Phạt nặng lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy

Thứ Năm, 18/03/2021, 11:20
Bắt đầu từ 0h ngày 15-3, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) trên toàn quốc triển khai Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người điều khiển xe. Kế hoạch này sẽ được tập trung thực hiện đến hết ngày 31-12-2021.


Rạng sáng 15-3, trên nhiều tuyến quốc lộ ở địa bàn khắp cả nước, nhiều tổ CSGT lập chốt kiểm tra nồng độ cồn và ma túy. Giữa những ánh đèn loang loáng, mặc sương đêm rơi đẫm vai áo, các CSGT tập trung cao độ để phát hiện những dấu hiệu bất thường từ những chiếc xe ô tô đang lăn bánh trên đường.

Tại tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, trong khoảng 1 tiếng đầu triển khai, CSGT đã kiểm tra trên 50 lượt phương tiện ô tô. Hầu hết các tài xế đều cơ bản chấp hành nghiêm phương châm “Đã uống, rượu bia - Không lái xe” và có kết quả xét nghiệm âm tính với ma túy.

Tuy nhiên, sau đó tổ công tác đã phát hiện một lái xe ở Thanh Hóa vi phạm nồng độ cồn. Anh này thú nhận vừa nhậu một chầu với bạn bè và trên đường trở về Thanh Hóa mà không nghĩ rằng lái xe lúc rạng sáng cũng có thể bị xử phạt. Người lái xe này đã bị tổ công tác xử phạt 7 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 11 tháng, tạm giữ phương tiện 7  ngày.

Cán bộ, chiến sĩ Cục CSGT và Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kiểm tra ma túy và nồng độ cồn đối với lái xe tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Phương Thủy

Trước đây, từ khi triển khai xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, ý thức người dân khi lái xe có sự thay đổi tích cực.

Đa phần người dân đã tránh uống rượu trước khi lái xe. Anh Trần Thanh Thế ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Trước đây tôi hay uống rượu, dù có chừng mực nhưng cũng cảm thấy không an toàn khi ôm vô lăng. Từ khi CSGT xử phạt nghiêm, tôi dừng hẳn uống rượu. Chỉ ngày nghỉ không phải lái xe thì tôi mới dám tụ tập bạn bè, gia đình và uống chút rượu. Còn ngày thường, nếu buộc phải tiếp khách thì tôi đi taxi, vừa an toàn, vừa tránh bị phạt. Chứ với mức độ xử lý vi phạm như hiện nay thì lái xe có thể bị phạt tới cả chục triệu như chơi, mà còn bị tước bằng lái, ảnh hưởng rất lớn đến công việc, sinh hoạt. Bởi vậy, mọi người nên chấp hành nghiêm quy định”.

Theo lãnh đạo Phòng Hướng dẫn công tác tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT, Bộ Công an, tình hình trật tự an toàn giao thông còn nhiều diễn biến phức tạp, bởi vậy, việc kiểm soát, xử lý người vi phạm nồng độ cồn, có sử dụng ma túy điều khiển phương tiện giao thông là đặc biệt cần thiết.

Trọng tâm của đợt ra quân là chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để góp phần kiềm chế, giảm tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn, ma túy. Đối tượng kiểm tra, xử lý bao gồm cả lái xe mô tô, ô tô con, ô tô chở khách, ô tô tải, xe container, xe ôtô kéo rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc...

Các khu vực kiểm tra nồng độ cồn và ma túy được tập trung chủ yếu tại các tuyến giao thông chính trong đô thị, các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, các tuyến vận tải hành khách du lịch, hàng hóa, các tuyến thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông; địa bàn gần nơi xe xuất phát, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi, khu vực quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn, khu vực phức tạp về an ninh, trật tự, ma túy...

Trong quá trình làm việc, lực lượng CSGT được ghi nhận bằng hình ảnh từ các trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được cấp phép, đặc biệt là camera mini gắn trên người CSGT để ghi lại toàn bộ hình ảnh nhằm công khai minh bạch. Trong trường hợp người vi phạm không chấp hành việc đo nồng độ cồn, xét nghiệm nhanh ma túy thì hình ảnh đó sẽ giúp lực lượng chức năng có căn cứ để xử lý theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, khi xử lý các tài xế sử dụng chất ma túy, nồng độ cồn, CSGT sẽ kiểm tra, rà soát trong cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính để phát hiện các trường hợp tái phạm, áp dụng xử phạt tình tiết tăng nặng theo quy định.

Từ các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm trên thực tế của lực lượng CSGT sẽ góp phần răn đe, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của người dân. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng sẽ phát hiện nhưng tồn tại, bất cập và kiến nghị biện pháp quản lý, đào tạo lái xe để đảm bảo sự an toàn khi lưu thông trên đường.

Theo thống kê của Cục CSGT, trong năm 2020 lực lượng CSGT đã xử phạt 185.323 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (tăng 1,42% so với năm 2019); 1.410 lái xe dương tính với ma túy (tăng 59,50% so với năm 2019). Trong tháng 1-2021, CSGT xử phạt 22.884 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn; 247 trường hợp vi phạm về ma túy. Trong tháng 2-2021, xử phạt 22.544 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn và 102 trường hợp vi phạm ma túy... 

Ngày đầu ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy (15-3), lực lượng CSGT trên toàn quốc xử lý 7.388 trường hợp vi phạm, phạt tiền 7,1 tỉ đồng, tạm giữ 59 xe ô tô, 139 xe mô tô, tước 667 giấy phép lái xe, trong đó có 604 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 2 trường hợp dương tính với ma túy.
Thư Kỳ
.
.