Cuộc chiến chống tội phạm ma túy sinh ra những... nữ sát thủ

Thứ Năm, 01/09/2016, 21:15
Philippines đang sôi sục trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy do Tổng thống Rodrigo Duterte khởi xướng và cả thế giới đang dõi theo đà gia tăng của tính hung bạo cho đến nay làm thiệt mạng hơn 2.000 người - trong đó 756 người được cho là bị cảnh sát giết bởi kháng lệnh bắt giữ. Ít ai biết đến sự tồn tại của một đội nữ sát thủ do hoàn cảnh nghèo khó mà họ phải nhận lệnh giết người. Bây giờ họ không còn đường thoái lui nữa.

Khi tiếp xúc với một sát thủ đã bắn chết 6 người, không ai nghĩ đó là một phụ nữ trẻ tuổi vóc dáng nhỏ bé đang bế con nhỏ. Maria (không phải tên thật) và chồng sống trong một khu phố nghèo ở Manila, thu nhập không ổn định cho đến khi chồng cô nhận làm "công việc" cho cảnh sát.

Maria hiện đang thực hiện những vụ giết người theo hợp đồng với chính quyền, bình thản tiết lộ về công việc đáng sợ của mình: "Tôi bắt tay vào công việc đầu tiên của tôi cách đây 2 tháng. Mọi việc bắt đầu khi chồng tôi nhận được lệnh từ cảnh sát phải thủ tiêu một con nợ không thể trả nợ, đồng thời là một tay buôn bán ma túy. Đây là công việc mà chồng tôi thường xuyên phải làm cho đến khi tình hình có sự thay đổi với nhiều thách thức hơn. Có một lần, họ cần một phụ nữ… và chồng tôi đã đưa tôi đến với công việc này. Khi tôi nhìn thấy mục tiêu, tôi tiếp cận và bắn anh ta. Tôi thực sự cảm thấy sợ hãi và căng thẳng khi lần đầu tiên giết người. Ông chủ trực tiếp ra lệnh cho chúng tôi là một sĩ quan cảnh sát".

Tổng thống Rodrigo Duterte.

Vào một buổi chiều, vợ chồng Maria được thông báo rằng nhà của họ đã bị lộ. Họ phải vội vã dọn đi ngay. Cuộc chiến chống ma túy đầy bạo lực này đem lại cho Maria thêm việc làm, nhưng cũng thêm nhiều rủi ro chờ chực cả gia đình họ. Họ kiếm được khoảng 20.000 pesos, tương đương 430 đôla Mỹ cho một vụ, chia cho ba hoặc bốn người trong nhóm. Đối với những người có thu nhập thấp ở Philippines, số tiền này là cả một gia tài.

Maria là thành viên đội sát thủ nữ được chính quyền đánh giá cao do họ dễ dàng tiếp cận mục tiêu mà không mảy may bị nghi ngờ. Sau khi nhậm chức tổng thống hôm 30-6-2016, Rodrigo Duterte bắt đầu kêu gọi người dân và cảnh sát giết chết những tên buôn lậu ma túy kháng lại lệnh bắt giữ.

Tổng thống Duterte đã phát đi thông điệp rõ ràng: trong chiến dịch tranh cử, ông hứa hẹn sẽ giết chết 10.000 tên tội phạm buôn lậu ma túy chỉ trong 6 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ đồng thời đặc biệt cảnh báo: "Đừng hủy hoại đất nước của tôi, bởi vì tôi sẽ giết chết các người".

Tổng thống Duterte phát động chiến dịch tiêu diệt hàng loạt tội phạm ma túy sau khi loại ma túy đá (methamphe tamine) hay còn gọi là "shabu" trở nên phổ biến ở Philippines. Ma túy đá được tiêu thụ mạnh ở những khu ổ chuột đồng thời đem lại thu nhập cao cho dân nghèo vì rẻ tiền, dễ sản xuất và gây nghiện nhanh. Loại ma túy này được bán lẻ trên đường phố ở Philippines giá khoảng 1.000 peso/gram (22USD).

Maria không dám lộ nhân dạng.

Có thể nói Philippines là "ngôi nhà của những phòng thí nghiệm" quy mô sản xuất hàng tấn ma túy và sau đó được phân phối khắp châu Á. Tổng thống Duterte mô tả ma túy đá đã trở thành trận dịch nguy hiểm gây nghiện cho hàng triệu công dân trẻ tuổi nước này. Duterte cũng ra lệnh trừng phạt 150 sĩ quan cao cấp và thẩm phán có dính líu đến mạng lưới buôn lậu ma túy. Các xác chết được phát hiện gần như mỗi đêm trong những khu ổ chuột của Manila và các thành phố khác.

Bên cạnh những xác chết là tấm giấy ghi dòng chữ cảnh báo những người khác chớ nên dính líu đến ma túy. Cuộc chiến của Tổng thống Duterte diễn ra ở những nơi nghèo nhất Philippines và những người khốn khổ như Maria được chính quyền thuê dụng để giết người.

Ở Tondo, khu ổ chuột gần cảng Manila, phần đông người dân hoan nghênh cuộc chiến của Tổng thống Duterte. Họ chỉ trích "shabu" làm gia tăng tỷ lệ tội phạm và hủy hoại cuộc sống người dân mặc dù cũng lo ngại những vụ săn giết tội phạm có thể vượt tầm kiểm soát hay người vô tội có thể bị giết nhầm.

Một trong những người bị đội nữ sát thủ của Maria đang săn đuổi là Roger (không phải tên thật). Roger bắt tay với những sĩ quan cảnh sát tham nhũng để tuồn ma túy tịch thu trong những cuộc càn quét ra thị trường đen. Trong vài ngày, Roger phải di chuyển chỗ ở để tránh bị phát hiện. Roger đánh giá khoảng 30% đến 35% dân số trong khu ngoại ô của anh bị nghiện ma túy đá.

Cảnh sát trưởng Ronald dela Rosa.

Maria tỏ vẻ hối tiếc vì chấp nhận làm công việc của một sát thủ: "Tôi cảm thấy tội lỗi và căng thẳng đầu óc. Tôi không muốn gia đình của những người đã bị tôi giết chết ám ảnh tôi". Maria cũng lo ngại về suy nghĩ của những đứa con.

"Tôi không muốn chúng nói rằng chúng sống nhờ vào đồng tiền giết người". Đứa con trai lớn của Maria cũng nghi  ngờ về khoản tiền nhiều bất thường mà cha mẹ chúng kiếm được. Maria vẫn còn một vụ phải thực hiện và hy vọng đây sẽ là lần cuối cùng cô làm nghề này. Cô rất muốn từ bỏ công việc khủng khiếp này song "ông chủ" của cô đe dọa sẽ giết chết bất cứ ai muốn rời khỏi đội sát thủ.

Maria cảm thấy như mình đã bị sa vào bẫy của chính quyền. Maria thường xuyên đến nhà thờ để xưng tội song lại không dám hé lộ về công việc của mình. "Chúng tôi chỉ nói về mục tiêu và kế hoạch thực hiện. Khi mọi chuyện đã xong, chúng tôi không bao giờ nói đến nữa”.

Cuộc chiến chống ma túy và "truy sát" những kẻ dính vào ma túy ở Philippines có vẻ như đang được nâng lên một tầm mức bạo lực cao hơn sau tuyên bố của Cảnh sát trưởng Ronald dela Rosa. Tuyên bố được ông Ronald dela Rosa đưa ra trong một bài phát biểu trước hàng trăm con nghiện ra đầu thú ở miền trung Philippines ngày 25-8 và được phát trên truyền hình ngày 26.

"Tại sao các bạn không tới gặp chúng, đổ xăng vào nhà chúng và châm lửa đốt để cho chúng thấy sự phẫn nộ của các bạn"- ông Ronald dela Rosa nói- "Chúng đang hưởng thụ đồng tiền của các bạn, đồng tiền phá hủy não các bạn. Các bạn biết bọn trùm ma túy là ai. Các bạn có muốn giết chúng? Hãy đi đi! Các bạn được phép giết chúng vì các bạn là nạn nhân".

Nhưng ngay sau đó, dường như nhận ra mình đã quá "hăng máu" nên Ronald dela Rosa nhanh chóng lên tiếng xin lỗi về phát biểu của mình và biện bạch rằng ông nói thế vì "cảm xúc bột phát". "Lúc đó tôi đang đứng trước những con người nghèo khổ, những người bán lẻ ma túy và những người sử dụng ma túy, họ trông như thây ma. Tôi rất tức giận, đó là lý do tại sao tôi nói như thế", ông nói với các phóng viên.

Cùng ngày, khi được hỏi liệu tổng thống có ủng hộ lời kêu gọi giết và đốt nhà kẻ buôn ma túy, phát ngôn viên Tổng thống Ernesto Abella phủ nhận, cho biết đây chỉ là ý định của cảnh sát trưởng. "Tổng thống Duterte chưa từng kêu gọi như vậy. Đây chỉ là thông báo đầy nhiệt huyết mang tính cá nhân", Abella trả lời báo giới.

Agnes Callamard, báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc, nhận định chỉ đạo này "tương đương với kích động bạo lực và giết chóc, một tội danh theo luật quốc tế". Tuy nhiên, ông Duterte và Dela Rosa khẳng định rằng, những gì họ đang làm là hoàn toàn đúng luật.

D.A.- M.Q. (tổng hợp)
.
.