Phe đối lập Syria: Rối như canh hẹ

Thứ Tư, 02/10/2013, 06:45

Chia rẽ, mâu thuẫn, bất đồng quan điểm là những nét chung nhất của lực lượng phiến quân đối lập đa thành phần và hỗn tạp. Những trận chiến tranh giành khu vực kiểm soát trong nhiều tuần lễ gần đây, và đặc biệt là tuyên bố "ly khai" của các nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan, thánh chiến càng làm cho tình hình thêm rối ren, một cú đòn giáng vào chính sách của Mỹ đối với Syria.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 25/9, 11 nhóm phiến quân Syria đã tuyên bố không thừa nhận ban lãnh đạo đang lưu vong của phe đối lập nữa để tách ra thành lập một liên minh riêng biệt tiếp tục theo đuổi cuộc chiến chống Chính phủ Syria. Dẫn đầu cuộc "ly khai" này là nhóm Jabhat al-Nusra - có quan hệ mật thiết với Al-Qaeda, vốn đã bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố, là nhóm hung hãn nhất, đã liên kết với tổ chức thánh chiến ở Iraq, mang tên Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIL) hồi đầu năm nay.

Al-Nusra do Abu Mohammed al-Jolani, một chỉ huy của ISIL, thành lập từ đầu năm 2011, khi bắt đầu nổ ra các cuộc biểu tình, bạo động chống Chính phủ, đã từng thừa nhận có mối liên kết với Phó tướng Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri (nay là chủ tướng).

Theo sau al-Nusra là hàng loạt nhóm phiến quân theo quan điểm cực đoan khác, như Lữ đoàn Tawheed - nhóm lớn nhất trong thành phần Quân đội Syria tự do (FSA) đóng tại thành phố Aleppo; Liwa al-Islam - nhóm phiến quân chủ chốt ở thủ đô Damascus; và Ahrar al-Sham - nhóm chiến binh Hồi giáo Salafi lớn nhất tại Syria. 11 nhóm phiến quân "ly khai" họp nhau lại, tạm lấy tên là Liên minh Hồi giáo (vì chưa có tên gọi chính thức). Liên minh Hồi giáo này tuyên bố chiếm 75% lực lượng phiến quân chiến đấu chống Chính phủ Syria.

Các nhóm phiến quân giờ đây đã quay mũi súng chống nhau.

Ngay sau khi hay tin 11 nhóm phiến quân tuyên bố "ly khai", tướng Salim Idriss, đứng đầu Hội đồng Quân sự tối cao (SMC) - át chủ bài của Mỹ trong lực lượng đối lập Syria - đã rút ngắn chuyến thăm Paris và trở về Syria để cố gắng thuyết phục các nhóm phiến quân thay đổi ý định. Sau đó, người phát ngôn của 11 nhóm ly khai khẳng định các nhóm này chỉ không thừa nhận các lãnh đạo chính trị, chứ không từ bỏ SMC của tướng Idriss. Tuy nhiên, đó chỉ là tuyên bố, còn trên thực tế, giữa các nhóm Hồi giáo cực đoan do al-Nusra dẫn đầu với lực lượng phiến quân còn lại đang có những mâu thuẫn gay gắt trong chiến lược chiến đấu.

Các nhóm Hồi giáo đang quyết tâm đóng vai trò chủ đạo trong cuộc chiến chống Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Từ nhiều tháng qua, al-Nusra và các nhóm Hồi giáo liên tục có những hành động quyết liệt chống lại các nhóm địa phương nhằm giành lấy quyền kiểm soát các khu vực chiếm được từ tay Chính phủ. Kết quả các cuộc chiến đó thường là các nhóm Hồi giáo, các nhóm lớn giành phần thắng, các nhóm nhỏ, vì nhu cầu tồn tại, tiếp tục chiến đấu, đã phải đi theo, sáp nhập vào các nhóm lớn.

Gần đây, thêm nhiều cuộc đụng độ tiếp tục xảy ra, các nhóm Hồi giáo cực đoan ngày càng thiện chiến và hầu như chiếm ưu thế áp đảo trước các nhóm phiến quân địa phương, mới nhất là việc ISIL đánh chiếm thị trấn Azaz thuộc tỉnh Aleppo, xua Lữ đoàn Bão Phương Bắc ra khỏi địa bàn kiểm soát. Ngoài ra, ISIL còn tạo ra hàng loạt cuộc đụng độ khác tại các thành phố như Raqqah, Deir el-Zour và một số thị trấn nhỏ ở miền Đông Syria, thu phục nhiều nhóm phiến quân địa phương.

Theo giới quan sát, việc 11 nhóm Hồi giáo sau khi tách ra khỏi phe đối lập đã giáng một đòn khá mạnh vào chính sách của Mỹ đối với Syria. Chính quyền Obama hầu như bị bất ngờ trước vụ việc vừa xảy ra. Ngoại trưởng John Kerry trong cuộc gặp với Chủ tịch Liên minh đối lập Syria Ahmad al-Jarba đêm 24/9 đã hoàn toàn không biết gì về vụ việc đang diễn ra tại Syria. Điều đáng quan ngại hơn cả đối với Washington chính là việc hỗ trợ cho phe đối lập sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là nỗ lực đẩy mạnh cuộc chiến lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.

Theo đánh giá của giới quan sát, việc 11 nhóm Hồi giáo ly khai tách ra khỏi lực lượng chung đã tạo ra một tình huống khó khăn là phe đối lập chỉ còn kiểm soát một nhúm phiến quân ít ỏi (25% còn lại), bao gồm các nhóm nhỏ, không đủ sức tiếp tục chiến đấu theo mục tiêu ban đầu đã định. Điều đó đã tạo ra những bất lợi về mặt tổ chức và lực lượng cho phe đối lập, tạm thời tạo thuận lợi cho quân đội Chính phủ Syria.

Mặt khác, 11 nhóm Liên minh Hồi giáo đã tuyên bố trước báo giới là sẽ chống lại mọi thỏa thuận đã ký kết giữa Mỹ và Nga cũng như các quyết định sắp tới của cộng đồng quốc tế. Al-Nusra và các nhóm chủ chốt tuyên bố với báo giới rằng việc tách ra thành lập liên minh riêng, và các cuộc đụng độ giành quyền kiểm soát các khu vực chiếm được ở Bắc và Đông Syria là những hành động "phản kháng" của các nhóm Hồi giáo do bất mãn việc Mỹ và phương Tây không tiếp tục thực hiện kế hoạch tấn công Syria vừa qua, không tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ vũ khí, can thiệp quân sự nhằm giúp phiến quân giành lại ưu thế.

Tuy nhiên, cho dù muốn thì Mỹ cũng không thể thực hiện được điều mà các nhóm Hồi giáo đòi hỏi, vì Washington không thể hỗ trợ cho các lực lượng mà họ gọi là khủng bố được.

Hành động của các nhóm phiến quân Hồi giáo ly khai diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Nga đang nỗ lực thúc đẩy việc tổ chức một hội nghị hòa bình về Syria tại Geneva như đã định, đặt ra cho các lãnh đạo Nga-Mỹ thêm vấn đề cần phải xem xét, tính toán trong kế hoạch, dự trù chương trình nghị sự.

Giới quan sát cho rằng, một hội nghị hòa bình như dự kiến cần phải tính đến nguyện vọng của các nhóm phiến quân đang nắm ưu thế trong thành phần đối lập, nếu không, các nỗ lực hòa bình nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria sẽ gặp rất nhiều khó khăn

Văn Trương (tổng hợp)
.
.