Pháp: “Siêu cớm” bị bắt giữ vì dính líu tới tội phạm

Thứ Tư, 26/10/2011, 17:30

Một vài cảnh sát cao cấp của Pháp tại Lyon và Grenoble đã dính líu vào một vụ bê bối lớn trong quan hệ giữa các đại diện giữ gìn luật pháp và những tên trùm buôn lậu ma túy. Thông tin đáng chú ý trên chỉ được công luận biết đến sau khi những lời buộc tội được chính thức đưa ra chống lại "siêu cớm" nổi tiếng tại Lyon là Michel Neyret, người từng nổi danh là "một chiến sĩ đấu tranh quên mình với mafia".

Bộ trưởng Nội vụ Claude Gueant đã phải gọi vụ bê bối này là "một cơn sốc kinh hoàng đối với lực lượng cảnh sát quốc gia", đồng thời khẳng định, sẽ có những biện pháp trừng trị nghiêm khắc nếu như các cáo buộc được chính thức xác nhận.

Theo các phương tiện truyền thông đại chúng Pháp, đối tượng tình nghi chính trong vụ bê bối trên là Michel Neyret, một quan chức cảnh sát cao cấp, nhân vật thứ hai trong Cơ quan điều tra hình sự Lyon. Tay chỉ huy cảnh sát này bị cáo buộc một loạt các tội danh như rửa tiền, vi phạm bí mật nghề nghiệp, quan hệ với các trùm buôn lậu ma túy và thế giới tội phạm v.v…

Thông tin trên đã trở thành một cú sốc đối với rất nhiều người, do Neyret - từng được tặng thưởng huân chương "Lê dương danh dự" vì những thành tích trong cuộc chiến chống lại tội phạm có tổ chức - vẫn được nhìn nhận như một anh hùng tại thành phố lớn thứ hai của nước Pháp. Giới luật sư vẫn mệnh danh Neyret là "một công bộc vĩ đại của nhà nước cộng hòa".

Thông tin về những chiến công của ông ta thường xuyên xuất hiện trên báo chí. Với vai trò một cố vấn, Neyret còn tham gia vào quá trình quay bộ phim tài liệu "Les Lyonnais" nói về cuộc chiến chống tội phạm tại Lyon trong những năm 1970-1980.

Cơ quan tổng thanh tra của Cảnh sát Pháp (vẫn được mệnh danh là "cảnh sát của cảnh sát") bắt đầu để mắt tới hoạt động của "người hùng" Neyret từ tháng 11/2010. Khi đó, các nhà chức trách đã tịch thu được hơn 110 kilogram cocain được chuyển tới từ Colombia. Cảnh sát đã nghi ngờ số hàng lớn trên đã được vận chuyển thành công dưới sự bao che của ai đó.

Các dấu vết đã dẫn các điều tra viên tới Lyon, nơi họ đã tổ chức nghe trộm điện thoại của một vài thủ lĩnh hàng đầu trong giới tội phạm. Tên tuổi của Michel Neyret thường xuyên được nhắc tới trong những cuộc điện đàm này. Tại một cuộc điện thoại, quan chức cảnh sát này còn hứa hẹn sẽ "thưởng" cho nguồn tin của mình 10 kg gai dầu (một loại cây làm nguyên liệu sản xuất ma túy). 

Hóa ra, những thành công vang dội của "siêu cớm" tại Lyon đều có cái giá của nó. Thay vì niêm phong và tiêu hủy lượng ma túy thu được, Neyret lại dùng chúng để thưởng cho các nguồn tin hoặc thậm chí còn đem ra bán lại.

Neyret bên cạnh số lượng ma túy lớn thu được tại Lyon.

Còn có một cáo buộc khác (được gọi là tham nhũng thụ động), theo đó Neyret đã nhận tiền mặt và quà cáp từ các đại diện của thế giới tội phạm. Quan chức cảnh sát này được bao những kỳ nghỉ tại Maroc, Senegal và nhiều nơi khác ở nước ngoài; được cung cấp những xe hơi sang trọng như Ferrari và Rolls Royce khi nghỉ mát tại Pháp. Hiện nhà chức trách cũng đang kiểm tra các tài khoản của Neyret tại Thụy Sĩ.

Neyret trên thực tế đã thừa nhận một số cáo buộc nhằm vào mình, tuy nhiên ông ta không cho mình là người phạm tội. Vụ án của "siêu cớm" tại Lyon đang gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông đại chúng Pháp. Quan chức cảnh sát này còn nhận được sự bênh vực của không ít đồng nghiệp, một số chẳng ngại phát biểu trước báo chí.

Như theo Daniel Guichard, một cựu quan chức cao cấp của cảnh sát, Neyret có đủ cơ sở để biện minh cho những hành động được tiến hành với mục đích chống tội phạm. "Trong lịch sử, tất cả những cảnh sát kiệt xuất đều có tiếp xúc với thế giới tội phạm,  do họ chẳng thể nào nhận được thông tin đánh giá nếu chỉ dựa vào các nguồn tin thông thường" - Guichard khẳng định.

Một quan chức cảnh sát khác là Georges Morea cũng phụ họa theo khi cho rằng, để có thể hoạt động hiệu quả, cảnh sát cũng cần phải làm "hoen ố" mình. "Tôi không biết, Michel Neyret đã đi quá xa đến mức nào, nhưng rất có khả năng ông ấy đã quá mức trong trò chơi với lửa - Morea nhận xét, đồng thời tỏ ra tin tưởng rằng "siêu cớm" của thành Lyon đã hành động trong khuôn khổ các sứ mạng của mình - Chẳng lẽ lại phải bị khiển trách do nhận quà để có thể xâm nhập vào thế giới tội phạm".

Thật ra theo giới báo chí, Cảnh sát Pháp trước đây vẫn có "tiền lệ" dùng một phần hàng hóa buôn lậu thu giữ được để thưởng cho các nguồn tin, trong đó thậm chí có cả các chất ma túy. Tuy nhiên, biện pháp trên đã bị cấm hoàn toàn kể từ năm 2004.

Nhưng ngay cả khi lý lẽ được nhiều quan chức cảnh sát đưa ra để bênh vực Neyret có thể lý giải phần nào về mặt luật pháp, "siêu cớm" này rất khó có thể trốn tránh được trách nhiệm. Theo một số nguồn tin thân cận trong cơ quan điều tra, mục đích làm giàu cá nhân trong vụ này là quá rõ ràng, tay quan chức cảnh sát trên đã bị "hạ gục" chỉ vì quá tin tưởng vào bản thân mình.

Ngoài Neyret ra còn có 4 cảnh sát khác bị bắt giữ cùng thời điểm tại Grenoble, trong đó có một người cũng từng được coi là "siêu cớm" tại thành phố của mình. Cũng nhờ việc nghe trộm các cuộc điện thoại với Neyret, người ta mới rõ Christoph Gava và tay chỉ huy phó của ông ta cũng biết về chuyện chi trả cho các nguồn tin bằng cây gai dầu.

Vai trò của họ trong vụ án trên hiện vẫn đang được làm rõ. Cho dù vụ bê bối trên có kết cục như thế nào, nhưng phương pháp đấu tranh của các quan chức cảnh sát xuất sắc nhất của Pháp với mafia chắc chắn sẽ gây ra nhiều thắc mắc và chỉ trích của xã hội. Cụ thể theo ý kiến của các chuyên gia, vụ bê bối này có thể là một đòn nghiêm trọng giáng vào uy tín của các cơ quan hành pháp, cũng như chính sách an ninh của đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.