trở lại ở Peru. Jacinta Rojas, 45 tuổi, người trồng coca gần Tingo Maria, nói: "Coca giúp chúng tôi nuôi sống những đứa con".

Rojas cũng cho biết coca có thể thu hoạch được 5 lần trong một năm - so với trồng những loại cây khác như cacao chỉ thu hoạch được 1 hay 2 lần trong năm! Hiện thời thị trường buôn lậu cocaine của Peru nở rộ nhộn nhịp tại Tingo Maria - một tỉnh từng bị lao đao sau khi cây coca ở đây bị triệt hạ hồi thập niên 90.

Trong những ngày này, hàng đoàn xe taxi nối đuôi nhau rong ruổi khắp những con đường ở Tingo Maria, qua lại những khách sạn nhỏ và nhà hàng để phục vụ tận tình những điền chủ coca - được dân địa phương gọi là những "cocalero". Trong khi nghề trồng cây coca ăn nên làm ra ở miền Trung Peru thì tình hình ở Colombia ngược lại - nơi đây diện tích đất trồng cây coca đã giảm 18% năm 2008, theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc.

Để so sánh thì ở Peru, ngành trồng trọt coca tăng 4,5% trong năm 2008. Diện tích đất trồng cây coca cũng đang tăng ở Bolivia cho dù quốc gia này còn đứng ở vị trí thứ 3 về sản xuất loại cây trồng bất hợp pháp này. Theo các chuyên gia chống ma túy ở Lima, thủ đô Peru, nước này đã qua mặt Colombia trong xuất khẩu cocaine.

Theo chuyên gia phân tích an ninh Jaime Antezana ở Đại học Công giáo Peru, mặc dù Colombia trồng cây coca nhiều hơn Peru song chính quyền nước này đã tịch thu được khoảng 198 tấn cocaine trong năm 2008, so với chỉ có 20 tấn bị tịch thu ở Peru. Điều đó có nghĩa là Peru thoải mái xuất khẩu 282 tấn cocaine, hơn khả năng xuất khẩu của Colombia khoảng 50 tấn.

Antezana nói: "Nếu xu hướng trồng cây coca như hiện nay tiếp tục phát triển mạnh, Peru có thể vượt qua Colombia để trở thành nhà sản xuất lá coca lớn nhất thế giới vào năm 2011 hay 2012, đưa nước này trở lại thời hoàng kim của ngành này trong thập niên 80".

Trong tháng 5/2010, R. Gil Kerlikowske, cố vấn chính sách ma túy hàng đầu của Tổng thống Obama, đã thông báo một kế hoạch chống ma túy và nhấn mạnh sự ngăn ngừa và chữa cai nghiện ở Mỹ. Chính quyền Mỹ đã cam kết hỗ trợ 71,7 triệu USD cho cuộc chiến chống ma túy ở Peru trong năm 2010, hơi cao hơn so với mức tài trợ năm ngoái là 70,7 triệu USD. Peru sử dụng một phần số tiền tài trợ của Mỹ để mua những trang bị bảo hộ chống mìn do phiến quân Shaning Path gài ở Tingo Maria. Một phần số tiền khác được chính quyền Peru dùng để thuê các nhà thầu an ninh tư nhân của Mỹ, như là DynCorp, nhằm duy trì những cuộc tuần tra thường xuyên bằng trực thăng trên khu vực Tingo Maria.

Tướng Horacio Huivin, chỉ huy lực lượng cảnh sát chống ma túy của Peru, nói: "Chúng ta bị rơi vào vòng luẩn quẩn, bởi vì chúng ta đang tấn công cây coca tại chính  những nơi nó đã từng bị triệt phá trong năm  ngoái hay năm trước đó"

Di An (tổng hợp)
.
.